Cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Hội nghị quy định: trong vòng thời gian 80 ngày kể từ sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, thực dân Pháp phải trao trả Thủ đô Hà Nội cho ta. Nhưng với bản chất thâm độc của một tên thực dân xâm lược, quân đội Pháp đã tìm mọi cách phá hoại, hòng gây khó khăn cho ta khi vào tiếp quản Thủ đô.
Chúng lấy cắp tài liệu và tài sản công cộng, đập phá máy móc hoặc tháo gỡ các bộ phận quan trọng đem đi nơi khác. Thực dân Pháp còn sử dụng chiêu bài “Chúa đã vào Nam” để dụ dỗ, cưỡng bức một bộ phận đồng bào công giáo di cư vào Nam hòng làm rối loạn tình hình chính trị - xã hội. Đồng thời, chúng còn tìm cách phá hoại các di tích văn hóa và lịch sử… Trước tình hình đó, Trung ương Đảng và Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo đồng bào Thủ đô nhất là công nhân kiên trì đấu tranh chống lại âm mưu phá hoại của thực dân Pháp và buộc chúng phải trao trả Hà Nội cho ta đúng thời hạn đã quy định.
Theo Nghị quyết ngày 17-9-1954 của Hội đồng Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập do Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Sư đoàn Quân Tiên phong làm Chủ tịch và bác sĩ Trần Duy Hưng làm Phó Chủ tịch. Ủy ban Quân chính có nhiệm vụ tiếp thu và quản lý thành phố. Bộ Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị vào tiếp quản Hà Nội phải triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật của Chính phủ đề ra, phải luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích của bọn phá hoại. Sư đoàn Quân Tiên phong đã được Trung ương Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp quản Hà Nội.
Thực hiện kế hoạch đã định, sáng 8-10-1954 các đơn vị quân đội chia làm nhiều hướng tiến vào ngoại thành Hà Nội. Sáu giờ sáng ngày 9-10-1954, quân ta từ 5 cửa ô đồng loạt tiến vào nội thành, rồi từ đó tỏa đi các nơi.Lần lượt bộ đội ta tiếp quản nhà Ga, phủ Toàn quyền, khu Đồn Thủy, khu Bờ Hồ, phủ Thống sứ. Đến 16 giờ, nhữngtên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Long Biên, Thủ đô Hà Nội đã sạch bóng quân xâm lược.
Sáng ngày 10/10, đoàn xe do thiếu tướng Vương Thừa Vũ và bác sĩ Trần Duy Hưng chỉ huy tiến vào trung tâm thành phố. Tiếp đến là các đơn vị quân đội do Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu giương cao ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùngdiễu hành qua các phố phường Hà Nội. Ngày hôm đó, cả Hà Nội rợp bóng cờ, hoa rực rỡ cùng với tiếng reo hò, cỗ vũ nồng nhiệt của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô hân hoan chào đón đoàn quân chiến thắng trở về.
Đến 15 giờ cùng ngày, việc tiếp quản thành phố Hà Nội đã hoàn thành. Ngày 10-10 trở thành ngày hội lớn của các tầng lớp nhân dân Thủ đô: “Ngày giải phóng Thủ đô”.Cũng chiều hôm đó 15 vạnnhân dân Hà Nội cùng với các đơn vị quân đội đã tham dự “Lễ mừng chiến thắng” do Ủy ban Quân chính tổ chức tại sân vận động Cột Cờ. Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc “Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngườikhẳng định: “Sau cuộc biến đổi lớn, việc khôi phục lại đời sống bình thường sẽ phức tạp, khó khăn. Nhưng Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: làm cho Hà Nội trở thành một thành phố yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”[1].
Ngày 15-10-1954, Thủ đô Hà Nội vinh dự được đón Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc trở về. Hôm sau (ngày 16-10), Bác đã có buổi tiếp chuyện thân mật với đại biểu nhân dân Thủ đô. Cuối buổi nói chuyện, Người đã bày tỏ sự tin tưởng: “Nhân dân Thủ đô ta có truyền thống cách mạng vẻ vang và lòng nồng nàn yêu nước, tôi chắc rằng đồng bào Thủ đô sẽ hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày thêm phát triển; để gương mẫu, để dẫn đầu nhân dân cả nước trong công cuộc củng cố hành chính, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong khắp nước ta; để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”[2].
“Ngày giải phóng Thủ đô” là một sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh. Từ đây, Thủ đô Hà Nội yêu dấu của chúng ta hoàn toàn được giải phóng; nhân dân lao động vĩnh viễn xóa bỏ mọi chế độ áp bức, bóc lột của thực dân xâm lược, trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ cuộc đời mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Hà Nội đã cùng với nhân dân cả miền Bắc bắt tay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và đưa miền Bắc đi lên xây dựng chế độ mới, mở đầu sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Thị Hương
Đại học Nguyễn Huệ
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 361.