Nhà lãnh đạo cách mạng tài năng, người đặt nền móng cho công tác xây dựng TCCSĐ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho tại Mỹ Lộc, Nam Định - miền quê giàu truyền thống cách mạng và hiếu học, đồng chí Lê Đức Thọ, tên thật là Phan Đình Khải đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh yêu nước khi mới 15 tuổi, được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng khi 18 tuổi, làm Bí thư Chi bộ học sinh và phụ trách công tác thanh niên học sinh. Với tài năng, phẩm chất nổi bật, người chiến sĩ cộng sản Lê Đức Thọ đã sớm trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, người đặt nền móng cho công tác xây dựng TCCSĐ và luôn gắn công tác xây dựng Đảng với việc thực hiện mục tiêu chiến lược của cách mạng trong từng thời kỳ lịch sử.
Đồng chí Lê Đức Thọ cùng các đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân bên lề Đại hội IV (Nguồn: TTXVN).
Suốt những năm tháng dấn thân hoạt động kiên cường, sôi nổi, dù công khai hay bí mật, ngay cả khi ở trong lao tù, đồng chí luôn quan tâm gây dựng TCCSĐ gắn với nâng cao chất lượng đảng viên, coi đây là hạt nhân chính trị ở cơ sở. Trong 6 năm bị lưu đày khổ sai ở Côn Đảo (1930-1936), với vai trò là Bí thư Chi bộ, Thường vụ Chi ủy nhà tù, đồng chí đã góp phần biến Chi bộ nhà tù thành trường học để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tôi luyện ý chí cách mạng, chuẩn bị lực lượng cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng. Những năm 1936-1939, đồng chí là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng ở Nam Định, được giao phụ trách công tác báo chí công khai của Đảng bộ, tích cực gây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng, cùng tập thể cấp ủy Nam Định lãnh đạo phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ của nhân dân. Trong 5 năm (1939-1944) bị giam cầm khắc nghiệt trong lao tù từ Hỏa Lò (Hà Nội) đến Sơn La, Hòa Bình, cuối năm 1943, với vai trò Bí thư Chi bộ nhà tù Hòa Bình, đồng chí đã lãnh đạo thực hiện thành công chủ trương của Thường vụ Trung ương Đảng tổ chức vượt ngục cho nhiều cán bộ đang bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc để tăng cường cán bộ cho phong trào cách mạng, củng cố các cấp ủy đảng(2). Khi ra tù, tháng 9-1944, đồng chí được giao phụ trách công tác tổ chức, huấn luyện cán bộ và công tác bảo đảm bí mật cho An toàn khu của Trung ương. Tháng 10-1944, đồng chí được chỉ định là Ủy viên Trung ương Đảng, trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc kỳ, góp phần chuẩn bị điều kiện để mùa thu lịch sử năm 1945 Đảng ta lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do của dân tộc. Sau Cách mạng Tháng Tám, được phân công phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đồng chí cùng với một số đồng chí lãnh đạo đã giúp Trung ương bố trí, phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.
Năm 1948, đồng chí tham gia Đoàn đại biểu của Đảng và Chính phủ vào miền Nam công tác, được phân công là Trưởng Ban Đảng vụ kiêm Trưởng Ban Dân vận Xứ ủy Nam Bộ, năm 1949 làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí đã dành nhiều tâm huyết trong việc xây dựng hệ thống tổ chức đảng từ Xứ ủy, Trung ương Cục miền Nam đến chi bộ cơ sở, xây dựng các cơ quan chuyên môn của Đảng bộ Nam Bộ. Với quan điểm “Phải xây dựng, củng cố Đảng trong lực lượng vũ trang, trong công an, trong vùng bị địch tạm chiếm, phát triển Đảng phải luôn luôn đi đôi với củng cố Đảng, phải dìu dắt đảng viên mới trong công tác thực tế, phải mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho họ. Phải luôn luôn chăm lo củng cố chi bộ, đề phòng bọn địch chui vào trong Đảng, phá hoại Đảng từ bên trong”(3), đồng chí cùng Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ rà soát đội ngũ cán bộ các khu ủy, tỉnh ủy, Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nắm tình hình xây dựng, củng cố tổ chức đảng; đồng thời, đề xuất một số biện pháp khẩn cấp để chấn chỉnh, kiện toàn ngay lập tức một số cấp ủy đảng vì xác định cấp ủy đảng chính là đầu não của phong trào cách mạng.
Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc, được bổ sung vào Bộ Chính trị phụ trách công tác sửa sai cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Cuối năm 1956, đồng chí được giao nhiệm vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương trong bối cảnh tổ chức đảng gặp nhiều khó khăn, nhiều cơ sở đảng ở nông thôn bị nghi ngờ, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp bị bắt, bị tù đày, nghi oan... Thực hiện chủ trương kiên quyết sửa sai của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương cử cán bộ của Trung ương về địa phương, xuống cơ sở để xin lỗi nhân dân và minh oan cho cán bộ, đảng viên; qua đó từng bước củng cố lại TCCSĐ, khôi phục được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng.
Năm 1963, Đảng phát động cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”. Trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng từ việc tham gia xây dựng nội dung đến việc chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc vận động, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCSĐ. Thay mặt Ban Bí thư, đồng chí đã ký Nghị quyết số 122-NQ/TW ngày 6-7-1965 của Ban Bí thư về “Tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở Bốn tốt”. Đây là văn kiện đặt cơ sở lý luận, quan điểm chỉ đạo và các nội dung cơ bản cho việc đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng chi bộ, đảng bộ cơ sở “Bốn tốt”. Thông qua cuộc vận động, nhiều cấp ủy đảng đã khắc phục việc xem nhẹ công tác xây dựng TCCSĐ, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của TCCSĐ, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện đối với mọi hoạt động ở cơ sở. Ðó là một kinh nghiệm quý còn nguyên ý nghĩa trong chỉ đạo thực tiễn cho đến hôm nay.
Kiến trúc sư của Ngành Tổ chức xây dựng Đảng
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã dành trọn tâm sức, tài năng, trí tuệ cho công tác tổ chức xây dựng Đảng. Những đóng góp quan trọng của đồng chí có ý nghĩa to lớn, mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc. Dù ở đâu, giữ cương vị nào, đồng chí đều được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng, đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (1949-1954), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương giai đoạn 1956-1973 và 1976-1982, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội VI của Đảng… Bằng sự nhạy bén chính trị và kinh nghiệm thực tiễn, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng trong việc hoạch định đường lối, chính sách về công tác tổ chức - cán bộ của Ðảng. Đánh giá về những đóng góp của đồng chí trong công tác tổ chức xây dựng Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Trong các kỳ Đại hội III, IV, V, VI của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ được phân công giữ cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã có công lớn trong việc tham gia soạn thảo xây dựng Điều lệ Đảng, xây dựng quan điểm tư tưởng cách mạng, đấu tranh kiên quyết chống các quan điểm sai trái, đặc biệt là công tác tổ chức - cán bộ. Có thể đánh giá đồng chí Sáu Thọ như một “kiến trúc sư” về lĩnh vực này”(4).
Từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, biên soạn dự thảo các văn kiện Đại hội. Những quan điểm, chủ trương, giải pháp và kinh nghiệm của đồng chí trong công tác tổ chức - cán bộ thể hiện trong các văn kiện đại hội Đảng cho tới nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn. Đồng chí đã đề xuất việc nâng cao, kiện toàn tổ chức, cải tiến chế độ làm việc, phương pháp công tác để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới: “Bảo đảm cho tổ chức Đảng có tính năng động cao, có cơ cấu tổ chức phù hợp, có kỷ luật nghiêm minh và có tác phong chỉ đạo sâu sát”(5). Qua đó, tham mưu cho Trung ương tư tưởng, đường lối chỉ đạo đổi mới tổ chức gắn với đổi mới cơ cấu kinh tế và cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nét trong các văn kiện về xây dựng Đảng được thông qua tại các Đại hội V, VI.
Đồng chí Lê Đức Thọ trình bày Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng tại Đại hội IV.
Trong công tác cán bộ, đồng chí cho rằng, cần tiến hành đổi mới việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí đúng và bảo đảm tính kế thừa trong việc xây dựng đội ngũ cốt cán…, bảo đảm sự vững vàng của Đảng trong mọi tình thế, điều quan trọng nhất khi chuẩn bị nhân sự của Ðảng là phải biết lắng nghe nhiều ý kiến của cán bộ các cấp, không nghe một chiều hoặc ý kiến của một, hai cá nhân. Khi quyết định lựa chọn cán bộ tham gia cấp ủy, tham gia hệ thống chính trị, yêu cầu về chất lượng cán bộ, nhất là tiêu chuẩn đức - tài phải được đặt lên hàng đầu và nhấn mạnh: “Một người cán bộ tốt không thể chỉ có đức hoặc chỉ có tài. Nếu không có đức thì không thể có tài thật sự, hoặc không có tài thì khó mà có đức trọn vẹn. Có đức mà không có tài thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao cho. Có tài mà không có đức thì không thể phục vụ được giai cấp công nhân và nhân dân lao động”(6). Đối với cán bộ trẻ và cán bộ công tác lâu năm, khi đề bạt và sử dụng, đều phải xuất phát từ tiêu chuẩn đức - tài. Đánh giá đúng là cơ sở để đề bạt, bố trí cán bộ vào vị trí phù hợp, có lợi cho công tác của Đảng, Nhà nước, có lợi cho việc rèn luyện, phát triển của cán bộ. Phải biết kết hợp giữa cán bộ công tác lâu năm và cán bộ trẻ để bổ khuyết cho nhau, đồng thời bảo đảm sự chuyển tiếp, kế thừa liên tục, vững vàng của đội ngũ cán bộ. Quan tâm đến công tác cán bộ nữ, đồng chí cho rằng chưa chú ý đầy đủ, chưa thấy hết vai trò, vị trí của cán bộ nữ, nên chưa tích cực bồi dưỡng, mạnh dạn đề bạt, tạo điều kiện cho chị em tiến bộ và: “Muốn giải quyết tốt vấn đề đề bạt và sử dụng cán bộ nữ, chúng ta phải giải quyết tốt những quan điểm sai lệch trên đây và bản thân chị em cũng phải cố gắng nhiều hơn nữa”(7). Đối với việc đề bạt, sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số, đồng chí nhấn mạnh, phải quan tâm đào tạo, mạnh dạn đề bạt, sử dụng cán bộ người dân tộc trong mọi mặt công tác; đấu tranh chống lại các quan điểm lệch lạc, phiến diện, cầu toàn, thiếu tin tưởng ở khả năng của cán bộ. Về cán bộ ngoài Đảng, đồng chí yêu cầu: “Phải phát huy đầy đủ tác dụng của cán bộ ngoài Đảng và mạnh dạn đề bạt, sử dụng những người có đủ đức tài”(8).
Những tư tưởng đó được thể hiện sinh động, nhất quán trong thực tiễn hoạt động của đồng chí, nhất là trong công tác tuyển chọn, đào tạo, điều động, bố trí nhiều lớp cán bộ từ Trung ương tới địa phương. Trong những năm tháng hoạt động tại Xứ ủy Nam Bộ, đồng chí là người đề xuất xây dựng Trường Trường Chinh, mở lớp và trực tiếp huấn luyện, bồi dưỡng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ Nam Bộ vừa có trình độ lý luận chính trị, vừa có thực tiễn đấu tranh cách mạng. Sau Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng chí đã đề xuất và được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị chấp thuận, cho triển khai kế hoạch đưa hàng vạn con em cán bộ miền Nam ra miền Bắc học tập để sau này trở lại miền Nam phục vụ cách mạng. Trong những thập kỷ 60 - 80 của thế kỷ XX, nhiều cán bộ ưu tú ở các ngành, địa phương đã được phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn, đề bạt và trưởng thành, góp phần bảo đảm thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp giải phóng đất nước và hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng, với vai trò Trưởng Tiểu ban nhân sự, đồng chí đã đến từng cơ sở xem xét, cân nhắc thận trọng trước khi giới thiệu cán bộ vào cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt nhân sự để lựa chọn, bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong các kỳ đại hội Đảng.
Những bài học quý đối với Ngành Tổ chức xây dựng Đảng
Đại hội XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm “Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”(9). Nhìn lại sự nghiệp 64 năm hoạt động cách mạng, hơn 20 năm cống hiến cho công tác tổ chức - cán bộ của đồng chí Lê Đức Thọ, những bài học kinh nghiệm đồng chí để lại phải được tiếp tục kế thừa, nghiên cứu sâu sắc đối với mỗi cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu trong tình hình mới.
Thứ nhất, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu của công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Trong suốt quá trình đảm nhiệm công tác tổ chức xây dựng Đảng qua các thời kỳ cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ luôn thể hiện nhất quán quan điểm: mục tiêu, nhiệm vụ của công tác tổ chức xây dựng Đảng là kiên định phục vụ đường lối chính trị của Đảng; xem công tác xây dựng Đảng là then chốt. Trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ là trọng tâm, trong đó cán bộ cấp chiến lược là quyết định, đồng chí nhấn mạnh: “Công tác tổ chức cán bộ đòi hỏi chúng ta phải theo sát tình hình và nhiệm vụ chính trị của Đảng, của mỗi ngành, mỗi địa phương, xem xét phân tích tình hình trên nhiều mặt. Nắm vững đường lối, chính sách của Đảng nhưng lại phải đi sâu, cụ thể, nhất là khi tìm hiểu cán bộ. Nhận xét đánh giá từng người cán bộ không thể chung chung, đại khái, nhưng cũng tránh sa đà vào những việc vụn vặt mà bỏ sót những việc lớn, nhất là đối với cán bộ giữ cương vị phụ trách”(10).
Phải coi trọng kiện toàn cơ quan tham mưu về tổ chức xây dựng Đảng: “Cấp ủy lãnh đạo nhưng hàng ngày theo dõi cán bộ là do bộ phận tham mưu; nếu tham mưu mà làm sai cũng rất nguy hiểm. Bởi vậy, cấp ủy, đảng đoàn phải rất coi trọng kiện toàn cơ quan tổ chức để nó thực sự là cơ quan tham mưu đắc lực cho lãnh đạo”(11). Đồng thời, đồng chí khẳng định, công tác tổ chức rất khó khăn, phức tạp vì liên quan tới con người: “Làm công tác cán bộ đã khó nhưng hiểu cán bộ lại là điều khó hơn, “thức lâu mới biết đêm dài”, nói chung đánh giá cán bộ đúng 70 - 80% cũng là tốt rồi. Bởi vì: trong thực tế đã diễn ra có cán bộ khi chưa có quyền lực thì khác, khi đã có quyền lực rồi thì mới bộc lộ hết khuyết tật; có cán bộ trong điều kiện thuận buồm xuôi gió thì không sao, song khi không được thỏa mãn tham muốn của mình thì lại buồn phiền, bất mãn, oán trách tổ chức”(12).
Thứ hai, người làm công tác tổ chức phải gắn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn.
Đồng chí Lê Đức Thọ cho rằng: “Cần tăng cường công tác nghiên cứu tổng kết để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao dần trình độ lý luận và thực tiễn của đội ngũ cán bộ tổ chức, khắc phục tình trạng sự vụ, kinh nghiệm chủ nghĩa trong công tác tổ chức”(13). Người làm công tác cán bộ phải sâu sát, đánh giá đúng từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, nắm rõ quá trình, kết quả thực hiện nhiệm vụ, ưu điểm, khuyết điểm và triển vọng để đề xuất, kiến nghị chính sách đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí phù hợp; tránh quản lý hời hợt, chỉ đánh giá cán bộ trên hồ sơ, qua những báo cáo chung chung, không nắm chắc phẩm chất, năng lực của cán bộ thông qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh yêu cầu phải bám sát thực tiễn, người làm công tác tổ chức phải chủ động nghiên cứu lý luận dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, nhất là lý luận về công tác tổ chức xây dựng Đảng, những văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan; nhằm không ngừng bổ sung, hoàn thiện phương pháp làm việc đúng đắn, khoa học, tránh chủ quan, duy ý chí, áp đặt, phiến diện; đồng thời phải nghiên cứu các vấn đề về khoa học tổ chức, quản lý nhân lực, lãnh đạo học, tâm lý học,… để hiểu sâu sắc, toàn diện và có giải pháp đúng đắn về công tác tổ chức - cán bộ.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ Ngành Tổ chức xây dựng Đảng công bằng, vô tư.
Trên cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Đức Thọ nhiều lần nhắc nhở: “Làm cán bộ tổ chức có hai điều phải chú ý, đó là công bằng, vô tư; đó là điều quan trọng nhất”(14); “nếu cán bộ tổ chức mà lệch lạc sẽ làm cho nội bộ xáo trộn, lủng củng”(15). Cán bộ tổ chức phải là những người có phẩm chất, tư cách tốt, trung thực, khách quan, vô tư, có tinh thần trách nhiệm và phải có trình độ, năng lực, phương pháp xem xét, đánh giá con người một cách đúng đắn. Trong bài viết “Thực hiện tốt việc đề bạt và sử dụng cán bộ” đăng trên Tạp chí Học tập, số tháng 11-1960, đồng chí chia sẻ tâm huyết với cán bộ tổ chức: “Thấu suốt yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và đánh giá đúng đội ngũ cán bộ của Đảng, thấu suốt đường lối công tác cán bộ trong việc đề bạt và sử dụng cán bộ là vấn đề cần thiết, nhưng chúng ta còn phải giải quyết tốt một số vấn đề khác về nhận thức tư tưởng và phương pháp công tác thì việc đề bạt và sử dụng cán bộ mới có thể mạnh dạn và chính xác được”(16). Theo đó, đồng chí yêu cầu khi xem xét cán bộ phải tìm hiểu một cách toàn diện, bởi ai cũng có khuyết điểm, cần phải xem khuyết điểm nào là căn bản, khuyết điểm nào là phụ; phải biết xét ưu điểm của người cán bộ đó là căn bản hay khuyết điểm là căn bản; cán bộ tổ chức phải luôn nghiêm khắc với bản thân, cơ quan tổ chức phải biết lắng nghe ý kiến, nếu có sai thì phải kiên quyết sửa chữa.
Với những đóng góp quan trọng của mình, đồng chí Lê Đức Thọ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương, danh hiệu vinh dự cao quý khác; Đảng và Nhà nước Liên Xô tặng Huân chương Cách mạng Tháng Mười; Đảng và Nhà nước Căm-pu-chia tặng Huân chương Ăng-co. Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí, thay mặt BCH Trung ương khóa VI, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã khẳng định: “Trong nhiều năm phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Đảng, là lĩnh vực công tác rất khó khăn, phức tạp, đồng chí đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích đối với công cuộc đổi mới hiện nay”(17). Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ luôn là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ cán bộ làm công tác tổ chức xây dựng Đảng noi theo, luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
-----
(1) “Đại hội VI tuyên dương công trạng to lớn vì Đảng, vì dân của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ” (Lê Đức Thọ - Người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo tài năng (Hồi ký), NXB CTQG-ST, H.2011, tr.11). (2), (3) Tô Huy Rứa: “Về những đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ trong công tác tổ chức xây dựng Đảng” (Lê Đức Thọ - Người cộng sản..., sách đã dẫn (sđd), tr.284, tr.285. (4) Lê Khả Phiêu: “Đồng chí Lê Đức Thọ - một nhà chính trị, tham mưu chiến lược tài năng”, báo điện tử Hà Nội Mới ngày 10-10-2011). (5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, tr.797. (6), (7), (8), (16) Lê Đức Thọ: Một số vấn đề về xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa và chống Mỹ, cứu nước, NXB Sự thật, H.1967, tr.119, tr.118, tr.119, tr.113. (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB CTQG-ST, tập II, tr.334. (10) Lê Huy Bảo: “Anh Lê Đức Thọ - Tính kiên định cách mạng và tinh thần đổi mới qua bốn lần chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng” (Lê Đức Thọ - Người cộng sản..., sđd, tr. 328). (11), (14), (15) Lê Đức Thọ, Tăng cường công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, NXB Sự thật, H.1971, tr.76, tr.78, tr.76. (12) Nguyễn Đình Hương: “Nhớ anh Lê Đức Thọ” (Lê Đức Thọ - Người cộng sản..., sđd, tr. 308). (13) Lê Đức Bình: “Vài kỷ niệm nhỏ về người anh lớn của ngành tổ chức” (Lê Đức Thọ - Người cộng sản..., sđd, tr.299). (17) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đọc tại lễ tang đồng chí Lê Đức Thọ ngày 17-10-1990.
TRƯƠNG THỊ MAI
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương