Một số bổ sung, sửa đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương
Trụ sở Ban Tổ chức Trung ương.

Ngày 10-4-2012 Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 79-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương thay thế Quyết định số 78-QĐ/TW ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Bộ Chính trị (khoá X). Theo đó, Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của hệ thống chính trị; quản lý biên chế công chức, viên chức cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của Trung ương.

 

So với Quyết định số 78-QĐ/TW ngày 21 tháng 8 năm 2007 của Bộ Chính trị (khoá X), Quyết định số 79-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương có một số sửa đổi, bổ sung, bởi trước yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của công tác tổ chức xây dựng Đảng trong giai đoạn mới, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XI và quy định của Điều lệ Đảng được Đại hội thông qua, cần sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp.

 

Việc sửa đổi, bổ sung luôn bảo đảm nguyên tắc: Căn cứ vào Nghị quyết và Điều lệ Đảng do Đại hội XI của Đảng thông qua, những quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, của Bộ Chính trị và căn cứ vào Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII thông qua. Giữ nguyên những điểm còn phù hợp; chỉ sửa đổi, bổ sung những điểm mới cho phù hợp với Điều lệ Đảng hiện hành và thực tiễn xây dựng Đảng.

 

Trên những nguyên tắc đó, nội dung sửa đổi, bổ sung gồm:

 

1. Chức năng của Ban Tổ chức Trung ương

 

Quyết định số 78-QĐ/TW quy định về chức năng tham mưu: “Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của hệ thống chính trị”...


Hiện nay Ban Tổ chức Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương giao nhiệm vụ: quản lý tổ chức bộ máy và biên chế các cơ quan đảng, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh, thành uỷ (Quy định thi hành Điều lệ Đảng số 45-QĐ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2011 của Ban Chấp hành Trung ương); do đó để phù hợp với nhiệm vụ được giao, bổ sung chức năng tham mưu của Ban về lĩnh vực quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.


Do đó, chức năng tham mưu của Ban sẽ được bổ sung hoàn chỉnh như sau:

Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và chính sách lớn thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của hệ thống chính trị; về quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội.

 

2. Về nhiệm vụ của Ban Tổ chức Trung ương

 

Theo Quyết định số 78-QĐ/TW, Ban Tổ chức Trung ương có 5 nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư uỷ quyền: “Được cử cán bộ dự các phiên họp bàn về công tác xây dựng Đảng (về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ) của các tỉnh, thành uỷ, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc Trung ương”.


Hiện nay, theo quy định của Điều lệ Đảng, một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương không được phép lập ban cán sự đảng, đảng đoàn; ở những cơ quan, đơn vị này, công tác tổ chức, cán bộ do lãnh đạo cơ quan phối hợp cùng đảng uỷ cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định của Đảng, vì vậy để phù hợp với nhiệm vụ được giao, đề nghị bổ sung nội dung: Ban Tổ chức Trung ương được cử cán bộ dự các phiên họp bàn về công tác xây dựng Đảng (về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ) của tập thể lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Trung ương (ở những nơi không lập ban cán sự đảng, đảng đoàn).


Do đó, nhiệm vụ này được bổ sung hoàn chỉnh như sau: “Được cử cán bộ dự các phiên họp bàn về công tác xây dựng Đảng (về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ) của các tỉnh, thành uỷ, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ và của tập thể lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Trung ương (ở những nơi không lập ban cán sự đảng, đảng đoàn).

 

3. Về tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức Trung ương

 

Về Lãnh đạo ban Tổ chức Trung ương: Theo Quyết định số 78-QĐ/TW, Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương có Trưởng ban và các phó trưởng ban, trong đó có 1 Phó trưởng Ban là Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ kiêm nhiệm. Để bảo đảm việc tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác tổ chức cán bộ của hệ thống chính trị trong tình hình mới, cần thiết có thêm 1 đồng chí Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương kiêm nhiệm là Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội.


Vì vậy Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương gồm: Trưởng ban và các phó trưởng ban; trong đó có Phó trưởng ban là Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và Phó trưởng Ban là Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban công tác đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm.

 

Về cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức Trung ương: Theo Quyết định số 78-QĐ/TW, Ban Tổ chức Trung ương có 15 vụ, đơn vị trực thuộc (trong đó có Viện Khoa học Tổ chức); hiện nay Viện Khoa học Tổ chức đã được chuyển giao về Học viện Xây dựng Đảng thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (thực hiện Kết luận số 152-KL/TW ngày 10 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư về sắp xếp tổ chức các đơn vị nghiên cứu, giảng dạy sự nghiệp của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh), vì vậy về cơ cấu tổ chức của Ban Tổ chức Trung ương không còn Viện Khoa học Tổ chức.

 

Một số sửa đổi, bổ sung khác: Sửa đổi và bổ sung cụm từ “đoàn thể” thành cụm từ: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

 

Trong Quyết định số 78-QĐ/TW dùng cụm từ “đoàn thể” để chỉ các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội. Để thể hiện đầy đủ và phù hợp với các quy định của Điều lệ Đảng về tên gọi đối với các đoàn thể chính trị - xã hội, nên sửa đổi và bổ sung cụm từ “đoàn thể” thành cụm từ: “Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”.


Bổ sung cụm từ “công chức” sau cụm từ “cán bộ” đối với nhiệm vụ phối hợp nghiên cứu, đề xuất chủ trương, thực hiện chính sách, quản lý hồ sơ và thẩm tra, xác minh cán bộ có vấn đề về chính trị thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Bổ sung cụm từ “viên chức” sau cụm từ “cán bộ, công chức” đối với nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với các cơ quan nhà nước trong việc thể chế hoá các nghị quyết, quyết định của Đảng và tham gia thẩm định các đề án lớn của chính phủ và các bộ, ngành, cơ quan nhà nước về viên chức.


Hiện nay Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức đã được thực hiện thống nhất trong cả hệ thống chính trị; cán bộ đảng, đoàn thể cũng thực hiện theo 2 luật trên; vì vậy để đảm bảo phù hợp với luật hiện hành, bổ sung cụm từ “công chức và viên chức” sau cụm từ “tổ chức cán bộ”.

 

Hồng Phúc

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất