Tự đổi mới, tự chỉnh đốn - Yêu cầu tất yếu của Đảng

Gần 30 năm lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao trí tuệ, bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, đưa cách mạng nước ta đạt nhiều thành tựu. Đại hội VI của Đảng (1986) đánh dấu khởi đầu sự nghiệp đổi mới toàn diện trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước, đặc biệt coi trọng đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức; đổi mới đội ngũ cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”[1].

Bước vào Đại hội VII của Đảng năm 1991 - tình hình chính trị thế giới có nhiều biến động: CNXH ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, tiếp tục thực hiện Di chúc của Người về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991 không chỉ đưa ra  mô hình xã hội XHCN ở Việt Nam “Đảng Cộng sản Việt Nam lấy chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động”… mà còn chỉ rõ: “Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo”[2]. Đồng thời đòi hỏi phải “khai trừ khỏi Đảng những đảng viên thoái hoá, biến chất về chính trị và đạo đức, gây chia rẽ, bè phái, tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng. Đưa ra khỏi Đảng bằng những hình thức thích hợp những đảng viên không tha thiết với Đảng, giảm sút ý chí chiến đấu”.

Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khoá VII của Đảng chỉ ra bốn nguy cơ của cách mạng Việt Nam: “Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới do điểm xuất phát thấp; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa nếu không khắc phục được những lệch lạc trong chỉ đạo thực hiện; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội khác; âm mưu và hành động diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch”[3]. Tại Đại hội VIII của Đảng, bên cạnh những văn kiện quan trọng nhằm đưa cả nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Đại hội đặc biệt nhấn mạnh về công tác xây dựng đảng: “Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của mình... đây là một quy luật phát triển của Đảng”[4], “coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt”[5]. Trong Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi lần đầu tiên quy định riêng một điều về công tác kiểm tra của Đảng. Kỷ luật Đảng được siết chặt, nhiều trường hợp đảng viên thoái hóa, biến chất bị phát hiện, xử lý. Ở cấp cao đã có những ủy viên trung ương có vi phạm, tiêu cực hoặc để người nhà lợi dụng trục lợi mà bị loại khỏi Ban Chấp hành Trung ương.  

Từ ngày 25-1 đến ngày 2-2-1999, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) khoá VIII. Hội nghị đã thảo luận và thông qua Nghị quyết “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, yêu cầu các tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên từ Trung ương đến cơ sở phải tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau đây:

“1. Tăng cường sự thống nhất trong Đảng về nhận thức, ý chí và hành động, kiên trì đấu tranh đẩy lùi 4 nguy cơ; kiên định những vấn đề về quan điểm có tính nguyên tắc, đó là: độc lập dân tộc gắn liền với CNXH làm mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta, dân tộc ta; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng; Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam…

2. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực hiện và nghiên cứu lý luận (trong nước và thế giới), tiếp tục làm rõ hơn những vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra, làm rõ hơn mô hình và con đường đi lên CNXH ở nước ta,…

3. Đổi mới công tác giáo dục trong Đảng và trong xã hội về chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

4. Tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên…

5. Tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả…

6. Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ phê bình và phê bình trong Đảng. Nâng cao nhận thức thống nhất trong đảng về nguyên tắc tập trung dân chủ... 

7. Củng có tổ chức, tǎng cường sức chiến đấu và nǎng lực lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng…

8. Sắp xếp lại tổ chức, bộ máy đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị gắn liền với cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả…

9. Toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng…

10. Cải tiến việc ra nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng…”[6].

Với Nghị quyết này, lần đầu tiên kể từ sau khi Đảng khởi xướng sự nghiệp đổi mới, vấn đề chỉnh đốn Đảng đã được đặt ra “cấp bách” để mô tả tính cấp thiết của công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng. Đây được coi là nhận thức mới của Trung ương khóa VIII, nhất là từ khi đồng chí Lê Khả Phiêu nhậm chức Tổng Bí thư.

Hội nghị dành một mục riêng, tiêu đề “tập trung chỉ đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu có hiệu quả”, xác định các cấp ủy và người đứng đầu từ Trung ương tới cơ sở phải chịu trách nhiệm chống tham nhũng nơi mình phụ trách. Bộ Chính trị phân công một số Ủy viên Bộ Chính trị, các cấp ủy phân công ủy viên ban thường vụ trực tiếp chỉ đạo chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Lần đầu tiên Đảng đặt ra vấn đề xử lý trách nhiệm chính trị người đứng đầu: “Khi xảy ra tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực ở địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị mình phụ trách thì tùy theo mức độ và tính chất vi phạm của vụ việc mà xem xét hình thức kỷ luật đối với cấp ủy và người đứng đầu về chế độ trách nhiệm”.

Với hy vọng tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ khóa VIII, Nghị quyết Trung ương sáu (lần 2) đặt nhiệm vụ toàn Đảng tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện phê và tự phê bình, sau đó đưa hoạt động này vào nề nếp, thường xuyên.Và, sự quyết liệt của Bộ Chính trị, xã hội bắt đầu thấy “không có vùng cấm”. Kết quả, số cán bộ, đảng viên qua kiểm điểm, tự phê, phê bình, bị xử lý kỷ luật thuộc diện Trung ương quản lý đã lên tới 53 người, trong đó, có 10 ủy viên trung ương. Số cán bộ từ cấp huyện ủy quản lý trở lên bị kỷ luật hơn 19.000 người[7]. Ban Chỉ đạo và Thường trực Trung ương sáu (lần 2) đã thúc đẩy, hỗ trợ các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án lớn như: vụ Minh “nhớp” ở Hà Tĩnh, vụ án Thủy cung Thăng Long ở Hà Nội, vụ án Trương Văn Cam, vụ án Lã Thị Kim Oanh, vụ án xăng dầu Tiền Giang, vụ kho cảng Thị Vải, vụ án đất đai Đồ Sơn, vụ cô-ta dệt may tại Bộ Thương mại, vụ án PMU18…

Trong các vụ án ấy, nhiều cán bộ cao cấp, từ thứ trưởng, phó chủ tịch tỉnh, Phó viện trưởng VKSND tối cao đến đương kim ủy viên Trung ương đã bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức, thậm chí phải chịu án tù.

Tuy vậy, “Mục tiêu đặt ra là 1999-2001, tức hai năm cuối khóa VIII, phải tạo chuyển biến rõ rệt, lập lại được kỷ cương trong Đảng, phục hồi một cách nghiêm túc, bài bản các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng. Đến khóa IX thì đưa việc xây dựng Đảng thành nề nếp trong sinh hoạt của tất cả các cấp, tức là vào các cuộc kiểm điểm định kỳ cuối năm của đảng viên… Nhưng thực tế đã không đạt được”. Hạn chế ấy đã được đưa ra phân tích tại Đại hội IX của Đảng. Báo cáo chuyên đề của BCH Trung ương khóa VIII  nêu rõ: Tính tự giác trong tự phê bình, tính đấu tranh trong phê bình ở nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng còn hạn chế; một số cấp ủy và cá nhân cán bộ lãnh đạo cấp trên chưa gương mẫu, nói không đi đôi với làm, xử sự thiếu công tâm nên cấp dưới, cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa tin vào kết quả kiểm điểm. Bộ Chính trị thừa nhận: “Nhìn chung, cho đến nay cuộc vận động chưa tạo được những chuyển biến cơ bản trong công tác xây dựng đảng…, nhất là chưa chặn đứng và đẩy lùi được nạn tham nhũng, tiêu cực”.

Trước yêu đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới và để xây dựng Đảng ta ngang tầm với đòi hỏi nhiệm vụ cách mạng hiện nay, Đại hội XI của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta hiện nay”[8], “…Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự suy thoái, biến chất của cán bộ, đảng viên”[9]. Cụ thể hoá nội dung này, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Nghị quyết nêu rõ: “Công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng đã đạt được nhiều kết quả tích cực; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao; phương thức lãnh đạo của Đảng từng bước được đổi mới; vai trò lãnh đạo của Đảng được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với Đảng được củng cố…”[10].

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục…“Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”[11].

Nếu Hội nghị Trung ương 6 (lần 2), khóa VIII mới chỉ ra: “Sự suy thoái về tư tưởng chính trị; tình trạng tham nhũng, quan liêu, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chiều hướng phát triển nghiêm trọng hơn[12] thì Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng[13], và đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ trong “một bộ phận không nhỏ”, đó “có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp…”. Từ đó, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) chỉ ra một số vấn đề cấp bách cần tập trung giải quyết: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một phần không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”[14].

Đồng chí Phan Diễn-nguyên Thường trực Ban Bí thư cho rằng: “Xây dựng Đảng, đặc biệt là chống tha hóa, tham nhũng, lãng phí, trước hết không phải ở việc xử người nọ, người kia sai phạm mà phải tập trung giải quyết những vấn đề có tính nguồn gốc, cơ bản, hệ thống của Đảng”.

Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đang dần dần đi vào cuộc sống với bước đi đầu tiên là sự gương mẫu, tự giác của từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Chấp hành Trung ương trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Ý thức gương mẫu ấy cùng với lắng nghe góp ý của những đảng viên lão thành, đương chức và nhân dân, Đảng ta sẽ sớm tìm ra những giải pháp, cơ chế đồng bộ, hiệu quả để  đẩy lùi những nguy cơ, thách thức, cản trở con đường đi lên CNXH của dân tộc Việt Nam, tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.




[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Sđd, tr.124.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Nxb CTQG, H.1991, tr.21.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.53, tr.198.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb CTQG, H.1998, tr.47.

[5] Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII, Nxb CTQG, H.1996, tr.75.

[6] PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (chủ biên), Các đại hội đại biểu toàn quốc và hội nghị ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (1930-2011). Nxb CTQG,  H.2011

[7] Nghĩa Nhân, Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - Lát cắt 13 năm - Bài 4, Nguyệt san Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 20/04/2012 

[8] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.56.

[9] Văn kiện Đại hội XI, Sđd, tr.66.

[10] Ban Tuyên giáo Trung ương, Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tư, BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam (khoá XI) (Dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb CTQG, H.2012, tr.

[11] Ban Tuyên giáo Trung ương, Sđd, tr.27-28.

[12] Văn kiện Hội nghị lần thứ 6 (lần 2) BCHTƯ (khóa VIII), Nxb CTQG, H.1999, tr 6.

[13] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr 29.

[14] Ban Tuyên giáo Trung ương, Sđd. tr.36.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất