Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" ở nước ta trong sự nghiệp đổi mới theo Tư tưởng Hồ Chí Minh
Sinh thời, kế thừa và phát huy đạo lý truyền thống ngàn đời của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho thương binh, bệnh binh và thân nhân các liệt sĩ tình cảm và sự quan tâm sâu sắc. Giữa những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp, Người đã chỉ thị chọn một ngày nào trong năm làm “Ngày Thương binh”. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị trù bị gồm đại biểu của các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh đã họp ở Phú Minh, Đại Từ, Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27-7-1947 làm “Ngày Thương binh, liệt sĩ” đầu tiên trong cả nước. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm đã trở thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ” của cả nước. Đối với mỗi người dân Việt Nam “Ngày 27- 7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mạng, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta”(1). Người khẳng định: "Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước.
Các liệt sĩ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước.
Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”(2).
Xuất phát từ tình cảm và sự quan tâm sâu sắc đối với những người có công với nước, với các gia đình thương binh liệt sĩ, trong suốt 24 năm lãnh đạo đất nước, từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công cho đến trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lời căn dặn cuối cùng trong Di chúc về thương binh, liệt sĩ. Phải chăm sóc tận tình chu đáo, lo nơi ăn, chốn ở, việc làm, đời sống cho họ, tuyệt đối không để cho ai rơi vào cảnh đói rét, thiếu thốn, phải tỏ rõ lòng biết ơn đối với những người đã có công với đất nước. Phải thực hiện những việc làm thiết thực để giáo dục truyền thống, đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ. Tình cảm thân thương, niềm tin và sự quan tâm của Người là định hướng, là chỗ dựa về mặt tinh thần vững chắc, là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao để bộ đội, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của mình trước vận mệnh của nước nhà trong mọi giai đoạn lịch sử.   
Trong sự nghiệp đổi mới, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng không chỉ là đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, mà đã trở thành một hệ thống chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, góp phần to lớn vào sự ổn định và phát triển xã hội. Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh “Ưu đãi người hoạt cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng” (gọi tắt là Pháp lệnh Ưu đãi người có công) và Pháp lệnh Phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” là bước tiến quan trọng trong hệ thống chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” ở nước ta. Với hai pháp lệnh này góp phần cải thiện thêm một bước đời sống người có công và tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát huy năng lực, sở trường của mình trong cơ chế mới.
Ngày nay, sự chăm lo đối với người có công với đất nước càng được quân tâm đặc biệt hơn, toàn diện hơn. Các Chỉ thị số 09- CT/TW, ngày 14-12-1996 của Bộ Chính trị về việc mở đợt vận động kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-1997); Chỉ thị số 80 CT/TW, ngày 01-3-2002 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong giai đoạn mới. Ngày 14-12-2006, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 07/CT-TW, về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Ngày 18-6-2007, để tiếp tục hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi người có công lần thứ ba. Ngày 15-11-2007, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có Thông tư số 25/2007TT-BLĐTBXH, Hướng dẫn bổ sung việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Việc từng bước bổ sung, hoàn thiện chính sách ưu đãi người có công và từ thực tiễn lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng của Đảng đã đem lại kết quả to lớn. Hiện nay cả nước có hơn 8 triệu người có công với 13 diện đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi và chăm sóc, trong đó có khoảng 1,5 triệu người hưởng trợ cấp hàng tháng; gần 4,2 triệu người hưởng trợ cấp một lần; hàng chục nghìn con thương binh, liệt sĩ được hưởng chế độ ưu đãi về giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế; 14.500 cán bộ lão thành cách mạng được hỗ trợ cải thiện nhà ở... Cùng với việc hoàn thành công tác xác nhận người có công với cách mạng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của nhân dân ta.

Thực hiện “phong trào đền ơn đáp nghĩa” chính là thể hiện lòng tri ân của đất nước đối với người có công với cách mạng. Tuy vậy, để không trở thành gánh nặng của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu thương binh cần phát huy tinh thần “tự lực cánh sinh” trong tăng gia sản xuất, học tập, công tác, nhưng trước hết cần có sự giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của cộng đồng và xã hội. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cấp ủy đảng và chính quyền cùng đồng bào cả nước ai cũng có thể giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ. Việc giúp đỡ phải thiết thực, cụ thể, có tổ chức và tùy theo khả năng của từng người. Vì đây là công việc tình nghĩa, nên tuyệt đối không cưỡng bức và cần giúp đỡ lâu dài chứ không chỉ trong một thời gian ngắn, không phải bằng cách góp gạo nuôi thương binh, mà bằng cách tạo điều kiện và công ăn việc làm cho họ. Người đã chỉ ra nhiều cách làm, như đón thương binh về địa phương, trích ruộng công, cho mượn ruộng, hoặc chung sức phát vỡ đất mới, tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng ấy, hoa lợi sẽ để nuôi thương binh, hoặc mở lớp dạy nghề, v.v. Mọi người nên coi đây là một nghĩa vụ, chứ không phải là một việc “làm phúc”.
Với các thương binh, bệnh binh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Đã là quân nhân cách mạng thì bao giờ cũng phải là chiến sĩ anh dũng. Tránh ỷ lại, công thần, kém kỷ luật, kém tin tưởng, không tích cực công tác, không bi quan chán nản. Phải luôn luôn cố gắng đem hết khả năng của mình để tăng gia sản xuất, dần dần có thể tự lực cánh sinh, tiến tới tự cấp tự túc, giảm bớt khó khăn cho bản thân, gia đình và xã hội. Phấn đấu để trở thành “người công dân kiểu mẫu ở hậu phương cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”.  

Thực hiện lời Bác dạy thương binh “tàn nhưng không phế”, hiện nay công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với đất nước của Đảng ta luôn gắn liền với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương như vay vốn, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới. Điều này đã phát huy vai trò gương mẫu tự vươn lên của thương binh, bệnh binh, cũng như vai trò của các gia đình liệt sĩ và những người có công với cách mạng trong sự nghiệp đổi mới đất nước.
Việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng của Đảng và Nhà nước ta đã tạo ra nguồn động lực to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Bằng sự cố gắng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, chúng ta quyết tâm làm cho toàn thể thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng có sự cải thiện trong đời sống cả về vật chất và tinh thần, thể hiện tấm lòng của toàn dân ta “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa”(3). Đó cũng là thực hiện đúng lời dạy của Bác trong Di chúc.
--------------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.75.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.427.
 (3) Đỗ Mười, Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 7, tr.4.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất