Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, nhân dân các dân tộc trên địa bàn và lực lượng vũ trang Quân khu 1 đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn giành được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân và bộ đội. Qua đó tăng thêm niềm tin của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc vào Đảng và công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung trên địa bàn Quân khu và cả nước thì đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng vẫn trong tình trạng kém phát triển, sản xuất gặp nhiều khó khăn, mức sống còn thấp. Trên địa bàn còn 206.823 hộ nghèo, 8 huyện nghèo, 293 xã đặc biệt khó khăn, trong đó 30 xã chưa có điện lưới quốc gia. Tư tưởng tự ti dân tộc và các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan vẫn xảy ra ở một số nơi. Trình độ dân trí còn thấp, công tác giáo dục, đào tạo và chăm sóc sức khỏe cho đồng bào còn nhiều bất cập, tình trạng du canh, du cư, di cư tự do vẫn diễn ra. Hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù đã được các địa phương quan tâm củng cố, xây dựng nhưng còn nhiều bất cập cả về trình độ chính trị và năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ. Tình trạng truyền đạo trái pháp luật trong một bộ phận các dân tộc Mông, Dao diễn biến phức tạp... Những vấn đề bức xúc trên là cớ để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm lừa phỉnh đồng bào, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta, nhằm phân hóa, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ dân với Đảng, dân với quân, dân với dân để thực hiện mục tiêu chiến lược “diễn biến hoà bình”. Do vậy cần được giải quyết kịp thời, triệt để, thấu tình, đạt lý.
Để thực hiện tốt chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc và công tác dân vận, làm cho nhân dân nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 luôn chú trọng giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy về công tác dân vận trong thời kỳ mới. Đảng ủy Quân khu chỉ đạo cấp ủy tất cả các cơ quan, đơn vị ra nghị quyết chuyên đề về “tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận trong thời kỳ mới”, tổ chức quán triệt đến từng cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, Quân khu và các đơn vị đã tạo được sự thống nhất cao với cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trong tổ chức triển khai, tiến hành công tác dân vận. Quân khu thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải xác định xây dựng địa bàn đứng chân là một nhiệm vụ quan trọng, lực lượng vũ trang Quân khu phải luôn gắn bó với địa bàn, lãnh thổ để chiến đấu, công tác. Gắn bó với địa bàn chính là gắn bó với đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể quần chúng và nhân dân các dân tộc, là gắn với kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Từ đó, thường xuyên tích cực, chủ động bằng nhiều hình thức, biện pháp, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng ở địa phương, xây dựng địa bàn, xây dựng cơ sở chính trị ngày càng vững mạnh. Hiện nay, các đơn vị của Quân khu và địa phương đều xây dựng, thống nhất quy chế, nội dung, biện pháp phối hợp tiến hành công tác dân vận. Cục Chính trị Quân khu có quy chế phối hợp với ban dân vận tỉnh ủy của 6 tỉnh trên địa bàn, bộ chỉ huy quân sự các tỉnh và ban chỉ huy quân sự các huyện, thành phố, thị xã đều đã ký kết các chương trình phối hợp hoạt động với các tổ chính trị - xã hội của địa phương. Duy trì đều đặn chế độ giao ban, hội nghị trên địa bàn nhằm hội ý, trao đổi nắm tình hình, từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết các vụ việc phức tạp ngay khi mới nảy sinh, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu chú trọng việc đổi mới nội dung và phương pháp vận động quần chúng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng bào các dân tộc thiểu số có đức tính trung thực, thật thà, ngay thẳng, trọng danh dự, dễ tin, khi đã có niềm tin thì khó có thể lay chuyển nổi. Cán bộ, chiến sĩ công tác ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số phải quán triệt phương châm “Tích cực, chân thành, kiên trì và thận trọng”, thực hiện phong cách dân vận “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, nói đi đôi với làm, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin. Vừa tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh của địa phương, vừa tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, tham gia xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng-an ninh. Những năm qua, Quân khu đã đưa 1.098 sĩ quan đi xây dựng cơ sở. Mỗi năm chỉ đạo, tổ chức hàng chục tổ, đội công tác cơ sở, chủ yếu về cơ sở vùng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, các cơ sở trọng điểm có những vụ việc phức tạp để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tham gia củng cố tổ chức chính trị - xã hội, huấn luyện dân quân tự vệ, xây dựng phương án tác chiến trị an, hướng dẫn nhân dân thực hiện các dự án phát triển kinh tế với quốc phòng, xây dựng bản làng văn hóa...Qua đó đã tạo sự chuyển biến rõ nét ở một số cơ sở, nhất là về quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, được địa phương đánh giá cao.
Trong giai đoạn 2005-2010, Quân khu chỉ đạo đưa 152 lượt đại đội, với gần 8.000 cán bộ, chiến sĩ đến 141 xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn làm công tác dân vận. Cán bộ, chiến sĩ Quân khu đã góp hàng trăm nghìn ngày công và hàng chục tỷ đồng tham gia xây dựng cơ sở chính trị, cơ sở hạ tầng, làm đường giao thông, trường học, trạm xá, nạo vét kênh mương thủy lợi, hạ 4 đèo dốc, khắc phục hậu quả thiên tai, giúp hơn 5.000 hộ dân xóa đói giảm nghèo... Có 122 tập thể và 336 cán bộ, chiến sĩ được chính quyền địa phương tặng bằng khen, giấy khen. 100% các đại đội được giao đi làm công tác dân vận hoàn thành tốt nhiệm vụ. Lực lượng vũ trang Quân khu tích cực ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Từ năm 2005 đến nay, đã hỗ trợ xây dựng 63 căn “Nhà đồng đội” tặng cho quân nhân nghèo, mỗi căn trị giá từ 15 đến 55 triệu đồng. Phối hợp với các địa phương đóng 3.867 bộ bàn ghế học sinh và giáo viên, 409 bảng đen, 40 tủ, giá sách trang bị cho 429 phòng học để tặng cho 91 xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, xã đặc biệt khó khăn thuộc 28 huyện vùng cao, miền núi, dân tộc thiểu số. Giúp các địa phương xây dựng 18 trạm y tế xã, đào tạo 491 y tá thôn bản, khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho hơn 10.000 lượt người dân. Hằng năm, vào các dịp lễ tết hoặc lúc hạn hán, thiên tai, mất mùa, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã kịp thời trích Quỹ “Phòng chống lụt bão”, Quỹ “Vì người nghèo” và chỉ đạo các đơn vị giúp đỡ các địa phương; thăm, tặng quà, giúp các hộ khó khăn khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
Lực lượng vũ trang Quân khu đã xây dựng hàng chục công trình cơ sở hạ tầng gồm các tuyến đường giao thông chiến lược, các trạm thủy điện, đường dây 35 KV, tổ chức rà phá mìn, vật cản tại hàng chục nghìn ha ở các huyện thuộc tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn giáp biên giới, đưa hơn 10.000 hộ dân về quê yên tâm sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ở các địa phương. Quân khu đã chỉ đạo 2 đoàn kinh tế-quốc phòng ở Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng) hoạt động hiệu quả, nhất là trong thực hiện các dự án trồng rừng, làm đường giao thông nông thôn, đường biên giới; triển khai các dự án điểm, định canh, định cư, điểm dân cư biên giới, giúp dân xóa đói giảm nghèo, thực hiện chương trình dân số kế hoạch hoá gia đình, phòng chống sốt rét, bướu cổ....
Chất lượng, số lượng cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn Quân khu là một vấn đề quyết định trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đồng bào dân tộc. Nhận thức được vấn đề, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đặc biệt chú trọng đến công tác tuyển chọn, đào tạo con em đồng bào các dân tộc thiểu số vào trường Thiếu sinh quân của Quân khu để đào tạo, bồi dưỡng. Đã phối hợp với cấp ủy và chính quyền địa phương cử cán bộ người dân tộc thiểu số đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn. Số cán bộ, con em người dân tộc thiểu số học tại các trường của Bộ Quốc phòng và Trường Quân sự quân khu đều tích cực học tập, rèn luyện. Phần đông khi ra trường phát huy tốt, tiến bộ nhanh. Nhiều người trở về địa phương được giới thiệu vào quy hoạch làm nguồn cán bộ ở cơ sở. Quân khu còn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương lựa chọn số chiến sĩ người dân tộc thiểu số theo địa chỉ sử dụng cho từng địa phương để vừa huấn luyện quân sự vừa dạy văn hóa và bồi dưỡng cán bộ cơ sở tại trường Quân sự các tỉnh và trường Quân sự quân khu. Hiện nay, tỉ lệ cán bộ là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 20% tổng số cán bộ của toàn Quân khu. Có 59 huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn cán bộ dân tộc thiểu số chiếm trên 40%, riêng các huyện vùng cao, biên giới, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số đạt 60-65%...
Lực lượng vũ trang Quân khu 1 xác định: Thực hiện công tác dân vận và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước là một nhiệm vụ rất vẻ vang, song cũng rất nặng nề. Thông qua làm công tác dân vận, lực lượng vũ trang Quân khu không những phát huy được vai trò, góp phần thực hiện nhiệm vụ chiến lược của Đảng là thường xuyên củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, giữa quân với dân, mà còn giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao được ý thức, trách nhiệm, tình cảm phục vụ nhân dân, phát huy bản chất và làm toả sáng hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Bộ đội của dân” trong lòng nhân dân các dân tộc trên quê hương cách mạng.
Từ thực tiễn thực hiện công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng cao biên giới Quân khu 1, những năm tiếp theo cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
1. Quan tâm chỉ đạo, củng cố xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở. Trong đó, quan trọng hàng đầu là củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên cơ sở vùng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
2. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách ưu đãi và thực hiện tốt chính sách trong công tác định canh, định cư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, thay đổi tập quán canh tác, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo đi lại, thông thương hàng hóa. Tăng cường các hoạt động văn hóa, thông tin tuyên truyền hướng về cơ sở. Tiếp tục đầu tư chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình, tăng thời lượng và nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội; sưu tầm, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp trong văn hóa các dân tộc.
3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo và dạy nghề, nhất là trong hệ thống các trường dân tộc nội trú. Hoàn thành chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở và các chương trình giáo dục miền núi, xóa nạn mù chữ và tái mù chữ. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách ưu tiên, cử tuyển giành cho con em các dân tộc thiểu số vào học tại các trường dạy nghề, cao đẳng, đại học trong và ngoài Quân đội. Quan tâm chăm lo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số.
4. Tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả, khả năng thực hiện nhiệm vụ của các đoàn kinh tế-quốc phòng ở các vùng trọng điểm, thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh ở vùng dân tộc thiểu số. Có chính sách đãi ngộ hợp lý với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ dân, chính, đảng công tác tại các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số.
Thượng tá Hoàng Danh Luyến
Phó trưởng Phòng Dân vận Quân khu l