Thực tiễn cho thấy, việc Đảng ta ban hành Quy định 262 là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế đánh giá cán bộ, tạo cơ sở chính trị, pháp lý cho các cấp uỷ, tổ chức đảng tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá tiêu chuẩn, chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá đối với từng chức danh cán bộ trong hệ thống chính trị. Theo đó, quy trình và thủ tục lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ ngày càng được đổi mới, có nhiều chuyển biến về nội dung, phương pháp. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ là một trong những kênh để đánh giá và làm căn cứ, cơ sở cho công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ của Ðảng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp đổi mới.
Tuy nhiên, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định 262 vẫn còn một số hạn chế như: Một số cấp uỷ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc lấy phiếu tín nhiệm. Tình trạng “dĩ hoà vi quý”, các biểu hiện xuề xoà, nể nang, né tránh, ngại va chạm trong đấu tranh tự phê bình, phê bình vẫn là phổ biến thậm chí có nơi còn có biểu hiện cục bộ địa phương, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, Quy định 262 nêu việc sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm còn mang tính chất “định tính” như: Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ; xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Điều này đã gây khó khăn cho các cấp uỷ, tổ chức đảng khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm chưa thực sự tạo được niềm tin trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số cán bộ đạt phiếu tín nhiệm cao nhưng sau đó lại suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống từ đó dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bị truy tố hình sự….
Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng – năm có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng để tiếp tục chuẩn bị đội ngũ cán bộ các cấp cho nhiệm kỳ đại hội tiếp theo. Để xây dựng được đội ngũ cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”, vừa “có tâm”, vừa “có tầm”, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đòi hỏi Đảng ta tiếp tục phải có những giải pháp đột phá trong công tác cán bộ, đặc biệt phải có “thước đo” để đánh giá uy tín và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao của cán bộ, đồng thời giúp cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác, trên cơ sở đó các cấp uỷ, tổ chức đảng có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý. Trước những yêu cầu thực tiễn đó, đòi hỏi Đảng ta phải ban hành quy định mới về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
So với Quy định 262, Quy 96 có nhiều điểm mới, bổ sung, phát triển, nhất là nội dung lấy phiếu tín nhiệm được quy định cụ thể, chặt chẽ và yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Cụ thể:
Thứ nhất, về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Nếu Quy định 262 cho rằng: “Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ” thì Quy định 96 khẳng định: “Kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bộ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”. Theo đó, những cán bộ có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định. Trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác thấp hơn mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm.
Quy định 262 chỉ nêu: Người có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp cần được xem xét đưa ra khỏi danh sách quy hoạch các chức vụ cao hơn khi rà soát, bổ sung quy hoạch và xem xét bố trí, sắp xếp công tác phù hợp. Người có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên chỉ cần kịp thời xem xét, nếu xét thấy không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì cho từ chức hoặc cho thôi giữ chức vụ để bố trí công tác khác, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Có thể thấy, từ “kênh thông tin tham khảo” trở thành “sử dụng để đánh giá cán bộ”, Quy định số 96 trở thành một thước đo quan trọng phản ánh năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đây là một trong những thay đổi quyết liệt trong công tác đánh giá cán bộ của Đảng.
Thứ hai, về tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm. Quy định 262 chỉ quy định hai nội dung lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn. Quy định 96 quy định 2 “tiêu chí” lấy phiếu tín nhiệm là: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao (tính từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm lấy phiếu) thay vì “nội dung” lấy phiếu tín nhiệm như Quy định 262 trước đó. Bên cạnh đó, Quy định 96 cũng đã bổ sung thêm tiêu chí về kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương của Đảng về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương. Cùng đó là sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Điều này cho thấy, cán bộ lãnh đạo, quản lý, dù ở cấp nào thì cũng đều phải không những tu dưỡng rèn luyện bản thân mình mà còn phải có trách nhiệm nhắc nhở, giáo dục người thân trong gia đình tuân thủ các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý sai phạm trước hết phải xem xét trách nhiệm của chính mình, cũng như vợ, con, họ hàng đã để bị chi phối trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là tiêu chí quan trọng để có tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Về tiêu chí phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, Quy định 96 đưa “ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tự phê bình và phê bình” vào tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm, đây là điểm mới so với Quy định 292. Điều này cũng xuất phát từ thực tiễn, thời gian qua, vẫn có không ít cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; dân chủ hình thức; độc đoán gia trưởng, lợi dụng sự tập trung để lấy tập thể làm “bình phong” che chắn cho ý chí chủ quan của người lãnh đạo, làm biến dạng, méo mó bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ, gấy bức xúc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Về tiêu chí kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, Quy định 96 còn nhấn mạnh yếu tố năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, về quy trình lấy phiếu. Quy định 262 chia làm ba nhóm cán bộ lấy phiếu tín nhiệm (gồm Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư; ủy viên ban thường vụ cấp ủy các cấp và các chức danh cán bộ khác). Quy định 96 chia làm hai nhóm gồm: nhóm một là các chức danh cấp ủy và chức danh, chức vụ, lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị và nhóm hai là các chức danh cán bộ do Quốc hội và HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Có thể khẳng định, Quy định 96 của Bộ Chính trị là giải pháp hữu hiệu nhằm khơi thông những “điểm nghẽn”, “khâu khó” trong đánh giá cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Theo đó, đi liền với việc lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá cán bộ, phải thực hiện sắp xếp lại cán bộ trên cơ sở kết quả đánh giá. Đây là việc hệ trọng đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì, có phương pháp, cách làm phù hợp. Để việc Quy định 96 đi vào thực tiễn hiệu quả, thiết nghĩ các cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp phải thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, người được lấy phiếu và người tham gia đánh giá trong quá trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.
Chất lượng công tác cán bộ phụ thuộc rất lớn vào khâu đánh giá cán bộ. Do vậy, các cấp uỷ, tổ chức đảng phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch, thực chất, phát huy trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, cơ quan, đơn vị.
Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo, cung cấp đầy đủ thông tin trung thực, chính xác về các nội dung lấy phiếu tín nhiệm theo quy định và gửi đến cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ trước ngày lấy phiếu tín nhiệm 20 ngày.
Đối với người tham gia đánh giá cần nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá khách quan, thận trọng, trung thực, công tâm về người được lấy phiếu tín nhiệm và nội dung báo cáo, giải trình (nếu có) để thể hiện mức độ tín nhiệm cụ thể trong phiếu tín nhiệm.
Hai là, cần xây dựng hệ thống các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm có tính định lượng, mang tính cụ thể hoá cao.
Đánh giá cán bộ cần phải dựa vào các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm cụ thể. Các tiêu chí càng cụ thể, rõ ràng bao nhiêu thì khi đánh giá cán bộ càng thuận lợi bấy nhiêu. Các tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm phải phản ánh được phẩm chất, năng lực (đức - tài) của người cán bộ. Đây là những căn cứ khách quan để đánh giá đúng cán bộ cũng như tiến hành các khâu khác trong công tác cán bộ. Theo đó, cần phải xây dựng được hệ thống vị trí việc làm của từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị từ Trung ương tới cơ sở. Trên cơ sở vị trí việc làm này xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh đối với từng chức danh lãnh đạo, quản lý ở từng cấp và tiêu chí đánh giá đối với từng đối tượng cán bộ theo hướng lượng hoá tối đa, xác định cụ thể đầu mối công việc được giao, chất lượng hiệu quả công tác trên các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý (tính chất công việc, thời gian hoàn thành công việc, các giải pháp sáng tạo để hoàn thành nhiệm vụ…). Bên cạnh đó, nội dung đánh giá cũng cần tập trung vào vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và những kết quả (giá trị) đạt được so với trước, đặc biệt là những vấn đề nổi bật, đột phá trong lĩnh vực, ngành, địa phương, đơn vị. Hệ tiêu chuẩn xác định rõ ràng, vị trí việc làm được mô tả một cách chi tiết trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của bộ máy chính là cơ sở khách quan, khoa học để đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ lãnh đạo, quản lý.
Ba là, có cơ chế cung cấp đầy đủ thông tin về cán bộ được lấy phiếu cho người tham gia đánh giá.
Đây là yêu cầu mang tính khách quan bởi khi cán bộ lãnh đạo, quản lý được lấy phiếu tín nhiệm thì những lãnh đạo cấp trên trực tiếp hoặc những đồng nghiệp tại cơ quan sẽ nắm được thông tin về người cán bộ đó, nhưng đối với những người tham gia đánh giá cán bộ ở cấp thấp hơn sẽ khó có được thông tin đầy đủ về người cán bộ lãnh đạo, quản lý đó. Điều này sẽ đẫn đến khi đánh giá cán bộ sẽ gặp khó khăn, lúng túng và đánh giá sẽ không đúng thực chất. Vì vậy, các cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ cần phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin đầy đủ về người được đánh giá. Thông tin phải mang tính tổng hợp, toàn diện như quá trình công tác, kết quả xếp loại hằng năm, đánh giá khi bổ nhiệm, luân chuyển, các sản phẩm mà cán bộ đã thực hiện, chất lượng, hiệu quả cụ thể… để đối chiếu với yêu cầu vị trí việc làm của người cán bộ khi được đề bạt, bổ nhiệm. Các kênh cung cấp thông tin bao gồm: cấp uỷ trực tiếp quản lý cán bộ; cấp uỷ cấp trên trực tiếp; cơ quan tổ chức cán bộ; chất lượng, hiệu quả công việc được giao; cán bộ, nhân viên dưới quyền, quần chúng nhân dân và cán bộ tự đánh giá, trong đó đặc biệt chú ý các kênh chủ đạo là cấp uỷ đảng gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; chất lượng, hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của quần chúng nhân dân.
Bốn là, cần xây dựng cơ chế cụ thể để nhân dân tham gia bỏ phiếu tín nhiệm, nhận xét, đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý
Nhân dân là chủ thể mà đội ngũ cán bộ hướng tới để phục vụ. Vì vậy, bản thân từng người dân sẽ cảm nhận sâu sắc được trình độ, năng lực, những ưu điểm, hạn chế của cán bộ. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ nào tốt, cán bộ nào xấu, cán bộ nào có lỗi lầm mà có thể sửa đổi, ai làm việc gì hay, việc gì quấy, dân chúng cũng do cách so sánh đó, mà họ biết rõ ràng”. Theo đó, cần phải có cơ chế để nhân dân thực sự tham gia đánh giá cán bộ, điều này sẽ giúp việc đánh giá cán bộ được chính xác hơn. Đây là một kênh quan trọng để các cấp uỷ nhận xét, đánh giá cán bộ, là cơ sở quan trọng để quản lý, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Điều này một mặt góp phần phát huy dân chủ xã hội, mặt khác sẽ tác động tích cực đến sự tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý.
TS. Lương Trọng Thành
Tỉnh uỷ viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá