Nhận thức được tác hại của tham nhũng, lãng phí, ngay từ khi vừa mới giành được chính quyền, Đảng ta đã xác định tham nhũng, lãng phí chính là một kẻ thù nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm nên phải kiên quyết loại bỏ. Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban. Từ những kết quả đã đạt được và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng đã thực hiện trong các nhiệm kỳ trước, từ khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị được thành lập đến nay công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, tạo sự ủng hộ, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành sự tất yếu. Tham nhũng, tiêu cực từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động không ngừng công kích, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống tham nhũng, xuyên tạc đường lối, chủ trương về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta với nhiều “chiêu trò”, thủ đoạn. Gần đây, các thế lực thù địch, thành phần cơ hội chính trị, phản động tiếp tục rêu rao, họ cho rằng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức. Có thể nói, đây là những luận điệu sai trái, nguy hiểm nhằm chống phá quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. Trên cơ sở lý luận, thực tiễn, đồng thời sau khi được nghiên cứu, học tập cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần nhận thức đúng và kiên quyết đấu tranh chống lại luận điệu xuyên tạc, mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị và khẳng định những vấn đề sau:
Thứ nhất, Đảng ta đã nhận diện ngày càng rõ ràng hơn về tham nhũng, tiêu cực và vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Trước đây, đấu tranh phòng, chống tham nhũng chủ yếu tập trung vào các hành vi: tham ô, chiếm đoạt tiền bạc, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhận và đưa hối lộ. Hiện nay, tham nhũng được xác định là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, có quyền hạn thực hiện, là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, Đảng ta cũng nhận thức và bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực, vì tiêu cực chính là căn nguyên dẫn đến tham ô, tham nhũng. Phạm vi phòng, chống tham nhũng cũng được xác định rõ hơn, trước đây chỉ tập trung phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thì nay, phòng, chống cả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và xác định đây là chính là “cái gốc” của tham nhũng. Trước đây, tham nhũng chỉ tập trung ở khu vực nhà nước thì nay được mở rộng ra cả khu vực ngoài nhà nước. Sự cấu kết giữa những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất trong khu vực nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước là một dấu hiệu có tính phổ biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Do đó, Đảng đã lãnh đạo từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước để công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Nhận thức được tác hại của tham nhũng, ngay từ khi vừa mới giành được chính quyền, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định tham nhũng chính là một kẻ thù nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm nên phải kiên quyết loại bỏ. Trong tác phẩm “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu” tháng 3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”, và “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính… Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận” .
Sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta chỉ rõ, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, trong đó nguy cơ về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã có những diễn biến có chiều hướng phức tạp, chưa thể đẩy lùi một cách triệt để. Đảng ta luôn nhận diện đúng về tham nhũng, luôn nhận thức đúng về vai trò của đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí được gắn với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “… nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao” do đó, các tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng”.
Thứ hai, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phải huy động sức mạnh và tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội
Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, Đảng ta nhận thức: đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Đảng và xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính trị. Từ đó, Đảng đã đề ra mục tiêu, phương châm, tư tưởng hành động và các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Nghị quyết Trung ương 3 khóa X của Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng”, xác định: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: “… phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn”.
Nhân tố quyết định việc thực hiện thành công quyết tâm đó là sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện, thường xuyên của Đảng Cộng sản Việt Nam; sức mạnh to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự đồng tình, ủng hộ, tham gia tích cực của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Tư tưởng, phương châm chỉ đạo xuyên suốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là kiên quyết, kiên trì, thường xuyên, liên tục, bền bỉ, không ngừng, nghỉ, trong đó phòng là chính, là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách.
Thứ ba, chủ động điều tra, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai để “không dám” tham nhũng, tiêu cực
Thực tiễn cho thấy, Đảng ta đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. “Trong 10 năm qua (2012-2022), đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, nguyên ủy viên Bộ Chính trị; 36 ủy viên Trung ương, nguyên ủy viên Trung ương; hơn 50 sĩ quan cấp tướng lực lượng vũ trang); qua thanh tra, kiểm toán kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra, xử lý gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm”. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 12-2022, có 67 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý đã phải xử lý kỷ luật, trong đó có những trường hợp phải khai trừ Đảng, khởi tố hình sự, truy tố, xét xử...
Từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, tồn đọng, kéo dài từ nhiều năm trước, điển hình như: các vụ án Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, Vũ Việt Hùng, Giang Kim Đạt, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Châu Thị Thu Nga, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam; vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty Hải Thành, Quân chủng Hải quân…; và gần đây là vụ Việt Á, Cục Lãnh sự; FLC, Tân Hoàng Minh,… nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự, kể cả ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND cấp tỉnh, tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Xử lý kỷ luật của Đảng và những vụ án xử lý hình sự nói trên đã cho thấy rõ quyết tâm nói đi đôi với làm của Đảng, nhất là vai trò của Tổng Bí thư trong xử lý tham nhũng, tiêu cực.
Thứ tư, đã hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; mở rộng hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Đảng đã rất chú trọng công tác xây dựng, từng bước hoàn thiện thể chế để “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực. Theo Báo cáo số 06-BC/TW ngày 23-7-2022 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022: Từ năm 2012 đến nay, Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng; Quốc hội ban hành hơn 300 luật, pháp lệnh, nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 2.600 nghị định, quyết định, chỉ thị; cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương ban hành hơn 45.000 văn bản; các bộ, ngành, địa phương ban hành gần 100.000 văn bản để cụ thể hoá, hướng dẫn thi hành, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tương đối đầy đủ, cần sự thống nhất cao về ý chí, hành động và tổ chức thực hiện để bảo đảm hiệu quả.
Trên cơ sở các phương thức lãnh đạo được xác định trong Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, từ tổng kết thực tiễn hoạt động của mô hình Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng Ban Chỉ đạo. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 diễn ra tháng 12-2020, Ban Chỉ đạo đã thống nhất đánh giá: Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng đã có bước tiến mạnh, đột phá, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tham nhũng đang “từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm”, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cùng với đó Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2-6-2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nhanh chóng đi vào hoạt động. Đây là những dấu hiệu cho thấy, nhiều cấp uỷ đảng địa phương đã và đang vào cuộc ngày càng quyết liệt hơn, thực hiện đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh các cấp, các ngành phải “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” để cùng Trung ương thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tham nhũng không phải chỉ có ở Việt Nam mà là vấn nạn của nhiều quốc gia, do vậy Đảng đã chỉ đạo từng bước đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ các đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Với những kết quả thực tiễn nêu trên là minh chứng thuyết phục, đập tan luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch khi cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”. Đồng thời khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là đúng đắn, kịp thời, hiệu quả. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta không phải là hình thức, mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân thêm tin tưởng, phấn đấu cho sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, vì lợi ích của Đảng, của đất nước và mỗi người dân. Đây là “mặt trận” phức tạp, gay gắt, quyết liệt, trực tiếp đấu tranh với sự chống đối “vô hình” của các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị. Nhận thức rõ nguy cơ tham nhũng, Đảng ta đã đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn cất lên những tiếng nói lạc lõng, cố tình xuyên tạc, bóp méo, làm sai lệch vấn đề, định hướng dư luận với mục đích xấu. Do đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi đó, giữ vững quyết tâm cao trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc gian nan, khó khăn và lâu dài, không phải của riêng một người, một cơ quan hay một ngành, mà là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trước hết cần: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng; xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sạch, vững mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế; tiển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, phải luôn tỉnh táo, đập tan âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề này.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Thị Quế Anh, Nguyễn Minh Tuấn, Vũ Công Giao, Nguyễn Hoàng Anh (Đồng chủ biên) (2020), Quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam trước năm 1945, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
2. Nguyễn Phú Trọng (2019), Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
3. Nguyễn Phú Trọng (2023), Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Đại tá, TS. Bùi Nam Hưng