Nâng cao tính tư tưởng trong giảng dạy lý luận chính trị

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, công tác lý luận có mối quan hệ mật thiết với sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Nền tảng của công tác lý luận là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, công tác lý luận luôn gắn với thực tiễn sinh động cuộc sống. Chính thực tiễn sinh động là cơ sở, động lực đổi mới công tác lý luận, không ngừng phát triển và ngày càng hoàn thiện. Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - lý luận hiện nay đang diễn ra trong bối cảnh mới, có nhiều thuận lợi và không ít những khó khăn, thách thức.

1. Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về công tác giáo dục lý luận chính trị. Công tác giáo dục lý luận chính trị có vị trí quan trọng trong công tác xây dựng đảng, trang bị cho cán bộ, đảng viên cơ sở lý luận khoa học, xác định lòng tin vào sự nghiệp cách mạng, khắc phục thái độ vô cảm, mơ hồ, thiếu chính kiến, giúp cán bộ, đảng viên có tri thức đấu tranh với những quan điểm thù địch. Nâng cao tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên là vấn đề quan trọng. Đại hội XII của Đảng khẳng định: Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả... Đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp việc bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương. Tiếp tục đổi mới hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng.

Công tác giáo dục lý luận chính trị được Đảng ta quan tâm về mọi mặt. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được tổ chức triển khai trong hệ thống chính trị đã góp phần củng cố và nâng cao nhận thức chính trị, lập trường, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Tuy nhiên, nhiệm vụ đấu tranh chống những luận điệu sai trái kết quả còn hạn chế. Văn kiện Đại hội XII của Đảng chỉ rõ: Đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” còn bị động, hiệu quả chưa cao.

Do đó, trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay cần thiết phải nâng cao tính tư tưởng, hướng tới sự thống nhất về tư tưởng, về hành động. Giảng viên không chỉ làm nhiệm vụ phân tích những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin mà thông qua đó, cần liên hệ với chủ trương, đường lối của Đảng, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá của các thế lực phản động, giúp cho người học hiểu rõ, tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, giữ vững thế trận lòng dân, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi đến thắng lợi.

2. Một số yêu cầu đối với công tác giáo dục lý luận chính trị nhằm nâng cao tính tư tưởng

Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng – lý luận hiện nay diễn ra trong bối cảnh mới, có nhiều thuận lợi nhưng cũng có không ít những khó khăn, thách thức. Một trong những nhiệm vụ cơ bản của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là phải nâng cao tính tư tưởng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nhiệm vụ này, trong giảng dạy lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên phải đạt được những yêu cầu sau:

Một là,  thống nhất tính đảng và tính khoa học nhằm thống nhất về chính trị, tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Giữa lý luận khoa học với chính trị có mối quan hệ mật thiết. Trong lý luận Mác-xít không có sự đối lập giữa khoa học và chính trị, giữa khoa học với tính đảng, giữa chúng luôn có mối quan hệ biện chứng, là tiền đề và điều kiện tồn tại của nhau. Điều này qui định nên bản chất khoa học và cách mạng của lý luận mác-xít.

Đảng cần đến lý luận khoa học để làm cơ sở cho việc hoạch định đường lối chính trị và lý luận cũng chỉ thực sự khoa học khi nó gắn chặt với định hướng chính trị đúng đắn của Đảng. Tính đảng và tính khoa học có mối quan hệ biện chứng, tính đảng càng cao thì tính khoa học càng sâu sắc. Trong giảng dạy, bảo đảm tính đảng là tiền đề, là cơ sở để tính chính trị thêm vững chắc, đồng thời tính chính trị có vai trò định hướng cách mạng, để người học tự hoàn thiện mình, đấu tranh loại trừ cái lỗi thời, xây dựng cái mới, cái tiến bộ, phù hợp với qui luật xã hội. Hai yêu cầu đó đều quan trọng và cần được lưu tâm trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Khi người cán bộ, đảng viên thấm nhuần cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, hiểu rõ cơ sở lý luận khoa học của đường lối đó thì không chỉ giúp họ trực tiếp chế định pháp luật, chính sách, kế hoạch đúng đắn mà còn góp phần hiện thực hoá đường lối. Khi đó lý luận đã được hiện thực hoá trong thực tiễn, thể hiện được sức sống của nó.

Hai là, trong công tác giáo dục lý luận chính trị phải luôn chú ý thực tiễn, tránh giáo điều.

Học viên là cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị có kiến thức thực tiễn rất đa dạng, sự trải nghiệm cuộc sống. Trình độ của cán bộ, đảng viên ngày càng cao, thông tin cập nhật qua nhiều cách, nhiều chiều trên nhiều phương diện. Nếu công tác giáo dục lý luận chính trị không sát với những biến đổi trong đời sống kinh tế, chính trị- xã hội thì không thể đủ sức thuyết phục. Thực tế nảy sinh những vấn đề mới mà lý luận chưa lý giải. Không né tránh, phải thừa nhận những hạn chế, lý giải trung thực, chính xác bằng những căn cứ khoa học, không áp đặt ý kiến chủ quan, suy diễn. Công tác giáo dục lý luận chính trị cứng nhắc, “tô hồng hay bôi đen” đều thiếu sức thuyết phục. Đây là cơ hội để các thế lực thù địch thực hiện “diễn biến hoà bình”. Nếu cán bộ, đảng viên không đủ trí tuệ, bản lĩnh dễ bị lung lay, hoài nghi, “tự diễn biến”. Do đó, công tác giáo dục lý luận chính trị, một mặt phải chỉ ra và phân tích những luận điệu xuyên tạc, phủ định của các lực lượng phản động, mặt khác phải thừa nhận những thiếu sót, hạn chế, về đường lối, chính sách, về những bật cập, yếu kém trong tổ chức thực hiện.

Ba là, cần xuất phát từ tư duy khoa học và sáng tạo làm luận cứ phân tích, thuyết phục hướng đến củng cố niềm tin, lập trường chính trị cho cán bộ, đảng viên.

Để có sức thuyết phục, mọi lý lẽ phải có tính khoa học. Ví như khi chứng minh bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin tất yếu phải căn cứ vào những luận điểm, nguyên lý, luận cứ khoa học, phải chú ý đến những điều kiện thực tiễn của từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Hiệu quả của sự vận dụng lý luận trong thực tiễn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố chủ thể - con người. Như vậy, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước có thể có sai lầm, nhưng một đảng cách mạng và chân chính phải can đảm thừa nhận sai lầm và có quyết tâm sửa sai. Đây là vấn đề quan trọng để thống nhất về nhận thức, củng cố niềm tin trong toàn Đảng.

Khi tư tưởng đã thông, thống nhất ý chí và hành động, làm cho hàng triệu người đồng lòng chung sức, tạo thành lực lượng vật chất to lớn thúc đẩy xã hội tiến lên. Yếu tố cơ bản để đi đến sự thống nhất tư tưởng và hành động là niềm tin. Niềm tin trong mỗi con người là sự chắt lọc từ nhận thức, trong chiều sâu nhận thức, nhưng nó có vai trò định hướng tư tưởng và hành động. Niềm tin của cán bộ, đảng viên tạo nên đoàn kết trong Đảng, đoàn kết nhân dân, tạo thành động lực to lớn giúp chúng ta đi đến thắng lợi. Để xác lập niềm tin, cần thiết phải nâng cao trình độ giác ngộ, trình độ hiểu biết cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác giáo dục lý luận chính trị giữ vai trò quan trọng trong việc trang bị tri thức lý luận, giúp cho cán bộ, đảng viên giữ vững lập trường, kiên định trước mọi biến cố, thử thách của thời cuộc, hoàn thành nhiệm vụ.

Bốn là, giáo dục lý luận chính trị không chỉ là giảng dạy – học tập, mà phải “huấn luyện” để biến tri thức thành tư tưởng, niềm tin và chương trình hành động. Từ đó, hình thành phương pháp, kỹ năng thực hành chính trị.

Giảng dạy lý luận chính trị, không chỉ giúp học viên thấm nhuần lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, nhận thức đúng đắn về đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn phải hướng dẫn người học thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình công tác, lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng đời sống văn hoá mới cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu chính trị của Đảng. Để thực hiện được yêu cầu trên, giảng viên phải thường xuyên cập nhật, nắm bắt được chính xác những vấn đề chính trị - xã hội trong nước và trên thế giới, chú ý cụ thể hoá nội dung bài giảng với nhiệm vụ cách mạng ở địa phương, cơ sở. Giảng viên phải biết khái quát từ thực tiễn, cô đọng vào bài giảng một cách tự nhiên, hài hòa. Thông qua bài học, không chỉ giúp học viên hiểu lý luận, mà còn giúp họ phương pháp, kỹ năng cần thiết để vận dụng lý luận vào thực tế đạt hiệu quả. Để có thể làm tốt vai trò huấn luyện, đòi hỏi người giảng viên không chỉ cần cù, chăm chỉ, cầu tiến, nghiêm túc học hỏi cả về kiến thức chuyên môn lẫn kiến thức thực tiễn mà còn phải có khiếu quan sát nhạy bén, vận dụng sáng tạo, lựa chọn phương pháp phù hợp.

Tóm lại, trong tình hình mới, công tác giảng dạy lý luận chính trị cần thể hiện tính tư tưởng cao góp phần giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, tạo cơ sở khoa học, ý chí cách mạng, động lực và nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp cho cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao.  

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất