Tư tưởng của C.Mác và vấn đề của hôm nay

Nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới đã rất đúng khi cho rằng C.Mác vẫn đang là nhà tư tưởng lỗi lạc của thời đại chúng ta, ông vẫn đang soi sáng cho ta tư duy về thế sự, nhưng muốn hiểu ông thì phải đọc kỹ và phải nghĩ. Quả thực như vậy. Không phải là tầm chương, trích cú, càng không phải như ai không chịu đọc và suy nghĩ đã vội vàng phủ định. Chúng ta đọc C.Mác với tinh thần trách nhiệm công dân, với sự ngẫm nghĩ về Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), với tất cả tâm huyết và ý thức trách nhiệm về sự tồn vong của chế độ và của chính bản thân.

1. Giải phóng con người và chống đặc quyền, đặc lợi

Một điều hiển nhiên là nhân dân ở bất cứ quốc gia, dân tộc nào cũng đều mong đạt tới một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Nếu cuộc đời như một con đường bằng phẳng thênh thang, dễ dàng để nhân dân thực hiện ý nguyện, mơ ước của mình thì không cần phải có người lãnh đạo. Nhưng trên hành trình ấy, khi nhân dân tới ngã ba, ngã bảy thì trời đêm đen tối mịt mù, trước mắt là hùm beo, thú dữ, bước chân ngập ngừng và khi ấy, trong hàng ngũ của nhân dân xuất hiện những người kiệt xuất, thông minh, biết chọn con đường đúng, dũng cảm dấn thân, tiên phong tiến lên phía trước, biết tổ chức, dẫn đường nhân dân đấu tranh giành thắng lợi, những người ấy trở thành người lãnh đạo, lãnh tụ. Giữa thế kỷ XIX ở nước Đức, nơi chủ nghĩa tư bản đã phát triển nhưng những tàn tích của thời trung cổ còn đè nặng, xã hội xuất hiện giai cấp tư sản - kẻ bóc lột, kìm hãm sự tiến bộ và giai cấp vô sản -người bị bóc lột, đồng thời là lực lượng đại diện cho sức sống mới và tương lai của nhân loại, không thể tương dung với nhau được nữa, trí tuệ của con người cũng đã đạt tới sự hiểu biết tường tận nguyên nhân, quy luật và động lực của sự phát triển lịch sử nhân loại, khi ấy cuộc cách mạng xuất hiện. Nghiên cứu về nước Đức, C.Mác chỉ rõ: “Nước Đức căn bản không thể hoàn thành cách mạng được, nếu không bắt đầu cuộc cách mạng chính ngay từ căn bản. Sự giải phóng người Đức là sự giải phóng con người. Đầu não của sự giải phóng ấy là triết học, trái tim của nó là giai cấp vô sản”(1). C.Mác nhấn mạnh, một khi những điều kiện bên trong ấy đã chín muồi thì buổi bình minh rạng rỡ hùng tráng của ngày phục sinh nước Đức sẽ bắt đầu.

Luận về sự giải phóng con người, C.Mác chỉ rõ, bất kỳ sự giải phóng nào cũng bao hàm ở chỗ nó trả thế giới con người về với bản thân con người. Cuộc đấu tranh giải phóng con người do đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo là sự giải phóng chính trị, là “quy con người, một mặt thành thành viên của xã hội công dân, thành cá nhân… độc lập, và mặt khác thành công dân của một nhà nước, thành pháp nhân(2). Điều này vô cùng quan trọng, khi đảng cộng sản đã trở thành đảng cầm quyền, nhà nước do đảng lãnh đạo làm chức năng quản trị xã hội thì nhất thiết đảng phải làm mỗi con người có tư cách pháp nhân, hấp thụ được tinh thần người công dân vào bản thân; phải làm cho con người nhận thức được và tổ chức được “những lực lượng của bản thân” thành những lực lượng xã hội và vì vậy sẽ không còn tách lực lượng xã hội dưới dạng lực lượng chính trị ra khỏi bản thân. Nói nôm na là con người, người công dân với nhà nước là một thể thống nhất về lợi ích, về quyền và trách nhiệm. Theo C.Mác, chỉ khi ấy sứ mệnh giải phóng con người mà đảng cộng sản tuyên bố mới được hoàn thiện. Quan niệm này được C.Mác cùng Ph.Ăng-ghen phát triển thành luận điểm “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”. Nhiều nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới đã nhận xét rằng đó là luận điểm bất hủ, là câu hay nhất có giá trị vĩnh hằng của bản Tuyên ngôn.

Nói đến tự do của nhân dân là phải nói đến quyền, quyền của người dân và quyền của nhà nước. Vấn đề phải giải quyết “là ở chỗ, cái mà đối với phía này là quyền, có phải trở thành vô quyền đối với phía kia không”(3). Sự cấu thành nhà nước, nhất là nhà nước do giai cấp vô sản lãnh đạo, là xác định địa vị pháp lý của người dân và các cơ quan, quan chức nhà nước; quan hệ qua lại của mỗi người dân với nhau và với nhà nước phải được biểu thị trong pháp quyền. Pháp quyền hay đặc quyền là mấu chốt để phân biệt quan hệ con người trong mọi chế độ xã hội: Pháp quyền là quan hệ trong xã hội dân chủ, đặc quyền là quan hệ trong xã hội đẳng cấp, chuyên chế.

Với C.Mác, cuộc cách mạng xã hội chỉ có thể là cuộc cách mạng xã hội sâu sắc và triệt để nhất nếu sau khi lật đổ chính quyền chuyên chế, đảng cộng sản cầm quyền biết đưa công việc của nhà nước trở thành công việc của nhân dân. Nhà nước chỉ thực sự là của nhân dân với điều kiện “nhất thiết phải đập tan tất cả những đẳng cấp… những đặc quyền…”, bởi cùng với những cái này là những biểu hiện muôn hình muôn vẻ của sự tách biệt giữa nhân dân với nhà nước. Nếu tồn tại đẳng cấp và đặc quyền thì chính nó là sự thủ tiêu tính chất chính trị của xã hội công dân, là đối lập giữa công dân với nhà nước. Xem vậy đủ thấy một trong những nguyên nhân tan rã của một số nước XHCN ở cuối thế kỷ XX là do sự tồn tại quá lâu và nặng nề của chế độ bao cấp, đẳng cấp và đặc quyền, đặc lợi. Sự nhận ra tính cấp bách của chỉnh đốn đảng liên quan đến sự tồn vong của chế độ mà Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ ra là có căn cứ lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tuy nhiên, vấn đề là phải theo phương pháp Hồ Chí Minh: Nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều và làm có hiệu quả. Tiếp tục xóa bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp và đặc quyền vẫn đang còn nhiều việc phải làm. Chúng ta đang cần nhiều, rất nhiều những trái tim nóng hổi nhiệt tình, cùng những cái đầu lạnh biết nghĩ, những cánh tay giơ lên kiên quyết đồng tình, nhiều bàn chân bước đi dũng mãnh và bớt đi những lời “dối trá cộng sản” như V.I.Lê-nin đã từng lên án.

Xóa bỏ đặc quyền đòi hỏi phải có pháp quyền. Nhưng pháp quyền lại đòi hỏi bắt buộc phải có luật pháp đủ và đúng. C.Mác nhấn mạnh nhiều lần đến tác hại và hậu quả vô cùng xấu của đặc quyền đối với hoạt động hành pháp, bởi ông cho rằng một khi đặc quyền chiếm địa vị thống trị thì đương nhiên chính phủ có đầy đủ quyền khẳng định rằng, đối với tất cả mọi công việc của mình, chính phủ là tác gia duy nhất đủ tư cách định đoạt và hoàn toàn không sai, còn nhân dân không đủ trình độ, tư cách nói lên ý kiến của mình về công việc nhà nước. Hồ Chí Minh đã gặp gỡ tư tưởng này của C.Mác nên Người đã phê phán rằng kẻ đặc quyền, đặc lợi không coi việc nước là việc chung mà coi đó là việc riêng trong nhà, của dòng họ hay của cánh hẩu mà thôi. Theo C.Mác, đảng cộng sản khi đã trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo xây dựng chế độ XHCN thì phải chú ý hai vấn đề rất cơ bản là: 1) giai cấp công nhân phải được giải phóng trên thực tế, nghĩa là phải có cơ sở vật chất, cơ chế và tư cách pháp nhân để có thực địa vị làm chủ; 2) “toàn xã hội cũng ở trong địa vị của giai cấp đó, nghĩa là phải có tiền và học thức chẳng hạn, hoặc có thể kiếm được tiền và học thức theo ý muốn”(4). Giờ đây, khi Đảng Cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân và của dân tộc Việt Nam - lãnh đạo xã hội, đang đứng trước những thử thách ngặt nghèo và cả những nguy cơ có ý nghĩa sống còn, thì luận điểm sau đây của C.Mác có ý nghĩa chỉ dẫn quan trọng: “Không một giai cấp nào của xã hội công dân có thể đóng được vai trò đó (lãnh đạo xã hội-TĐH chú) mà lại không khơi lên trong khoảnh khắc cái nhiệt tình trong bản thân nó và trong quần chúng. Đó là lúc mà giai cấp ấy kết nghĩa anh em với toàn thể xã hội và hòa với toàn thể xã hội thành một khối… lúc nó được coi và được thừa nhận là đại biểu chung của xã hội; đó là lúc mà những yêu cầu và quyền lợi của chính giai cấp ấy trên thực tế là quyền lợi và yêu cầu của bản thân xã hội, lúc mà giai cấp ấy thực sự là khối óc của xã hội và trái tim của xã hội. Chỉ nhân danh quyền lợi chung của xã hội thì một giai cấp cá biệt mới có thể đòi hỏi sự thống trị phổ biến được”(5).

2. Chống giáo điều

Một điều rất thú vị là ngay từ những năm đầu của thời kỳ sáng tạo, trong khi đấu tranh với các trào lưu triết học duy tâm, trước khi viết bản “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản” 5 năm (1843-1848) C.Mác đã lên án chủ nghĩa giáo điều một cách gay gắt. Đến khi viết “Tuyên ngôn” C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã lưu ý không nên máy móc mà phải vận dụng phù hợp với hoàn cảnh. 20 năm sau đó các ông lại nói rõ, lúc đó Tuyên ngôn có một số điểm đã cũ nhưng vì là văn bản có tính lịch sử nên không chữa lại. Tới nay, trải qua 164 năm, thế giới đã có biết bao là biến đổi, tiếp tục lấy học thuyết của C.Mác làm nền tảng tư tưởng, những người cộng sản ở thế kỷ này khắc ghi lời dạy của Người rằng muốn vững bền trong vai trò lãnh đạo xã hội thì đảng phải kiên quyết đoạn tuyệt chủ nghĩa giáo điều: “Trong lúc đó điểm ưu việt của khuynh hướng mới chính là ở chỗ chúng ta không cố đoán trước về tương lai một cách giáo điều, mà chỉ mong tìm ra cái thế giới mới qua sự phê phán thế giới cũ… Song nếu cấu tạo tương lai và tuyên bố dứt khoát những quyết định in sẵn cho tất cả mọi thời kỳ sắp đến không phải là việc của chúng ta, thì chúng ta càng biết rõ là mình cần phải làm gì trong hiện tại - tôi nói đến sự phê phán thẳng tay toàn bộ cái hiện tồn, thẳng tay theo hai nghĩa: sự phê phán này không sợ những kết luận của mình và không lùi bước trước sự đụng độ với những cơ quan cầm quyền. Bởi vậy, tôi không chủ trương là chúng ta giương lên một ngọn cờ giáo điều nào đó. Ngược lại, chúng ta phải ra sức giúp những kẻ giáo điều tự làm sáng tỏ cho mình về ý nghĩa của những luận điểm riêng của họ…”(6). Chủ nghĩa giáo điều trong triết học thực chất là tư duy không chịu suy nghĩ sáng tạo trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tiễn, phủ nhận tư tưởng về tính biến đổi và sự phát triển của thế giới; không hiểu rõ những quy luật biện chứng được thể hiện một cách khác nhau trong những sự vật và hiện tượng khác nhau, trong những điều kiện lịch sử khác nhau. Chủ nghĩa giáo điều trong chính trị dẫn tới sự bè phái, cự tuyệt Chủ nghĩa Mác sáng tạo, dẫn đến chủ quan, duy ý chí, tách rời thực tế. “Đặc điểm của chủ nghĩa giáo điều là hay lên mặt anh hùng bằng những lời lẽ “tả” và bằng những khẩu hiệu “cách mạng cực đoan”, mà thực tế thì những lời lẽ và khẩu hiệu ấy thể hiện chính sách không cách mạng chút nào”(7). Đảng Cộng sản Việt Nam từng rút ra được kinh nghiệm về chống chủ nghĩa giáo điều. Năm 1986, tại Đại hội VI, sau khi chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm trên nhiều lĩnh vực Đảng đã thẳng thắn thừa nhận: “Khuynh hướng tư tưởng chủ yếu của những sai lầm ấy, đặc biệt là những sai lầm về chính sách kinh tế, là bệnh chủ quan duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan… Đó là tư tưởng… vừa tả khuynh vừa hữu khuynh”(8).

Bệnh giáo điều không chỉ thể hiện ra trên bình diện chính trị, tư tưởng lý luận mà còn cả ở các lĩnh vực hành động trong kinh tế, kỹ thuật. Theo cách nói của C.Mác, bệnh giáo điều là sự bắt chước ngớ ngẩn, nó làm cho nước Đức khi ấy giống như những anh lính mới vụng về, đi lại những bước đi sai lầm của kẻ đi trước. Tuy nhiên với tư duy biện chứng và nhãn quan chính trị sắc sảo C.Mác đã thể hiện niềm lạc quan tin tưởng vào sự thức tỉnh của nhân dân: “Không có dân tộc nào lại rơi vào tuyệt vọng, và dù cho chỉ vì ngu xuẩn mà trong một thời gian dài nó đặt hy vọng vào một cái gì đó, nhưng rồi đến một lúc, sau nhiều năm tháng, nó sẽ đột nhiên trở nên tinh khôn và sẽ thực hiện ước vọng tốt đẹp của mình”(9). Để nhân dân có sự “đột nhiên tinh khôn” ấy là trách nhiệm của những người cộng sản chân chính - những người biết đi tiên phong trong đổi mới và phát triển. Đó chính là những chỉ dẫn sáng suốt có giá trị trường tồn cho những người cộng sản ở những nước chậm phát triển, khi đã nắm chính quyền, chèo lái con thuyền cách mạng quốc gia.

3. Tự phê bình và phê bình

Một là, mỗi người cộng sản phải có sự nhận thức sâu sắc về vai trò và sứ mệnh của đảng mình - một đảng tiên phong chính trị, đại diện cho trí tuệ, danh dự và lợi ích của dân tộc. Nhưng, muốn có sự nhận thức đúng đắn ấy thì lại đòi hỏi Đảng phải biết vượt qua những chướng ngại của bản thân, hay nói như Hồ Chí Minh là phải biết chiến thắng kẻ thù của chính mình, phải biết thú nhận về những sai lầm, khuyết điểm và cả sự ngu dốt của bản thân. C.Mác nói rằng: “Sự ngu dốt là sức mạnh ma quỷ và chúng ta lo rằng, nó sẽ còn là nguyên nhân của nhiều bi kịch khác nữa”(10). Sự thú nhận ấy chỉ có thể có được bằng lòng dũng cảm và chân thành một khi những người cộng sản biết làm sáng tỏ “cơ sở lý luận của những tư tưởng cộng sản chủ nghĩa” vì khi “tư tưởng chiếm lĩnh ý nghĩ của chúng ta, bắt lòng tin tưởng của chúng ta phải phục tùng và được lý trí cột chặt lương tâm của chúng ta vào chúng - đó là những sợi dây ràng buộc mà người ta không thể bứt ra được nếu không xé nát trái tim của mình”(11). Đó mới là cái đảm bảo cho việc phê bình có hiệu quả. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta phải đổi mới, chỉnh đốn Đảng về tư tưởng chính trị, lấy đó làm cơ sở vững chắc cho giải pháp tự phê bình và phê bình - một giải pháp cơ bản của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã  xác định.

Hai là, trong khi thực hành tự phê bình và phê bình thì Đảng phải dũng cảm, trung thực chỉ rõ những tổ chức và cá nhân đang sống bằng cách duy trì những căn bệnh quan liêu, trục lợi, hoạnh họe, xách nhiễu nhân dân và tham nhũng. Theo C.Mác, sự phê phán cần phải chĩa vào các đối tượng ấy, nó phải là sự “phê phán giáp lá cà” mà khi đã đánh giáp lá cà có nghĩa là phải thẳng thắn, đúng người, đúng việc, không e dè, nể nang, né tránh, không nhẹ trên, nặng dưới.

Phải chăng lâu nay việc phê bình, tự phê bình kém hiệu quả, mang nặng tính hình thức là do ta chưa chú ý đầy đủ những tư tưởng trên của C.Mác?

---------

(1, 2, 3, 4, 5, 6, 9, 10, 11) Mác-Ăngghen toàn tập, NXB Sự thật, 1978, tập 1, tr.562, tr.532, tr.75, tr.557, tr.558, tr.497-498, tr.488, tr.154, tr.161. (7) Từ điển triết học, NXB Tiến bộ, M.1986, tr.215. (8) Văn kiện Đại hội VI, tr.26.

Phản hồi (2)

Nguyễn Văn Mạnh 06/05/2012

Giải phóng con người, chống đặc quyền, đặc lợi và chống giáo điều luôn là vấn dề nóng của chúng ta hôm nay. Bài hay, không lý thuyết suông.

Lê Quang Hải 05/05/2012

Bài hay nhưng nếu ngắn thì còn hay hơn.

1

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất