Đồng Nai tăng cường xây dựng giai cấp công nhân
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm công nhân Đồng Nai
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28-1-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ngày 15-10-2008, Tỉnh uỷ Đồng Nai đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 84-KH/TU với mục tiêu là xây dựng giai cấp công nhân ở Đồng Nai phát triển toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, trí thức hóa và trẻ hóa đội ngũ.

Trong 3 năm qua, chất lượng đào tạo nghề, trình độ học vấn, chuyên môn cho công nhân ở Đồng Nai được nâng lên. Đã có gần 103.000 công nhân tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, tỷ lệ qua đào tạo của công nhân trong các loại hình doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh hơn 60%. Ngoài ra, công đoàn các cấp có nhiều hình thức vận động công nhân hưởng ứng phong trào học bổ túc văn hóa bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông…

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong công nhân lao động được các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và tổ chức công đoàn quan tâm thường xuyên. Hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng chương trình tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân. Tổ chức cho công nhân học tập các chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa trong công nhân lao động, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa.

Vấn đề nhà ở cho người lao động luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đã huy động các nguồn lực trong xã hội để xây dựng nhà ở cho công nhân lao động, góp phần thực hiện an sinh xã hội. Đến nay đã có 61 dự án xây dựng nhà ở cho công nhân được phê duyệt với diện tích 486 ha, gần 20.000 căn hộ, có khả năng bố trí chỗ ở cho trên 14.000 lao động, hiện đã có 17 dự án đưa vào sử dụng.

Việc chăm lo đời sống văn hóa tinh thần đối với công nhân lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được mở rộng từ cấp tỉnh đến cơ sở như hệ thống thư viện điện tử, trung tâm văn hóa, nhà luyện tập thể dục thể thao. Hằng năm, các ngành chức năng phối hợp với Liên đoàn Lao động tổ chức các hoạt động như ngày hội văn hóa công nhân, phiên chợ vui, tuần hàng Việt Nam, thực hiện phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, năng suất cao, hiệu quả tốt”.

Các cấp ủy đảng cũng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, nhất là công tác xây dựng tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh gắn với việc nâng cao chất lượng hoạt động. Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng Chương trình số 21-CT/LĐLĐ về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh; giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở cho các cấp công đoàn giai đoạn 2008-2013. Tính đến cuối năm 2010, toàn tỉnh có 2.358 công đoàn cơ sở với 410.000 đoàn viên.

Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ công đoàn được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo trực tiếp. Hằng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn, các chính sách, pháp luật cho cán bộ công đoàn bán chuyên trách ở cơ sở; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 84 về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho công nhân lao động và cán bộ công đoàn các cấp. Hiện nay, trình độ chuyên môn của cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở từ trung cấp trở lên đạt 80,4%; từ cao đẳng, đại học trở lên đạt 64,27% và trên 95% cán bộ công chức đạt trình độ chuẩn của ngạch đang hưởng. Trong 2 năm (2009-2010) các cấp công đoàn đã giới thiệu hơn 6.500 cán bộ, đoàn viên ưu tú cho Đảng bồi dưỡng, đến nay gần 2.500 đồng chí đã được đứng vào hàng ngũ của Đảng.

Tuy nhiên, công tác xây dựng giai cấp công nhân ở Đồng Nai trong thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế nhất định:

Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về công tác xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn chưa đầy đủ; việc chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết và các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn chậm. Trong quá trình thực hiện thiếu kiểm tra, đôn đốc và chậm đề ra các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Một số quy định của pháp luật lao động chưa được thực thi nghiêm chỉnh, chưa có biện pháp hoặc chế tài đủ sức răn đe giáo dục người vi phạm. Việc xây dựng các thiết chế văn hóa, nhà ở cho công nhân, thành lập các quỹ tín dụng học nghề, quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động tiến độ còn chậm.

Công tác phối hợp của các ngành chức năng trong việc thanh, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về lao động, các quy định về chế độ, chính sách liên quan đến người lao động trong các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, thường xuyên. Một bộ phận chủ doanh nghiệp, người sử dụng lao động chấp hành pháp luật chưa tốt, có biểu hiện né tránh trong việc thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, xây dựng thang bảng lương, xây dựng các quy chế trả lương, thưởng của doanh nghiệp, chi trả bảo hiểm xã hội cho công nhân.

Năng lực, trình độ một số cán bộ công đoàn cơ sở còn hạn chế, phần lớn kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi qua các kỳ đại hội nên thiếu kinh nghiệm công tác, nhất là ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, nhằm nâng cao chất lượng xây dựng giai cấp công nhân, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Đồng Nai chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các cấp ủy đảng tiếp tục chỉ đạo hệ thống chính trị quán triệt sâu sắc Kế hoạch số 84-KH/TU của Tỉnh uỷ; Thông tri số 31-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp” nhằm nâng cao nhận thức các cấp ủy, chính quyền, các ngành, mặt trận, đoàn thể về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp, nhất là đối tượng xuất thân từ công nhân lao động; quan tâm xây dựng bộ máy tổ chức công đoàn từ tỉnh đến cơ sở vững mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ban chấp hành công đoàn các cấp. Chỉ đạo chính quyền các cấp xây dựng, nâng cấp các trung tâm dạy nghề ở địa phương, đi đôi với nâng cao chất lượng công tác dạy nghề cho công nhân, đảm bảo tăng tỷ lệ lao động được qua đào tạo nghề, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho công nhân lao động tại các doanh nghiệp.

Ba là, rà soát bổ sung, hoàn chỉnh Nghị quyết số 99/2007/NQ-HĐND về Đề án phát triển, xã hội hóa các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, dạy nghề; Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 22-5-2007 về việc tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 1 về đào tạo lao động kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các văn bản chỉ đạo về phát triển nhà ở cho công nhân lao động.

Bốn là, hoàn chỉnh mô hình quỹ tín dụng học nghề, quỹ bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống. Tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các doanh nghiệp để kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật. Đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp theo quy định Nhà nước.

Năm là, công đoàn các cấp cần thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ phẩm chất, bản lĩnh, kỹ năng. Chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp đối tượng để nâng cao chất lượng của tổ chức công đoàn các cấp. Chú trọng công tác tập hợp, phát triển đoàn viên, tiếp tục bồi dưỡng, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất