Đồng chí Phạm Hùng là một trong những người cộng sản lớp đầu tiên ở Nam bộ sớm giác ngộ cách mạng, từ năm 1928-1929 đã tham gia phong trào thanh niên và học sinh, tổ chức “Nam kỳ học sinh Liên hiệp hội” và “Thanh niên cộng sản Đoàn”. Những năm học trung học, đồng chí Phạm Hùng từng bước một tiếp nhận chủ nghĩa yêu nước và bắt đầu hoạt động trong những tổ chức liên quan đến Đảng Cộng sản. Do vậy, chính Thống đốc Nam kỳ đã quyết định “tạm thời đuổi học 3 tháng vì hành vi vô kỷ luật, ngày 20-10-1930 xóa tên trong sổ bộ trường trung học”[1]. Vào giữa năm 1928, Chi bộ cơ sở của Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản sau này) được bí mật thành lập, do học sinh Phạm Văn Thiện (Phạm Hùng) làm bí thư. Phạm Hùng cũng trở thành Bí thư chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Mỹ Tho thành lập năm 1931.
Ngày 30-4-1931, mới 19 tuổi, Phạm Văn Thiện đã tự tay bắn chết Hương quản Trâu, một địa chủ gian ác, nợ máu chồng chất với nhân dân tại cuộc mít-tinh của 3.000 nông dân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Sau một tuần, anh bị bắt và bị kết án tử hình tại tòa Đại hình của Pháp tại Mỹ Tho. Trong khi chờ ngày hành quyết, anh bị đưa lên Sài Gòn để nhận thêm một án tử hình nữa trong cái gọi là “Vụ án Đảng Cộng sản Đông dương”. Hiếm có một trường hợp nào, một thanh niên cộng sản trẻ tuổi cùng một lúc nhận hai án tử hình như đồng chí Phạm Hùng. Tiếng vang sâu rộng của “Vụ án Đảng Cộng sản Đông dương” làm xúc động lương tri các chiến sỹ cộng sản và nhân dân tiến bộ Pháp, trong phong trào của Ủy ban đại xá tù chính trị ở Đông Dương và Quốc tế Cứu tế Đỏ. Đảng Cộng sản Pháp mở cuộc vận động đòi ân xá cho 10.000 tù chính trị, trong đó có hơn chục án tử hình. Do sự đấu tranh ở trong nước và quốc tế, đầu xuân 1934, đồng chí Phạm Hùng rời Khám lớn Sài Gòn ra chốn “địa ngục trần gian” Côn Đảo để chịu án chung thân khổ sai. Suốt 15 năm của thời trai trẻ trong ngục tù thực dân (từ 1931 đến ngày 23-9-1945), đồng chí Phạm Hùng đã khắc họa một tấm gương sáng - một người Cộng sản chân chính.
Kiên trung, tin tưởng lý tưởng của Đảng, tin vào thắng lợi của cách mạng
Sự kiên trung của Phạm Hùng thể hiện ngay khi bị bắt đưa về Sở lính kín Mỹ Tho, bị tra tấn dã man vẫn khí phách hiên ngang làm cai ngục, lính và tù nhân nể trọng. Bị biệt giam trong xà lim chờ ngày lên máy chém, trước cái chết vẫn ung dung, thanh thản, vẫn tập thể dục buổi sáng hằng ngày, đặt mua sách, báo có cả tiếng Pháp để đọc; thuyết phục, cảm hóa tử tội thường phạm không mất tinh thần, học hành, sẵn sàng chết một cách thanh thản, có ích.
Ở Côn Đảo, anh luôn dẫn đầu các cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Sự gan dạ, lòng thương người, sức chịu đựng của anh đã che đỡ những đồng chí ốm yếu mỗi khi bị đánh đập... Trong cuộc đấu tranh chống khủng bố ở tù, “sổ tù của anh ngoài đảo chi chít dấu đỏ án phạt của chúa đảo". Giác ngộ tù thường phạm, đoàn kết đấu tranh bảo vệ quyền lợi của tù nhân, những năm tháng ấy, anh luôn là chỗ dựa, là tấm gương cho anh em tù chính trị đấu tranh.
Suốt thời gian ở nhà tù Côn đảo, đồng chí Phạm Hùng luôn là một trong những hạt nhân lãnh đạo của tổ chức đảng, tổ chức thành công việc đưa anh em trở về đất liền sau khởi nghĩa ở Sài Gòn thành công ngày 25-8-1945 (gồm Võ Sỹ, Trần Ngọc Danh, Đặng văn Quang, Văn Viên, Nguyễn Thọ Chân, Phạm Hùng,…).
Đi đầu trên tuyến đầu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược
Sau 12 năm bị giam cầm tại Côn Đảo, ngày 23-9-1945, Phạm Hùng đặt chân lên bến Đại Ngãi, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng giữa lúc tiếng súng chống Pháp xâm lược của nhân dân Nam bộ rền vang. Đồng chí đã giữ các trọng trách Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam bộ, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Bí thư và Chủ tịch UBHC Phân Liên khu miền Đông Nam bộ, Trưởng phái đoàn liên lạc Quân đội NDVN cạnh Ủy ban Quốc tế tại Sài Gòn, UVBCT - Trưởng ban Thống nhất Trung ương… Sau khi trở lại miền Nam 1967 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đồng chí là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các LLVTGPMNVN, Chính ủy Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quãng thời gian hoạt động trên chiến trường miền Nam của đồng chí đã để lại những câu chuyện, những kỷ niệm sâu sắc cho những người đã cùng sống và chiến đấu về người lãnh đạo xuất sắc của Đảng và nhân dân ta. Trong hai cuộc kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ ấy, những nơi đồng chí Phạm Hùng đến là những nơi gian khổ nhất, khốc liệt nhất và cũng là nơi anh hùng, bất khuất…
Với tư cách Bí thư Xứ ủy, đồng chí Phạm Hùng phải giải quyết hàng loạt vấn đề do lịch sử để lại như các tổ chức vũ trang xuất thân từ các thành phần khác nhau; thế và lực trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến; tổ chức lực lượng vũ trang và bán vũ trang, về một cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và tự lực cánh sinh…
Từ 1967, với tư cách là Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các LLVTGPMNVN, tham gia lãnh đạo, chỉ đạo những chiến dịch lớn như Mậu Thân 1968, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975… đòi hỏi ở đồng chí phải cùng Bộ Chính trị, Trung ương Cục miền Nam giải quyết một loạt vấn đề về tạo thế và lực, lựa chọn thời cơ, xây dựng ba thứ quân, tạo thế trận chiến tranh nhân dân… Nhiều tư tưởng lớn có ý nghĩa chiến lược được đồng chí Phạm Hùng đề xuất, thể hiện một nhãn quan chính trị khoa học và sắc sảo, năng lực tổng kết thực tiễn và cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện. Đồng chí Phạm Văn Xô, nguyên UVTƯĐ, Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam nhớ lại: “Bám sát thực tế chiến trường, đồng chí Phạm Hùng đã nhận định và đóng góp ý kiến cùng Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo chính xác, kịp thời... Về nhiệm vụ hậu cần, đồng chí Phạm Hùng chỉ đạo phải thực hiện lời dạy của Bác “Biến không thành có, biến khó thành dễ, biến thiếu thành đủ, biến cũ thành mới” để phục vụ cho cuộc kháng chiến… phải hết sức coi trọng hậu cần tại chỗ”[2].
Nhiều người có thời gian sống và làm việc với đồng chí Phạm Hùng trong những thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt ấy đều cảm nhận ở anh một chuẩn mực của người cán bộ lãnh đạo: Rất thương yêu đồng đội nhưng cũng rất nghiêm khắc với bản thân và đồng đội; đó là một con người kiên cường, ngay thẳng, trong sạch, thủy chung, giản dị, gần gũi; năng lực làm việc cao, bền bỉ, cẩn thận, chu đáo, thiết thực.
Kiên quyết trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực
Từ năm 1976, là UVBCT, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Phạm Hùng đã góp phần giải quyết thắng lợi những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ Đảng và nhân dân trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội. Đóng góp lớn của đồng chí là xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh theo Tư tưởng Hồ Chí Minh; phá nhiều vụ án chính trị quan trọng của các thế lực thù địch (Kế hoạch phản gián CM-12); đấu tranh có hiệu quả chống tiêu cực, lạc hậu.
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 20-9-1979 của Hội nghị Trung ương 6 (khoá IV), nêu 3 nhiệm vụ cấp bách: Một là, đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống của nhân dân. Hai là, tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Ba là, kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế và xã hội, nhất là tệ ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng.
Đồng chí Phạm Hùng đã tỏ rõ là một người cộng sản ưu tú đi đầu trong chống các hiện tượng tiêu cực, lạc hậu. Quan điểm, tư tưởng của đồng chí Phạm Hùng là:
“Sức mạnh vô cùng tận của chúng ta là ở lực lượng nhân dân, nếu lực lượng này đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, phối kết hợp chặt chẽ, tổ chức thành từng đợt công tác mà như ta thường gọi là chiến dịch, đặt yêu cầu rõ và giải quyết dứt điểm thì tình hình chắc chuyển biến tốt”.
“Từ khi tôi vào Đảng tới bây giờ, qua các giai đoạn cách mạng chưa lúc nào tôi thấy Đảng ta tiêu cực như lúc này... Rõ ràng là trong tất cả các xí nghiệp, những người tích cực nói lên không được, bị trấn áp, những đồng chí tích cực khó nói được tiếng nói của mình. Bản chất chiến đấu của đảng viên ở đâu?... Vì vậy mà yêu cầu không chỉ là trật tự, an ninh, mà yêu cầu là tất cả các cấp uỷ của chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên của ta hãy đứng vững trên vị trí người cộng sản chiến đấu. Chúng ta có làm được như vậy thì toàn Đảng của ta mới chuyển, mới truyền được sức mạnh sang cho quần chúng”.
“Ta đừng đánh giá thấp cán bộ, công nhân viên của ta... Tất cả những ai sẵn sàng thi hành đường lối của Đảng, kiên quyết chiến đấu thì ta rất hoan nghênh, những ai muốn phụ hoạ, muốn thoái lui thì phải gạt ra khỏi Đảng, những người nào làm sai chính sách, xâm phạm tới quyền lợi của nhân dân thì phải đưa ra khỏi Đảng”.
“Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là phải tích cực và chủ động phòng ngừa từ khâu phát triển Đảng, khâu tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, khâu tuyển quân... Nói tổ chức mạnh, còn phải xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, có quan điểm lập trường vững vàng”.
“Chúng ta chưa thấy hết vị trí quan trọng có tầm chiến lược trước mắt và lâu dài về công tác chống tiêu cực... Đấu tranh chống tiêu cực là một cuộc vận động chính trị sâu rộng, một cuộc đấu tranh cách mạng, có tầm chiến lược, là một cuộc vận động chính trị trong Đảng, trong chính quyền, trong các cơ sở tập thể và ngoài xã hội. Đó là một cuộc phát động quần chúng long trời, lở đất để vùng lên dưới sự lãnh đạo của Đảng để bảo vệ và xây dựng chế độ, cải thiện đời sống ấm no và hạnh phúc của nhân dân”. “Chúng ta chưa thấy hết được sự bức thiết này (chống tiêu cực), tức là chưa thấy hết tính chất nguy hiểm của vấn đề. Nói chung tiêu cực rốt cuộc là vấn đề xây dựng con người”.
Theo đồng chí Phạm Hùng, chống tiêu cực là vấn đề bức thiết, đồng thời là vấn đề chiến lược trong quá trình xây dựng CNXH. Chống tiêu cực là một cuộc phát động quần chúng thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Chống tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội không tách rời với chống địch phá hoại. Chống tiêu cực là xây dựng nền văn hoá mới, con người mới. Chống tiêu cực phải đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Không thể có bất cứ lý do nào mà một cấp uỷ nào đó có thể thoái thác sự lãnh đạo đối với việc chống tiêu cực. Điều quan trọng hàng đầu phải xây dựng cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.
Để làm tốt công tác chống tiêu cực, theo đồng chí Phạm Hùng, cần thực hiện các giải pháp sau: Chống tiêu cực thực hiện trên phạm vi toàn quốc, toàn ngành, trong Đảng và ngoài xã hội. Người đứng đầu cơ quan đảng và chính quyền phải chịu trách nhiệm chính. Phát huy dân chủ trong Đảng, nêu cao tính chiến đấu của người đảng viên. Chống tiêu cực phải có kế hoạch, chương trình, có trọng tâm, trọng điểm dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ và phải trở thành một nội dung trong sinh hoạt chi bộ. Dựa vào quần chúng, phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia là vấn đề mấu chốt. Công tác xét xử phải nghiêm minh, kịp thời và đúng mức.
Nghiên cứu những quan điểm, tư tưởng và giải pháp của đồng chí Phạm Hùng về công tác chống tiêu cực rất có ý nghĩa trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiện nay.
Quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
Đồng chí Phạm Hùng được giao trọng trách đứng đầu Chính phủ từ tháng 6-1987 đến 3-1988, tuy trong thời gian ngắn nhưng đã tỏ rõ bản lĩnh và tài năng của một nhà hoạt động cách mạng lớn của Đảng, của dân tộc. Bấy giờ, nước ta đang ở đỉnh điểm của khủng hoảng kinh tế-xã hội, lạm phát phi mã (700%), kinh tế, tài chính mất cân đối nghiêm trọng, đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, đất nước khan hiếm mọi hàng hoá thiết yếu, do hậu quả chiến tranh, cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp kéo dài cộng với chính sách bao vây cấm vận của Mỹ gây ra những khó khăn nghiêm trọng. Đại hội VI của Đảng phát động công cuộc đổi mới đặt ra những yêu cầu mới không chỉ về đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh tế mà còn đặt ra những yêu cầu cao về ý chí cách mạng, cách thức tổ chức sáng tạo để khắc phục khủng hoảng, lạm phát, ổn định tình hình. Trước khó khăn, thách thức đó, đồng chí Phạm Hùng với cương vị người đứng đầu Chính phủ đã tỏ rõ bản lĩnh và thực hiện xuất sắc nhiệm vụ. Một loạt các chính sách, chủ trương của Chính phủ được thực hiện: Tổng kết “khoán 100”, ban hành chủ trương “khoán 10”; đổi mới chính sách về thương nghiệp và chuyển hoạt động nội thương sang hạch toán kinh doanh XHCN (Nghị quyết 113 ngày 15-7-1987 của HĐBT); chuyển hoạt động của ngành lương thực sang hạch toán kinh doanh XHCN (Quyết định số 209 ngày 3-10-1987 của HĐBT). Trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, ngân hàng cũng là thời điểm có tính đột phá. Quyết định của Chủ tịch HĐBT cho làm thử việc chuyển hoạt động của hệ thống ngân hàng sang kinh doanh (QĐ/218-CT ngày 3-7-1987); Quyết định 217-HĐBT thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VI) về đổi mới kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh đối với xí nghiệp quốc doanh, các Quyết định 27, 28, 29 của HĐBT về ban hành chính sách đối với kinh tế cá thể, tư doanh, tập thể, kinh tế gia đình trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, xây dựng, vận tải… đã tạo ra những tiền đề cơ bản cho nền kinh tế chuyển động mạnh mẽ và vững chắc từ chế độ kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp sang hạch toán vận động theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. "Với tinh thần tiến công cách mạng, mọi người chúng ta đồng tâm nhất trí, không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào, gian khổ phấn đấu, năng động sáng tạo, làm ăn có năng suất, có chất lượng, có hiệu quả, nhất định sẽ xoay chuyển được tình hình theo hướng tích cực” - đồng chí Phạm Hùng đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong các quyết định của HĐBT lúc bấy giờ.
Đánh giá về đồng chí Phạm Hùng ở thời điểm lịch sử này, đồng chí Nguyễn Khánh viết: “Anh có lối làm việc rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, đã nói là làm, đã quyết định làm việc gì thì đôn đốc, kiểm tra liên tục cho đến xong mới thôi… Anh Phạm Hùng đã góp sức với Đảng hình thành đường lối đổi mới, đã trực tiếp chỉ đạo những nhiệm vụ quan trọng và rất khó khăn để thực hiện công cuộc đổi mới, để biến tư tưởng đổi mới của Đảng thành hành động thực tế của toàn dân, toàn Đảng”[3].
Hiện nay, Đảng ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay”, thiết nghĩ, một trong những giải pháp là coi trọng việc học tập tư tưởng, đạo đức của những nhà cách mạng tiền bối, trong đó có đồng chí Phạm Hùng “một người con ưu tú của dân tộc, một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một lãnh đạo của Đảng, Nhà nước có uy tín, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đồng chí Phạm Hùng nói: “Đảng ta là Đảng cầm quyền, thời kỳ bí mật Đảng tồn tại và phát triển từ trong lòng dân, khi có chính quyền, Đảng ta đã xác định đúng: lấy dân làm gốc, lấy việc chăm lo lợi ích của nhân dân làm mục tiêu trên hết. Cán bộ các cấp phải sát thực tế, nghe, biết được nhiều ý kiến khác nhau của nhân dân; suy nghĩ, phân tích đúng, sai, ra quyết định phù hợp với lợi ích của nhân dân. Có như vậy, Đảng mới thực sự của dân, Đảng ta mới mạnh”[4].
Gần 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đồng chí Phạm Hùng thể hiện là một người con ưu tú của dân tộc, một chiến sỹ cộng sản kiên cường, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có uy tín, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Hùng cũng là dịp mỗi chúng ta tìm hiểu, học tập, trân trọng ghi ơn những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta.
Lê Quang
-----------------------
[1]. Phạm Hùng, người con của châu thổ Sông Cửu Long, người con của đất nước Việt Nam. Trần Bạch Đằng. Phạm Hùng nhà lãnh đạo trung kiên, mẫu mực. NXBCTQG. H 2003, tr 89.
[2].Hồi nhớ Đồng chí Phạm Hùng. Phạm Văn Xô. Sđd, tr 83, 80.
[3] .Người đứng đầu chính phủ những năm đầu đổi mới. NXB CTQG. H 2003, tr 173, 178.
[4].Anh Phạm Hùng, một nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, quân sự xuất sắc. Đồng Sỹ Nguyên. Sđd, tr112.