Để giành thắng lợi trong chiến tranh, vũ khí và con người đóng vai trò quyết định. Nhưng vũ khí và con người chỉ phát huy được vai trò cao nhất khi nằm trong tay một bộ chỉ huy biết vận dụng sách lược và đạt trình độ cao trong nghệ thuật chỉ đạo tác chiến.
Trong chiến tranh, sách lược là phương châm chủ đạo định hướng cho các hình thức tác chiến phù hợp với khả năng hiện có; còn nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh chính là sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt các hình thức tác chiến nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho mỗi trận chiến đấu, mỗi chiến dịch và cho cả cục diện chiến tranh. Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam là một minh chứng lịch sử về sách lược và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh ở tầm cao của Đảng ta. “Sách lược mềm dẻo” và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh xuất sắc của Đảng đã góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi hoàn toàn. “Sách lược mềm dẻo” và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng ta được thể hiện trên những nét chính sau:
Một là, biết lợi dụng mâu thuẫn trong nội bộ của địch để tạo lợi thế. Diễn biến của cuộc chiến tranh chống Mỹ vô cùng phức tạp và khó lường. Nhưng xuất phát từ lợi ích cuộc chiến, trong hàng ngũ của kẻ địch phát sinh nhiều mâu thuẫn. Đó là mâu thuẫn của Mỹ và Pháp trong giai đoạn đầu trước khi Mỹ quyết định ồ ạt đổ quân vào Việt Nam, đi kèm đó là mâu thuẫn giữa bọn tay sai thân Mỹ và thân Pháp. Khi chiến tranh mở rộng, mâu thuẫn giữa hai giới dân sự và quân sự Mỹ, có lúc còn phát sinh mâu thuẫn giữa quân sự với quân sự, giữa dân sự với dân sự. Trong hàng ngũ của ngụy quyền tay sai, mâu thuẫn giữa bọn “tướng trẻ” và bọn “tướng già” có lúc lên đến đỉnh điểm và khi bọn “tướng già” đã bị gạt bỏ thì mâu thuẫn giữa bọn “tướng trẻ” với nhau cũng không kém phần quyết liệt. Đảng ta đã nắm được những mâu thuẫn trong nội bộ địch để có “sách lược mềm dẻo”, tạo nên lợi thế.
Thực tiễn, từ năm 1963 đến 1965 đã xảy ra 13 cuộc đảo chính trong nội bộ ngụy quyền; thực chất đây là quá trình tranh giành quyền làm tay sai cho Mỹ, giữa “chính phủ quân sự” và “chính phủ dân sự”, giữa bọn “tướng trẻ” và bọn “tướng già”. Sách lược của ta khi đó là làm sao triệt để lợi dụng sự mâu thuẫn, xâu xé trong nội bộ của chúng để lôi kéo các tầng lớp, tập hợp mọi lực lượng về phía cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống giặc Mỹ xâm lược, chống bọn tay sai bán nước, đòi độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và cải thiện đời sống nhân dân.
Sự mềm dẻo về sách lược trong lợi dụng mâu thuẫn nội bộ địch đã tập hợp được đông đảo quần chúng tham gia cách mạng. Sau cuộc Đồng Khởi năm 1959-1960, cách mạng miền Nam đã phát triển thành cao trào và chuyển sang thế chiến lược mới với kết quả là sự ra đời của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tháng 12-1960. Đó là hình thức tổ chức vừa có tính chất mặt trận, vừa có tính chất hành chính, chính trị và quân sự (tính chất tiền chính phủ) cùng song song tồn tại với chính quyền ngụy, và từng lúc, từng nơi đã lấn át và làm tê liệt chính quyền địa phương của địch. Việc thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tạo nên một chính quyền đối lập hoàn toàn với chính quyền địch. Điều đó hoàn toàn phù hợp với tình hình cụ thể lúc đó, khi tình thế cách mạng chưa trực tiếp xuất hiện thì Mặt trận là hình thức thích hợp để tập hợp lực lượng đông đảo của quần chúng đấu tranh. Sách lược mềm dẻo là ở chỗ, ta có thể mở rộng mọi hình thức đấu tranh, từ đấu tranh vũ trang trực tiếp cho đến đấu tranh ngay trong chính quyền của chúng.
Hai là, đề ra những khẩu hiệu phù hợp với sự vận động của phong trào cách mạng. Trong những năm 1955-1956, ta đề ra khẩu hiệu đòi mở hội nghị hiệp thương, đòi thực hiện tổng tuyển cử, đòi hòa bình thống nhất đất nước, đòi lập lại quan hệ thường hai miền Nam - Bắc… Sách lược của Đảng ta lúc này là giương cao ngọn cờ hòa bình, nắm vững cơ sở pháp lý Giơ-ne-vơ, sử dụng triệt để khả năng công khai, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh kinh tế, giữa hợp pháp và không hợp pháp, đi từ thấp đến cao, để bảo tồn và phát triển lực lượng. Khi kẻ thù cố tình phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ một cách trắng trợn, ra sức “chống cộng” điên cuồng bằng những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”; ta đã nhanh chóng đề ra khẩu hiệu chống khủng bố, chống gom dân bắt lính, chống “lập khu trù mật”, đòi tự do dân chủ, cải thiện đời sống, kiên quyết không cho địch ổn định chính quyền.
Ngay khi Mặt trận Dân tộc giải phóng mới ra đời, Cương lĩnh chính trị của Mặt trận đã đề ra khẩu hiệu: “Chống đế quốc Mỹ xâm lược và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm, thực hiện độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà”[i]. Đến thời kỳ chiến tranh cục bộ, khi mâu thuẫn giữa nhân dân ta với đế quốc Mỹ đã phát triển đến đỉnh cao, Đảng ta trong lúc xác định khẩu hiệu chung cho cả nước “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, thì đồng thời cũng đề ra khẩu hiệu riêng cho mỗi miền: miền Nam “đánh đổ đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà”; miền Bắc “vừa sản xuất, vừa chiến đấu, bảo vệ miền Bắc và hết lòng hết sức chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam”[ii]. Đến thời kỳ “Việt Nam hóa chiến tranh”, khi đế quốc Mỹ sa lầy quá sâu vào cuộc chiến tranh Việt Nam, tình thế cách mạng ngày càng có lợi cho ta, Đảng ta đã đề ra khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”[iii].
Với mỗi khẩu hiệu được đề ra trong từng thời kỳ phát triển lịch sử đều phản ánh sự khác nhau về nội dung chính trị, về quan hệ so sánh, về sắp xếp lực lượng hay mục tiêu cần đạt tới của Đảng ta. Trong nghệ thuật chỉ đạo, Đảng luôn nắm vững mối quan hệ giữa chiến lược với sách lược; kết hợp giữa tính cứng rắn, vững vàng trong khẩu hiệu chiến lược, với tính linh hoạt, mềm dẻo trong khẩu hiệu sách lược, thể hiện tính linh hoạt, mềm dẻo trong điều hành chiến tranh.
Ba là, tính mềm dẻo của sách lược còn được thể hiện trong việc biết kết hợp một cách nhuần nhuyễn với tính cứng rắn về nguyên tắc. Một sách lược “quá mềm dẻo” làm mất đi tính nguyên tắc cũng sẽ sai lầm không kém gì việc “quá cứng rắn” về nguyên tắc mà quên mất sự linh hoạt của về sách lược. Do đó, Đảng ta đã quyết định, trong khi điều kiện chưa cho phép cần phải thực hiện những bước quá độ thông qua hình thức chính quyền liên minh dân tộc - dân chủ, thực hiện chính sách trung lập ở miền Nam để tuần tự thực hiện các mục tiêu chiến lược. Khi thực hiện chính sách đoàn kết, hòa hợp dân tộc, Đảng ta chủ trương bắt tay với mọi lực lượng, các đảng phái, phe nhóm, tôn giáo… dù những lực lượng ấy thuộc khuynh hướng chính trị nào, hay chưa tán thành hoàn toàn đường lối của ta, từ trước tới nay đã hợp tác, tham gia chính quyền, quân đội của Mỹ - ngụy nhưng nay đã chống lại sự thống trị của chúng, muốn cùng đứng lên cứu nước. Tính mềm dẻo ở chỗ, chúng ta lấy tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc lên trên, xóa bỏ định kiến, thù hằn; nhưng điều đó lại phải dựa trên nguyên tắc là phải cùng nhau đoàn kết lại chống đế quốc Mỹ và tay sai, vì một mục tiêu chung là thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa, mục tiêu phía trước của đất nước ta là phải làm sao thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 như mục tiêu mà Đảng đã đề ra. Tuy nhiên, những vấn đề trong nghệ thuật lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ của Đảng, đặc biệt là việc sử dụng “sách lược mềm dẻo” vẫn có một ý nghĩa lý luận và thực tiễn lớn lao. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, trong điều kiện toàn cầu hóa, quốc tế hóa đời sống kinh tế chính trị thế giới ngày nay, càng đòi hỏi chúng ta phải thực mềm dẻo trong quan hệ đối nội, đối ngoại để mang lại nhiều lợi ích hơn cho quốc gia, dân tộc. Song không vì thế mà chúng ta bỏ qua những vấn đề có tính nguyên tắc là giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia; bảo đảm tính linh hoạt, mềm dẻo trong xác định đối tác cũng như đối tượng hợp tác.
---------------------------
[i] Trần Nhâm (1978), “Nghệ thuật biết thắng từng bước”, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 199; [ii] Sđd, tr. 199; [iii] Sđd, tr. 199.
Nguyễn Tuấn Dũng
Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng