Trách nhiệm của uỷ ban kiểm tra (UBKT) là những nghĩa vụ, bổn phận của UBKT khi thực hiện các quyền mà tổ chức đảng quy định cho UBKT, đồng thời là kết quả bất lợi mà UBKT phải gánh chịu do thực hiện không đúng hoặc không thực hiện nghĩa vụ, bổn phận của mình. Thẩm quyền của UBKT là những quyền hạn được Đảng quy định cho UBKT để thực hiện vai trò, chức trách, nhiệm vụ của UBKT.
Việc xây dựng Quy định trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong xem xét, xử lý hành vi về chạy chức, chạy quyền căn cứ vào Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quyết định của Trung ương về phòng, chống tham nhũng, gần đây nhất là Quy định số 205-QÐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị “Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”. Việc xây dựng Quy định còn căn cứ vào tình hình thực tiễn, chạy chức, chạy quyền diễn ra phức tạp. Đồng thời, việc ban hành Quy định là cụ thể hoá chức năng của UBKT Trung ương trong lĩnh vực phòng, chống chạy chức, chạy quyền và góp phần tăng cường hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Việc nghiên cứu, xây dựng Quy định được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm khách quan, toàn diện, kịp thời, chặt chẽ. Quy định được xây dựng lần đầu nên có lộ trình và bước đi phù hợp, đồng bộ với định hướng về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, chức năng, nhiệm vụ của UBKT theo quy định của Điều lệ Đảng và việc sửa đổi, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Quy định nêu rõ trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng, chống chạy chức, chạy quyền đối với UBKT từ cấp huyện và tương đương trở lên, chưa áp dụng đối với UBKT cấp cơ sở vì ở cấp này cán bộ kiểm tra chủ yếu là kiêm nhiệm. Hơn nữa, UBKT cơ sở có thẩm quyền kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo nhưng không có thẩm quyền đình chỉ sinh hoạt đảng, đình chỉ cấp uỷ hoặc kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định có một số điểm mới như: Yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; giữ nguyên hiện trạng tài sản; đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm thời kê biên, tạm giữ, cấm dịch chuyển tài sản, tạm dừng các giao dịch (chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho tài sản…).
Để bảo đảm cho công tác phòng, chống chạy chức, chạy quyền được thực hiện có căn cơ, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao, kiên trì, làm nghiêm từ trên xuống, không có “vùng cấm”, công tác kiểm tra phải chủ động, không chờ đợi, có thể đi trước công tác thanh tra, điều tra. Các nguyên tắc được quy định như sau: 1) UBKT phải chủ động thực hiện công tác phòng, chống chạy chức, chạy quyền trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng. 2) Coi trọng công tác phòng ngừa, khi phát hiện đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền phải kiểm tra, xem xét và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời. 3) Đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu chạy chức, chạy quyền đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không có “vùng cấm”. 4) Xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên có hành vi dung túng, bao che cho chạy chức, chạy quyền hoặc cản trở, can thiệp trái quy định vào việc xử lý các vụ việc chạy chức, chạy quyền.
Quy định chi tiết sáu vấn đề về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong công tác phòng ngừa chạy chức, chạy quyền. Đây là những vấn đề cơ bản hạn chế chạy chức, chạy quyền, tạo cơ sở cần thiết để kiểm soát sự tuỳ tiện, lạm quyền: 1) Tham mưu, giúp cấp uỷ quyết định các chủ trương, định hướng và ban hành các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức để phòng ngừa chạy chức, chạy quyền. 2) Định hướng và thực hiện tuyên truyền, phổ biến các quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát để giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị của đảng viên. 3) Trực tiếp kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghị quyết, chỉ thị, các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong phòng ngừa chạy chức, chạy quyền khi được cấp uỷ giao. 4) Giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong việc triển khai và thực hiện kê khai, công khai tài sản theo quy định. Giám sát đảng viên trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, giữ gìn đạo đức, lối sống; đảng viên có dư luận bất minh về tài sản và sinh hoạt, trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; giám sát đảng viên có trách nhiệm trực tiếp đấu tranh phòng, chống chạy chức, chạy quyền. 5) Công khai và tham mưu giúp cấp ủy công khai kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định các kết quả kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng vi phạm. 6) Đề nghị cấp ủy cùng cấp; cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới và các cơ quan nhà nước sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc huỷ bỏ các văn bản không còn phù hợp, bất cập, sơ hở có nguy cơ làm phát sinh chạy chức, chạy quyền. Những biện pháp phòng ngừa này được xác định dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của UBKT theo Điều 30 và Điều 32, Điều lệ Đảng.
Quy định năm vấn đề về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong phát hiện vi phạm về chạy chức, chạy quyền, như sau: 1) Phân công thành viên UBKT và cán bộ theo dõi lĩnh vực, địa bàn thực hiện giám sát thường xuyên, nắm tình hình, thu thập thông tin, tài liệu phục vụ việc phát hiện vi phạm về chạy chức, chạy quyền. 2) Tiếp nhận và xử lý hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý kịp thời các thông tin, phản ánh, kiến nghị qua báo chí và dư luận xã hội phục vụ cho việc phát hiện chạy chức, chạy quyền. 3) Tiếp nhận và xử lý đơn thư phản ánh, tố cáo về chạy chức, chạy quyền theo thẩm quyền phục vụ cho việc phát hiện chạy chức, chạy quyền; trường hợp không thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết thì phải chuyển cho UBKT cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. 4) Thu thập thông tin có liên quan đến tham nhũng từ các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị quản lý cán bộ, đảng viên và thông qua tự phê bình, phê bình trong tổ chức đảng. 5) Phối hợp, trao đổi thông tin với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra và các cơ quan có liên quan để nắm tình hình trước khi đề xuất kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về chạy chức, chạy quyền.
Thực hiện giám sát thường xuyên, nắm tình hình để thu thập thông tin, tài liệu thuộc các lĩnh vực phụ trách phục vụ việc phát hiện vi phạm về chạy chức, chạy quyền đã được quy định trong Quy chế giám sát trong Đảng của Bộ Chính trị khoá XII cho các thành viên UBKT và cán bộ kiểm tra theo dõi địa bàn nói chung, nay cần đưa vào Quy định cho cụ thể.
Tiếp nhận và xử lý các thông tin nêu trên do các tổ chức, cá nhân phản ánh, tố cáo đến UBKT được thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của UBKT. Việc phối hợp, trao đổi thông tin thực hiện qua Quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức đảng và cơ quan nhà nước có liên quan đã ban hành.
Những vấn đề này cũng đã được quy định trong việc phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên nói chung trong Quy định số 1319-QĐ/TW ngày 10-6-2013 của UBKT Trung ương về phát hiện, xác định, quyết định kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; trong đó có cả dấu hiệu vi phạm về chạy chức, chạy quyền, nay đưa vào Quy định này cho đồng bộ và có hệ thống.
Trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo về chạy chức, chạy quyền Quy định bảy vấn đề như sau: Kiểm tra các tổ chức đảng và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm về chạy chức, chạy quyền theo thẩm quyền. Được trưng tập cán bộ các cơ quan đảng và nhà nước vào các đoàn kiểm tra; khi cần thiết báo cáo cấp ủy chỉ đạo việc thành lập các đoàn kiểm tra đối với các vụ việc trọng điểm, phức tạp. Có biện pháp bảo đảm bí mật thông tin; bảo vệ hoặc yêu cầu các cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người phát hiện, phản ánh, tố cáo về chạy chức, chạy quyền; xử lý hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi trù dập, trả thù người phát hiện, phản ánh, tố cáo về chạy chức, chạy quyền. Đình chỉ sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt đảng theo thẩm quyền; khi cần thiết báo cáo đề nghị cấp ủy đình chỉ hoặc yêu cầu đình chỉ chức vụ đối với đảng viên hoặc yêu cầu tạm đình chỉ công tác cán bộ, đảng viên có dấu hiệu chạy chức, chạy quyền.
Những nội dung trên đã được quy định trong Quy định số 30-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng (Điều 32, Điều 40), Quy định về giải quyết tố cáo trong Đảng, Quy chế làm việc của UBKT và Quy chế phối hợp giữa UBKT với các tổ chức đảng có liên quan đã ban hành nay đưa vào Quy định trên lĩnh vực cụ thể về phòng, chống chạy chức, chạy quyền.
Ngoài bốn vấn đề nêu trên, đề nghị bổ sung thêm một số thẩm quyền của UBKT cho phù hợp với Kết luận 72-KL/TW của Bộ Chính trị khoá X về Chiến lược kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020 và Thông báo Kết luận số 38-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XII về tiếp tục thực hiện Chiến lược với yêu cầu phải “tập trung nghiên cứu đổi mới phương pháp kiểm tra, giám sát của Đảng”, bao gồm: Có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh; khi cần thiết thì đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu chạy chức, chạy quyền hoặc có dấu hiệu bỏ trốn. Yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết được đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong toả tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu chạy chức, chạy quyền hoặc có biểu hiện che dấu, tẩu tán tài sản. Quá trình kiểm tra, được niêm phong tài liệu vi phạm; trường hợp cần thiết, được yêu cầu đảng viên đến cơ quan UBKT giải trình làm rõ các vấn đề liên quan. Đây là những biện pháp về tổ chức với mục đích nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra bằng việc chủ động ngăn chặn nếu phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm bỏ trốn ra nước ngoài, hay việc đảng viên hủy tài liệu, chứng cứ vi phạm, hợp thức hoá tài sản chạy chức, chạy quyền.
Thực tế vừa qua cho thấy, một số trường hợp như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy, Giang Kim Đạt… đã bỏ trốn ra nước ngoài gây khó khăn cho các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra.
Quy định bốn vấn đề về trách nhiệm và thẩm quyền của UBKT trong việc xử lý đối với các vi phạm về chạy chức, chạy quyền: 1) Xử lý kỷ luật hoặc đề nghị cấp uỷ, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo quy định. 2) Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, bố trí lại công tác đối với đảng viên có hành vi chạy chức, chạy quyền chưa đến mức xử lý hình sự. 3) Xử lý hoặc kiến nghị xử lý về trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra chạy chức, chạy quyền hoặc bao che cho chạy chức, chạy quyền. 4) Chuyển cơ quan tư pháp vụ việc chạy chức, chạy quyền để xử lý và yêu cầu các cơ quan này thông báo kết quả giải quyết cho cấp uỷ, uỷ ban kiểm tra biết để xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng theo thẩm quyền.
Việc xử lý các vi phạm nêu trên cũng được thực hiện đối với các vi phạm của đảng viên nói chung và đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, nay được đưa vào Quy định cho phù hợp. Điểm mới ở đây là được yêu cầu các cơ quan pháp luật thông báo kết quả xử lý cho cấp uỷ, UBKT để xem xét, xử lý kỷ luật về Đảng theo thẩm quyền.
Trong quá trình thực hiện Quy định, cấp ủy các cấp cần định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện, báo cáo và đề nghị Bộ Chính trị xem xét, bổ sung, sửa đổi Quy định khi cần thiết.
TS. Trần Duy Hưng
Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Trung ương