Đảng lãnh đạo
Đảng lãnh đạo là yêu cầu tất yếu đối với quá trình chuẩn bị bầu cử, bầu cử và sau bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Đảng ban hành các quy định về quy trình, cách thức bầu cử, cơ cấu, số lượng đại biểu; quy định về tiêu chuẩn đại biểu; lựa chọn những đại biểu ưu tú giới thiệu ứng cử… Từ ngày 8-6-2020, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 174-TB/TW về “Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”. Kết luận số 174-TB/TW đưa ra các tiêu chuẩn về nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương, nhân sự đại biểu HĐND chuyên trách ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Ngày 20-6-2020, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW “về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026”. Chỉ thị nhấn mạnh 7 nội dung cần tập trung lãnh đạo là công tác nhân sự, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn bầu cử, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, công tác tuyên truyền… Trên tinh thần quán triệt Kết luận số 174-TB/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW, ngày 20-1-2021, về “Công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026”; Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành Hướng dẫn số 13-HD/UBKTTW, ngày 2-12-2020 “Về việc giải quyết tố cáo, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp”; Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 169-HD/BTGTW, ngày 22-1-2021 về “Tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026”. Các tỉnh ủy, thành ủy thành lập ban chỉ đạo lãnh đạo công tác chuẩn bị bầu cử và bầu cử. Công tác xây dựng văn bản pháp luật về bầu cử rất kịp thời, được cập nhật, bổ sung, hoàn thiện theo hướng phát huy dân chủ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong suốt quá trình chuẩn bị bầu cử, bầu cử và sau bầu cử, đặc biệt là mở rộng quyền giám sát công tác bầu cử, bỏ phiếu của nhân dân. Đồng thời sát với tình hình thực tế và những vấn đề mới phát sinh, các phương án xử lý những tình huống, diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19...
Bầu cử kỳ này có một số điểm mới:
Đối với công tác nhân sự, có sự gắn bó chặt chẽ với kết quả nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và công tác quy hoạch cán bộ. Tiêu chuẩn của người ứng cử đã được quy định, hướng dẫn cụ thể: Về quốc tịch: người ứng cử chỉ có 1 quốc tịch Việt Nam, đồng thời không đang trong quá trình xin nhập quốc tịch nước khác. Về độ tuổi: do tuổi nghỉ hưu được điểu chỉnh theo lộ trình đến đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035, đồng thời, mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ, vì vậy, đối với người ứng cử lần đầu là cán bộ, công chức, viên chức phải đủ tuổi tham gia 2 khóa quốc hội, HĐND hoặc ít nhất trọn 1 khóa (nam sinh từ 2-1966, nữ sinh từ 1-1971 trở lại đây). Đối với đại biểu Quốc hội tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất ½ nhiệm kỳ trở lên tính từ tháng 5-2021, nam sinh từ 8-1963, nữ sinh từ 7-1968 trở lại đây. Về cơ cấu: cơ cấu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có xu hướng tăng từ 35% lên 40% (khoảng 200 người); cơ cấu đại biểu HĐND các cấp theo xu hướng giảm: Cấp xã giảm 4 đến 6 đại biểu, cấp huyện giảm 5 đại biểu, cấp tỉnh giảm 10 đại biểu, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh giảm 10 đại biểu từ 105 xuống còn 95 đại biểu; cơ cấu thường trực HĐND cấp tỉnh: Chủ tịch HĐND (có thể không chuyên trách), có từ 1 đến 2 phó chủ tịch HĐND (là đại biểu chuyên trách), ủy viên là trưởng các ban của HĐND (không bao gồm chánh văn phòng HĐND).
Đối với một số địa phương thực hiện chính quyền đô thị: Hà Nội: không tổ chức bầu cử HĐND phường; TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng không tổ chức bầu cử HĐND phường, quận.
Ý nghĩa nhân dân làm chủ thông qua bầu cử được thể hiện trong từng khâu, trước, trong và sau bầu cử, thể hiện trực tiếp thông qua việc lấy ý kiến cử tri nơi công tác và nơi cư trú, qua những lá phiếu bầu của cử tri, qua quyền giám sát công tác bầu cử, kiểm phiếu… Quyền giám sát công tác bầu cử, kiểm phiếu là điểm mới trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tiếp tục cho thấy tính dân chủ, quyền làm chủ thực sự của nhân dân trong hoạt động bầu cử.
Vấn đề dân chủ, thực hành dân chủ trong các khâu của hoạt động bầu cử luôn được coi trọng. Phát huy dân chủ nhưng không để xảy ra hiện tượng dân chủ hình thức, dân chủ quá trớn. Các vòng hiệp thương phải được triển khai đúng quy trình và thực chất, yêu cầu đặt ra là lựa chọn được những ứng cử viên xứng đáng vừa có tài vừa có đức, sẵn sàng đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, hết lòng vì khát vọng phát triển đất nước, vì hạnh phúc nhân dân.
Nhân dân phát huy quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp, bầu những đại biểu ưu tú, hết lòng vì khát vọng phát triển đất nước, hạnh phúc nhân dân
Quyền bầu cử và ứng cử là một trong những quyền chính trị cơ bản, quyền dân chủ trực tiếp của công dân được pháp luật quy định. Cụ thể, Điều 27, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND...”; Điều 2, Luật Bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp năm 2015 quy định: “Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của Luật này”.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, cả trong thời chiến và thời bình, tinh thần, ý chí làm chủ của người dân luôn được Đảng, Nhà nước đề cao, bảo vệ và phát huy. Luật pháp nước ta đã quy định đi bầu cử không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của công dân. Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026 đã và đang thực sự trở thành sự kiện lớn của toàn Đảng, toàn dân. Người dân ngày càng có ý thức về quyền công dân, đặc biệt là trách nhiệm công dân, ý thức rõ thực hiện quyền bầu cử cũng là thực hiện nghĩa vụ công dân, là thực hiện quyền chính trị cho bản thân; ý thức được tầm quan trọng, tính tham gia quyết định của từng lá phiếu vào quá trình hình thành nhân sự ở các cơ quan quyền lực nhà nước, ý thức rõ trách nhiệm bản thân trước khi bỏ lá phiếu bầu ra người đại diện cho mình trong Quốc hội, thay mặt mình tham gia vào quá trình quyết định những vấn đề quan trọng, từ xây dựng hệ thống pháp luật đến hình thành các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đất nước…
Tinh thần ấy được nhân dân phát huy trong quá trình hiệp thương bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kì 2021-2026. Từng cử tri đã tích cực tìm hiểu thông tin về người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đã thẳng thắn tham gia góp ý ở các hội nghị cử tri.
Trong khi quyền dân chủ trực tiếp của công dân thể hiện ở việc trực tiếp tham gia các hội nghị hiệp thương, trực tiếp đi bỏ phiếu thì quyền dân chủ gián tiếp được thể hiện thông qua hoạt động của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND - là những người được cử tri bầu ra. Những cuộc tiếp xúc trực tiếp với những người ứng cử trước bầu cử và các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sau khi trúng cử để kiến nghị trực tiếp những vấn đề cử tri và người dân quan tâm cũng cho thấy tính dân chủ trực tiếp được phát huy mạnh mẽ, quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện gián tiếp thông qua chính các đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng đã được họ bầu ra.
Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Để đạt mục tiêu này, cần những con người có đức, có tài, do đó, những đại biểu được Đảng giới thiệu, dân bầu phải thực sự là người có đức, có tài. Bởi nhân dân đã tin tưởng, trao gửi, ủy thác quyền làm chủ của mình cho các đại biểu. Từng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cần thường xuyên lắng nghe, phản ánh, tham gia giải quyết những vấn đề người dân kiến nghị, đề đạt, mong muốn, trở thành người đại biểu tin cậy của nhân dân, thay mặt nhân dân, cùng nhân dân thực hiện các mục tiêu, khát vọng phát triển đất nước, kiến tạo cuộc sống hạnh phúc cho toàn thể người dân.
TS. Mai Anh