Đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân ở huyện Lâm Thao (Phú Thọ)
Người dân xã Hợp Hải phát biểu ý kiến tại Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân huyện Lâm Thao.

Là huyện đồng bằng của tỉnh Phú Thọ, huyện Lâm Thao có 14 đơn vị hành chính (trong đó có 12 xã, 2 thị trấn), dân số trên trên 104.000 người. Đảng bộ huyện có 34 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với trên 6.700 đảng viên.

Trên cơ sở nhận thức “nước lấy dân làm gốc”, xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân với phương châm “hướng về cơ sở, lắng nghe, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân”, các cấp ủy, chính quyền trong huyện đã phát huy dân chủ, tích cực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân thông qua việc đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong điều hành, quản lý và cải cách hành chính của chính quyền các cấp; phát huy vai trò, hiệu quả của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tổ chức và phát động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Quyết định số 2080-QĐ/TU ngày 10-9-2014 về “Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân”, theo đó Ban Thường vụ Huyện ủy xác định “việc tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân là một trong những kênh thông tin quan trọng, là cầu nối giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân; làm tốt hoạt động đối thoại với nhân dân sẽ giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền nắm được tình hình tư tưởng, dư luận xã hội để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề thực tiễn nhân dân đang quan tâm, giảm việc khiếu nại, tố cáo và đơn, thư vượt cấp của người dân; đồng thời huy động được sức dân vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Huyện ủy Lâm Thao đã chủ động hướng dẫn, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai, thực hiện Quyết định 2080-QĐ/TU đến toàn thể cán bộ, đảng viên thông qua hội nghị cấp ủy mở rộng, sinh hoạt chi bộ với tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập đạt 95%; chỉ đạo Đài Truyền thanh – Truyền hình  huyện và đài truyền thanh xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền toàn văn nội dung Quyết định 2080-QĐ/TU của Tỉnh ủy và các văn bản của địa phương đến đông đảo các tầng lớp nhân dân. 

Để việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân bảo đảm đúng mục đích, đạt hiệu quả, chất lượng, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các đảng ủy xã, thị trấn đưa kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại vào chương trình công tác hằng năm; xây dựng nội quy, quy chế đối thoại; xây dựng kế hoạch đối thoại hằng năm, thông báo thời gian đối thoại đến đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân qua hệ thống truyền thanh và các cuộc họp khu dân cư; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân thông qua mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, bí thư, trưởng khu dân cư; tổng hợp kết quả tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương và những vấn đề cần xin ý kiến của nhân dân. Kết thúc hội nghị đối thoại cấp cơ sở, thường vụ cấp ủy cơ sở phải tổ chức họp, rút kinh nghiệm, giao đơn vị chuyên môn có hướng giải quyết và báo cáo cấp ủy huyện về các ý kiến, kiến nghị thuộc cấp huyện giải quyết.

Quán triệt hướng dẫn, kế hoạch của Ban Thường vụ Huyện ủy, từ năm 2015 đến nay cấp xã, thị trấn trong toàn huyện đã tổ chức được 60 hội nghị đối thoại định kỳ với trên 8.200 lượt người tham dự; cấp huyện tổ chức được 4 hội nghị đối thoại với 870 lượt người tham dự.

Tại các hội nghị đối thoại, cấp cơ sở đã nhận được 520 ý kiến, cấp huyện đã nhận được 14 ý kiến; các ý kiến của người dân tập trung về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác vệ sinh môi trường ở khu dân cư, về sản xuất nông nghiệp, giao thông nội đồng, kênh mương tiêu thoát nước, bảo đảm an toàn giao thông, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức xã,… Các ý kiến của nhân dân tại các hội nghị đã được người đứng đầu cấp ủy, chính quyền kịp thời trả lời, giải quyết (92% tổng số ý kiến của nhân dân được trả lời và giải quyết trực tiếp tại hội nghị cấp cơ sở; 100% số ý kiến của nhân dân tại hội nghị cấp huyện được trả lời và giải quyết).

Ngoài việc tổ chức các hội nghị đối thoại định kỳ hằng năm, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã chủ động việc tổ chức các hội nghị đối thoại chuyên đề, đột xuất, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư của nhân dân và trả lời về các dự án, giá đền bù, hỗ trợ đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng (các địa phương làm tốt như xã Tứ Xã, thị trấn Lâm Thao,…).

Thông qua việc tổ chức hội nghị đối thoại, các cấp ủy, chính quyền trong toàn huyện đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân, qua đó giải quyết những vướng mắc, khó khăn của người dân; góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của các cấp ủy, tổ chức đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, phát huy việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Từ thực tiễn việc tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân trên địa bàn huyện Lâm Thao trong những năm qua, rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu về bản chất, mục đích, ý nghĩa của hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; tránh nhận thức việc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân như tiếp xúc cử tri. Trước mỗi kỳ tổ chức hội nghị đối thoại, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để thu hút đông đảo nhân dân tham gia hội nghị.

Thứ hai, một trong những yếu tố quan trọng làm nên thành công của các cuộc đối thoại là đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao; bởi vậy, người lãnh đạo phải thường xuyên xuống nắm bắt tình hình thực tiễn tại cơ sở; có tầm bao quát, lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và giải quyết kịp thời các vấn đề trọng yếu của địa phương; không ngừng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức, tác phong, lề lối làm việc.

Thứ ba, tăng cường công tác đối thoại định kỳ, đột xuất của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với các vấn đề lớn, liên quan đến chính sách, đời sống, an sinh xã hội của nhân dân; tiếp tục thực hiện lịch tiếp công dân định kỳ hằng tháng của đồng chí chủ tịch UBND các cấp và cụ thể hóa Quy định số 11-QĐ/TW ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Hằng tháng, giao cơ quan chuyên môn tổng hợp kết quả trả lời và tiến độ, thời gian giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cơ quan chuyên môn báo cáo ban thường vụ cấp ủy.

Thứ tư, phát huy vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong lựa chọn việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của nhân dân vào nội dung chương trình giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Thứ năm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chú trọng việc tổ chức hội nghị đối thoại đột xuất khi xin ý kiến nhân dân về các chủ trương, chính sách lớn của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất