Đứng trước sự tồn vong của dân tộc, tối 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến:
“Hỡi đồng bào toàn quốc.
Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!
Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!
Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ ngưới già, người trẻ, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, dân tộc, hễ là người Việt thì phải đứng lên chống thực dân Pháp. Ai có súng cầm súng, ai có gươm cầm gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc, ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”[1].
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh - bản hiệu triệu của non sông đất nước, mệnh lệnh trái tim chứa đựng một ý chí mãnh liệt, một quyết tâm cháy bỏng thúc giục cả dân tộc vùng lên“thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước vùng đứng lên “ai có súng dùng súng, ai có gươm cầm gươm…”, quyết tâm đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã được phát huy lên tầm cao mới, sau 9 năm “Lời kêu gọi toàn quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được phát ra, nhân dân Việt Nam muôn người như một, chung sức đồng lòng, cùng nhau làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơ-ne-vơ tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Lời kêu gọi ấy tiếp tục vang lên ở hai miền đất nước, thúc giục cả hai miền Nam, Bắc quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn đất nước năm 1975, thu non sông về một mối, cả nước đi lên xây dựng CNXH.
Cả nước hoà bình, thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bên cạnh những thuận lợi, còn muôn vàn khó khăn, thách thức trước mắt. Đất nước vừa có hoà bình vừa có chiến tranh ở hai đầu biên giới và bị bao vây cấm vận từ nhiều phía, có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, Đảng ta chủ trương “Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng CNXH, không một phút lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Và trong khi không một phút lơi lỏng nhiệm vụ củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng CNXH”[2]. Vì vậy, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta tiếp tục kế thừa và phát huy sức mạnh của cả dân tộc theo tinh thần Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc, củng cố quốc phòng, an ninh.
Phát huy giá trị lịch sử của “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946 gợi mở những ý nghĩa sâu xa đối với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đảng ta chủ trương xây dựng nền QPTD vững mạnh vì mục đích hoà bình được đúc kết từ những bài học kinh nghiệm qúy báu trong kho tàng lịch sử dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc Việt Nam. Xây dựng nền QPTD vững mạnh vì mục đích hoà bình là chiến lược cơ bản, lâu dài của quốc gia - dân tộc Việt Nam. Quan điểm chiến tranh nhân dân, QPTD là quan điểm cơ bản nhất trong đường lối quân sự của Đảng, thể hiện tập trung, sâu sắc quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng, quan điểm thực tiễn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quan điểm này xác định lực lượng quần chúng nhân dân và yếu tố chính trị - tinh thần là sức mạnh to lớn quyết định thắng lợi của chiến tranh. Tiếp tục chú trọng xây dựng sức mạnh chính trị - tinh thần, phát huy vai trò nhân tố con người, đồng thời từng bước đẩy mạnh hiện đại hoá lực lượng quốc phòng để tăng cường sức mạnh quốc phòng. Công cuộc xây dựng nền QPTD vững mạnh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay đòi hỏi phải tiếp tục chú trọng xây dựng sức mạnh chính trị-tinh thần, phát huy vai trò nhân tố con người, đồng thời từng bước đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân và sức mạnh của nền QPTD, toàn diện.
Tính chất toàn dân, toàn diện của nền quốc phòng Việt Nam được xây dựng từ việc đúc kết những bài học kinh nghiệm của quá khứ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn phòng thủ đất nước, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Điều đó phù hợp với quan niệm hiện đại về quốc phòng, coi quốc phòng là công cuộc giữ nước của một quốc gia, bao gồm tổng thể các mặt hoạt động đối nội và đối ngoại, diễn ra trên mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, khoa học - công nghệ, quân sự… nhằm giữ vững hoà bình, ngăn chặn mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, nền độc lập dân tộc, đẩy lùi âm mưu gây chiến và nguy cơ chiến tranh, đồng thời sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù khi chúng phát động chiến tranh xâm lược.
Nền quốc phòng toàn dân ở nước ta xây dựng, sử dụng và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn thể quốc gia - dân tộc vào công cuộc phòng thủ đất nước. Lực lượng quốc phòng có nòng cốt là lực lượng vũ trang (quân đội nhân dân và công an nhân dân), nhưng không thuần túy chỉ dựa vào lực lượng vũ trang mà kết hợp với mọi lực lượng khác để tạo thành lực lượng QPTD. Tiềm lực quốc phòng dựa trên “cốt vật chất” là tiềm lực kinh tế, mũi nhọn là tiềm lực quân sự, nhưng không thuần túy chỉ dựa vào tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự mà kết hợp với mọi tiềm lực khác, đặc biệt là tiềm lực chính trị - tinh thần, để tạo thành tiềm lực QPTD, toàn diện. Sức mạnh quốc phòng có “quả đấm sắt” là sức mạnh quân sự, nhưng không thuần tuý chỉ dựa vào sức mạnh quân sự mà kết hợp với mọi sức mạnh khác để tạo thành sức mạnh tổng hợp của nền QPTD, toàn diện. Thế trận quốc phòng không chỉ là thế trận được xây dựng trên các khu vực phòng thủ, các địa bàn chiến lược trọng yếu, những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển, đảo… mà còn là thế trận được xây dựng từ cơ sở chính trị - xã hội, hình thành “thế trận lòng dân” ngay trong thời bình làm nền tảng vững chắc, “phên giậu” lâu bền của thế trận QPTD, toàn diện, để phòng khi chiến tranh xâm lược xảy ra có thể từ đó nhanh chóng chuyển hoá thành thế trận chiến tranh nhân dân chống xâm lược - nguồn gốc và bí quyết sức mạnh thần kỳ của dân tộc Việt Nam. Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của Đảng, nhà nước và nhân dân, trong đó quân đội nhan dân và công an nhân dân là lực lượng nòng cốt. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Phát triển đường lối nghệ thuật, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân và lý luận khoa học an ninh nhân dân. Chủ động, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh. Xây dựng quân đội và công an nhân dân cách mạng… tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, được nhân dân tin yêu. Xây dựng quân đội nhân dân với số quân thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao; lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp”[3].
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ là cơ sở để xây dựng niềm tin vững chắc vào truyền thống yêu nước, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, phát huy ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế mà còn là nền tảng để phát triển nền quốc phòng toàn dân vững chắc - nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh chính trị - tinh thần, ngọn nguồn sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr. 480.
[2] Văn kiện Đảng toàn tập, t.43, Nxb CTQG, H.2010, tr.57.
[3] Văn kiện Đại hội XI của Đảng, Nxb CTQG, H.2011, tr.82-83.
Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân 2