Cách đây 8 năm, ngày 23-8-2013, tại Hà Nội đã diễn ra giao lưu trực tuyến đặc biệt mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước sang tuổi 103, do Văn phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Báo Tri thức trẻ tổ chức. Đây là một cuộc hội ngộ đặc biệt bởi nhiều lý do, nhưng điều làm nên đặc biệt này chính là lần sinh nhật cuối cùng của Đại tướng, bởi sau sự kiện này gần 2 tháng, ngày 4-10-2013, Đại tướng văn võ song toàn vĩnh biệt chúng ta.
Bức ảnh chụp Đại tướng về thăm Trường Đại học Sư phạm Vinh năm 1990, khi ấy tác giả Trần Trung Hiếu (đứng ngay sau Đại tướng) đang là sinh viên năm thứ 2 Khoa Lịch sử của trường (Ảnh: Tư liệu).
Khách mời tham dự sự kiện này gồm: Trung tướng Lê Hữu Đức, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu; Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4; Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tác giả cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ”; Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Mai Năng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công huyền thoại, người trực tiếp chỉ huy đơn vị giải phóng quần đảo Trường Sa năm 1975; Nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc; Đại tá Nguyễn Huyên, trợ lý trọn đời cho Đại tướng; Đại tá, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự Trần Trọng Trung, tác giả cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh”; Đại tá Trần Hồng, người cả đời chụp ảnh Đại tướng với kho ảnh vô giá 2.000 bức và tôi, một giáo viên Sử phổ thông duy nhất đến từ xứ Nghệ được mời tham gia sự kiện này.
Với tôi cảm nhận thì họ chính những chứng nhân quan trọng của lịch sử Việt Nam hiện đại. Không chỉ thế, nhiều vị ngồi đây còn trở thành một phần của lịch sử hào hùng của dân tộc thế kỷ XX gắn với cống hiến lớn lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điều tuyệt vời hơn là những chứng nhân của lịch sử ấy lại tụ họp trong một ngày để kể nhiều câu chuyện, nhiều hồi ức về một con người huyền thoại - một trong những nhân tố trọng yếu kiến thiết nên một Việt Nam chiến thắng, một Việt Nam oai hùng trên trường quốc tế.
Vị tướng trận mạc Nguyễn Quốc Thước khẳng định rằng, nói đến Đại tướng trước hết là nói về một vị tướng đích thực của nhân dân, một vị tướng đã đánh bại tất cả các vị tướng đã từng đưa quân sang xâm lược Việt Nam. Thứ 2, là vị tướng Anh cả của QĐND Việt Nam, vị tướng của tất cả các tướng lĩnh của QĐND Việt Nam. Thứ 3 là người học trò xuất sắc và gần gũi nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi vẫn nhớ mãi giọng nói trầm hùng, dõng dạc của nhà sử học Dương Trung Quốc. Với phong cách khoan thai, chậm rãi ông đã phân tích mối liên hệ hay chính là cơ duyên để đưa thầy giáo lịch sử Quảng Bình ấy trở thành huyền thoại. Ông cho biết, trước khi trở thành Đại tướng, Võ Nguyên Giáp là một thầy giáo dạy sử trường Thăng Long. Hơn thế nữa, trong chương trình học ở nhà trường thực dân cũng đã truyền đạt không ít kiến thức về lịch sử thế giới để trở thành một phần những yếu tố để thầy giáo trẻ dấn thân vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chắc chắn không chỉ những tấm gương của những người Anh hùng cứu nước như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung... mà cả những bài học thành bại trong lịch sử dân tộc sau này cũng trở thành một phần hành trang trong cuộc chiến đấu của mình.
“Đại tướng thường nói với chúng tôi khi còn trẻ học ở trường Bưởi, hằng ngày ông và các bạn học của mình đều đi ngang qua thành Cửa Bắc, nhìn vết đạn của thực dân mà nuôi lòng cứu nước. Khi đã trở thành một nhà hoạt động chính trị, cũng như một vị tướng, ông viết rất nhiều công trình mang tính chất tổng kết lịch sử. Ví như, cùng với Trường Chinh, ông viết cuốn “Vấn đề dân cày” để tổng kết lịch sử về người nông dân Việt Nam. Ông là một nhà sử học thực thụ với những công trình tổng kết về lý luận, đặc biệt là những tập hồi ức của ông, có thể nói là những kho sử chứa đựng rất nhiều chất liệu để cho đời sau. Vì thế, riêng tôi luôn nghĩ về ông như một người làm nên lịch sử, hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Hơn hai chục năm, ông là Chủ tịch danh dự của Hội Sử học Việt Nam và tham gia rất nhiều hoạt động sử học như một người thầy thực thụ của giới sử chúng tôi”, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết.
Còn Đại tá Trần Trọng Trung thì nhấn mạnh rằng, trong số tất cả các thông tin, sự kiện, câu chuyện ông đã viết về Đại tướng, ông tâm đắc nhất 2 điều. Thứ nhất đó là dựa vào dân và gần dân. Đại tướng đã nhớ và luôn vận dụng đầy đủ hai lời dạy của Cụ Hồ dựa vào dân và dựa chắc vào dân thì không kẻ thù nào làm gì được. Cái đó bây giờ có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ hai là “Dĩ công vi thượng”. “Công” ở đây là việc chung, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, không phải việc tư. “Dĩ công vi thượng” là đặt việc chung lên trên việc tư. Đại tướng đã vận dụng lời dạy trên vào việc họp và triển khai đường lối. Nhờ đó mà nội bộ đoàn kết vì việc chung, nếu không thì dễ sinh ra mâu thuẫn, thậm chí rạn vỡ, mà khi đó kẻ địch sẽ lợi dụng. Người đã biết đặt cái chung lên trên, cái gì có lợi cho kháng chiến, cho dân tộc thì làm.
“Trong quan hệ với nhân dân, cái gì có lợi cho dân thì làm, chính vì vậy mà dân tin và yêu. Đại tướng có uy tín với nhân dân chính là chỗ ấy. Đại tướng đi đến đâu là giải quyết những vấn đề cho dân ở chỗ ấy. Ngay cả những năm trước khởi nghĩa, giai đoạn 1941-1945, Võ Nguyên Giáp được Cụ Hồ giao cho nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, ông đã cùng ăn với dân, cùng ở với dân, làm với dân, học tiếng của các đồng bào dân tộc thiểu số để mà nghe, hiểu và nói với dân”, Đại tá Trần Trọng Trung khẳng định.
Cuộc giao lưu diễn ra sôi nổi với rất nhiều ý kiến thú vị, bổ ích. Còn với cá nhân tôi được tiếp cận và chuyện trò, được nghe các tướng lĩnh, cộng sự, thư ký của Đại tướng sẻ chia, những cảm xúc và được nghe họ nói về những bài học từ quá trình làm việc, cộng sự và những lời căn dặn, nhắc nhở của Đại tướng thì thấy tất cả đều dành cho Đại tướng một sự kính trọng và một tình cảm yêu thương. Có lẽ cá nhân tôi và tất cả những đại biểu có mặt tại khán phòng nhỏ trong cuộc giao lưu với nhiều người trực tuyến sau đó sẽ thấy đó là may mắn lớn vì sau sự kiện này gần 2 tháng, Đại tướng vĩnh biệt chúng ta để về an nghỉ vĩnh hằng ở Vũng Chùa - đảo Yến của quê hương Quảng Bình yêu thương đầy nắng và gió.
Cuộc giao lưu trực tuyến đặc biệt đó kết thúc khi tất cả chúng tôi cùng chúc Đại tướng vạn thọ vô cương, tiếp tục dõi theo và đóng góp tâm trí cho sự nghiệp phát triển đất nước, dân giàu, nước mạnh. Chẳng ai trong số các đại biểu hôm ấy lại muốn rằng đó là lần sinh nhật cuối cùng của Đại tướng dù lúc ấy tuổi của Người đã quá cao, sức khỏe đã rất yếu. Tất cả đều mong Đại tướng sẽ gắng kéo dài thêm tuổi thọ, để đến tháng 5-2014 là lúc Đại tướng sẽ vẫn còn tỉnh táo để chứng kiến và cảm nhận đất nước, nhân dân và Quân đội sẽ tổ chức kỷ niệm tròn 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ (7-5-1954 - 7-5-2014) - chiến thắng đã tôn vinh Đại tướng - Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp lên tầm một vị tướng lừng danh thế giới.
Với tôi thì Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là một Tổng Tư lệnh lừng danh mà ông còn xứng đáng là người viết sử theo cả 2 nghĩa: làm nên lịch sử và chép lại lịch sử. Ông còn phải làm cái công việc mà nhà sử học Dương Trung Quốc nói là “soi bóng mình trong lịch sử”. Giới sử học chúng tôi cũng luôn tự hào có một thầy giáo dạy Sử như thầy Giáp ở Trường tư thục Thăng Long, có một vị Đại tướng - Tổng Tư lệnh đã từng là Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam.
Trần Trung Hiếu
Giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu - Nghệ An