Kon Tum đi tới mùa xuân
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum, từ khi tái lập tỉnh (năm 1991) cho đến nay, vượt qua nhiều khó khăn, Đảng bộ Kon Tum luôn chú trọng đến công tác xây dựng đảng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên, với mục tiêu tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xây dựng Đảng từ cơ sở

Làm gì để nhanh chóng đưa những chủ trương của Tỉnh ủy vào đời sống của người dân, theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng, vấn đề lại chính là con người, là cán bộ. BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, có tính đột phá về công tác xây dựng đảng, nhằm tập trung tạo dựng nguồn lực con người. Như Đề án về “xóa” tình trạng thôn, làng chưa có đảng viên, tiến tới khắc phục tình trạng, thôn, làng chưa có tổ chức đảng; như Chỉ thị về “Đẩy mạnh công tác phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ”. Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 8-8-2016, về “Nâng cao chất lượng hoạt động của TCCSĐ và tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy cơ sở”; triển khai kịp thời, đúng quy định công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là với cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số; sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản bộ máy và biên chế cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và sắp xếp lại mô hình tổ chức đảng theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).

Trong công tác chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy điều chuyển, phân công lại nhiệm vụ cho cấp ủy viên; phân công các tỉnh ủy viên phụ trách 10 đảng bộ huyện, thành phố. Trong đó, chú trọng những địa bàn có tình hình an ninh chính trị phức tạp, có đông đồng bào theo đạo, những thôn (làng) nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên hoặc chưa có đảng viên, tổ chức đảng. Chỉ đạo phân công cán bộ, đảng viên có năng lực, trình độ, uy tín, kinh nghiệm phụ trách giúp đỡ thôn, làng, phụ trách hộ, nhóm hộ; xây dựng đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy có phẩm chất, trình độ, năng lực, phương pháp làm việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; thực hiện giới thiệu thôn trưởng, tổ trưởng dân phố là đảng viên, bí thư chi bộ làm trưởng thôn...

Đồng chí Huỳnh Tấn Phục, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kon Tum cho biết, những chủ trương, biện pháp đột phá trên đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng đảng trên địa bàn. Đến nay, 874/874 thôn (làng) đều có tổ chức đảng, đảng viên. Chất lượng tổ chức đảng và đảng viên từng bước được nâng lên: tỷ lệ TCCSĐ trong sạch, vững mạnh bình quân hằng năm đạt 55%; số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 76%. Công tác phát triển đảng viên tiếp tục được quan tâm. Từ năm 2016 đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 3.794 đảng viên (đạt 75% chỉ tiêu), nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 27.728 đồng chí. Hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa như Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Ia H‘Drai, Kon Plông… được củng cố vững chắc.

Thực tế ở Kon Tum cho thấy, sự đoàn kết, thống nhất đã góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của một tỉnh miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Nổi bật là phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng tiếp tục được đổi mới và hiệu quả. Các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của các cấp ủy ngày càng thiết thực, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và tính khả thi cao.

Vững vàng đi tới mùa xuân

Những kết quả trong công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị đã và đang tác động tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Kon Tum. Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiều chỉ tiêu mà Nghị quyết đưa ra đã đạt và vượt. Như tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh (GRDP) hằng năm tăng trưởng tương đối khá, bình quân giai đoạn 2016-2017 đạt 8,54%/năm (đạt 94,9% mục tiêu Nghị quyết); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.492 tỷ đồng (đạt 71,2% mục tiêu Nghị quyết); thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.406 USD (cuối năm 2015) lên 1.580 USD vào cuối năm 2017 (đạt 63,2% mục tiêu Nghị quyết).

Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều chủ trương, chính sách mới đầu tư có chiều sâu đã tạo ra bước phát triển vượt bậc, với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, phù hợp với lợi thế của tỉnh và xu hướng chung của thị trường. Kết quả quan trọng nhất là tỉnh đã thành lập được khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ban hành được Kế hoạch dồn đổi, tích tụ ruộng đất để xây dựng “cánh đồng lớn” thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2017-2020 và đến năm 2025.

Công nghiệp của tỉnh có bước phát triển; giá trị sản xuất công nghiệp đến cuối năm 2017 đạt 5.350 tỷ đồng, tăng 28,9% so với đầu nhiệm kỳ. Thương mại - dịch vụ phát triển khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng nhanh, cuối năm 2017 đạt gần 15 nghìn tỷ đồng, gấp 1,3 lần so với cuối năm 2015... Một số chỉ tiêu về văn hóa, xã hội cũng đạt được kết quả đáng khích lệ: tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49% (đạt 94,2% mục tiêu Nghị quyết); tỷ lệ người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục THPT và tương đương là 35,4% (đạt 44,25% mục tiêu Nghị quyết); tỷ lệ hộ nghèo (tính theo phương pháp tiếp cận đa chiều) năm 2016 là 4,16% và năm 2017 là 4,05% (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra là giảm 3-4%/năm).

Những mảng vỡ vạc sáng sủa đã hình thành trên vùng đất khó. Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đã bắt nhịp cùng hơi thở cuộc sống, nỗ lực vực dậy một Kon Tum gian nan trong cái nghèo từ bao đời với những tính toán chiến lược. Đường hướng của Đảng bộ tỉnh mở ra tuy còn những gian nan nhưng khát vọng đi tới thì chưa bao giờ vơi cạn. Bài toán thoát nghèo ở Kon Tum dường như đã lấp ló đáp số với sản phẩm nông - lâm nghiệp chủ lực của Kon Tum đang khởi sắc. Những hướng đi mạnh dạn giờ đây trở thành giải pháp đột phá, không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây làm giàu.

Người Kon Tum đang quyết tâm làm giàu và hiện không còn là mơ ước xa. Nhiều câu hỏi đặt ra và được trả lời bằng hành động: Không lẽ Kon Tum chỉ là thành phố để đường Hồ Chí Minh đi qua? Cà phê Đăk Hà, Thanh Hương, Da Vàng, rượu sim Măng Đen, sâm Ngọc Linh… lẽ nào cũng chỉ tự cung tự cấp và làm quà khách du lịch! Vì thế, tỉnh đã tích cực triển khai các thỏa thuận, nội dung hợp tác trong khu vực tam giác phát triển Căm-pu-chia - Lào - Việt Nam, trong chương trình hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng và trong quan hệ với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào, Đông Bắc Căm-pu-chia. Đồng thời, tăng cường liên kết phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và TP. Hồ Chí Minh. Bức tranh nhà nông ở vùng cao Kon Tum đã bắt mắt bởi những sắc màu ấm, đã thêm sức hút bởi phương thức Kon Tum “đi bằng hai chân” - phát triển đô thị và nâng cao đời sống người miền rừng.

Người dân Kon Tum rất vui bởi trong những ngày đầu tháng 9-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dành trọn 3 ngày về với vùng đất giàu truyền thống cách mạng này, gợi mở khát vọng vươn lên, những kế sách về đường hướng chiến lược, đưa Kon Tum xa trở nên gần; vững vàng đi tới mùa xuân.

Những thành quả về xây dựng Đảng, về phát triển kinh tế - xã hội Kon Tum đạt được từ sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đến nay đã minh chứng cho các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh được xây dựng tôn trọng thực tiễn, hợp lòng dân, biết dựa vào dân, bắt nhịp hơi thở cuộc sống của Nhân dân. Đảng bộ và đồng bào các dân tộc Kon Tum sẽ vững vàng bước tiếp trong tâm thế tự tin, một lòng kiến thiết vùng đất ngã ba biên giới này trỗi dậy ở tương lai.


Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất