Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy trong Quân đội với thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng
Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 313 giúp dân xã Xín Mần (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) bạt núi làm đường giao thông liên thôn.

Những năm qua, quân đội đã tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gắn với tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng - an ninh. Các đơn vị thường trực, trong đó có lực lượng Hải quân, Biên phòng, Cảnh sát biển, các quân khu, quân đoàn,... trong khi đặt trọng tâm vào nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, đã tích cực tham gia các chương trình, dự án của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, biên giới; thực hiện Chương trình 661, làm đường tuần tra và các công trình biên giới... góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng cho xây dựng và tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh biên giới quốc gia... Quân đội đã và đang triển khai xây dựng 23 khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, tạo điều kiện bền vững cho hàng vạn hộ dân yên tâm sinh sống, định cư lâu dài, hình thành các điểm, cụm dân cư trên vành đai biên giới và địa bàn xung yếu, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Đồng thời, hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Trong điều kiện cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp quân đội vẫn đứng vững, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo đúng pháp luật, quy định của Bộ Quốc phòng; kết hợp giữa nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh với nhiệm vụ quốc phòng. Hầu hết các doanh nghiệp quân đội hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng vào ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, có những doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu mạnh, hoạt động ở một số lĩnh vực mà quân đội có tiềm năng như viễn thông, dịch vụ bay, cảng biển, đóng tàu, xây dựng, khai khoáng, ngân hàng… Không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước, một số doanh nghiệp quân đội đã chủ động đầu tư ra nước ngoài và thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, trở thành đối tác có uy tín, góp phần tích cực cho công tác đối ngoại quốc phòng và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế.

Các đơn vị sự nghiệp có thu, cùng với trọng tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đã chủ động tổ chức bộ máy, tận dụng năng lực để tham gia sản xuất kinh tế gắn với nhiệm vụ chuyên môn, góp phần cung cấp nguồn nhân lực, công nghệ và dịch vụ có chất lượng cho xã hội. Các đơn vị thường trực đã nêu cao tinh thần “tự lực tự cường”, phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản, chế biến và làm một số dịch vụ theo quy định. Bình quân hằng năm, toàn quân đã tăng gia sản xuất tự túc được trên 90% nhu cầu rau xanh; 60 - 65% nhu cầu thịt, cá; trong đó, nhiều đơn vị đã tự túc 100% nhu cầu thực phẩm. Các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các cơ sở nghiên cứu, nhà trường, bệnh viện quân đội… đã phát huy thế mạnh, tận dụng tốt nguồn lực, kết hợp hoạt động dịch vụ gắn với nhiệm vụ chuyên môn theo đúng quy định, vừa tham gia có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế - xã hội vừa tạo nguồn thu cho đơn vị và ngân sách nhà nước.

Những kết quả đạt được của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế có ý nghĩa quan trọng, không những góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, cải thiện đời sống của bộ đội, công nhân và viên chức quốc phòng, người lao động, mà còn đóng góp tích cực vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Quân đội vẫn còn một số hạn chế. Đó là nhận thức của một số lãnh đạo, chỉ huy các cấp về xây dựng kinh tế của quân đội chưa thật đầy đủ, trách nhiệm chưa cao. Cơ chế quản lý, mục tiêu xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, tiến độ xây dựng chậm so với quy hoạch đã được phê duyệt. Việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội và hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy quản lý doanh nghiệp chưa thường xuyên và chặt chẽ. Hiệu quả sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp đạt thấp, một số doanh nghiệp quân đội còn lúng túng trong sắp xếp, chưa chú trọng đổi mới, tái cơ cấu, nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa cao…

Tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến phức tạp. Đất nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cao nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của quân đội. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó, cần chú trọng thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là,
nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với quốc phòng của quân đội. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các chính sách của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội X của Đảng bộ Quân đội và các chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nòng cốt là cơ quan, đơn vị kinh tế cần tăng cường lãnh đạo, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của toàn đơn vị đối với nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của quân đội trong giai đoạn mới; tiếp tục khẳng định đó là một nhiệm vụ chiến lược của quân đội ta.

Hai là,
 tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế - quốc phòng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng, hoàn thiện quy hoạch chi tiết, kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa bàn và từng khu kinh tế - quốc phòng. Đồng thời, làm tốt công tác quy hoạch xây dựng dự án; huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đầu tư theo thứ tự ưu tiên; thực hiện đồng bộ việc xây dựng kết cấu hạ tầng kết hợp với bố trí lại dân cư, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong vùng dự án; tiếp tục tham gia toàn diện vào các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới… bằng các biện pháp phù hợp. Đặc biệt, toàn quân tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Dự án đưa trí thức trẻ tình nguyện lên xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng; đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến, đổi mới công nghệ; tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường, đồng thời tích cực tham gia vào hoạt động đối ngoại quốc phòng. Đổi mới quản trị doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát tài chính, thực hành tiết kiệm… nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm tốt đời sống cho người lao động và tăng thu nộp ngân sách. 

Ba là, 
chú trọng tổ chức và quản lý chặt chẽ hoạt động sản xuất, làm kinh tế của các đơn vị thường trực và đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đặt trọng tâm vào hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, các đơn vị thường trực và đơn vị sự nghiệp công lập cần phát huy thế mạnh tại chỗ và tận dụng tối đa nguồn lực để tổ chức tăng gia sản xuất, làm kinh tế phù hợp với điều kiện cụ thể, bảo đảm đúng quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng. Thực hiện nghiêm quy chế quản lý đất quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào hoạt động kinh tế; các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập cần tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả làm kinh tế. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý, bảo đảm vệ sinh và cảnh quan môi trường, tạo ra nhiều sản phẩm kinh tế, góp phần cải thiện đời sống bộ đội và hoạt động của đơn vị, tái đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị, duy trì, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Bốn là,
 thực hiện nghiêm Quy chế về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trong khu vực phòng thủ. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền, cơ quan quân sự các cấp cần làm tốt công tác tham mưu và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong việc gắn hoạt động quân sự với hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng khu vực phòng thủ một cách toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng - an ninh; trong đó, chú trọng chăm lo xây dựng xã, phường vững mạnh toàn diện làm cơ sở để xây dựng tỉnh, thành phố trở thành khu vực phòng thủ có chiều sâu và ngày càng vững chắc. Các địa phương thường xuyên thực hiện các biện pháp xây dựng tiềm lực quốc phòng; xây dựng lực lượng vũ trang địa phương; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh; sẵn sàng động viên nền kinh tế quốc dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng của địa phương và cả nước trong mọi tình huống.

Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được, quân đội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất