Huyện Con Cuông là huyện núi cao biên giới của tỉnh Nghệ An, có 55,3 km đường biên giới giáp nước bạn Lào, diện tích 174.451 ha trong đó diện tích rừng và đất rừng chiếm trên 75%. Toàn huyện có có 13 xã, thị trấn, 124 thôn (bản), 15.905 hộ với trên 64.000 khẩu thuộc 8 dân tộc Thái, Kinh, Đan Lai, Tày, Nùng, Hoa, Ê đê, Khơ Mú.
Cách đây 5 năm về trước, Con Cuông là một huyện vùng biên đa dân tộc, hệ thống giao thông và hạ tầng y tế giáo dục chưa phát triển, đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân trong huyện đặc biệt là đồng bào các dân tộc tại các xã vùng sâu, vùng xa biên giới còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó còn có những tác động tiêu cực từ việc truyền đạo trái pháp luật, các thế lực thù địch lợi dụng địa bàn vùng sâu, vùng xa tuyên truyền văn hoá xấu độc và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ tình cảm hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa các dân tộc Việt - Lào. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Trung ương và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về gắn ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội với xây dựng và phát triển kinh tế, từng bước đưa kinh tế huyện phát triển, nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho nhân dân, củng cố vững chắc thế trận an ninh-quốc phòng địa phương, Đảng bộ, cấp uỷ và chính quyền các cấp huyện Con Cuông những năm qua đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng, đó là: Yên dân, giữ rừng và phát triển kinh tế. Với sự nỗ lực cao của cán bộ đảng viên trong toàn đảng bộ, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành trong tỉnh, huyện Con Cuông đang có bước chuyển mình trên hầu hết các mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.
Yên dân
Trong một nghị quyết chuyên đề, Ban Thường vụ huyện uỷ Con Cuông đã xác định nhiệm vụ giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, củng cố thế trận an ninh quốc phòng địa phương là nhiệm vụ trọng yếu, là yếu tố tiên quyết trước khi triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trọng điểm. Nghị quyết chuyên đề xác định các nhóm giải pháp:
- Muốn yên dân trước hết phải thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, mọi chủ trương, chính sách đều được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân, được nhân dân bàn bạc và tổ chức thực hiện. Để làm được việc này, Ban Thường vụ huyện uỷ đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến mọi đối tượng. Thông qua các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Cựu chiến binh, Câu lạc bộ Thời sự chính sách, Câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, Câu lạc bộ hôn nhân gia đình trên toàn huyện để tiến hành tuyên truyền, giáo dục pháp luật và mọi người dân đều có quyền tham gia đóng góp cũng như xây dựng các phương án tổ chức thực hiện.
- Các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền trong toàn huyện tập trung chăm lo củng cố an ninh, quốc phòng, thường xuyên nêu cao cảnh giác sẵn sàng đối phó với các âm mưu phá hoại của địch, đấu tranh với các thủ đoạn xuyên tạc, lợi dụng chính sách dân tộc, tôn giáo, gây chia rẽ đoàn kết nội bộ.
Song song với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã trực tiếp điều hành sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong huyện thông qua giao ban nội chính định kỳ về tình hình an ninh, chính trị và quốc phòng địa phương. Công tác lãnh đạo được triển khai thông qua các cơ quan chức năng như Công an, Ban chỉ huy Quân sự huyện với các nhiệm vụ chủ yếu là: Kiện toàn tổ chức và biên chế lực lượng an ninh, dân quân tự vệ, dự bị động viên đủ về số lượng chất lượng từ huyện đến thôn, bản; tăng cường công tác huấn luyện nâng cao trình độ tác chiến và nghiệp vụ chuyên môn cho toàn lực lượng; làm tốt công tác phối hợp giữa bộ đội địa phương, Công an với Bộ đội Biên phòng (Đồn 555 Môn Sơn và Đồn 553 Châu Khê) tổ chức tuần tra biên giới, bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biên.
Nhờ làm tốt công tác phối hợp trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện duy trì trật tự an toàn xã hội và công tác quốc phòng, quân sự địa phương, những năm trở lại đây trên địa bàn huyện Con Cuông không có điểm nóng xảy ra, hiện tượng khiếu kiện đông người và đơn thư khiếu kiện vượt cấp đã được giải quyết sớm theo đúng trình tự pháp luật. Nhờ an ninh địa bàn được giữ vững nên nhân dân yên tâm sản xuất, chăm lo phát triển kinh tế, đời sống văn hoá của nhân dân từng bước được nâng cao, toàn huyện hiện có 63/124 thôn bản đạt danh hiệu đơn vị văn hoá cấp tỉnh, cấp huyện.
Giữ rừng
Huyện Con Cuông có trên 130.000 ha rừng và đất rừng, trong đó có khu rừng nguyên sinh Pù Mát, một di sản thiên nhiên quốc gia cần được bảo vệ và phát triển. Với nhận thức sâu sắc về vai trò của rừng đối với kinh tế và môi trường sinh thái, nhiều năm qua công tác quản lý bảo vệ và trồng mới rừng đã được cấp uỷ, chính quyền các cấp trong toàn huyện quan tâm. Không chỉ tăng cường lực lượng, phương tiện bảo vệ rừng, công tác tuyên truyền giáo dục nhận thức bảo vệ và phát triển rừng được triển khai đến từng hộ dân. Cho đến nay, tệ nạn khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép về cơ bản được ngăn chặn, đẩy lùi. Với tốc độ hàng năm trồng mới trên 2.500 ha rừng và thông qua chính sách giao đất, giao rừng cho từng hộ dân, đến nay tỷ lệ che phủ rừng của huyện đạt 75,7% (địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước). Rừng được giữ, được bảo vệ và phát triển nghĩa là nguồn nước cho canh tác và sinh hoạt luôn ổn định, không những thế, rừng còn là lá chắn thiên nhiên bảo vệ người dân không bị lũ quét, lũ ống đe doạ sinh mạng và tài sản. Nhân dân các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện Con Cuông đang sống với rừng, tham gia bảo vệ rừng và từng bước giàu lên từ rừng.
Phát triển kinh tế
Nhờ có môi trường an ninh, chính trị ổn định, môi trường sinh thái rừng ngày càng cân bằng và phát triển đã tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế. Chương trình mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ của huyện bước đầu đã đạt kết quả khả quan. Nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực địa phương theo chỉ tiêu, hạn mức của tỉnh, huyện Con Cuông đã tập trung vào phát triển trồng trọt và chăn nuôi, tìm các giải pháp khai thác hết diện tích đất canh tác để sản xuất lương thực. Với gần 2.000 ha diện tích lúa nước được đưa giống mới có năng suất cao vào gieo cấy và chăm bón tốt nên đã cho năng suất đạt bình quân đạt trên 55 tạ/ha/vụ. Cùng với hơn 2.000 ha diện tích đất màu 3 vụ lạc, ngô, đậu năng suất cao đạt 80-90 tạ/ha/vụ, tổng sản lượng lương thực dự trữ toàn huyện đạt 28.000 - 30.000 tấn/ năm, đạt mục tiêu lương thực Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Bên cạnh việc đầu tư cho sản xuất lương thực, các hoạt động kinh tế dịch vụ như hàng hoá tiêu dùng, dịch vụ vận tải, các nghề tiểu thủ công nghiệp đã và đang phát triển nhanh vừa tạo việc làm cho hàng trăm hộ gia đình, vừa tăng nguồn thu ngân sách, cải thiện đời sống cho nhân dân. Năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 16,6%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 238% kế hoạch tỉnh giao, thu nhập bình quân đạt 13,6 triệu đồng/người. Nhờ phát triển kinh tế, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 giảm xuống còn 28,5% (theo chuẩn cũ). Nhờ sự đầu tư của Nhà nước và huy động đóng góp từ ngân sách địa phương và của nhân dân, đến nay Con Cuông đã có đường ô tô về đến tận xã, thị trấn; 13/13 xã, thị trấn có trường học cao tầng, 12/13 xã có điện lưới quốc gia, có điện thoại, hệ thống phát thanh- truyền hình được phủ sóng; tỷ lệ dân sử dụng nước sạch đạt trên 85%.
Với tinh thần “Phát huy truyền thống đoàn kết, huy động nguồn lực, quyết tâm tăng tốc, thoát khỏi huyện nghèo” và bằng giải pháp đúng “Yên dân, giữ rừng, phát triển kinh tế”, Đảng bộ huyện Con Cuông đang nỗ lực phấn đấu xây dựng địa bàn trở thành trung tâm kinh tế - xã hội phát triển, cùng các địa phương khác đưa tỉnh Nghệ An phát triển lên tầm cao mới.
Phùng Văn Mùi
Huyện uỷ Con Cuông, Nghệ An