Phòng, chống tham nhũng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng

Tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực tồn tại ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng đến các nguồn lực công, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của bộ máy nhà nước, làm sai lệch công lý, công bằng xã hội, suy giảm niềm tin, cản trở các nỗ lực giảm nghèo và phát triển đất nước, xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) được Đảng, Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, vừa cấp bách vừa khó khăn, phức tạp, lâu dài.

Thời gian qua, cùng với những thành tựu quan trọng đạt được về kinh tế - xã hội, đối ngoại, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, công tác PCTN có nhiều chuyển biến tích cực cả về phòng ngừa và phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp đã được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh([1]). Tham nhũng bước đầu được kiềm chế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Đạt được những kết quả trên đây là do có sự quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh PCTN; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, ráo riết với nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và của các cấp uỷ, tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương; sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và báo chí.

Tuy nhiên, công tác PCTN chưa đáp ứng được yêu cầu, tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ([2]).

Những hạn chế trên đây có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân cơ bản là: Giữa quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước và hành động thực tế của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn khoảng cách; một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội và PCTN trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa phù hợp với thực tiễn; cơ chế kiểm soát quyền lực chậm được hoàn thiện. Việc thực thi pháp luật nói chung và thực hiện các quy định về PCTN của Đảng và Nhà nước nói riêng chưa nghiêm. Mô hình tổ chức các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng thiếu ổn định, quyền hạn chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, phương tiện, điều kiện làm việc còn bất cập, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân, báo chí và truyền thông trong PCTN.

Từ thực tiễn công tác PCTN thời gian qua, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm: (1) Phải biến quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về PCTN thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu và quyết liệt của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác PCTN; (2) Phải kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; (3) Phải xây dựng, hoàn thiện hệ thống thể chế về kinh tế - xã hội và PCTN đồng bộ, thống nhất, khả thi và tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Chú trọng kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; xóa bỏ tình trạng đặc quyền, đặc lợi, “nhóm lợi ích”, kiểm soát có hiệu quả độc quyền của Nhà nước; (4) Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân, cơ quan truyền thông và báo chí, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTN. Các giải pháp PCTN phải phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; (5) Chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, trước hết là các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng trong các cơ quan tiến hành tố tụng; tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN.

Để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cần quán triệt, thực hiện tốt một số quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau đây:

1. Về quan điểm: Cần nhận thức sâu sắc quan điểm PCTN trong giai đoạn hiện nay để khắc phục khuynh hướng tả khuynh, nóng vội hoặc hữu khuynh, trì trệ, cầm chừng, thiếu quyết liệt, đó là: (1) Phòng ngừa là chính, cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, cấp bách. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa, chủ động phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời những người có hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng; không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, bất kể người đó là ai; (2) Phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm. Gắn PCTN với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; gắn PCTN, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân; (3) Kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng; cơ chế đảm bảo để không cần tham nhũng.

2. Về nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để đảm bảo công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả; nhất là xây dựng các quy chế nội bộ của Đảng, các nguyên tắc và chuẩn mực đạo đức áp dụng đối với cán bộ, đảng viên, người đứng đầu; xây dựng và hoàn thiện thể chế quản lý kinh tế - xã hội và thể chế về PCTN theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Người đứng đầu phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung, xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành thể chế thuộc phạm vi phụ trách, quản lý của cơ quan, tổ chức, bộ, ngành, địa phương mình. Trước hết sửa đổi toàn diện Luật PTCN; hoàn thiện các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức; các quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, giám định tư pháp, thanh tra, kiểm toán, giải quyết tố cáo; các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội đối với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng…, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích”, “sân sau”, “tư duy nhiệm kỳ”. Hệ thống thể chế phải đảm bảo tạo ra một “cơ chế phòng ngừa để không thể tham nhũng; cơ chế răn đe, trừng trị để không dám tham nhũng”([3]) và “một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng”([4]).

Hai là, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm và tính tiền phong, gương mẫu của cấp uỷ, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN. Đấu tranh PCTN là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người. Người đứng đầu phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu, quyết tâm, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, trước hết là trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình phụ trách. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước về PCTN; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu.

Ba là, tăng cường quản lý, giám sát cán bộ, đảng viên; hoàn thiện, thực hiện nghiêm các quy định về công tác tổ chức, cán bộ phục vụ PCTN. Khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ, quản lý đảng viên. Tăng thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận, xử lý khi có dấu hiệu vi phạm. Thực hiện nghiêm việc xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận, uy tín thấp. Thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; không bố trí những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc dễ xảy ra tham nhũng. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy nhà nước, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa kỷ luật của Đảng với kỷ luật hành chính của Nhà nước.

Bốn là, thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, tạo điều kiện cho các chủ thể giám sát có hiệu quả công tác PCTN, không có vùng tối, vùng trống, vùng cấm trong PCTN. Hoàn thiện quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung về công khai, quản lý, kiểm tra, giám sát, xác minh bản kê khai; trách nhiệm giải trình, chế tài xử lý vi phạm trong kê khai và xử lý tài sản tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý. Hoàn thiện quy định và hệ thống cơ sở hạ tầng để tiến tới thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm là, Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Các cơ quan chức năng phải có các giải pháp phù hợp, thuận lợi, an toàn để khuyến khích người dân phát hiện, dễ dàng phản ánh, tố giác tham nhũng. Quá trình phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng phải tích cực, khẩn trương; làm rõ đến đâu xử lý đến đó; không phân biệt người có hành vi tham nhũng là ai, đã có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố điều tra, đã kết luận có người phạm tội thì phải truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật([5]); vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự thì phải xử lý kỷ luật nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Xử lý nghiêm cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng. Kịp thời áp dụng các biện pháp kê biên, tạm giữ tài sản, phong tỏa tài khoản và xử lý tài sản tham nhũng ngay trong quá trình thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tăng cường phương tiện làm việc, nâng cao chất lượng cán bộ, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; nghiên cứu xây dựng mô hình cơ quan chuyên trách chống tham nhũng theo hướng tăng thẩm quyền, trách nhiệm và tính độc lập tương đối trong thực hiện nhiệm vụ.

Sáu là, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyên lực và xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng để ngăn chặn từ gốc nguyên nhân phát sinh tham nhũng: Thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, nhân dân và cơ quan truyền thông, báo chí; thiết lập bằng được một cơ chế giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn thực sự có hiệu lực, hiệu quả để ngăn ngừa tham nhũng. Xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng, trước hết là: Xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN, lãng phí; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

Bảy là, từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra khu vực ngoài Nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về PCTN. Sự cấu kết giữa những cán bộ, công chức, viên chức thoái hoá, biến chất trong khu vực Nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước là một dấu hiệu có tính phổ biến của tội phạm tham nhũng. Do đó, phải từng bước mở rộng hoạt động PCTN ra ngoài khu vực Nhà nước để nâng cao hiệu quả. Mặt khác, tham nhũng là vấn nạn của các quốc gia, cần đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài. Nội luật hoá và thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.

Phan Đình Trạc
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương,
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng   

            


([1]) Kể từ khi thành lập, riêng các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo đã đưa ra xét xử sơ thẩm 21 vụ/247 bị cáo, tuyên phạt: 07 bị cáo với 08 án tử hình, 14 bị cáo với 15 mức án tù chung thân, 06 bị cáo tù 30 năm, 203 bị cáo tù từ 15 tháng đến dưới 30 năm; các vụ án Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã xét xử sơ thẩm 18 vụ/68 bị cáo, tuyên phạt: 42 bị cáo tù có thời hạn từ 02 năm đến dưới 30 năm.

([2]) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, trang 196, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, năm 2016.

([3]) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trang 213, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia – Sự thật, năm 2016.

([4]) Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN kết luận Hội nghị toàn quốc về công tác PCTN (ngày 05-5-2014).

([5]) Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất