Giáo dục đạo đức cá nhân trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

Giáo dục đạo đức cá nhân, trong đó có đảng viên trong nền kinh tế thị trường thực chất là quá trình làm hình thành ở cá nhân những chuẩn mực đạo đức, có một lý tưởng sống, biết xây dựng cuộc sống trên những giá trị đạo đức cao đẹp. Đồng thời giáo dục cho họ những giá trị đạo đức truyền thống kết hợp với hiện đại để làm nền tảng cho việc xây dựng một chuẩn mực đạo đức mới của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.  

Xã hội là một bộ phận quan trọng nhất, phát triển cao nhất của tự nhiên. Nó tồn tại và phát triển theo quy luật khách quan mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ cá nhân nào. Con người trong những hoạt động của mình luôn có mục đích. Mục đích con người đặt ra phải phù hợp với những quy luật khách quan của xã hội. Nếu nhận thức và vận dụng đúng những quy luật đó để phục vụ lợi ích cho mình thì con người sẽ được tự do. Phát triển kinh tế thị trường, bên cạnh những tích cjm không thể bỏ qua những chi phối mạnh mẽ đối với đạo đức, lối sống. Việc giáo dục đạo đức cho từng cá nhân, nhất là lớp trẻ phải được thực hiện thường xuyên.

Chức năng giáo dục được thực hiện thông qua môi trường xã hội. Môi trường lành mạnh sẽ tạo sự thuận lợi cho việc giáo dục, tác động đến đạo đức cá nhân bằng nhận thức và thực tiễn. Khi xem xét nhân cách của một người, một cán bộ, đảng viên, người ta coi trọng cả đạo đức và năng lực, hay còn gọi là tài và đức luôn là hai mặt cơ bản tạo thành nhân cách. Đạo đức là cái gốc của nhân cách, người thành đạt trong học thức mà không thành đạt trong đạo đức thì coi như không thành đạt. Những tri thức đạo đức và những phẩm chất đạo đức tiến bộ không tự nhiên mà có, mà phải thông qua quá trình giáo dục, tự giáo dục, rèn luyện trong lao động trong đấu tranh. Hiện nay, không ít giá trị đạo đức đang bị vi phạm, lệch lạc. Do lợi ích kinh tế chi phối, nhiều trường hợp bỏ qua các giá trị đạo đức, chà đạp không thương tiếc lên hai chữ “nghĩa tình”. Từ các mối quan hệ  xã hội nói chung, cho đến quan hệ kinh tế, quan hệ làm ăn, buôn bán đều được tính bằng lợi nhuận. Đạo đức trong gia đình bị buông lỏng, quan hệ tình cảm trong gia đình hiện nay cũng đang bị giá trị đồng tiền làm đảo lộn. Trong sôi động của cơ chế thị trường, ai cũng tìm đủ mọi cách để tăng thêm thu nhập, đi liền với nó là nhu cầu hưởng thụ những tiện nghi sinh hoạt hiện đại. Họ đã đem đồng nghĩa hạnh phúc gia đình với sự thỏa mãn về vật chất, vì thế họ không còn quan tâm đến những giá trị vô hình làm nên hạnh phúc gia đình.

Trong  xã hội xuất hiện thói sống xa lạ, thờ ơ “thân ai người ấy lo, mệnh ai người ấy chịu”, vi phạm thuần phong mỹ tục. Trái với nét đẹp của dân tộc ta, một bộ phận trong nhân dân, thậm chí trong cán bộ, đảng viên mà nhất là lớp trẻ đã và đang sa vào lối sống bạo lực, phi nhân tính. Đặc biệt là tình trạng bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Một sự thật nghiêm trọng là tình hình tội phạm hình sự diễn ra ngày càng nhiều, mức độ nguy hiểm cao.

Trong lĩnh vực đạo đức xã hội ta hiện nay đang có sự đấu tranh quyết liệt giữa cái mới và cái cũ. Giáo dục phải làm cho các cá nhân, trước hết là cán bộ, đảng viên biết giữ gìn bản sắc truyền thống của dân tộc, kế thừa những tinh hoa văn hóa nhân loại, phải biết “gạn đục khơi trong” làm phong phú thêm giá trị đạo đức của dân tộc chứ không phải xa rời các giá trị đạo đức truyền thống. Trong hoạt động kinh doanh cần kết hợp hài hòa giữa cái lợi và cái thiện, không vì cái lợi trước mắt mà làm mất đi nhân cách con người. Chúng ta cần phải biết kết hợp giữa cái mới và những giá trị truyền thống trong quá trình xây dựng nền đạo đức mới trong kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Trong định hướng giá trị đạo đức cần có định hướng mỗi cá nhân có một lý tưởng sống, biết xây dựng cuộc sống trên những giá trị đạo đức truyền thống làm nền tảng cho đạo đức mới trong giai đoạn hiện nay. Cán bộ, đảng viên cần phải nêu gương cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư trước hết nơi cư trú, nơi công sở, tận tụy phục vụ nhân dân.

Bàn về đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng đến vị trí của đạo đức trong đời sống xã hội và nền tảng của người cách mạng chính là đạo đức: “Cũng như gốc của cây ngọn của nguồn của sông”. Người nói: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời. Đạo đức mới như hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngẩng lên trời” (1). Người nắm rõ đặc điểm và quy luật hình thành đạo đức nên Người rất chú trọng đến con đường cũng như phương hướng xây dựng đạo đức cách mạng. Xây dựng đạo đức với tinh thần tự giác, tự nguyện. Người khẳng định: “Đạo đức cách mạng không từ trên trời rơi xuống. Nó do đấu tranh bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố, cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong” (2). Đặc biệt, Người chỉ rõ: Thời đại của chúng ta là thời đại văn minh, thời đại cách mạng, mọi việc phải dựa vào sức mạnh của tập thể, của xã hội; cá nhân càng không thể đứng riêng lẻ mà càng phải hoà mình vào trong tập thể, trong xã hội.

Quá trình hình thành đạo đức của mỗi cá nhân luôn diễn ra trong quan hệ với toàn bộ thế giới tinh thần của cá nhân đó và của chính cộng đồng mà cá nhân đó là một thành viên. Để hình thành ý thức đạo đức tốt đẹp cho mỗi cá nhân, cần kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục trong gia đình, nhà trường và giáo dục ngoài xã hội. Giáo dục trong gia đình là một công việc hết sức quan trọng nhằm tạo tiền đề  cho giáo dục đạo đức trong nhà trường và ngoài xã hội. Gia đình là tế bào xã hội, là môi trường quan trọng trong việc giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách cho mỗi cá nhân ngay từ khi nhỏ cho đến lúc họ trưởng thành. Trong gia đình, các bậc cha mẹ cũng cần có những hiểu biết đúng đắn về nội dung đạo đức trong gia đình để bản thân họ chính là những người thực hiện và dạy cho con cái họ. Gia đình cán bộ, đảng viên cần là gia đình có đạo đức trong xã hội. Trong gia đình, nếu bố mẹ là cán bộ tham nhũng thì không thể giáo dục con cái có đạo đức tốt. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, các phương tiện truyền thông đang đóng góp tích cực vào việc tuyên truyền những giá trị đạo đức gia đình tiến bộ và phê phán những thói xấu, quan niệm và sinh hoạt gia đình phi đạo đức. Trong thực tế chúng ta thấy, gia đình hạnh phúc thì xã hội lành mạnh, gia đình càng giữ được gia phong thì kỷ cương xã hội càng nghiêm minh. Chính vì vậy, muốn có một chuẩn mực đạo đức tốt thì điều trước tiên chúng ta phải làm tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức trong gia đình.

Kết hợp giáo dục đạo đức trong gia đình, cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên trong nhà trường. Nhà trường phải luôn giữ gìn kỷ cương, nền nếp học đường, tạo môi trường học tập lành mạnh cho học sinh, sinh viên hình thành và phát triển nhân cách của mình. Giáo dục đạo đức trong nhà trường giúp học sinh, sinh viên nhận thức được những giá trị đạo đức cần thiết cho bản thân và xã hội trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Nhất là giúp cho mỗi cá nhân nhận thức được những giá trị truyền thống đích thực cao đẹp của mỗi con ngườim giúp họ nhận thức được việc thường xuyên tự rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, biết phát huy những giá trị đạo đức truyền thống, không chấp nhận những hiện tượng phản đạo đức đang lan tràn và luôn đấu tranh bảo vệ và phát triển những giá trị đạo đức truyền thống. Giáo dục đạo đức trong nhà trường, vai trò các tổ chức đảng, đảng viên là người thấy rất quan trọng. Không chỉ nêu gương, tác động mà còn phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực để lan tỏa ảnh hưởng và phát triển đảng viên.

Cùng với tăng cường giáo dục đạo đức trong gia đình và nhà trường, chúng ta cần tạo môi trường xã hội thuận lợi cho từng cá nhân có cơ hội rèn luyện và tu dưỡng và hoàn thiện nhân cách của mình một cách tốt nhất. Môi trường xã hội lành mạnh sẽ tạo điều kiện giáo dục đạo đức có hiệu quả. Muốn vậy cần có pháp luật, kỷ cương nghiêm minh, bắt đầu từ các cơ quan đảng, nhà nước, cách ứng xử có đạo đức của cán bộ, đảng viên trong các mối quan hệ xã hội.  

Với sự bùng nổ thông tin, một dân tộc nếu chỉ dừng lại ở những giá trị truyền thống thì chưa đủ để tồn tại và phát triển cùng với nhịp phát triển của thế giới. Muốn tồn tại và phát triển thì cần kết hợp sức mạnh của những giá trị đạo đức truyền thống với những giá trị đạo đức hiện đại trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những tinh hoa văn hoá của nhân loại. Chính các giá trị đạo đức truyền thống đã làm nên con người Việt Nam cần cù và bất khuất, tạo nên nhân cách con người bản lĩnh chiến thắng trong mọi hoàn cảnh. Ngày nay, truyền thống yêu nước, cần cù, siêng năng, trung thực, lòng nhân ái, vị tha… đã chứng tỏ sự bền vững về giá trị đạo đức. Bên cạnh định hướng giá trị văn hoá đạo đức truyền thống để làm nền tảng sức mạnh tinh thần to lớn cho dân tộc, còn cần thấy rõ vai trò của tính hiện đại, chọn lọc và tiếp nhận những giá trị tinh hoa văn hóa nhân loại vào nước ta.

------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tập 6, tr.320. (2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội.2000, tập 8, tr.248.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất