Lãnh đạo phòng, chống dịch Covid-19 nhìn từ tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang
Bài 1: Quán triệt, thực hiện phương châm “Đảng đi trước”

Với phương châm Đảng lãnh đạo toàn diện và luôn đi trước cả trong chuẩn bị và trong tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy Bắc Ninh và Bắc Giang đã chủ động chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng bám sát thực tiễn, linh hoạt các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch, khôi phục phát triển kinh tế trên cơ sở làm tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ” (phương án; con người, lực lượng; phương tiện và chỉ huy tại chỗ). 

1. Từ ngày 8-1, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương và huyện Lương Tài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã ra Chỉ thị số 06-CT/TU, yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố đưa ra kịch bản phòng, chống dịch; quản lý chặt chẽ các địa bàn, tập trung rà soát những người nhập cảnh trái phép. Ngày 23-2, trong phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 2, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang chỉ đạo các cấp, ngành và chính quyền các huyện, thị xã chủ động xây dựng, thực hiện tốt các kịch bản phòng, chống dịch bệnh, tránh bị động trong các tình huống khẩn cấp xảy ra. 


Đồng chí Lê Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy Quế Võ (Bắc Ninh) trao đổi với phóng viên.


Qua thực tế ở các địa phương nhận thấy, Huyện ủy Quế Võ đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng các kịch bản, tổ chức diễn tập, rút kinh nghiệm; các ngành chức năng, đặc biệt là y tế, công an và quân đội... đã tích cực triển khai theo hướng rõ vai, rõ chức năng, rõ việc, hiệp đồng ăn khớp, không chồng chéo. Tiêu chí đặt ra là truy vết nhanh trong 5 giờ. Giờ đầu tiên, các lực lượng phải truy vết xong F1, F2; giờ thứ 2 và thứ 3 tổ chức khoanh vùng; giờ thứ 4 và 5 đưa các F1 đi cách ly tập trung, phun khử khuẩn. Do Quế Võ giáp danh Hải Dương, Bắc Giang (nơi có dịch bùng phát lần 3 và lần 4); là địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp (hơn 57.000 công nhân), trong đó có nhiều công nhân là người Bắc Giang đến làm việc, ở trọ nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Từ thực tế này, Huyện ủy Quế Võ đã chủ động lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng “Đảng đi trước”. Đồng chí Lê Hồng Phúc, Bí thư Huyện ủy Quế Võ thông tin: “Ngay sau khi ổ dịch ở TP. Chí Linh bùng phát vào cuối tháng 2-2021, Huyện ủy Quế Võ đã chỉ đạo tổ chức diễn tập với kịch bản và các tình huống ứng phó, xử lý dịch Covid-19; tổ chức diễn tập ở xã Phương Liễu, nơi có hàng chục nghìn công nhân đang thuê trọ, xây dựng 11 cơ sở cách ly y tế tập trung. Sau diễn tập, kịch bản được bổ sung, hoàn chỉnh và triển khai thêm các cấp độ từ thôn đến huyện. Do có sẵn kịch bản đã xây dựng, do lãnh đạo, chỉ đạo sát và ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân được tăng cường nên suốt cả đợt dịch Quế Võ chỉ có 130 ca dương tính, với 6 ổ dịch và 7 nguồn lây. Kết quả là cơ bản các nhà máy, các công ty trong các khu, cụm công nghiệp ở Quế Võ an toàn hoặc là xác định chính xác các đối tượng F để khoanh vùng, dập dịch ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Trong làn sóng dịch thứ 4, lúc đầu xã Mão Điền là địa phương có ổ dịch lớn nhất huyện Thuận Thành và của tỉnh Bắc Ninh. Trong khi đó, việc lãnh đạo bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã vào giai đoạn cuối. Sau khi dịch bùng phát, nhiều cán bộ, nhân viên làm việc ở xã thuộc diện F1 phải cách ly. Đồng chí Vũ Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mão Điền chia sẻ: Trong hoàn cảnh việc nhiều, đến dồn dập và liên tục thì công tác quán triệt, triển khai chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy và Đảng ủy xã cũng rất linh hoạt, theo hướng nhanh, đi vào hành động cụ thể, chỉ tiêu cụ thể; công tác kiểm tra, giám sát được lãnh đạo và tiến hành linh hoạt. Đảng ủy lập các nhóm zalo, thông báo kịp thời chất lượng tổ chức truy vết, cách ly, hướng dẫn lấy mẫu... Việc này bảo đảm cho công tác lãnh đạo của Đảng ủy không bị ách tắc, các bí thư chi bộ và đảng viên cùng bàn thảo, nắm được cốt lõi vấn đề và tổ chức hành động ngay sau khi đã quán triệt kỹ. Ví dụ như công tác đưa công dân đi cách ly, tùy vào từng trường hợp mà có cách xử lý khác nhau. Khi nhận được thông tin đảng viên cung cấp về những cá nhân cố tình không đến khu cách ly tập trung thì sẽ điều phối lực lượng đến xử lý ngay. 


Các bác sĩ ở Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm số 2 Bộ Quốc phòng khám, điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bắc Giang.

2. Trong phòng, chống dịch Covid-19, Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đã lãnh đạo, chỉ đạo theo phương châm “Đảng đi trước”. Hệ thống ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp được kiện toàn và đã xây dựng các kịch bản, tổ chức diễn tập điểm. Ngày 1-2, tỉnh Bắc Giang ghi nhận ca F0 đầu tiên ở Lục Nam liên quan đến ổ dịch ở Chí Linh (Hải Dương). Việc xử lý sau đó được tiến hành rất nhanh, chính xác. Ở làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu từ tháng 5-2021, Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU, về việc khẩn trương đẩy mạnh các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Vào ngày 18-5, mặc dù Tỉnh ủy Bắc Giang đã chỉ đạo kích hoạt, vận hành hệ thống phòng, chống dịch ở mức độ cao nhất, nhưng do biến chủng Delta rất phức tạp nên dịch đã lan ra nhiều nhà máy ở khu công nghiệp Quang Châu, đe dọa nhiều khu công nghiệp khác. Khi số F0 ở Bắc Giang tăng nhanh, có ngày ghi nhận đến 375 ca, kéo theo hàng nghìn F1, tạo áp lực rất lớn, khiến cả nước sửng sốt, cực kỳ lo lắng cho Bắc Giang và hy vọng Bắc Giang không “vỡ trận”. 

Đứng trước tình huống này, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang thống nhất đánh giá và nhận định trước mắt phải lựa chọn mục tiêu số 1 là ưu tiên chống dịch, tạm thời dừng mục tiêu số 2 là duy trì sản xuất - kinh doanh. Bởi nếu để dịch lây lan trong khu công nghiệp thì không thể duy trì sản xuất - kinh doanh được. Thế nên lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã khó khăn, cân não, nhiều lo lắng nhất khi đưa ra chủ trương là dừng hoạt động 4 khu công nghiệp Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê - Nội Hoàng và phong tỏa huyện Việt Yên cùng 3 xã của huyện Yên Dũng vào đêm 17-5. Quyết định này đồng nghĩa với việc tỉnh Bắc Giang phải giữ lại khoảng 60.000 công nhân đến từ 61 tỉnh, thành phố. Để thực hiện quyết định này, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang đã theo sát diễn biến tình hình phòng, chống dịch; đề xuất xin hỗ trợ lực lượng y tế; lãnh đạo kịp thời trong các vấn đề hỗ trợ, cung cấp hậu cần cho công nhân, nhân dân tại gia đình, khu trọ; tổ chức tận dụng, xây dựng các cơ sở cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến; lấy mẫu xét nghiệm tầm soát diện rộng...

Đồng chí Đỗ Ngọc Mong, Bí thư Đảng ủy xã Quang Châu, nơi dịch bùng phát mạnh nhất và cũng là xã có số công nhân ở trọ thuộc diện lớn nhất ở Bắc Giang thông tin: Chỉ thị, nghị quyết của cấp ủy các cấp được rút ngắn tối đa, có chỉ tiêu rõ ràng và đưa đến từng cán bộ, đảng viên thông qua các nhóm zalo. Các đảng viên, dù là cao tuổi và đang sinh hoạt gương mẫu, hoạt động tích cực, nắm chỉ thị, nghị quyết để tuyên truyền vận động và gương mẫu thực hiện. Đồng chí Nguyễn Thị Lại, Bí thư Chi bộ thôn Tam Tầng và đồng thời là Tổ trưởng Tổ covid cộng đồng của thôn kể: Thực hiện nghị quyết, các đảng viên “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để truy vết, đưa thực phẩm, thuốc men và đã động viên những đám tang không tổ chức lễ viếng, truy điệu đông người và an táng như truyền thống mà thay vào đó là thực hiện giãn cách, hỏa táng. 


“Siêu thị 0 đồng” ở TP. Bắc Giang (Bắc Giang) nhằm cung cấp lương thực, thực phẩm, chăm lo cho người dân khi thực hiện cách ly.


Có thể nói, qua thực tế công tác lãnh đạo phòng, chống dịch ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh gần 2 tháng qua nhận thấy: Tỉnh ủy và các tổ chức đảng trực thuộc đã chủ động đi trước trong công tác chỉ đạo, đề ra các chỉ tiêu và xác định nhiệm vụ tổng quát, nhằm xây dựng bộ máy và kịch bản phòng, chống dịch ở các cấp. Khi xuất hiện dịch, các tổ chức cơ sở đảng đều bám sát yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt theo đúng tinh thần lãnh đạo của Thường vụ Tỉnh ủy. Điều đặc biệt là, trong thời gian diễn ra dịch bệnh căng thẳng, nhiều vấn đề cần giải quyết thì cấp ủy các cấp chính là nơi quy tụ lực lượng, phát huy được sức mạnh gương mẫu đi đầu của đảng viên. Đây là mấu chốt để công tác tổ chức chống dịch được tiến hành theo các bước rất bài bản, trật tự và thống nhất. 

Phản hồi (1)

Nguyễn Thị Hoà 21/07/2021

Để ngăn chặn, truy vết, dập dịch hiệu quả của hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang ngoài những cống hiến của các lực lượng công an, bộ đội, đặc biệt là đội ngũ y, bác sỹ những chiến sỹ tuyến đầu dập dịch thì phải kể đến công lao của các cấp lãnh đạo đứng đầu tỉnh. Họ đã làm với cái tâm, cái tầm nhìn chiến lược. Ngày đêm chỉ đạo phối kết hợp với các ban, ngành đoàn kết, đồng lòng, phương pháp khoa học, tiên tiến. Vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất, thu nhập cho công nhân và người lao động. Đó là những cống hiến, hy sinh thầm lặng của các vị lãnh đạo hai tỉnh

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất