1. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN - một kiểu nhà nước chưa hề có tiền lệ. Khi giai cấp tư sản bước lên vũ đài lịch sử nắm quyền thống trị xã hội, dựa vào thành quả đấu tranh chống chế độ phong kiến chuyên chế và thành tựu phát triển của triết học, luật học và các ngành khoa học khác, họ đã cho ra đời một kiểu nhà nước mà bản chất là nhà nước tư sản. Nhìn chung, tuy thể chế nhà nước ở các nước giai cấp tư sản nắm quyền thống trị có cơ cấu tổ chức, bộ máy khác nhau nhưng họ đều dựa trên những nguyên tắc cơ bản của học thuyết nhà nước pháp quyền. Do đó, ta quen gọi là nhà nước pháp quyền tư sản. Cần phải thừa nhận rằng sự thống trị của các nhà nước tư sản được xây dựng dựa trên học thuyết nhà nước pháp quyền đã đem lại cho nhân loại những bước tiến khổng lồ và những thành tựu vĩ đại. Cách đây 165 năm (1848), khi C.Mác và Ph.Ăng-ghen viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, hai ông đã dành cho nó những lời khen sớm nhất, mà theo tôi, tới nay chưa ai đánh giá nó cao hơn hai ông và đánh giá đó hiện vẫn đúng: “Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước cộng lại... có thế kỷ nào trước đây lại ngờ được rằng có những lực lượng sản xuất như thế vẫn tiềm tàng trong lòng lao động xã hội”(1). Nhưng chúng ta cũng không quên rằng, chính C.Mác là người đầu tiên chỉ ra những khuyết tật không thể chấp nhận được mà các nhà nước pháp quyền tư sản đã tạo ra. Những khuyết tật ấy hiện vẫn chưa mất đi mà có mặt còn trầm trọng hơn. Trước khi đặt bút viết những lời khen về vai trò của sự thống trị của nhà nước tư sản như trên, C.Mác đã chỉ ra rằng tiền với vai trò làm môi giới “nó biến trung thành phản, yêu thành ghét, ghét thành yêu, đức hạnh thành thói xấu, thói xấu thành đức hạnh, tớ thành chủ, chủ thành tớ, ngu thành khôn, khôn thành ngu.
Vì tiền, với tính cách là khái niệm đang tồn tại và là biểu hiện của giá trị, làm lẫn lộn và trao đổi mọi sự vật, cho nên nó là sự lẫn lộn phổ biến và sự thay thế phổ biến mọi sự vật, nghĩa là thế giới lộn ngược, là sự lẫn lộn và sự thay thế tất cả những phẩm chất tự nhiên có tính người”(2). Thế lực đồng tiền đã thay thế “những phẩm chất tự nhiên có tính người” thành những phẩm chất tự nhiên của rừng hoang và thú dữ, biến con người thành dã man với con người.
Nhà nước ta đang vận hành kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền nhưng thể chế chưa hoàn thiện, trong thực tế bản chất XHCN chưa được thể hiện như mong muốn, chưa thượng tôn pháp luật. Cái mà ta quen gọi là “mặt trái của cơ chế thị trường” và “suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức” chính là sự lạm quyền và lợi ích nhóm, là thế lực của đồng tiền chi phối, ngự trị đã và đang làm cho “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên tha hóa, khiến Đảng và chế độ đứng trước nguy cơ của sự tồn vong. Phải chăng tệ quan liêu, tham nhũng đã biến “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên của chúng ta từ vị thế và bổn phận người đầy tớ trung thành của nhân dân thành “quan chủ”, đức hạnh của họ do gắn bó với nhân dân mà có đã bị biến thành thói xấu như C.Mác đã chỉ ra?
2. Việc thảo luận để xây dựng một nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân ở Việt Nam hiện nay không thể là sự thảo luận phi lịch sử, giáo điều hay bắt chước nước này, nước khác. Năm 1844, khi viết tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hê-ghen”, trong Lời nói đầu, C.Mác đã chỉ rõ chế độ nước Đức hiện tại không đúng với những công thức, định lý mà người ta đã công nhận trước kia, hãy tìm câu trả lời bằng cách nhìn thẳng vào sự thật chứ đừng tưởng tượng ra những cái “hiện thực” giả không phải bản chất của mình và “nếu như nó đã tin vào bản chất của chính nó thì lẽ nào nó còn che giấu bản chất đó dưới cái biểu hiện của một bản chất xa lạ và tìm lối thoát bằng sự giả dối và ngụy biện? Cái ancien régim (chế độ cũ) hiện đại chỉ còn là một vai hề của trật tự thế giới mà những vai chính thật sự đã chết rồi. Lịch sử tác động một cách triệt để và đã trải qua rất nhiều giai đoạn khi nó đem chôn một hình thức đã lỗi thời. Giai đoạn cuối cùng của một hình thức đã lỗi thời của lịch sử thế giới là tấn hài kịch của nó...(3). Và ông đã chỉ cho những người Đức khi đó, bao gồm cả nhà triết học bậc thầy - G.W.F. Hê-ghen, rằng: “Những trật tự cũ mục nát mà những nước này (Pháp và Anh) đang vùng lên chống lại về mặt lý luận và chỉ còn phải chịu đựng như chịu đựng xiềng xích thì ở Đức, lại được chào đón như buổi bình minh chói lọi của một tương lai đẹp đẽ, một tương lai chỉ vừa mới chuyển từ lý luận giảo hoạt sang một thực tiễn vô liêm sỉ nhất... Đó là một thí dụ đầy đủ về hình thức Đức của những vấn đề hiện đại, một thí dụ chứng tỏ rằng cho đến nay, lịch sử chúng ta, tựa như một anh lính mới vụng về, chỉ có nhiệm vụ là lặp lại sau người khác những bài tập lịch sử đã cũ”(4). Bài học lịch sử mà Đảng ta rút ra là phân tích đúng thực chất mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam trong giai đoạn cụ thể theo phương pháp Hồ Chí Minh “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, “đem sức ta mà giải phóng cho ta” để từ đó đề ra các quyết sách chính trị đúng. Hồ Chí Minh đã từng nói, cốt lõi mà Người học được ở C.Mác là phép biện chứng duy vật. Tư tưởng của nhà triết học thiên tài ấy có ý nghĩa về phương pháp luận cho chúng ta hiện nay.
3. Các nhà lý luận mác-xít kinh điển và Hồ Chí Minh, người gần gũi chúng ta nhất, sâu sát, thấu tỏ thực tiễn Việt Nam nhất, một người cộng sản Việt Nam dũng cảm, thông tuệ và trong sáng nhất cũng không để lại cho chúng ta lời giải sẵn cho những câu hỏi của cuộc sống hôm nay. Nhưng rõ ràng, các nhà kinh điển đã để lại cho ta những tư tưởng lớn, những phương pháp biện chứng mà nhất định chúng ta phải nghiên cứu, học tập và làm theo.
Hiện nay, 90 triệu người Việt dù ở đâu trên thế giới này, dù học vấn uyên bác hay chỉ là những người lao động bình thường, dù nghèo khó hay giàu sang... ai ai cũng đang có nỗi niềm, tâm tư, suy nghĩ về vận mệnh của Tổ quốc. Có nhiều cái khó mà dù có sự thông thái của một hay một số người cũng không phải dễ dàng đưa ra ngay được các quyết sách chính xác. Nhưng nếu khiêm tốn lắng nghe từ những mách bảo của lịch sử, từ những tư tưởng của ông cha, của các vĩ nhân (Lý Thường Kiệt, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hồ Chí Minh...), lắng nghe từ những ý nghĩ còn thô mộc, đơn giản không có sự tô vẽ của những người cần lao đang ngày đêm đối mặt với những sự thật trần trụi của cuộc đời; và hãy lắng nghe, thật khiêm tốn để biết nghe tiếng nói của những nhà trí thức chân chính, yêu nước, dù có thể có những điều họ nói ra mà ai đó cho là “nghịch nhĩ” nhưng họ là nguyên khí của quốc gia, họ chỉ là một số ít ỏi hiếm hoi, không xa lạ, vô tư và trong sáng, khát khao cống hiến thì chắc chắn sẽ tìm được những quyết sách đúng đắn, những lời giải cho nhiều vấn đề hóc búa trong cuộc sống hôm nay. Bởi đơn giản, họ đều là những người con của chính nhân dân Việt Nam văn hiến và anh hùng sản sinh ra, cùng với Đảng quang vinh hợp thành Nhân dân Việt Nam đương đại. Họ là những giọt nước nhỏ li ti thấm vào lòng đất mẹ Việt Nam, mảnh đất chung của con cháu 54 dân tộc anh em đã từng sống chết có nhau, no đói giúp nhau, đời nối đời kế tiếp dựng xây nên Tổ quốc Việt Nam. Họ đã hợp lại thành cái nền để xây lên những lâu đài kỳ vĩ, những pho tượng nguy nga. Hồ Chí Minh, bằng cả cuộc đời chiêm nghiệm, trước khi qua đời 1 năm đã dặn lại những người viết sách và làm sách rằng:
“Các chú có biết biển cả do cái gì tạo nên không? Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao nhiêu giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả. Một pho tượng hay một lâu đài cũng phải có cái nền rất vững chắc mới đứng vững được. Nhưng người ta dễ nhìn thấy pho tượng và lâu đài mà không chú ý đến cái nền. Như thế là chỉ thấy cái ngọn mà quên mất cái gốc!”(5). Hiến pháp thực chất là một bản khế ước xã hội của toàn dân, có vai trò dẫn dắt và điều chỉnh cho cả quốc gia, dân tộc trong một thời gian dài. Vì vậy cần có sự lãnh đạo của một đảng chính trị sáng suốt, biết nhìn xa, thấy rộng. Nước nào cũng vậy, đều cần phải có bộ phận tinh hoa của một đảng chính trị tiến bộ nhất dẫn dắt. Vấn đề là đảng chính trị ấy phải là một đảng cách mạng chân chính, một đảng dám dũng cảm nhìn thẳng vào sự yếu kém của bản thân, biết bám chắc vào đời sống thực tiễn cuộc sống của nhân dân, dân tộc mình mà nuôi dưỡng cho đảng khỏi bị khô cằn, cũ kỹ, hư hỏng. Vì suy cho cùng, mọi thể chế chính trị đều có thể thay đổi, mọi nhà nước đều có thể mất đi nhưng nhân dân, dân tộc thì trường tồn, phát triển. Đảng nào trung thành, hiếu thảo với nhân dân như Hồ Chí Minh đã từng nói thì đảng đó trường tồn cùng nhân dân, được nhân dân tin tưởng, trung thành. Chỉ có thể nói Quân đội ta trung với Đảng một khi Đảng được nhân dân thừa nhận và chứng minh trên thực tiễn Đảng trung thành với nhân dân. Nhân dân tin cậy, kính trọng, trung thành với Chính phủ do Đảng lãnh đạo, cầm quyền là bởi vì Chính phủ ấy tin dân, kính dân và phục vụ nhân dân. Năm 1945, với cương vị là nguyên thủ quốc gia đồng thời là người đứng đầu Chính phủ, Hồ Chủ tịch đã căn dặn các cấp chính quyền trong toàn quốc phải hiểu rằng các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Hai năm sau Người thẳng thắn tuyên bố: “Chính phủ cộng hòa... là đày tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(6).
Với Hồ Chí Minh, bí quyết của mọi thành công là dân chủ, dân chủ trước hết là để dân được tự do nói rõ ý kiến của mình. Tố Hữu - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương nhiều năm liền, trong Hồi ký của mình, kể lại, Bác Hồ nói: Các chú diễn đạt chữ dân chủ sao mà lằng nhằng khó hiểu thế. Dân chủ đơn giản là để cho dân được mở mồm ra.
Trí tuệ của hai nhà cách mạng lớn gặp nhau trước hết ở một căn cứ xuất phát: Mầm mống hiện thực của đời sống của mỗi nước chính là nhân dân nước đó. Trước Hồ Chí Minh 103 năm, C.Mác đã phê phán đảng chính trị ở nước Đức khi ấy (năm 1844) đã bỏ qua phép biện chứng duy vật, không lấy thực tiễn đời sống nhân dân Đức làm căn cứ xuất phát để nghiên cứu; “nó cứ bám lấy một đòi hỏi mà nó không thực hiện được và cũng không có khả năng thực hiện một cách nghiêm túc... Tầm mắt hẹp hòi của đảng ấy biểu hiện ở chỗ nó không coi triết học cũng là một bộ phận của hiện thực Đức, hoặc tưởng rằng triết học là thấp hơn thực tiễn Đức và những lý luận mà thực tiễn ấy sử dụng. Các ngài đề ra yêu cầu là chúng tôi phải xuất phát từ những mầm mống hiện thực của đời sống, nhưng các ngài quên rằng mầm mống hiện thực của đời sống nhân dân Đức, cho đến nay, chỉ sinh sôi nẩy nở trong đầu óc nhân dân Đức mà thôi”(7).
PGS. Trần Đình Huỳnh
-----
(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tuyển tập, NXB Sự thật, H.1980, tập 1, tr.547. (2) Sđd, tr.134-135. (3) Sđd, tr.20. (4) Sđd, tr.20-21. (5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, H.1996, tr.549. (6) Sđd, tập 5, H.1995, tr.60. (7) C.Mác và Ph.Ăng-ghen, tuyển tập, NXB Sự thật, H.1980, tập 1, tr.23.