Ngày 12-6-2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai đã thông qua quyết định triển khai thực hiện Đề án 03-ĐA/TU “Về tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác”, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo Đề án 03 của Tỉnh uỷ. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ là cơ quan tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban chỉ đạo Đề án, có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng của UBND tỉnh xây dựng quy chế xét tuyển, chế độ chính sách chung và chế độ ưu tiên trong tuyển chọn sinh viên tốt nghiệp đại học bố trí về cơ sở công tác, theo dõi và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các sinh viên trên các chức danh được giao, làm cơ sở cho việc xem xét tuyển dụng chính thức.
Tuyển chọn và bố trí công tác
Từ năm 2009 đến nay, Hội đồng xét tuyển của Đề án 03 đã tiến hành tuyển chọn 2 đợt với tổng số 107 sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường về tỉnh và bố trí công tác tại các xã.
Đợt 1: Tuyển chọn 49 sinh viên mới tốt nghiệp và bố trí công tác tại 49 xã của 8 huyện: Ia Grai (7 sinh viên), Đức Cơ (6 sinh viên), Ia Pa (8 sinh viên), Krông Pa (6 sinh viên), Kbang (7 sinh viên), Chư Păh (4 sinh viên), Chư Prông (4 sinh viên), Kông Chro (7 sinh viên). Sau khi xem xét, Ban chỉ đạo nhận thấy có huyện bố trí 2 sinh viên trong một xã đã điều chỉnh lại theo đúng với quy định mỗi xã chỉ bố trí 1 sinh viên.
Đợt 2: Tuyển chọn 58 sinh viên và bàn giao cho 11 huyện bố trí công tác: Chư Păh (4 sinh viên), Kbang (7 sinh viên), Kông Chro (5 sinh viên), Krông Pa (7 sinh viên), Đức Cơ (3 sinh viên), Ia Pa (1 sinh viên), Chư Sê (7 sinh viên), Mang Yang (6 sinh viên), Đăk Pơ (4 sinh viên), Phú Thiện (6 sinh viên), Đăk Đoa (8 sinh viên).
Trước khi phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sinh viên, các huyện tổ chức các lớp tập sự (đợt 1 tập sự 6 tháng; đợt 2: 3 tháng) với các chuyên môn cụ thể cho từng đối tượng đồng thời triển khai các bước tiếp cận ban đầu với địa phương nơi bố trí công tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi khi chính thức bước vào công tác.
Chế độ chính sách
Để đảm bảo đầy đủ các chế độ chính sách theo quy định của Đề án, trong đợt 1 (2009) các huyện có sinh viên về công tác đã tạm ứng tiền từ ngân sách của huyện để chi trả tiền lương và tiền hỗ trợ để các em yên tâm công tác.
Ngày 5-2-2010, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 86/QĐ-UBND về việc xuất ngân sách tỉnh cho các huyện để giải quyết lương, phụ cấp cho sinh viên về công tác ở cơ sở và ngân sách dùng cho việc quản lý thực hiện Đề án 03 năm 2010. Trên cơ sở đó, Ban quản lý Đề án đã cùng các huyện thực hiện tiếp nhận và chi trả các chế độ, tiền trợ cấp ban đầu cho các đối tượng cụ thể: các xã vùng III trợ cấp ban đầu 15 triệu đồng/người; các xã vùng II là 10 triệu đồng/người; cộng với tiền lương, phụ cấp khu vực, tiền hỗ trợ về nhà ở, trang phục, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Ban Tổ chức Tỉnh uỷ đã tham mưu đề xuất với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Ban chỉ đạo Đề án về chế độ ưu tiên xét tuyển công chức trước thời hạn đối với những sinh viên đang tham gia Đề án hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao (theo quy định là 3 năm).
Kết quả và kinh nghiệm
Sau 2 năm triển khai thực hiện, với những điều chỉnh cụ thể về nội dung và phương pháp (qua Hội nghị rút kinh nghiệm 1 năm thực hiện Đề án 03 ngày 27-10-2010), cho thấy:
- Có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp uỷ về mục tiêu của Đề án 03 là nhằm tạo nguồn cán bộ, củng cố hệ thống chính trị cơ sở bằng nguồn nhân lực được đào tạo cơ bản, thông qua thực tiễn để lựa chọn nguồn cán bộ, công chức cho tuyến cơ sở. Các địa phương (các xã và huyện) đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các sinh viên về công tác phát huy được năng lực bản thân, giúp đỡ thông qua hoạt động cụ thể của từng đối tượng.
- Sinh viên hiểu rõ mục đích, yêu cầu của Đề án và từ đó an tâm công tác, tích cực học tập và rèn luyện trong thực tiễn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Đến tháng 8-2011, đã có 10 sinh viên được tuyển dụng vào công chức cấp xã và huyện (Ia Pa 3 sinh viên, Kbang 2 sinh viên, Kông Chro 2 sinh viên, Đức Cơ 1 sinh viên, Đăk Đoa 2 sinh viên). Còn lại 84 trường hợp đang được bố trí tại 32 xã vùng II và 52 xã vùng III (83 sinh viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ có 1 trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ). Có 5 sinh viên được bầu làm đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2011 – 2016 (trong đó có 3 sinh viên được bầu vào chức danh phó chủ tịch UBND xã).
Những kết quả thu được từ công tác tuyển chọn và bố trí sinh viên mới tốt nghiệp về các xã trong 2 năm qua là thành công ban đầu, tạo tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo thực hiện Đề án. Tuy nhiên cần phải có những bổ sung, điều chỉnh và rút kinh nghiệm để Đề án đạt được mục tiêu đề ra. Đó là:
- Trước khi bố trí về các xã, Ban chỉ đạo Đề án và ban thường vụ các huyện ủy cần nghiên cứu và bổ sung cho sinh viên kiến thức về chuyên môn, quản lý nhà nước theo từng nhóm chức danh; phối hợp với Trường Chính trị tỉnh bổ sung, nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, các kiến thức cơ bản về kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh để các sinh viên nắm vững hơn trước khi nhận công tác.
- Cần bố trí nhiệm vụ phù hợp với chuyên ngành sinh viên đã được đào tạo để khi xét tuyển đúng với Luật Công chức và tạo ra một khởi đầu thuận lợi ngay sau xét tuyển.
- Nên có các chương trình học tiếng Gia-rai, Ba-na để các sinh viên có thể giao tiếp với đồng bào, lắng nghe ý kiến của đồng bào, thuận lợi trong vận động quần chúng, bám nắm tình hình cơ sở, rút kinh nghiệm công tác.
- Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng các văn bản pháp quy làm cơ sở cho UBND tỉnh ban hành các chế độ ưu tiên trong xét tuyển, chuẩn hoá chuyên môn theo chức danh được tuyển dụng hằng năm.
- Cần phân công cán bộ, đảng viên theo sát, giúp đỡ các sinh viên tiếp cận với thực tiễn, nhanh chóng hoà nhập vào môi trường công tác mới, đặc biệt là trong giao tiếp, ứng xử với đồng bào dân tộc.
Tỉnh Gia Lai hiện có 84 xã được bố trí sinh viên mới tốt nghiệp về xã, còn lại 81 xã đang chờ kết quả xét tuyển tiếp theo. Với những thành công và kinh nghiệm rút ra trong hai năm đầu thực hiện Đề án, trong những năm tới tin tưởng Ban chỉ đạo Đề án 03 của tỉnh Gia Lai sẽ hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Với những chính sách hợp lý và nâng phụ cấp thu hút, tin rằng số lượng sinh viên mới tốt nghiệp tại các trường đại học sẽ đến với Gia Lai ngày càng đông. Với đội ngũ cán bộ trẻ có trình độ cao, giàu nhiệt huyết, Gia Lai sẽ phát triển nhanh trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với các tỉnh bạn đưa vùng đất Tây Nguyên phát triển lên tầm cao mới.
Trần Thiết