|
Linh mục Bùi Sỹ Phước (ở giữa) trò chuyện với cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đồng Nai (Ảnh: TL).
|
Chung tay xây dựng nông thôn mới
Thái Lạc là một xứ đạo lớn với hơn 3.200 giáo dân nhưng tập trung ở Ấp 4 (650 hộ, 2.488 khẩu), nơi có nhà thờ và 99,20% dân số theo đạo Công giáo. Linh mục Bùi Sỹ Phước kể, trước khi về Giáo xứ Thái Lạc, ông đã có hơn 7 năm làm Linh mục Giáo xứ Linh Xuân (huyện Thống Nhất, Đồng Nai). Bằng kinh nghiệm của mình, hơn một năm đầu hằng ngày, hằng tuần Linh mục Bùi Sỹ Phước tập trung vào các bài giảng giáo lý, hướng bà con giáo dân thực hành đạo đức, giữ gìn văn hóa truyền thống; sống tốt đời, đẹp đạo. Đến khi ông và bà con giáo dân trong Giáo xứ đã hiểu, gần gũi, tin tưởng nhau thì ông bắt đầu vận động bà con tham gia các phong trào. Theo ông điều này rất quan trọng, bởi chỉ khi bà con tin tưởng mình thì mới có thể vận động bà con đóng góp công sức, của cải tham gia chung tay, góp sức với các phong trào của địa phương. Ông rất tâm đắc với các phong trào do địa phương phát động, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư…
Công việc đầu tiên Linh mục Bùi Sỹ Phước vận động bà con Ấp 4 thực hiện là “xóa” đường đất trong ấp. Cuối năm 2015, chỉ trong một thời gian ngắn ông đã vận động bà con trong thôn đóng góp hơn 200 triệu đồng để bê tông hóa hơn 0,5km đường giao thông trong các xóm theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đưa Ấp 4 sớm về đích chỉ tiêu bê tông hóa 100% đường giao thông. Ngay sau đó, ông vận động nhân dân tham gia xây dựng các tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, tham gia các hoạt động vệ sinh môi trường, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong khu dân cư. Hưởng ứng phong trào “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) do địa phương phát động, ông vận động nhân dân tích cực tham gia trồng cây xanh trên các tuyến đường làng ngõ xóm, xây dựng hàng rào xanh; nộp phí thu gom rác thải và phân loại rác thải tại nguồn theo quy định; tự nguyện mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; thực hiện các tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”… Ấp có hơn 30 hộ kinh doanh nhà trọ, Linh mục vận động các hộ đăng ký và thực hiện “Khu nhà trọ văn hóa”; động viên các chủ nhà trọ tham gia phong trào xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người ở trọ; thường xuyên nắm rõ nhân thân người đến trọ, nhắc nhở họ thực hiện các quy định về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường; không mở karaoke lớn… Giáp Ấp 4 là chợ Long An, có hơn 100 hộ Ấp 4 tham gia kinh doanh, Linh mục luôn nhắc nhở bà con kinh doanh phải lấy chữ tín làm đầu, thực hiện tốt việc giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ấp 4 có hơn 65% lao động làm công nhân tại các khu công nghiệp, Linh mục vận động các thanh niên công nhân tránh xa các tệ nạn xã hội; vận động thanh niên, hội viên các đoàn thể tích cực tham gia các phong trào ở địa phương bằng những việc làm cụ thể, như: Nạo vét kênh, cống thoát nước, quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải, đạp xe quanh xã tuyên truyền về bảo vệ môi trường nông thôn nhân Ngày Môi trường thế giới… Từ các phong trào, các đoàn thể đã phát hiện được những đoàn viên, hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng. Đến nay, 15/18 đảng viên chính thức của Chi bộ Ấp 4 là người theo đạo Công giáo; Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Nguyễn Văn Muôn cũng là người có đạo.
Nhiệt thành tham gia các phong trào ở địa phương, Linh mục đã góp phần cùng bà con giáo dân đưa Ấp 4 từng bước vươn lên hoàn thành tất cả các tiêu chí của khu dân cư kiểu mẫu. Với việc hoàn thành tốt 7 tiêu chí chủ yếu, ngày 7-10-2022 Ấp 4, xã Long An vinh dự là 1 trong 3 ấp của huyện được công nhận danh hiệu “Khu dân cư kiểu mẫu”. Trong đó, Ấp đã hoàn thành một số tiêu chí nổi bật, như: 100% đường ngõ xóm bê tông hóa hoặc trải nhựa; hơn 90% tuyến đường bảo đảm chiếu sáng, xanh, sạch; 100% số hộ sử dụng nước sạch; 100% số hộ có hàng rào cây xanh, cổng, ngõ được xây dựng cải tạo sạch sẽ, hài hòa với cảnh quan chung; 100% số hộ thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; trong ấp không có gia đình có học sinh bỏ học, học sinh vi phạm kỷ luật tại nơi học tập, trên 98% số dân tham gia bảo hiểm y tế…
Về Ấp 4, xã Long An, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đẹp đẽ, yên bình của một vùng quê ngay bên tuyến quốc lộ 51 ồn ào xe chạy. Sau cổng chào lớn là tuyến đường bê tông thẳng tắp, sạch sẽ, thoáng đãng, có gờ giảm tốc, có kênh thoát nước kín, có thùng đựng rác chung, có ca-mê-ra an ninh. Hai bên đường là hàng cây xanh, cây cảnh mát mắt, nhà xây kiên cố khang trang, bề thế. Ấp có 1 nhà văn hóa, 2 cơ sở mầm non tư thục, 1 Bách hóa Xanh và nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ. Đặc biệt, Nhà thờ Giáo xứ nằm trong khuôn viên rộng. Linh mục Bùi Sĩ Phước vừa vận động bà con giáo dân trong và ngoài nước đóng góp xây dựng mới toàn bộ các công trình gồm nhà thờ, khu nhà giáo lý, nhà xứ, khuôn viên..., với tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng. Nhà thờ mới có kiến trúc bề thế, cảnh quan gần gũi thiên nhiên. Hiện Nhà thờ Giáo xứ Thái Lạc đang là điểm đến của nhiều khách du lịch thập phương.
Đẩy mạnh các hoạt động bác ái xã hội
Với phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”, những năm qua Linh mục Bùi Sĩ Phước đã vận động giáo dân phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, với tinh thần bác ái, ông vận động đồng bào Công giáo hăng hái tham gia các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể địa phương phát động, như: Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Cuộc vận động “Ngày Vì người nghèo”… Lấy xứ, họ đạo làm trọng tâm, ông vận động giáo dân thực hiện các nội dung thiết thực như công tác khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ người nghèo ở các khu dân cư...
Để giáo dân tự giác, tích cực tham gia các hoạt động bác ái xã hội, trong bài giảng giáo lý, Linh mục Bùi Sỹ Phước luôn đề cao tình làng nghĩa xóm, khuyên răn mọi người không làm điều xấu, điều ác, không vi phạm an ninh trật tự, sẵn sàng giúp đỡ người cơ nhỡ, hoạn nạn. Theo Linh mục, trước kia nhờ có văn hóa truyền thống đẹp đẽ này mà nhà dân không khóa cửa cũng không mất gì; nay nhà nhà kín cổng cao tường, nếu không có hoạt động cộng đồng gắn bó sẽ chỉ nhà nào biết nhà đó. Để khôi phục lại tình làng nghĩa xóm, Linh mục hướng dẫn Giáo xứ tổ chức rước tượng Đức mẹ lần lượt tới từng hộ và mọi người cùng đọc kinh. Từ đó, các hộ có điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc, gần gũi, gắn bó với nhau hơn. Mỗi năm, Giáo xứ tổ chức 4 đợt tặng quà cho người nghèo, bệnh tật, vào các dịp Lễ Giáng sinh, Ngày quốc tế Bệnh nhân, Ngày Vì người nghèo và Tết Nguyên đán với tổng giá trị quà tặng bình quân 150 triệu đồng/năm. Linh mục vận động bà con tiếp tục duy trì và mở rộng “Bếp cháo từ thiện”; mỗi tuần nấu một nồi cháo lớn rồi chia ra mang tới tận nhà tặng người cao tuổi, người bệnh, kể cả những người không có đạo trong xã. Cuối năm 2021, trong ấp có hộ nghèo bị cháy nhà vì chập điện, Linh mục liền vận động bà con giáo dân trong ấp đóng góp xây dựng lại ngôi nhà cấp 4 trị giá gần 200 triệu đồng tặng cho gia đình. Ngoài ra, Giáo xứ đã trao tặng 15 xe lăn; giúp đỡ 1 hộ có hoàn cảnh khó khăn mỗi tháng 25 kg gạo… Đặc biệt, trong đợt cao điểm chống dịch COVID-19 năm 2021, với phương châm “Không để hộ nào bị bỏ rơi, bị đói”, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, sản xuất - kinh doanh bị đình trệ nhưng Linh Mục Bùi Sỹ Phước đã vận động bà con giáo dân trong Giáo xứ đóng góp và tổ chức trao tặng người dân vùng dịch 3,7 tấn gạo, 350 phần quà nhu yếu phẩm (đường, sữa, bột ngọt, hạt nêm, nước mắm…) trị giá 172,4 triệu đồng, hơn 3.400 quả trứng gà. Thời điểm đó, có ngày Giáo xứ huy động tới hơn 100 người từ các họ đạo và hàng trăm lượt phương tiện tham gia các hoạt động đóng gói, vận chuyển lương thực, thực phẩm đến tất cả các điểm cách ly trong xã. Sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Giáo xứ đã góp phần bảo đảm cuộc sống ổn định cho người dân của xã trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội…
Chia tay chúng tôi khi Xuân mới đang về, Linh mục Bùi Sỹ Phước cho biết ông sẽ cùng bà con giáo dân trang trí Nhà thờ thật đẹp để đón đông đảo giáo dân hành hương và du khách thập phương tham quan. Theo ông, đời sống của người dân xứ đạo vẫn ổn định dù đang gặp những khó khăn về việc làm, thu nhập, đây là điều kiện tốt để các hộ tham gia các phong trào xã hội ở địa phương. Bà con giáo dân đã nhận thức đúng về những lợi ích thiết thực từ kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Bởi, đây là những phong trào có liên quan trực tiếp đến đời sống của bà con, có sức lan tỏa trong Giáo xứ, họ đạo, khơi dậy được nguồn lực kinh tế và tinh thần đoàn kết bền chặt ở khu dân cư.
Thành Sáng