Quan niệm thanh đảng của V.I Lê-nin vẫn đang soi sáng
Tháng 3-1906, lần đầu tiên, V.I Lê-nin khẳng định sự cần thiết phải thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và trong mọi hoạt động của đảng. Trong Cương lĩnh hoạt động sách lược trình lên Đại hội Thống nhất của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga. V.I Lê-nin cho rằng, giai cấp công nhân - đội tiên phong của giai cấp vô sản - lãnh đạo toàn xã hội không chỉ bằng cương lĩnh, tư tưởng và đường lối, mà còn bằng tổ chức, bởi “Sức mạnh của giai cấp công nhân là ở tổ chức. Không tổ chức quần chúng thì giai cấp vô sản không là cái gì hết. Được tổ chức, giai cấp vô sản sẽ là tất cả”(1). Theo đó, mỗi tổ chức đảng phải được chỉnh đốn vững mạnh và đó chính là điều kiện đảm bảo cho cương lĩnh, tư tưởng và đường lối của toàn đảng được thực hiện trên thực tế. Sức mạnh về chính trị, về tư tưởng của đảng chỉ có thể được thực hiện bằng tổ chức đảng, thông qua tổ chức đảng, hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Theo V.I Lê-nin, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng chính đảng vô sản cầm quyền, đòi hỏi phải có sự thống nhất giữa tính tổ chức, tính kỷ luật và tính tư tưởng. Trong đảng cần phải thực hiện kỷ luật chặt chẽ, thống nhất; thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên; tổ chức các cấp và toàn thể đảng viên phải chấp hành nghị quyết đại hội đại biểu của đảng, phục tùng sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương. V.I Lê-nin cho rằng, trong một chính đảng vô sản cầm quyền, “tính tổ chức là sự thống nhất hành động, sự thống nhất trong hoạt động thực tiễn”. Sự thống nhất này chính là “… thống nhất hành động, tự do thảo luận và phê bình” - đó là kỷ luật đảng, “chỉ có kỷ luật như thế mới xứng đáng với đảng dân chủ của một giai cấp tiên tiến”. Thêm nữa, “tính tổ chức mà không có nguyên tắc tư tưởng là một điều vô nghĩa” và do vậy, giai cấp vô sản không chấp nhận sự thống nhất hành động trên cơ sở tự do thảo luận và phê bình một cách vô nguyên tắc. Nhấn mạnh nguyên tắc về sự thống nhất giữa tính tổ chức và tính tư tưởng trong Đảng, song Người cũng khẳng định: “Không có kỷ luật nào buộc đảng viên phải mù quáng tán thành mọi dự thảo nghị quyết do Ban Chấp hành Trung ương thảo ra”. Bởi trong một chính đảng vô sản cầm quyền “được xây dựng một cách dân chủ”, mọi đảng viên của đảng đều “có quyền và nghĩa vụ đấu tranh trong phạm vi nghị quyết của đại hội”.

Bên cạnh đòi hỏi phải có sự đấu tranh đi đến thống nhất trong đảng, V.I Lê-nin cũng thừa nhận, không phải lúc nào mọi đảng viên của đảng đều thuần nhất tuyệt đối về chính trị, tư tưởng, tổ chức, nhất là khi có những kẻ luồn lọt “chui sâu, leo cao” vào hàng ngũ của đảng, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của những người cộng sản, khoác lên vai, khắc lên trán hai chữ cộng sản, nhưng kỳ thực không tỏ rõ tính tiên phong và chẳng mang một chút nào bản chất giai cấp công nhân. Bởi vậy, một mặt phải làm tốt công việc phát triển đảng viên, mặt khác phải thường xuyên tăng cường thanh đảng, đảm bảo cho đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đủ sức gánh vác công việc của các xô-viết.

Vấn đề thanh đảng được Lê-nin đề cập rất sớm, nhưng tập trung nhất ở tác phẩm “Về vấn đề thanh đảng”(2) viết vào tháng 9-1921 vì những lý do: ngay sau khi thành lập, tại Đại hội II của Đảng Công nhân dân chủ xã hội Nga (7-1903), đảng đã chia thành hai phái Bôn-sê-vích (B) và Men-sê-vích; giai cấp công nhân Nga trải qua Chiến tranh thế giới I và nội chiến đã có những biến động lớn. Nhiều công nhân ưu tú phải ra mặt trận và cũng nhiều người xuất thân từ đủ mọi tầng lớp dân cư vào trong các xí nghiệp, hầm mỏ, trong đó có cả những kẻ trốn nghĩa vụ quân sự và những tên vô sản lưu manh; do sức hấp dẫn của đảng cầm quyền khiến bọn cơ hội tìm mọi cách chui vào đảng, trở thành nguồn gốc chia rẽ, bè cánh, phe nhóm trong đảng…

Trong giai đoạn 1919-1920, Đảng Cộng sản (B) Nga đã đăng ký lại đảng viên với mục đích đưa những phần tử bám lấy đảng vì danh lợi, địa vị, thoái hoá… ra khỏi đảng. Năm 1921, Đại hội X của Đảng Cộng sản (B) Nga, quyết định chuyển chính sách cộng sản thời chiến sang chính sách kinh tế mới và vấn đề thanh đảng đã trở nên đặc biệt quan trọng. Nhận thấy sự tồn tại của các phe nhóm là nguy cơ cho việc thực hiện đường lối mới, nên Đại hội đặc biệt chú ý đến sự thống nhất trong đảng. V.I Lê-nin trực tiếp soạn thảo nghị quyết về vấn đề thanh đảng, Người đề nghị công khai đưa ra khỏi đảng những đảng viên không còn đủ tiêu chuẩn có sự tham gia đóng góp, chỉ ra của đông đảo của quần chúng lao động. Đại hội đã tán thành và thực hiện việc thanh đảng vào năm 1921, phải dựa vào kinh nghiệm của công nhân, quần chúng ngoài đảng, dựa vào các tổ chức xô-viết. Cuộc thanh đảng rộng lớn được tiến hành và đưa ra khỏi đảng khoảng 25% số đảng viên lúc đó.

Một trong những vấn đề V.I Lê-nin lưu ý sau Cách mạng Tháng Mười Nga là, không thể tránh khỏi những phần tử nguy hại, những bọn phiêu lưu chui vào đảng cầm quyền, “bất cứ cuộc cách mạng nào cũng không tránh khỏi điều đó và sẽ không tránh khỏi được”. Vấn đề là ở chỗ, đảng cầm quyền phải biết làm cho hàng ngũ của mình trong sạch bằng cách đuổi bọn thoái hoá biến chất, cơ hội, thù địch ra khỏi đảng, làm cho lực lượng và uy tín của đảng tăng lên. Mục đích của thanh đảng là nhằm loại trừ những người không đủ tiêu chuẩn, bọn phiêu lưu, bọn khiêu khích ra khỏi đảng; để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của đảng; để có đội ngũ đảng viên và tổ chức đảng đủ sức thực hiện chính sách mới, tương xứng với nhiệm vụ chính trị mới, chứ không vì mục đích nào khác. V.I Lê-nin lưu ý đến đối tượng thanh đảng là những kẻ bè phái chống đảng như bọn Men-sê-vích…; những phần tử tuyên truyền quan điểm chống đảng; những kẻ gian giảo, đảng viên quan liêu, xu nịnh, luồn lọt, tham ô, ăn cắp, thiếu trung thực, bọn người lập ra hết ban này ban nọ, mà không làm và không biết làm một công tác thực tiễn nào…

Trong mỗi giai đoạn lịch sử của mình, việc thực hiện thanh đảng nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo độc tôn của đảng cộng sản, nhằm mục đích kiến thiết, củng cố, chỉnh đốn, xốc lại tinh thần và lực lượng, trau chuốt viên ngọc bản chất giai cấp công nhân càng thêm sáng thêm trong, đủ sức chèo lái con thuyền cách mạng cập bến bờ hạnh phúc đã được khẳng định. Với ý nghĩa ấy, việc tiếp tục học tập, nắm vững và vận dụng sáng tạo nguyên tắc tập trung dân chủ và quan điểm thanh đảng của V.I Lê-nin vào thực tiễn công tác xây dựng đảng của chúng ta trong hiện nay mang ý nghĩa vô cùng thiết thực.

Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” chỉ rõ ba vấn đề cần làm ngay: Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu của cấp uỷ, chính quyền các cấp và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những khâu quan trọng nhất…

Để Nghị quyết Trung ương 4 vào cuộc sống, Đảng ta đã ban hành các chỉ thị, hướng dẫn, đảm bảo cho việc tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những băn khăn thái quá, hoặc tả khuynh hoặc hữu khuynh trong xem xét nội dung, cách thức, bước đi, lộ trình của tự phê bình và phê bình trong Đảng. Hoặc có những người khi phê bình thì tỏ ra rất gay gắt, “sâu sắc” thái quá, nhưng khi tự phê bình thì giản đơn, xuê xoa; một số không có dũng khí khi nhìn vào những sai phạm, khuyết điểm; thiếu trách nhiệm cả trong phê bình và tự phê bình. Kinh nghiệm cho thấy sẽ là nguy hiểm một khi lợi dụng quan điểm thanh đảng của Lê-nin để đưa ra khỏi đảng những người không cùng phe cánh, người mình không ưa thích, hoặc dám đấu tranh phê bình mình… Vì vậy, trong thực tiễn triển khai Nghị quyết Trung ương 4, đối với mỗi đảng viên và tổ chức cơ sở đảng từ Trung ương tới địa phương, trước hết phải thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt đảng; mặt khác, phải hiểu và vận dụng đúng quan điểm của Lê-nin về vấn đề “thanh đảng” vào tình hình thực tiễn hiện nay, với mục tiêu kiện toàn tổ chức, củng cố đoàn kết trong Đảng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Những tư tưởng vĩ đại của V.I.Lê-nin vẫn luôn tỏa sáng và có giá trị cho đến ngày nay, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ và vấn đề thanh đảng.

-----------------------------
1. V.I.Lênin. Toàn tập, Tập 14, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, tr.163.
2. V.I.Lênin toàn tập, Tập 44, Nxb Tiến bộ Mátxcơva, 1979, tr. 334.

Phản hồi (1)

Nguyễn Mạnh Tuyển 10/05/2012

Tôi thấy bài viết này rất cần thiết cho các đồng chí đang là lãnh đạo các cấp của đảng hiện nay. Nhưng tôi chỉ băn khoăn là có những ai đọc bài này mà thôi, hay chỉ là những người như chúng tôi mới là đối tượng nên đọc. Vấn đề thực hiện Nghị quyết TW 4 lần này nếu ta thực hiện được như Đ/c nguyên Tổng Bí thư nói " Đã tắm là phải gội đầu"... Vấn đề là ở chỗ tự gội hay có người gội cho, dùng loại " nước gội nào cho phù hợp với từng người" vừa sạch lại vừa không tái gầu...

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất