Đảng lãnh đạo là một khái niệm được các nhà kinh điển Mác - Lênin nêu ra vào những năm cuối của thế kỷ XIX, sau khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân, lực lượng tiên phong thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo quần chúng nhân dân thủ tiêu chế độ bóc lột, xây dựng một xã hội mới tiến bộ, không còn áp bức và bất công. Theo nghĩa là một động từ, khái niệm này nói đến hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản được V.I.Lênin đề cập nhiều trong các tác phẩm, bài viết, bài nói của mình. Theo V.I.Lênin, hoạt động lãnh đạo của Đảng Cộng sản là một hoạt động gắn liền với cuộc đấu tranh giai cấp cả trước và sau khi giai cấp vô sản lãnh đạo nhân dân giành được chính quyền, nhằm giành lấy sự ủng hộ của đông đảo nhân dân lao động đối với Đảng. V.I.Lênin đã viết: “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiền phong của mình, tức đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Nhưng sự đồng tình và ủng hộ đó không thể có ngay được và không phải do những cuộc bỏ phiếu quyết định, mà phải trải qua một cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, khó khăn, gian khổ mới giành được. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản để giành lấy sự đồng tình, để giành lấy sự ủng hộ của đa số nhân dân lao động không phải kết thúc khi giai cấp vô sản đã cướp được chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, cuộc đấu tranh đó vẫn tiếp tục như trước, có điều là với hình thức khác mà thôi”(1).
Theo V.I.Lênin, Đảng Cộng sản có hai hoạt động chủ yếu là: hoạt động lãnh đạo và hoạt động cầm quyền. Hoạt động cầm quyền của Đảng được hiểu là Đảng “nắm chính quyền” thông qua những người đại diện của Đảng trong bộ máy nhà nước. Hoạt động lãnh đạo của Đảng được thông qua các tổ chức đảng và đảng viên của Đảng nói chung, đặc biệt là các đảng viên đang hoạt động trong bộ máy nhà nước. V.I.Lênin cho rằng, những cán bộ, đảng viên trong bộ máy nhà nước cần phải hoạt động vừa với tư cách là người đại diện cho Đảng thực hiện việc tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo Đảng, tức là hoạt động “lãnh đạo”, vừa với tư cách là người đại diện cho chính quyền, đại biểu của nhân dân, thực hiện công việc quản lý nhà nước, tức là hoạt động “cầm quyền”. V.I.Lênin viết: “Người cán bộ ấy phải nhớ rằng anh ta không những là người tuyên truyền bằng lời nói, không những phải giúp đỡ những tầng lớp nhân dân mê muội nhất; đó là nhiệm vụ chủ yếu của anh ta và không làm như vậy anh ta sẽ không còn là người cán bộ của đảng, không làm như vậy anh ta không thể tự coi mình là người cộng sản được. Nhưng ngoài ra, anh ta phải là người đại diện Chính quyền Xô-viết… người đại diện cho đảng nắm chính quyền hiện đang thông qua một bộ phận giai cấp vô sản mà điều khiển toàn bộ nước Nga”(2).
Theo V.I.Lênin, hoạt động lãnh đạo của người đảng viên cộng sản là một hoạt động không gắn với quyền lực. Tức trong hoạt động lãnh đạo, người đảng viên không được sử dụng quyền lực mang tính áp đặt, cưỡng bức. Hoạt động lãnh đạo của người đảng viên có nội dung là “giúp đỡ những tầng lớp nhân dân”, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo Đảng. V.I.Lênin đã phê phán nhiều đảng viên chưa biết cách lãnh đạo. Bởi khi lãnh đạo, họ hay sử dụng các phương pháp, hình thức như: chỉ đạo, ra các chỉ thị, mệnh lệnh…, tức là đã dùng quyền lực trong lãnh đạo. Cách làm như vậy trong lãnh đạo đã bị V.I.Lênin phê phán nghiêm khắc, bởi chỉ đạo, chỉ thị là những khái niệm tương đồng với điều hành, quản lý và gắn với quyền lực. V.I.Lênin đã từng nhắc nhở những đảng viên cộng sản không biết cách lãnh đạo rằng, với tư cách là một chủ thể thực hiện chức năng lãnh đạo thì không được “ra những chỉ thị và sắc lệnh”(3).
Điều đó cho thấy, phương thức lãnh đạo của Đảng nói chung và của người đảng viên cộng sản nói riêng phải chủ yếu bằng thuyết phục. Lãnh đạo chính là công việc vạch ra cương lĩnh, chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên nhân dân thực hiện. Nhưng muốn nhân dân thực hiện đường lối của Đảng thì đường lối đó phải được xác định đúng đắn, bởi có vậy thì nhân dân mới tin tưởng và đi theo. V.I.Lênin viết: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”(4). Khi phê phán quan điểm sai lầm về lãnh đạo của một số đảng viên cộng sản đối với các tổ chức công đoàn và quần chúng nhân dân trong những năm đầu giành được chính quyền, V.I.Lênin nêu rõ: “Dù thế nào đi nữa thì trước hết chúng ta cũng phải thuyết phục, rồi sau mới cưỡng bức. Chúng ta đã không biết thuyết phục quảng đại quần chúng và chúng ta đã phá rối mối quan hệ đúng đắn giữa đội tiền phong và quần chúng”(5).
Theo V.I.Lênin, tính thuyết phục là một đặc trưng hàng đầu trong hoạt động lãnh đạo của người đảng viên cộng sản. Trong “Báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (b) Nga” ngày 27-3-1922, V.I.Lênin đã phân tích sâu sắc bản chất, vai trò lãnh đạo của người đảng viên cộng sản. Từ những phân tích của V.I.Lênin cho thấy, nếu có nhiều người dân tuân theo, làm theo một đảng viên cộng sản nào đó thì chính đảng viên đó mới có địa vị “lãnh đạo”. Ngược lại, nếu những người đảng viên cộng sản không có năng lực, không có trình độ văn hóa, không có phẩm chất đạo đức tốt…, mặc dù họ đang là người “nắm chính quyền”, “quản lý nhà nước”, nhưng về phương diện “lãnh đạo” thì họ lại trở thành những người “bị lãnh đạo”. V.I.Lênin nói: “Lực lượng kinh tế mà nhà nước vô sản Nga đang nắm trong tay hoàn toàn đủ bảo đảm cho bước chuyển sang chủ nghĩa cộng sản. Như vậy thì thiếu cái gì? Rõ ràng, cái còn thiếu chính là trình độ văn hóa của những người cộng sản lãnh đạo. Nhưng nếu ta lấy Mát-xcơ-va - nghĩa là lấy 4.700 đảng viên cộng sản phụ trách - và đem đối chiếu với bộ máy quan liêu, với cái khối to lớn ấy, thử hỏi ai lãnh đạo ai? Tôi rất không tin là có thể nói được rằng những người cộng sản đang lãnh đạo. Nói đúng ra, không phải họ lãnh đạo. Mà chính là họ bị lãnh đạo”(6).
Những quan điểm của V.I.Lênin nêu trên về hoạt động lãnh đạo của người đảng viên cộng sản có ý nghĩa rất lớn đối với công tác xây dựng Đảng ở nước ta hiện nay. Điều đó giúp chúng ta nhận thức ngày càng rõ nét hơn về hoạt động lãnh đạo và hoạt động cầm quyền của Đảng. Trong điều kiện một đảng cầm quyền ở nước ta hiện nay, ngoài hoạt động quản lý trong nội bộ Đảng thì hoạt động lãnh đạo và hoạt động cầm quyền phải được coi là hai hoạt động chủ yếu. Hoạt động lãnh đạo của người đảng viên cộng sản nói chung và đặc biệt là đối với những người đảng viên đang hoạt động trong bộ máy nhà nước nói riêng được coi là một hoạt động mang tính đặc trưng, bản chất của người đảng viên cộng sản. Mỗi người đảng viên của Đảng hiện nay cần nhận thức rõ rằng, dù bản thân mình đang ở cương vị nào, đang công tác trong bộ máy nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp hay đã nghỉ hưu, hễ còn tham gia sinh hoạt đảng thì đều có nhiệm vụ lãnh đạo, tức là phải luôn gương mẫu đi đầu trong công việc, về phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đi theo Đảng và thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
………………………………
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 39, NXB Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr. 251; (2) Sđd, t. 41, tr. 181; (3). Sđd, t. 45, tr. 114-115; (4). Sđd, t. 36, tr. 208; (5,6). Sđd, t. 45, tr. 65 và 114.
PGS,TS. Nguyễn Hữu Đổng
Viện Chính trị học, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh