|
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 6-2-2023.
|
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã đạt được một số kết quả quan trọng trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về phương thức lãnh đạo của Đảng được nâng lên; trong lãnh đạo, chỉ đạo có nhiều đổi mới, quyết liệt, hiệu quả hơn. Qua đó đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo của từng tổ chức trong hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ, giữ vững được kỉ luật, kỷ cương của Đảng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Kết quả cụ thể
Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Các cấp ủy, tổ chức đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, sáng tạo các nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, học tập, quán triệt triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU ngày 20-7-2017 về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quán triệt, học tập và tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng giai đoạn 2017-2022. Cùng với việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, các cấp ủy, tổ chức đảng đặc biệt chú trọng thực hiện quy định về nêu giương như Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư; Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ số 05-CT/TW và Kết luận số 01-KL/TW ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 1496-QĐ/TU ngày 25-10-2013 về trách nhiệm nêu gương của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và quán triệt, triển khai đầy đủ các văn bản có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức để tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu luôn nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ và kịp thời xem xét, giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân, sẵn sàng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đối thoại với nhân dân...
Trong công tác tổ chức, cán bộ, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở theo hướng đồng bộ, thống nhất thông qua việc chỉ đạo cấp ủy các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng, hoàn thiện hệ thống các quy chế, quy định về tổ chức bộ máy. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 26-4-2016 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, đáp ứng với yêu cầu giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 12-8-2021 về nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đội ngũ, đảng viên lãnh đọa, quản lý, nhất là người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, giai đoạn 2021-2025. Ban hành các quy định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, công tác cán bộ; về giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức; về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý; về quản lý cán bộ, đảng viên đi nước ngoài…
Thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Tỉnh ủy Bắc Kạn đã ban hành Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 10-5-2017 về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong hệ thống chính trị giai đoạn 2016-2021. Kết quả thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU, cấp tỉnh giảm được 19/125 số phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành và tương đương; cấp huyện giảm được 16/88 số phòng chuyên môn; giảm 96/403 đơn vị sự nghiệp; giảm 212 biên chế công chức, 1.112 biên chế viên chức so với năm 2015. Tỉnh cũng ban hành Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 25-10-2017 về tuyển dụng công chức, viên chức theo hướng thi tập trung (bao gồm khối đảng, đoàn thể và khối quản lý nhà nước); kết quả từ năm 2017 đến nay, đã tuyển dụng được 188 chỉ tiêu công chức, 852 viên chức. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, chú trọng quy trình bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp của hệ thống chính trị; tăng cường phân cấp, phân quyền, mở rộng dân chủ, đề cao trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; đổi mới các khâu trong công tác cán bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, quy định, khách quan, công khai, dân chủ. Đặc biệt, Tỉnh ủy đã thực hiện sách hạch các ứng viên để bổ nhiệm các chức vị lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, theo đó đã có 171 lượt ứng cử viên sát hạch để bổ nhiệm vào 50 vị trí và đã bổ nhiệm được 48 ứng viên.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kỉ luật đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng và đảng viên. Chú trọng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên liên quan đến các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; tiếp nhận, giải quyết đúng quy trình, đạt hiệu quả đối với đơn tố cáo có liên quan đến các hành vi tiêu cực, tham nhũng; công tác kiểm tra tài chính, kiểm tra thu nộp đảng phí được thực hiện đúng quy định. Thi hành kỉ luật đối với các đảng viên vi phạm thực hiện chỉ thị, nghị quyết, quy định, nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết nội bộ; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm quy định về phẩm chất đạo đức, lối sống; thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo quản lý và nội số nội dung khác.
Đổi mới phong cách, lề lối làm việc và cải cách hành chính trong Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị đã chú trọng đổi mới phong cách, lề lối làm việc; đổi mới việc ban hành nghị quyết, chương trình hành động, các văn bản chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, giải pháp cụ thể, nhất là việc phân định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức, cá nhân, thời gian hoàn thành, coi trọng công tác kiểm tra, đánh giá, tổng kết thực hiện. Cán bộ, đảng viên tích cực rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử có văn hóa nơi công sở; có thái độ niềm nở, biết lắng nghe góp ý của đảng viên và nhân dân. Tích cực nghiên cức, học tập, nắm vững nghiệp vụ; có khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cấp ủy các cấp thường xuyên theo dõi, giám sát đối với cán bộ, đảng viên thực hiện nội dung bản cam kết rèn luyện, phấn đấu thực hiện các chỉ thị, nghị quyết. Lựa chọn biểu dương các cá nhân điển hình tiên tiến nhằm tạo sự lan tỏa những việc làm tốt trong chi bộ, cơ quan và tạo động lực cho cán bộ, đảng viên tích cực làm việc tốt.
Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch, đề án, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính, kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp với thực tế địa phương trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh đạt 62,26 điểm, đứng thứ 48/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2020.
Một số hạn chế
Bên cạnh kết quả đạt được, việc đổi mới phương thực lãnh đạo của Đảng ở một số cấp ủy chưa thực sự rõ nét, nhất là cấp cơ sở, cụ thể: Việc xây dựng và ban hành một số chỉ thị, nghị quyết, kết luận,… chất lượng chưa cao, chưa sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị, tính khả thi không cao. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy ở một số tổ chức đảng chưa cụ thể, chưa rõ trách nhiệm. Công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và nêu gương của cán bộ, đảng viên vẫn còn một số hạn chế; việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở một số nơi chưa thường xuyên, có nơi còn mang tính hình thức. Công tác nắm tâm tư, nguyện vọng chính đảng của nhân dân, tình hình dư luận có lúc, có nơi còn chậm.
Chưa có giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách, thực hiện liên thông cán bộ, công chức giữa cấp huyện với cấp xã, không tạo ra được sự chủ động trong bố trí, sử dụng cán bộ. Việc ban hành các văn bản về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã còn chậm, nhiều vấn đề phát sinh trong thực tế nhưng chưa có văn bản điều chỉnh, đặc biệt là trong việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã dôi dư do thực hiện công tác sát nhập các đơn vị hành chính cấp xã. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu năng động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, chưa thường xuyên tự học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chưa quyết tâm đổi mới. Còn một số cán bộ, công chức mắc các tệ nạn xã hội… Việc bố trí, sắp xếp cán bộ theo vị trí việc làm và năng lực chuyên môn tại một số vị trí chưa phù hợp.
Những hạn chế trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó một số cấp ủy chưa nhận thức đầy đủ vê ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, lúng túng trong tổ chức thực hiện, chưa thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong công tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình; đánh giá, phân loại cán bộ còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Năng lực của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiệm vụ, giải pháp
Trong thời gian tới, để tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy Bắc Kạn chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, quán triệt sâu rộng trong các cấp ủy về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Hai là, trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị, chú trọng thực hiện đồng bộ, toàn diện về thể chế, cơ chế lãnh đạo, cải cách hành chính và quản lý điều hành, tạo được sự thống nhất trong ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị. Ban hành nghị quyết bảo đảm khoa học, sát với thực tế và có khả năng thực thi.
Ba là, chú trọng đổi mới công tác cán bộ của Đảng trong các cơ quan của hệ thống chính trị, đảm bảo tinh gọn, năng động, sâu sát với nhân dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, then chốt, khâu đột phá. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có năng lực, trình độ là tấm gương sáng cho quần chúng noi theo, nhất là đối với đảng viên là cán bộ, công chức hoạt động trong bộ máy của Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội. Lựa chọn những cán bộ, đảng viên thật sự ưu tú để phân công, giới thiệu vào các chức danh chủ chốt trong bộ máy chính quyền và các tổ chức đoàn thể.
Bốn là, xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của cấp ủy, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của cấp ủy, nhất là người đứng đầu, không bao biện làm thay, giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích, chấn chỉnh các tập thể, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Đảng về đổi mới phương thức lãnh đạo.
ThS. Phùng Thị Thu Phương
Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn