Công tác cán bộ, xây dựng TCCSĐ vùng đồng bào dân tộc Khmer ở Sóc Trăng
Năm 2010, với tinh thần đề cao trách nhiệm, đổi mới nội dung, cách làm, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo thực hiện khá đồng bộ, có hiệu quả công tác cán bộ, đảng viên và xây dựng TCCSĐ nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer.
Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh Sóc Trăng đã chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bố trí, sắp xếp cán bộ Khmer vào vị trí phù hợp với chức danh đã được quy hoạch. Nhờ vậy, tỷ lệ cán bộ người dân tộc Khmer tham gia cấp uỷ và giữ các chức danh chủ chốt các cấp tăng so với nhiệm kỳ trước.
Tại đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 có 270 cán bộ Khmer được tín nhiệm bầu vào BCH đảng bộ xã, phường, thị trấn (đạt tỷ lệ 11,99% , tăng 75 đồng chí và tăng 0,85% so với nhiệm kỳ trước), trong đó có 73 đồng chí được bầu vào ban thường vụ, 8 đồng chí được bầu giữ chức bí thư, 18 đồng chí được bầu giữ chức phó bí thư (đạt tỷ lệ 8,57%, tăng 5 đồng chí và tăng 2,44% so với nhiệm kỳ trước); có 45 đồng chí giữ chức chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND xã, phường, thị trấn.
Ở cấp huyện, có 41 cán bộ Khmer được tín nhiệm bầu vào BCH đảng bộ huyện, thành phố khoá mới (đạt tỷ lệ 8,3%, tăng 11 đồng chí và tăng 1,16% so với nhiệm kỳ trước), trong đó, có 13 đồng chí được bầu vào ban thường vụ huyện uỷ, thành uỷ (đạt tỷ lệ 9,22%, tăng 9 đồng chí  và tăng 5,91% so với nhiệm kỳ trước); 3 đồng chí được bầu giữ chức bí thư huyện uỷ và có 7 đồng chí giữ chức chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND huyện.
Ở cấp tỉnh, có 9 cán bộ Khmer được bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh khoá XII (chiếm tỷ lệ 16,36%, tăng 8 đồng chí  và tăng 14,32% so với đầu nhiệm kỳ 2005-2010); 1 đồng chí được bầu vào ban thường vụ tỉnh uỷ; 12 đồng chí giữ chức trưởng, phó các sở, ban, ngành và tương đương.
Công tác phát triển đảng viên là người dân tộc Khmer được cấp uỷ các cấp quan tâm chỉ đạo và đạt yêu cầu về số lượng, chất lượng. Từ đầu năm 2010 đến nay, các cấp uỷ đảng trong tỉnh đã kết nạp 343 đảng viên người dân tộc Khmer (chiếm 14,02% so với tổng số đảng viên được kết nạp), trong đó có 3 đảng viên là chức sắc tôn giáo, nâng tổng số đảng viên người dân tộc Khmer của toàn Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lên 3.539 đồng chí (chiếm 12,78% so với tổng số đảng viên).
Công tác xây dựng, củng cố TCCSĐ và đội ngũ đảng viên ở nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer cũng được các cấp uỷ coi trọng. Chất lượng sinh hoạt của cấp uỷ, chi bộ từng bước được nâng lên, nội dung sinh hoạt hướng vào những vấn đề cụ thể, thiết thực và gắn với thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đánh giá chất lượng TCCSĐ nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer năm 2010, có 43/47 TCCSĐ đạt TSVM, chiếm 91,49% (tăng 7,77% so với năm 2009) và 4/47 TCCSĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chiếm 8,51%, không có TCCSĐ yếu kém.
Những kết quả trên đã góp phần tích cực vào công tác nhân sự của tỉnh Sóc Trăng trong lựa chọn ứng cử viên tham gia bầu cử đại biểu quốc hội khoá XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Đến nay, có 3/12 cán bộ, đảng viên người dân tộc Khmer ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XIII và 17/89 người dân tộc Khmer ứng cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016, trong đó có 8 đồng chí là cấp uỷ viên tỉnh. Đối với các huyện, xã, phường, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer, phấn đấu đạt tỷ lệ đại biểu HĐND là người dân tộc Khmer ít nhất từ 15% trở lên.
Để không ngừng củng cố TCCSĐ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer, thời gian tới các cấp uỷ đảng tiếp tục tập trung hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Kế hoạch số 07-KH/BTCTU ngày 22-1-2008 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ (về quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc Khmer và Kế hoạch số 10-KH/BTCTU ngày 20-2-2008 của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ về củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống chính trị cơ sở nơi có đông đồng bào dân tộc, tôn giáo). Tăng cường cán bộ có năng lực, tâm huyết về công tác tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đồng thời, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở vùng có đông đồng bào Khmer.  
Với những giải pháp đã đề ra, tin rằng trong thời gian tới đội ngũ cán bộ người dân tộc Khmer và TCCSĐ nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống sẽ có bước phát triển mới về nhiều mặt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất