Khi nói về Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế.
To lớn, sâu xa là bởi Cách mạng Tháng Mười không chỉ làm thay đổi số phận của nước Nga mà còn thay đổi số phận nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam. Là bởi Cách mạng Tháng Mười có ý nghĩa vạch đường thời đại mới. Lãnh tụ V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích Nga, sau này là Đảng Cộng sản (ĐCS) Liên Xô giữ vai trò quyết định trong thắng lợi Cách mạng Tháng Mười và những thành tựu xây dựng CNXH ở Liên Xô. Gắn bó chặt chẽ với nhân dân, ĐCS Liên Xô đã có cuộc đấu tranh kiên định về tư tưởng, lý luận, tổ chức bảo đảm tính cách mạng và khoa học, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh một chính đảng kiểu mới. Chiến thắng trong các cuộc chiến tranh ái quốc, Liên Xô bảo vệ thành quả Cách mạng, cứu loài người khỏi thảm họa phát-xít và trong nhiều thập kỷ Liên Xô đã triển khai các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đạt nhiều thành tựu vĩ đại: tăng trưởng kinh tế vượt bậc, xây dựng nền công nghiệp với một số mũi nhọn tầm vóc thế giới; nông nghiệp hiện đại hóa mạnh mẽ; khoa học - kỹ thuật, giáo dục và văn hóa có bước tiến vượt bậc, đạt đỉnh cao thế giới trên không ít tiêu chí, trở thành xã hội ưu việt mà chính chủ nghĩa tư bản cũng phải nghiên cứu để điều chỉnh, thích nghi trong thời đại mới. Quốc phòng, an ninh được củng cố vững chắc, Liên Xô đạt thế cân bằng chiến lược với Mỹ vào giữa thập kỷ 70... Liên Xô từng được coi là thành trì, chỗ dựa vững chắc cho các cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trên thế giới. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và những thành tựu xây dựng CNXH ở Liên Xô trong 74 năm (1917-1991) đánh dấu bước tiến dài của nhân loại trong tiến trình lịch sử.
Nhưng những thập niên cuối thế kỷ 20, ĐCS Liên Xô đã phạm nhiều sai lầm về đường lối chính trị, tư tưởng và tổ chức, xa rời nhân dân cùng những mục tiêu và nguyên tắc của CNXH, buông lỏng vai trò lãnh đạo. Nhất là sai lầm trong cải tổ, xây dựng Đảng, đặc biệt là công tác cán bộ, đã đẩy đất nước vào tình trạng trì trệ kéo dài. I.Li-ga-chốp, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ĐCS Liên Xô nhớ lại, khi đó “trì trệ ở cơ quan lãnh đạo chính trị của đất nước và trì trệ ở cả học thuyết Mác-Lênin”(1). Trong công tác cán bộ, “một số người nắm giữ cương vị của họ 15 hoặc 20 năm và họ tập trung sự chú ý sao cho chỉ để phục vụ lợi ích cá nhân họ”(2) và cán bộ giữ chức vụ “không phải do có năng lực mà do các mối quan hệ tốt với cấp lãnh đạo chóp bu ở Mát-xcơ-va. Họ có cả một hệ thống chuyên để làm các báo cáo gửi lên trên và họ biết bao che khuyết điểm cho nhau, khuếch đại những thành tích cá nhân, tìm mọi cách để không bị “sờ” đến”(3). Hội nghị toàn thể tháng 2 năm 1973, BCHTƯ ĐCS nước Cộng hòa Gru-di-a từng chỉ rõ: Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo không phải căn cứ vào năng lực công tác và phẩm chất đạo đức của họ, mà dựa vào thao túng đằng sau, dựa vào quan hệ quen thân gia đình, dựa trên nguyên tắc có trung thành với cá nhân cấp trên hay không. Và, “việc về hưu của các cán bộ lãnh đạo đảng phụ thuộc vào mối quan hệ của cán bộ đó đối với các thành viên Bộ Chính trị và với chính L.Brê-giơ-nép”(4).
Công tác cán bộ trì trệ, sai nguyên tắc là một nguyên nhân làm xuất hiện tầng lớp đặc quyền, đặc lợi trong ĐCS Liên Xô. Chức vị càng cao, đặc quyền, đặc lợi càng nhiều, muốn thăng chức phải lấy lòng, hối lộ các lãnh đạo liên quan. Chức vị vì thế có giá. Năm 1969, chức bí thư thứ nhất của một khu ủy A-déc-bai-dan có giá 200 nghìn rúp, bí thư thứ hai có giá 100 nghìn rúp. Hiện tượng mua quan, bán chức tồn tại ở các nước cộng hoà khác trong Liên bang với các hình thức, mức độ khác nhau. Tầng lớp đặc quyền, đặc lợi đã làm tổn hại nghiêm trọng thanh danh của ĐCS Liên Xô, hư hỏng xã hội, tạo sự phân hoá, là căn nguyên đầu tiên của sự bất mãn xã hội, khoảng cách người dân bình thường và Đảng ngày càng lớn. Không lâu trước khi Liên Xô sụp đổ đã có một cuộc điều tra xã hội với câu hỏi: “ĐCS Liên Xô đại diện cho ai?”. Kết quả, số người cho rằng ĐCS Liên Xô đại diện cho nhân dân Liên Xô chiếm 7%, đại diện cho công nhân chiếm 4%, đại diện cho toàn thể đảng viên chiếm 11%. Trong khi đó, 85% số người được hỏi cho rằng ĐCS Liên Xô đại diện cho cán bộ và công chức nhà nước. Điều này giải thích vì sao nhân dân thờ ơ khi Đảng lâm nguy. Sự hình thành và phát triển của tầng lớp đặc quyền, đặc lợi trong ĐCS Liên Xô đã trải qua một quá trình. Những kẻ tham nhũng dưới nhiều hình thức chiếm đoạt tài sản nhà nước thuộc sở hữu của toàn dân. Trong khi đó, ĐCS Liên Xô từ chỗ ít ngăn chặn đến không tấn công, bao che, thậm chí dung túng tham nhũng, khiến cho khối u ác tính này phát triển, lan nhanh và tiêu huỷ chính bản thân Đảng.
Thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là hai sự kiện lịch sử làm chấn động không chỉ nước Nga mà cả thế giới. Từ thành công và thất bại của Liên Xô, các chính đảng trên thế giới rút ra nhiều bài học, trong đó có một bài học quan trọng: Vai trò quyết định của Đảng và xây dựng Đảng vững mạnh. Quá trình hình thành, phát triển và tan rã của Liên Xô cho thấy Đảng là nhân tố quyết định thành bại của Cách mạng. Một khi Đảng không còn giữ được bản chất cách mạng tiên tiến, không có được cương lĩnh, đường lối đúng đắn, không phản ánh được xu thế phát triển của thời đại và quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân thì thất bại là không thể tránh khỏi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Bài học về xây dựng Đảng luôn nóng bỏng tính thời sự, được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) của Đảng ta Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, trong đó cấp bách nhất là: “Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng” đòi hỏi toàn Đảng phải thực sự tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công. Đây là việc làm thiết thực nhất không chỉ xây dựng Đảng ta vững mạnh mà còn là cách thiết thực nhất kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, giữ gìn, phát huy những giá trị nhân văn của một cuộc cách mạng từng làm rung chuyển thế giới.
-----
(1), (2), (3), (4) Hồi ký của I.Li-ga-chốp, Viện Thông tin lý luận - Viện Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, H.1993, tr.20-33.
Nguyễn Thúy Hoàn