Ngày nay, báo chí đã trở thành một nhu cầu tất yếu thường ngày của người dân, nó phản ánh trình độ dân trí, nếp sống văn hoá của nhân dân. Mỗi buổi sáng, nhiều người dồn về các sạp báo để đón nhận tin tức trong nước, quốc tế liên quan đến các vấn đề chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội, các thông tin giải trí, tìm kiếm việc làm...
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Chính Người đã phát triển và vận dụng sáng tạo câu nói nổi tiếng của Lê-nin vào thực tiễn Việt Nam: “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang”...
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, đến tháng 3-2012, chỉ tính báo in, cả nước có 786 cơ quan và 1016 ấn phẩm báo chí, trong đó có 81 tờ báo trung ương, 113 tờ báo địa phương, 475 tạp chí trung ương và 117 tạp chí địa phương.
Về phát thanh truyền hình, cả nước có 67 đài phát thanh truyền hình trung ương và địa phương, trong đó có 2 đài quốc gia, một đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài truyền hình cấp tỉnh... Ngoài ra còn có hệ thống truyền hình trả tiền đang phát triển mạnh bằng công nghệ truyền dẫn.
Trong lĩnh vực thông tin điện tử, cả nước có 61 báo, tạp chí điện tử, 191 mạng xã hội, hơn 1.000 trang thông tin điện tử tổng hợp.
Cả nước có gần 17.000 nhà báo được cấp thẻ “hành nghề”. Tổng doanh thu báo in năm 2011 ước tính đạt 4.200 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 300 tỷ đồng. Năm 2011, toàn ngành phát thanh truyền hình nộp ngân sách nhà nước 900 tỷ đồng.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp, kẻ thù luôn tìm cách kích động, chống phá, nếu chúng ta lơ là, thiếu cảnh giác sẽ rất dễ sa vào cạm bẫy của chúng. Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, là diễn đàn của nhân dân, báo chí nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và có nhiều đóng góp trên các mặt thúc đẩy sản xuất và đời sống; đảm bảo dân chủ và kỷ cương, pháp luật; nói đi đôi với làm, không ngại khó, ngại khổ; kịp thời phát hiện, biểu dương các phong trào thi đua yêu nước; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động đấu tranh chống các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, hợp tác để xây dựng đất nước...
Chúng ta cần “Hướng tới xây dựng nền báo chí vững mạnh, tiến bộ và chuyên nghiệp”. Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm thường xuyên đến công tác báo chí, khắc phục những hạn chế, yếu kém, không để xảy ra tình trạng khuyết điểm kéo dài. Các cơ quan nhà nước và cơ quan chủ quản cần chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí.
Về phía mình, báo chí cần tiếp tục đi sâu phát hiện cái mới, ủng hộ và đề cao cái tích cực, tiến bộ, đề cao những tấm gương người tốt việc tốt, phát huy tính tiên phong trong đấu tranh chống tiêu cực... Luôn giữ vững tôn chỉ, mục đích, phản ánh khách quan hiện thực, góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Mai Trang