Giữ vững định hướng chính trị là quá trình tác động của đội ngũ cán bộ vào các tổ chức, lực lượng và mọi lĩnh vực hoạt động của đơn vị, nhằm làm cho cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của đơn vị, của mọi cán bộ, chiến sĩ, đảm bảo cho mọi hoạt động của đơn vị luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Đảng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập dân tộc và CNXH, chấp hành nghiêm mọi đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội. Các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị trong Nhà trường đã tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện toàn diện đội ngũ cán bộ các cấp, chú trọng bồi dưỡng năng lực, giữ vững định hướng chính trị, nhằm làm cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ trên cương vị được giao. Năng lực công tác nói chung, năng lực giữ vững định hướng chính trị của đội ngũ cán bộ các cấp nói riêng đã có những chuyển biến tích cực. Đội ngũ cán bộ luôn thể hiện bản lĩnh chính trị kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, trung thành với sự nghiệp cách mạng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, bảo vệ chế độ XHCN, không giao động trước những khó khăn, thử thách, những diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới. Trình độ kiến thức lý luận - chính trị, kiến thức chuyên ngành công tác đảng, công tác chính trị, kiến thức quân sự, kiến thức xã hội được nâng lên rõ rệt; năng lực tổ chức các hoạt động chính trị thực tiễn có những chuyển biến tiến bộ.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất là về tư duy lý luận, tính nhạy bén, khả năng phát hiện, nắm bắt những khâu yếu, mặt yếu; khả năng vận dụng lý luận vào xử lý tình huống trong công việc; mức độ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế nhất định...Khuyết điểm trên, phần nào làm suy giảm vai trò, uy tín của đội ngũ cán bộ; ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng đơn vị .
Trong giai đoạn cách mạng mới, nhiệm vụ quân đội, nhiệm vụ Nhà trường có bước phát triển, đặt ra yêu cầu cao về năng lực của đội ngũ cán bộ phải nâng cao năng lực, giữ vững định hướng chính trị, xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Cần tập trung bồi dưỡng những vấn đề cơ bản sau:
Một là, tăng cường bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng.
Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội diễn biến phức tạp, nảy sinh nhiều vấn đề mới. Nhiều vấn đề lý luận đang bị lạc hậu so với thực tiễn, cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - lý luận đang diễn ra phức tạp. Do đó, bồi dưỡng năng lực, giữ vững định hướng chính trị cho đội ngũ cán bộ nhất thiết phải chủ động cập nhật sự phát triển mới của lý luận và những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh. Trong quá trình đó, trung thành tuyệt đối nhưng không giáo điều, xơ cứng, cần vận dụng sáng tạo lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để xem xét, giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề thì chúng ta phải học tập lý luận Mác - Lênin. Học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là học tập tinh thần xử trí mọi việc. Bồi dưỡng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ cán bộ hiện nay, trước hết, cần tiếp tục khẳng định tính cách mạng, khoa học và giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; khẳng định tính đúng đắn và sự vận dụng sáng tạo của Đảng trong hoạch định đường lối, chủ trương, chiến lược, sách lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, cần phải bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ tinh thần biện chứng của hệ thống lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; phân tích, làm rõ những vấn đề phát triển mới của lý luận thông qua tổng kết thực tiễn của các đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. Bên cạnh đó, cần phải bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ những vấn đề cơ bản về đường lối chính trị, đường lối quân sự, các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, đội ngũ cán bộ vận dụng vào tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ bộ đội, xây dựng yếu tố chính trị - tinh thần, giữ vững định hướng về chính trị cho các tổ chức, các lực lượng, các lĩnh vực hoạt động của đơn vị; vận dụng vào đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. .
Hai là, bồi dưỡng kiến thức quân sự, kiến thức khoa học xã hội và nhân văn và những kiến thức xã hội cần thiết khác.
Thực tiễn đã chứng minh, trình độ năng lực giữ vững định hướng về chính trị của đội ngũ cán bộ không chỉ phụ thuộc trực tiếp vào trình độ tư duy lý luận - chính trị, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ công tác đảng, công tác chính trị mà còn phụ thuộc vào trình độ kiến thức quân sự, khoa học xã hội - nhân văn và những kiến thức xã hội cần thiết khác.
Kiến thức toàn diện, vững chắc là cơ sở của niềm tin, tính quyết đoán và sự chủ động, sáng tạo trong tổ chức, tiến hành các hoạt động của đội ngũ cán bộ. Có kiến thức sâu rộng có thể dự đoán được kết quả công việc của mình đang tiến hành và xác định được cách thức, biện pháp thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả nhất trong mọi điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người chính trị viên không phải một ông quan suốt ngày ngồi trong bàn giấy viết thông báo và chỉ thị. Người chính trị viên phải có nhiều năng lực lãnh đạo, năng lực này phải đủ mọi mặt, quân sự lẫn chính trị, năng lực về tuyên truyền, tổ chức, xếp đặt kế hoạch, năng lực giải quyết vấn đề cấp bách cũng như vấn đề sinh hoạt hàng ngày về chính trị hay vật chất”[i]; hay “Về cán bộ thì cán bộ quân sự chỉ biết quân sự, cán bộ chính quyền chỉ biết chính quyền, cán bộ đảng chỉ biết Đảng như thế chẳng khác gì người đứng một chân”[ii]. Do đó, trong quá trình bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ cần chú trọng bồi dưỡng kiến thức toàn diện, cả về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, kỹ thuật, khoa học nghệ thuật quân sự. Trong đó, tập trung bồi dưỡng kiến thức về khoa học nghệ thuật quân sự, kỹ thuật, chiến thuật. Ngoài ra, cần bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ những kiến thức về tâm lý học, giáo dục học, xã hội học và các chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn khác.
Ba là, cán bộ phải thành thạo chuyên môn nghiệp vụ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không phải ai cũng huấn luyện được. Muốn huấn luyện thợ rèn, thợ nguội thì người huấn luyện phải thành thạo nghề rèn, nghề nguội”[iii]. Để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, giáo dục đào tạo của Nhà trường trong tình hình mới, Nhà trường cùng với các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị cần làm tốt việc quy hoạch gắn với đào tạo và sử dụng cán bộ, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Thông qua đào tạo, gửi đi đào tạo tại các học viện, nhà trường cả trong và ngoài quân đội; đào tạo theo tiêu chí chức danh, theo xu hướng phát triển của mỗi đối tượng gắn với vị trí chuyên môn; thông qua các lớp tập huấn, qua hoạt động thực tiễn, thực tế, dự nhiệm tại các đơn vị cơ sở. Trải nghiệm thực tế là bước quan trọng làm cho người cán bộ hiểu rõ hơn đặc điểm, nhiệm vụ và yêu cầu đối với mỗi vị trí công tác. Từ đó mà thành thạo chuyên môn nghiệp vụ. Thông qua bồi dưỡng trực tiếp, cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, người đi trước bồi dưỡng người đi sau và thông qua học tập, trao đổi lẫn nhau trong quá trình công tác tại mỗi vị trí chuyên môn. Do đó, phải tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực tiễn và phương pháp, tác phong công tác, dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào đội ngũ cán bộ cũng phải phấn đấu vươn lên tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Như vậy, nâng cao năng lực, giữ vững định hướng chính trị là vấn đề có ý nghĩa quan trọng để từng bước hoàn thiện nhân cách của người cán bộ, góp phần xây dựng nhà trường “chính quy, tiên tiến, mẫu mực”, xứng đáng là trường đại học trọng điểm của quân đội ở phía Nam.
[i]Hồ Chí Minh, Về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân (Biên niên những sự kiện và tư liệu), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995,, tr.55, 56.
[ii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr. 524
[iii] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, H, 2000, tr. 46.
Thượng tá, Ths Nguyễn Văn Lành