Cách mạng Tháng Tám và khát vọng “ấm no, tự do, hạnh phúc”

Đây không chỉ là khát vọng ngàn đời của dân tộc mà còn là hệ giá trị vô giá, trở thành lẽ sống, lý tưởng phấn đấu, hy sinh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân kiên định thực hiện dưới ánh sáng của Đảng. Cụ thể hóa thành quả cách mạng, ngày 12-10-1945, Người đã ký sắc lệnh số 49, ghi rõ dòng chữ phía dưới Quốc hiệu nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”, thể hiện trọng trách lịch sử, lời hứa danh dự trước quốc dân đồng bào của nhà nước mới sẽ đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho người dân sau bao năm chìm đắm trong đêm trường nộ lệ. Vì vậy, “toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”(2). 

Trong niềm vui phấn khởi của người làm chủ vận mệnh dân tộc, người dân Việt Nam đã từng bước hiện thực hóa thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Song, trước âm mưu xâm lược nước ta, cộng thêm sức mạnh của các nước đế quốc “hiệp lực”, thỏa thuận, ngầm tạo điều kiện thuận lợi để thực dân Pháp quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai, nền độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân “mong manh trước gió”, vận mệnh dân tộc “như ngàn cân treo sợi tóc”! Hưởng ứng chủ trương kháng chiến của Đảng và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc bước vào cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính”, với tinh thần và ý chí “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” chống thực dân Pháp và chân lý sáng ngời “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, để rồi hơn 30 năm sau, nước nhà hoàn toàn độc lập, nhân dân hoàn toàn tự do, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng CNXH. Đây là con đường “duy nhất” mang lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân, “CNXH là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là CNXH"(3).

Nhận thức rõ điều đó, những năm đầu cả nước đi lên xây dựng CNXH, Đảng ta luôn thấm nhuần phương châm: “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”(4), ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách… không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, do chủ quan, nóng vội muốn “tiến nhanh, tiến mạnh lên CNXH”, việc bố trí sai cơ cấu kinh tế, cộng với những khuyết điểm của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp không phù hợp với xu thế phát triển, làm cho tình hình kinh tế - xã hội nước ta rơi vào trì trệ, khủng hoảng. Đất nước đã thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do rồi nhưng đời sống nhân dân vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Cùng lúc đó, hệ thống các nước XHCN trên thế giới lâm vào khủng khoảng. 

Trước yêu cầu cấp thiết của lịch sử đặt ra, Đại hội lần thứ VI năm 1986, Đảng ta đã khởi xướng sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, khẳng định: “đổi mới là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn, trong đó, coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, gắn đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị. Đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội VI phù hợp cả lý luận và thực tiễn: “vật chất quyết định ý thức”, “tồn tại xã hội quyết định ý thực xã hội” và thực tiễn cấp thiết đặt ra phải chăm lo đời sống vật chất cho nhân dân, “có thực mới vực được đạo”. Đại hội lần thứ VI của Đảng có tính chất bản lề, đem lại luồng sinh khí mới, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước ta tiếp tục tiến lên trên con đường Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Đời sống “ấm no, tự do, hạnh phúc” của người dân là thước đo hiệu quả và thành công của đường lối, chủ trương của Đảng. Đó cũng chính là cơ sở, nền tảng, chỗ dựa để nước ta vững vàng bước đi trên con đường đã chọn. Trước sự sụp đổ của Liên Xô và các nước Đông Âu, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, năm 1991, Đảng ta đã chỉ ra 6 đặc trưng về mô hình xã hội XHCN ở Việt Nam, trong đó, dành riêng một đặc trưng đề cập đến cuộc sống nhân dân: “Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân”(5). Đến Đại hội lần thứ X, Đảng ta bổ sung và phát triển: Con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện. Đại hội lần thứ XI tiếp tục khẳng định: Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Đại hội lần thứ XII của Đảng xác định phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người là nền tảng tinh thần “vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển”, tất cả để đạt đến địch cuối cùng đất nước phồn vinh, hạnh phúc “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công băng, văn minh”.

Cụ thể chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã đề ra Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, với tổng số vốn là 41.449 tỷ đồng. Nhà nước cũng dành 44.214 tỷ đồng để thực hiện chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng… Theo Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của Chính phủ, chất lượng cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện rõ rệt; các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo thực hiện và đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm từ gần 10% năm 2015 xuống dưới 3%; Việt Nam đã hoàn thành, về đích trước 10 năm so với Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. 

Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành trước thời hạn gần 2 năm; đến cuối năm 2020 có khoảng 63% xã đạt chuẩn, vượt xa mục tiêu đề ra (50%). Chính sách đối với người có công với nước thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Chính sách bảo trợ xã hội đối với người già, trẻ mồ côi, người khuyết tật là một chính sách nhân đạo, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta nhằm trợ giúp các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội được quan tâm, chăm sóc tốt hơn, giúp họ vượt qua khó khăn hoặc các rủi ro trong cuộc sống; hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, sinh viên… với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”. Bên cạnh đó, phổ cập giáo dục, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống nhân dân ngày càng tăng lên. Chất lượng dịch vụ y tế tiếp tục được nâng lên, đạt 8,6 bác sỹ và 27,5 giường bệnh trên 1 vạn dân; làm tốt công tác y tế dự phòng... 

Tất cả là minh chứng vừa giản dị, vừa sinh động cho tinh thần, ý chí và quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, từng bước hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì” thành “ấm no, tự do, hạnh phúc” thực sự cho nhân dân sau hơn 35 năm đổi mới đất nước. Hiện thực đó thể hiện, nếu chỉ số ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân trước đây là có ăn, có mặc, được học hành, thì hôm nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân càng phải tốt nhiều hơn nữa, từ “ăn no, mặc ấm” đến “ăn ngon, mặc đẹp”, nhân dân được thụ hưởng và tiếp cận những giá trị của nhân loại... chính là thước đo thành công của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, “ấm no, tự do, hạnh phúc” của người dân cũng chính là nguồn sức mạnh để khơi dậy khát vọng Việt Nam “Điều quan trọng nhất là làm cho nhân dân được hạnh phúc - khi ấy, đất nước mới yên ấm được”(6). 

Tại Đại hội XIII của Đảng, Đảng ta cụ thể bằng những mục tiêu, tầm nhìn, định hướng trong những dấu mốc quan trọng của đất nước: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(7). Vì vậy, quan điểm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, bảo đảm an ninh, quốc phòng… đều hướng tới mục tiêu vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Đó là quan điểm xuyên suốt, kế thừa và phát huy thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước ta trong từng chặng đường phát triển đất nước, hướng đến một đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” của 76 năm trước đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn lấp lánh ánh hào quang dưới Quốc hiệu nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, không chỉ là tiêu đề, mục tiêu, động lực mà còn là cơ sở, nền tảng vững chắc, soi sáng con đường phát triển của thể chế chính trị của Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu cuối cùng xây dựng nước Việt Nam hùng cường, người dân được hưởng ấm no, tự do, hạnh phúc.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm tặng quà, động viên nhân dân thị trấn Hóc Môn,
huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh đoàn kết chiến thắng dịch COVID-19, ngày 29-7-2021.

Đại dịch COVID-19 là phép thử đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN ở nước ta. Trong thời khắc lịch sử vô cùng cam go, mọi đường lối, chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Vì vậy, cùng cả thế giới chống đại dịch COVID-19, nhưng hiếm có nước nào như Việt Nam, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quốc hội tới Chính phủ đều xác định chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách “chống dịch như chống giặc” và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ người đứng đầu Đảng, Nhà nước đến Chính phủ đều kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ban, ngành hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, chủ động giảm giá điện, nước, cước viễn thông, và nhiều loại phí khác để san sẻ khó khăn cho nhân dân, không để người dân thiếu cái ăn, cái mặc, nơi ở... 

Ý Đảng hợp lòng dân, nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước như lời kêu gọi của “non sông đất nước”, các cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng vũ trang tiên phong, xung kích vào tâm dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe cho người dân, góp phần đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều doanh nghiệp và người dân đóng góp tiền của, phương tiện, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm… Tất cả đều tỏa sáng tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Cuộc chiến chống lại “giặc” COVID-19 ngày càng phức tạp, cam go. Trong lúc này, hơn bao giờ hết, thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 cùng với Lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi… nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(8) như tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta một ý chí, chung sức, đồng lòng kết thành sức mạnh của “ý Đảng lòng dân”, quyết chiến, quyết thắng đại dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, sớm đưa đất nước trở về trạng thái bình thường, tiếp tục thực hiện khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

---------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB.CTQG, H.2011, t.4, tr.187.
(2) (4) Sđd, tập 4, tr.3, 51.
(3) Sđd, tập 13, tr.438.
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, NXB.Sự thật, H.1991, tr.8.
(6) Nhà báo Hà Đăng chia sẻ trên Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 31-3-2021.
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB.CTQG, H.2021, tập 1,  tr.112. 
(8) Sđd, tập 9, tr.518.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất