Kinh nghiệm lãnh đạo phát triển kinh tế nông nghiệp ở Bắc Giang
Phát triển chăn nuôi gà đồi ở huyện Yên Thế (Bắc Giang).

Bắc Giang là tỉnh miền núi, cách Thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, có diện tích tự nhiên 384.395 hécta, bao gồm 9 huyện và 1 thành phố. Dân số 1.588.523 người với 20 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 88%, các dân tộc thiểu số chiếm 12%,  hơn 90% dân số sống ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 67,7%. Điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh thuận lợi phát triển nông nghiệp, phù hợp với nhiều loại vật nuôi, cây trồng.

Từ năm 2005 đến 2012, sản xuất nông nghiệp của Bắc Giang có những chuyển dịch tích cực: nông nghiệp tiếp tục duy trì nhịp tăng trưởng bình quân đạt gần 3 %/năm; giá trị sản xuất từ 20 triệu đồng/ha đất nông nghiệp năm 2004 tăng lên 50 triệu đồng/ha năm 2012. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2012 đạt 662.767 tấn, tăng 10,3% so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp có sự chuyển dịch trồng trọt giảm từ 62,4% năm 2005 xuống còn 44,5%; chăn nuôi tăng từ 34,5% lên 52%...

Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung nổi bật và đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Khu vực chuyên canh cây ăn quả với diện tích 46.050 ha, sản lượng hoa quả đạt 276.670 tấn. Trong đó chủ lực là vải thiều với số lượng lớn nhất toàn quốc, tập trung nhiều ở các huyện Lục Ngạn, Tân Yên, Yên Thế. Tỉnh đã có các vùng sản xuất lúa thâm canh cao với tổng diện tích trên 35.000 ha tập trung chính ở các huyện: Lạng Giang, Yên Dũng, Việt Yên, Tân Yên (năng suất đạt bình quân 57 - 58 tạ/ha). Cây lạc được xác định là cây hàng hóa thế mạnh của nhiều huyện, nhất là cây lạc đông, giá trị thường gấp từ 2 đến 3 lần so với cây ngô đông truyền thống. Năm 2012 diện tích lạc toàn tỉnh là 11.605 ha, tăng 7% và sản lượng tăng 36,7% so với năm 2005. Đã hình thành vùng sản xuất lạc giống khá ổn định và lớn nhất trong các tỉnh phía Bắc, cung cấp nguồn giống chủ lực cho vụ xuân của địa phương và các tỉnh lân cận, nhất là các tỉnh khu vực miền Trung. Lĩnh vực chăn nuôi từng bước trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp với quy mô, giá trị sản phẩm ngày càng tăng. Bắc Giang đã trở thành một trong những địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn của cả nước; riêng đàn gia cầm tăng mạnh theo từng năm, hiện nay là 15.639.000 con, đứng thứ 3 toàn quốc, sau Hà Nội và Nghệ An. Đã có vùng chăn nuôi gà hàng hóa tập trung lớn nhất toàn quốc tại huyện Yên Thế với tổng đàn ổn định khoảng từ 4 đến 5 triệu con; quy mô mỗi trang trại, gia trại nuôi gà phổ biến từ 500 đến 3.000 con. Năm 2011, gà Yên Thế - loại vật nuôi đầu tiên đã được Cục sở hữu trí tuệ trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu hàng hóa “Gà đồi Yên Thế”; năm 2013, sản phẩm này đã được trao Cúp chứng nhận “Sản phẩm, thực phẩm tốt nhất Đông Nam Á – ASEAN BESTFOOD” do Ban tổ chức Chương trình truyền thông quảng bá “Doanh nhân ASEAN vì môi trường xanh – sạch - đẹp” trao tặng…

Thành tựu đổi mới trên lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của các cấp ủy đảng, nhất là cấp huyện trong trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp của Bắc Giang và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương bảy khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sơ kết giữa nhiệm kỳ đảng bộ các huyện, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:

Một là, nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, nhất là các đảng ủy xã đối với lãnh đạo phát triển nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp sạch, bền vững vẫn và sẽ là con đường đi lên chủ yếu, lâu dài của các huyện, xã trong tỉnh. Từ đó, các cấp ủy đảng nắm chắc các quy định của Trung ương  thực hiện sáng tạo ở địa phương. Thực hiện đồng bộ của các cấp, các ban, ngành, các tổ chức đoàn thể, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để mọi người dân hiểu và thực hiện. Chỉ khi người dân có chuyển biến về nhận thức, đổi mới tư duy, cách làm, chủ động, tích cực đầu tư và chăm lo phát triển  các mô hình sản xuất thì kinh tế nói chung, nông nghiệp nói riêng mới có hiệu quả thiết thực.

Hai là, các cấp ủy phải  xác định đúng những nhiệm vụ trọng tâm, mấu chốt để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo bước đột phá . Muốn vậy,  phải lãnh đao  rà soát, đánh giá đặc điểm, tình hình, tiềm năng, thế mạnh của từng huyện, từng khu vực để quy hoạch phát triển nông nghiệp một cách khoa học, bền vững. Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, những loại cây, con có thế mạnh,từng bước sắp xếp và quy hoạch lại vùng sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh để dần tạo thương hiệu nông sản hàng hóa. khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ba là, dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng cho nông nghiệp, nông thôn, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kênh mương hồ đập, lưới điện. Chú ý triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; quan tâm xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc sản; thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh tiếp cận những thị trường có tiềm năng và đòi hỏi chất lượng cao; giới thiệu và đưa sản phẩm vào các siêu thị lớn ở Thủ đô cũng như các thành phố lớn…

Bốn là, nhất quán quan điểm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng với bảo vệ môi trường, phát triển nông nghiệp phải được đặt trong tổng thể sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quan tâm chỉ đạo giải quyết sớm các vấn đề nảy sinh ở nông thôn trước hết là vấn đề về thu nhập, việc làm, về ô nhiễm môi trường, an ninh nông thôn. Phát huy đầy đủ quyền làm chủ, sự chủ động, sáng tạo của nhân dân. Kịp thời động viên, khuyến khích và thúc đẩy, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường phấn đấu vươn lên để xây dựng và phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; kịp thời xem xét, giải quyết triệt để đơn thư khiếu kiện nảy sinh, không để trở thành điểm nóng, phức tạp. Địa phương ổn định là một trong những điều kiện rất quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp toàn tâm, toàn ý và dồn mọi nguồn lực để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội nói chung và mục tiêu đặt ra đối với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.

Năm là, phát huy có hiệu quả vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, nhất là hội nông dân trong việc quán triệt, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy và huyện ủy đến với đoàn viên, hội viên. Phát động sâu rộng các phong trào thi lao động sản xuất; đổi mới, cải tiến các mô hình sản xuất ở nông thôn, phát triển kinh tế trang trại, gia trại, đẩy mạnh nuôi trồng những cây, con có giá trị kinh tế cao, tích cực tuyên truyền thực hiện các cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần nhân dân.

Sáu là, thường xuyên kiểm tra, giám sát cấp ủy cấp dưới trong việc thực hiện các nghị quyết về nông nghiệp, trong đó tập trung  các vấn đề như: xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án phù hợp với thực tiễn cơ sở;  tuân theo quy hoạch, kế hoạch, định hướng; bố trí và quản lý, sử dụng các nguồn lực đầu tư; công tác tuyên truyền và phát động các phong trào thi đua; xem xét những khó khăn, vướng mắc và những điểm bất hợp lý của các chủ trương, chính sách đồng thời nắm bắt những đề xuất, kiến nghị của cơ sở. Xây dựng sự đoàn kết, đồng thuận và quyết tâm cao trong tập thể ban chấp hành và ban thường vụ; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu. Chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo đối với chính quyền; không ngừng nâng cao dân chủ, tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo của các cấp, các ngành từ huyện tới cơ sở và của mọi tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất