Sau khi tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, thì bên cạnh việc phát huy những ưu điểm, nhân tố tích cực, điều có ý nghĩa quan trọng và cũng khó làm hơn là khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém của mỗi tổ chức, cá nhân. Việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế có quan hệ chặt chẽ với kết quả tự phê bình, là một “bộ phận”, một nội dung trong quá trình tự phê bình, phê bình. Đồng thời có quan hệ với toàn bộ hoạt động của mỗi tập thể, mỗi cá nhân. Giải pháp khắc phục phải được đặt trong tổng thể quá trình kiểm điểm, tự phê bình, phê bình.
Trong hoạt động của hệ thống chính trị, tự phê bình, phê bình là nội dung rất quan trọng, là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, là công cụ để giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, là một nguyên tắc cơ bản, công việc thường xuyên trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm điểm tự phê bình, phê bình, đánh giá cán bộ trong các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiểm điểm hằng năm. Trong đó, Ban Thường vụ chú trọng chỉ đạo việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế của từng cơ quan, đơn vị qua kiểm điểm, đánh giá. Những năm gần đây, vận dụng các quy định, quy trình về công tác kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo việc khắc phục khuyết điểm, hạn chế, yếu kém của các đơn vị, địa phương một cách cụ thể hơn. Nhờ vậy, việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém càng được thực thi chặt chẽ, nghiêm túc và đạt hiệu quả cao hơn.
Cùng với chỉ đạo cấp dưới kiểm điểm tự phê bình, phê bình, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị cũng đã thực hiện nghiêm túc việc tự phê bình, phê bình và khắc phục những hạn chế, yếu kém sau tự phê bình, phê bình bằng những giải pháp cụ thể. Cuộc kiểm điểm tự phê bình, phê bình công tác lãnh đạo, chỉ đạo năm 2002 của tập thể Ban thường vụ tỉnh ủy đã để lại những kinh nghiệm quý trong công tác này. Khi đó, Ban thường vụ tỉnh uỷ Quảng Trị đã chú trọng tập trung sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, hạn chế một cách cụ thể, nghiêm túc, quyết liệt bằng một chương trình hành động cụ thể([1]). Trên cơ sở chỉ đạo của Ban thường vụ tỉnh ủy, cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém tại địa phương, đơn vị.
Nhờ nghiêm túc thực hiện tự phê bình, phê bình, khắc phục khuyết điểm, hạn chế nên đoàn kết nội bộ trong Đảng bộ đã được giữ vững và tăng cường; kinh tế- xã hội tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, xây dựng Đảng từng bước tiến bộ, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Những kinh nghiệm quý báu đã được rút ra từ quá trình thực hiện tự phê bình, phê bình trong thời gian qua. Chính những kinh nghiệm này là cơ sở để các tổ chức và mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Quảng Trị phát huy và vận dụng vào quá trình kiểm điểm, tự phê bình, phê bình trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Với những kết quả, cách làm trong những năm qua, cùng với tư tưởng chỉ đạo qua bước triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (NQTW4) (khoá XI) ở Quảng Trị, chúng tôi xin nêu một số giải pháp khắc phục những khuyết điểm, hạn chế sau tự phê bình, phê bình, góp phần vào việc tìm cách làm, giải pháp thực hiện tốt nghị quyết quan trọng này của Trung ương.
Thứ nhất, phải làm thật tốt công đoạn "tiền khắc phục" từ nhận thức, quan điểm, phương châm, nội dung đến thực hiện cụ thể. Theo đó tự phê bình, phê bình đối với tổ chức, cá nhân phải được tiến hành nghiêm túc, đầy đủ, có nguyên tắc, trên tinh thần đồng chí chân thành.
Cấp uỷ các cấp khi tổ chức và chỉ đạo thực hiện phải truyền đạt, quán triệt đầy đủ các quan điểm, nguyên tắc, quy định của Trung ương, của cấp trên về tự phê bình, phê bình, làm cho cán bộ, đảng viên thấu suốt mục đích, mục tiêu vừa có tính nguyên tắc, vừa mang tính nhân văn cao trong tự phê bình, phê bình trong Đảng. Đồng thời xác định phương châm thực hiện ở cấp mình, đơn vị, địa phương mình cho phù hợp để tự phê bình, phê bình được thực hiện đúng, trúng và hiệu quả... Ví dụ, về nội dung kiểm điểm tự phê bình, phê bình tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, về tham nhũng, lãng phí ... thì mặc dù có tính phổ biến, song có thể nói có sự khác nhau theo từng cấp, từng đối tượng khá rõ. Trong thực hiện kiểm điểm tự phê bình, phê bình theo tinh thần NQTW4 (khoá XI) thì những tính chất, yêu cầu này có ý nghĩa lớn, cần đặc biệt quan tâm.
Nội dung tự phê bình, phê bình, nhất là những khuyết điểm, hạn chế của tổ chức, cá nhân, được nêu ra khi tự phê bình và góp ý, nhận xét khi phê bình phải chân thành, có lý, có tình, rõ ràng, thuyết phục... tránh khập khiễng, xa rời, thậm chí mâu thuẫn giữa thực tế tình hình và các báo cáo kiểm điểm (kế cả của tập thể và cá nhân). Sau khi đã xác định được những hạn chế, yếu kém, phải nêu rõ các biện pháp và thời gian khắc phục và phải coi đây là nội dung thiết yếu trong lần tự phê bình, phê bình này. Đồng thời tuỳ vai trò, chức trách, ưu điểm, khuyết điểm để vạch kế hoạch khắc phục cho phù hợp, toàn diện. Trong tham gia các biện pháp khắc phục đối với cán bộ cần thể hiện tinh thần động viên cán bộ quyết tâm khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Phải thực hiện đúng tinh thần kiểm điểm cốt để giúp cán bộ, đảng viên thấy được và sửa chữa khuyết điểm mà tiến bộ, tinh thần "trị bệnh cứu người".
Việc chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm túc bước kiểm điểm, tự phê bình, phê bình là yếu tố tiền đề, căn bản cho việc khắc phục có kết quả hạn chế, yếu kém của tổ chức và cá nhân. Mọi sự chủ quan, đơn giản, qua loa đều dẫn đến làm mất hiệu quả việc tự phê bình, phê bình, vô hiệu hoá việc khắc phục hạn chế, yếu kém - nói chung, bao giờ cũng có - sau tự phê bình, phê bình.
Thứ hai, công khai kết quả tự phê bình, phê bình của các tổ chức, cá nhân - cả ưu điểm, lẫn khuyết điểm - trong phạm vi, đối tượng thích hợp để quần chúng, cán bộ, đảng viên hiểu biết về những công bộc, đại biểu, người cán bộ lãnh đạo, quản lý của đơn vị, địa phương mình. Từ đó có điều kiện, căn cứ tham gia góp ý, giám sát việc rèn luyện, phấn đấu của những cán bộ, đảng viên đó, kể cả việc khắc phục hạn chế, yếu kém của cá nhân sau tự phê bình, phê bình, cũng như trong quá trình hoạt động, công tác nói chung. Đây là yêu cầu mà NQTW4 (khoá XI) đặt ra rất cao, là kỳ vọng lớn trong cuộc kiểm điểm tự phê bình, phê bình lần này.
Phạm vi công khai kết quả kiểm điểm, đánh giá cán bộ, nói chung, càng rộng càng tốt. Đối tượng công khai nên là tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trước hết, theo phân cấp quản lý cán bộ, cấp uỷ các cấp cần công khai kết quả kiểm điểm, đánh giá cán bộ đến cán bộ, công chức, người lao động nơi công tác, đến nhân dân nơi cư trú đối với một số chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan của đảng, chính quyền, đoàn thể thuộc cấp mình quản lý. Đối với cấp tỉnh, đó là cán bộ lãnh đạo, quản lý từ phó giám đốc sở và tương đương trở lên. Công khai kết quả đánh giá đại biểu HĐND các cấp, đại biểu Quốc hội đến cử tri.
Cần nghiên cứu thực hiện tự phê bình, phê bình công khai hơn, theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia phê bình. Thông tin quá trình tự phê bình, phê bình của tập thể, cá nhân đến cán bộ, công chức, nhân dân bằng nhiều hình thức và trong phạm vi thích hợp. Gắn tự phê bình, phê bình với thực hiện chất vấn trong Đảng.
Thứ ba, tổ chức và cá nhân thực hiện việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém sau tự phê bình, phê bình nghiêm chỉnh, chặt chẽ, có giám sát. Đây là biện pháp trung tâm, trực tiếp, có ý nghĩa quyết định hiệu quả việc khắc phục khuyết điểm, hạn chế.
Phải thống nhất nhận thức rằng, nội dung, kế hoạch khắc phục khuyết điểm, hạn chế là lời hứa nghiêm túc, hệ trọng của cán bộ, công chức, đảng viên với tổ chức, với nhân dân trong kiểm điểm tự phê bình, phê bình, nhất là với cán bộ lãnh đạo. Nó đặc biệt quan trọng trong thực hiện NQTW4 (khoá XI) lần này. Vì vậy, trên cơ sở các nội dung, biện pháp đã đề ra, mỗi tổ chức, cá nhân phải bắt tay thực hiện việc khắc phục, sửa chữa một cách tự giác, nghiêm chỉnh.
Hằng năm, sau tự phê bình, phê bình, mỗi tổ chức, cá nhân đều phải kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện việc khắc phục khuyết điểm, hạn chế. Có thể trong một số trường hợp, việc kiểm điểm, đánh giá kết quả khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trước đó trở thành nội dung chính của đánh giá năm công tác. Cần lấy kết quả khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, yếu kém là tiêu chí đánh giá về sự liêm chính, trung thực, cầu tiến bộ, cũng như khả năng tự hoàn thiện, thích ứng của người cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, khi đánh giá kết quả khắc phục cần lưu ý, đây là một quá trình cần có thời gian nhất định, không phải diễn ra giản đơn, ngày một, ngày hai. Có những việc, có những người, tổ chức cũng cần phải biết và sẵn sàng chờ đợi, động viên, tạo điều kiện để cá nhân sửa chữa. Cùng với sự tự giác của mỗi tổ chức, cá nhân, việc khắc phục khuyết điểm, hạn chế cần được đặt trong quá trình kiểm tra, giám sát của tổ chức để bảo đảm tính chặt chẽ, có nguyên tắc. Tuy nhiên cách làm phải linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng; sử dụng triệt để hình thức, các công cụ đang sử dụng hiện nay, như báo cáo tự kiểm điểm hàng năm; hình thức tự giám sát...
Thứ tư, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện tự phê bình, phê bình. Trước hết người đứng đầu phải đi đầu trong việc tự phê bình, phê bình và thể hiện việc làm, hành động khắc phục, sửa chữa hạn chế, yếu kém một cách rõ nét, có sức thuyết phục... Đồng thời, bằng hình thức thích hợp, người đứng đầu có sự quan tâm, động viên, chỉ dẫn để cán bộ của cơ quan, đơn vị mình sửa chữa, khắc phục khuyết điểm một cách nghiêm túc, tự giác, nhất là đối với những người có khuyết điểm nặng, có nhiều hạn chế.
Tấm gương của người đứng đầu trong tự phê bình, phê bình và khắc phục khuyết điểm, hạn chế là nhân tố có tác dụng khuyến khích, động viên, có ý nghĩa cổ vũ, thuyết phục mạnh đối với cán bộ cấp dưới.
Thứ năm, coi trọng trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên trong tự phê bình, phê bình và khắc phục hạn chế, yếu kém. Đây là nhân tố then chốt bảo đảm sự thành công trong tự phê bình, phê bình.
Trước hết, cần thể hiện trách nhiệm, quyền hạn của cấp trên trong việc đảm bảo sự nhất quán trong toàn bộ quá trình thực hiện tự phê bình, phê bình và khắc phục hạn chế, yếu kém. Trong đó cần chú trọng về quan điểm, phương châm, cách làm, và nhất là xem xét, xử lý kết quả tự phê bình, phê bình một cách chặt chẽ, có nguyên tắc, có lý, có tình; sắp xếp, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, phẩm chất, hiệu quả công việc; đồng thời phải xử lý nghiêm minh, đúng mức đối với những cán bộ có khuyết điểm, sai phạm đến mức phải xem xét các hình thức kỷ luật.
Trong chỉ đạo thực hiện và xử lý kết quả, cấp trên phải thể hiện rõ thái độ ủng hộ cái đúng, bảo vệ chân lý, bảo vệ lực lượng tiến bộ, phê phán cái sai; bảo vệ người phê bình, và cả người tự phê bình nghiêm túc, trung thực, tức có cơ chế, nguyên tắc bảo vệ cán bộ phù hợp với chính sách cán bộ của Đảng.
Hồ Xuân Doàn
Ban Tổ chức tỉnh ủy Quảng Trị
---------------------------------------
[1]. Chương trình hành động số 34 CTHĐ/TU ngày 5-11-2003 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Trị.