1- Tự hào thay trong cơn đại dịch COVID-19 toàn cầu, gần 100 triệu người con đất Việt đã đồng lòng, chung sức, hỗ trợ cho nhau thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa đưa nền kinh tế Việt Nam trở thành một trong số ít các nước có tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2020 và 7 tháng đầu năm 2021. Không ai có thể lường trước sức tàn phá của đại dịch đã và đang làm rung chuyển toàn cầu. Nhưng với truyền thống nhân ái của dân tộc Việt Nam, người dân đồng lòng cùng Chính phủ, ưu tiên vắc-xin cho tâm dịch, sẽ chia từng bát gạo, ô-xy; không chỉ có lực lượng tuyến đầu, mà nhiều nhóm thiện nguyện đã không quản ngại đêm ngày giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua khó khăn, tất cả đồng lòng vì mục tiêu Việt Nam sớm kiểm soát được dịch bệnh, ổn định cuộc sống của người dân.
Hàng vạn cán bộ, nhân viên y tế, quân y, bộ đội, công an… không ngại hy sinh, gác lại phía sau bao nhiêu nổi niềm, hạnh phúc riêng tư, tình cảm gia đình, bố mẹ già yếu, luôn nở nụ cười, niềm tin chiến thắng sẵn sàng tíến vào tâm dịch ở phía Nam. Đó là dấu ấn của trí tuệ, bản lĩnh và lòng dũng cảm của con người Việt Nam.
Cuộc chiến chống dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các tỉnh phía Nam. Nhưng càng trong gian khó càng ngời sáng truyền thống đoàn kết của một dân tộc văn hiến tồn tại mấy ngàn năm lịch sử, từng bao phen “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”. Và càng tỏ rõ bản lĩnh và uy tín của Đảng trong vai trò người thuyền trưởng chèo lái con thuyền đất nước đi giữa phong ba. Đảng đã khơi nguồn nội lực, phát huy trí tuệ sáng tạo của dân tộc, kịp thời đưa ra những quyết sách phù hợp tình hình thực tiễn chống dịch nhằm ngăn chặn, kiềm chế sự bùng phát của dịch bệnh với mục tiêu sinh mạng con người là “trên hết, trước hết” nhưng vẫn phải đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế để có nguồn lực sẵn sàng đáp ứng xu thế thời đại khi chuyển đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới.
Sức mạnh Việt Nam trong quá trình đổi mới bắt nguồn từ lòng yêu nước, ý chí quyết tâm của dân tộc và mỗi người dân quyết không chấp nhận nghèo nàn, lạc hậu, nỗ lực vươn lên sánh vai cùng nhịp bước thời đại. Đó là sức mạnh nhân nghĩa, tương thân, tương ái, giúp đỡ, sẻ chia trong hoạn nạn đại dịch, thiên tai. Đó là sức mạnh đạo đức Việt Nam mà tiêu biểu là tấm gương sáng ngời Hồ Chí Minh mà mỗi chúng ta đang học tập, làm theo. Đó là sức mạnh của truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đất nước gắn liền với bảo vệ Tổ quốc. Nhân tố khẳng định sức mạnh phi thường của dân tộc chính là con người Việt Nam với trí tuệ, bản lĩnh và bản sắc văn hóa Việt Nam.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đang tiếp tục tiến về phía trước nhưng không ít khó khăn, thử thách. Đại dịch COVID-19 đang đẩy tất cả các quốc gia trên thế giới đứng trước bờ vực suy thoái về kinh tế - xã hội, trong đó không ngoại trừ chúng ta. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng lãng phí, suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ nếu không được ngăn chặn triệt để.
2- Nguồn nội lực của dân tộc ta tiếp tục được sự cổ vũ to lớn từ kết quả Đại hội XIII của Đảng và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thành công tốt đẹp, cùng sự nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn của toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đất nước Việt Nam vững bước tiến lên theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa, đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng… và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của đất nước ta, dân tộc ta.
Đại dịch COVID-19 đặt ra những yêu cầu cấp bách trong đổi mới quản trị đất nước, trong đó có yêu cầu về chuyển đổi kỹ thuật số, xây dựng nền kinh tế số nhằm kịp thời ứng phó với đại dịch. Trạng thái bình thường mới trên toàn thế giới sẽ xác lập những chuẩn mới về sản xuất, quản lý, dịch vụ… Do vậy, con người sẽ thay đổi, hoàn thiện mình hơn để đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn. Từ các quốc gia giàu nhất đến những quốc gia nghèo nhất đều phải nỗ lực để vực dậy nền kinh tế vượt qua thách thức của cuộc khủng hoảng sau đại dịch. Người thắng lợi là người biết nhìn ra xu hướng thời đại, những vấn đề cần thay đổi để đẩy nhanh bước tiến của mình, đứng vào đội hình những nước đi đầu để nhanh chóng vượt qua thử thách và bước vào giai đoạn hưng thịnh của đất nước.
Hiện thực xã hội sau đại dịch mở ra nhiều thách thức, những cũng hé mở những cơ hội cho sự phát triển của mỗi đất nước. Việc lựa chọn hoạch định phát triển những ngành công nghiệp mũi nhọn để dẫn dắt quá trình CNH, HĐH nền kinh tế sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của từng đất nước. Công nghiệp số đang có sứ mệnh dẫn đường. Công nghệ sinh học sẽ tạo ra một cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp làm cho nền lương thực của xã hội dồi dào không còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Dịch bệnh không thể kết thúc cùng một thời điểm trên thế giới. Việt Nam chưa thể giao thương rộng rãi với các nước, nên cần phải hoạch định một chiến lược vừa có tính trước mắt, vừa bảo đảm phát triển lâu dài, tập trung khai thác hiệu quả nhất thị trường nội địa với gần 100 triệu dân. Công nghệ cần đi vào ngõ ngách cuộc sống để tạo ra một quốc gia thông minh. Do vậy một công việc cực kỳ quan trọng là khơi dòng nội lực để đón nhận cơ hội mới, chớp lấy thời cơ, đưa đất nước tiến lên phồn vinh, thịnh vượng, gây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Mọi chính sách vĩ mô, dù tốt đến đâu nhưng nếu không mang lại no ấm, hạnh phúc cho người dân thì chính sách cũng không có tác dụng. Đây vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội lớn cho Đảng, Nhà nước trong cuộc phục hưng đất nước sau cuộc khủng hoảng trầm trọng của thế giới.
3- Với tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945, chúng ta phải chớp lấy thời cơ, chủ động giành lấy thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới thành công. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Lúc này, chúng ta đang có trong tay thời cơ tạo đà cho sự phát triển. Thời cơ ấy do truyền thống anh hùng, do lịch sử đất nước tạo nên. Thời cơ ấy kết tinh từ những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước, tạo ra cho đất nước thế, lực, sức mạnh tổng hợp lớn hơn nhiều so với trước. Thời cơ ấy còn do xu thế của thời đại, bối cảnh quốc tế tạo nên. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, kinh tế số và quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi chúng ta mở rộng khả năng hợp tác mọi mặt với các cường quốc và hầu hết các quốc gia trên thế giới. Nhưng cơ hội không phải bất biến, nó đòi hỏi những điều kiện, sự thích ứng, sáng tạo và bản lĩnh của Đảng và cả hệ thống chính trị. Thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước đã khẳng định niềm tin, và cũng luôn nhắc nhở chúng ta về những thách thức mất còn, những tụt hậu hằng ngày, hằng giờ trong một thế giới phát triển đầy biến động. Tiềm năng sung mãn của đất nước phải được giải phóng, khơi thông dòng chảy nội lực bằng những cơ chế, chính sách đúng đắn, phù hợp, phát huy cao nhất tiềm năng sáng tạo có sẵn trong mỗi con người Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã hội tụ sức mạnh đoàn kết, trí tuệ, niềm tin; xác định những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn của công cuộc đổi mới đưa đất nước đến thịnh vượng, hùng cường. Phải nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, vượt qua thử thách đưa đất nước tiếp tục tiến lên thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, sánh vai cùng các cường quốc thế giới.
Công Huyền