Lấy sức dân chăm lo cuộc sống người dân
Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) có vai trò quan trọng trong phát huy sức mạnh nội lực từ mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, cùng Đảng, Nhà nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước. Hơn 20 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” và hơn 15 năm thực hiện Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, MTTQVN đã góp phần không nhỏ làm ấm lòng bao gia đình mỗi độ Tết đến, xuân về. 

Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “lấy sức dân mà chăm lo cuộc sống cho dân”, những năm qua, phong trào toàn dân thi đua phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp và xóa đói, giảm nghèo qua hai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo” do MTTQVN phát động đã phát triển sôi nổi, liên tục, rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào sự tăng trưởng kinh tế, số hộ giàu có và khá giả tăng nhanh, số hộ nghèo giảm đi rõ rệt. Những người làm kinh tế giỏi, những cách làm mới, những sáng kiến hay được ghi nhận ở từng khu dân cư, chứng tỏ tính thiết thực của hai cuộc vận động này. MTTQ nhiều tỉnh, thành phố đã phối hợp với chính quyền thực hiện hàng trăm dự án xoá đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; động viên nhân dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” do Ủy ban Trung ương MTTQVN phát động từ ngày 17-10-2000 đến nay đã trở thành chủ trương của cấp uỷ đảng và chương trình, mục tiêu của chính quyền các địa phương, được toàn dân hưởng ứng. Đến nay, “Quỹ vì người nghèo” ở bốn cấp đã tiếp nhận hơn 10.500 tỷ đồng. Cùng với việc tham gia ủng hộ Quỹ, MTTQVN và Ban vận động “Ngày vì người nghèo” các cấp đã vận động ủng hộ bằng công lao động, hiện vật và sự đóng góp khác trị giá hàng ngàn tỷ đồng. Từ nguồn Quỹ và sự hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức, các ngành, các doanh nghiệp, của cộng đồng và sự vươn lên của chính mỗi hộ nghèo, cả nước đã xây dựng, sửa chữa 1.415.772 căn nhà. MTTQVN các cấp đã phối hợp để chăm lo chương trình an sinh xã hội; phối hợp thực hiện Quyết định số 167-QĐ/TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, tạo nguồn lực quan trọng để xoá nhà ở dột nát, ổn định chỗ ở, tạo cơ hội cho hàng vạn hộ thoát nghèo, xây dựng cuộc sống mới.

Phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” đã khơi dậy truyền thống tốt đẹp, huy động toàn dân tham gia, là sự động viên các gia đình chính sách tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” từ khi phát động (1997) đến nay đã tiếp nhận được 190.863 tỷ đồng, xây mới 343.897 căn nhà, sửa chữa 172.246 nhà, tặng 772.666 sổ tiết kiệm để chăm lo cho các gia đình chính sách. Cùng với việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi của Nhà nước, 210.571 hộ dân được hưởng chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương. Nhiều tỉnh, thành phố đã chung tay góp sức, làm tốt chính sách đối với thương binh, liệt sỹ và người có công như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Trị, Đồng Nai, An Giang, Thái Nguyên, Bình Định,… Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động “Đền ơn, đáp nghĩa” đã được các cấp, ngành, mặt trận và các tổ chức thành viên quan tâm phối hợp, tích cực thực hiện, trở thành phong trào của toàn dân được thể hiện bằng tình cảm và hành động thiết thực nhất. Nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, chức sắc tôn giáo và kiều bào ta ở nước ngoài với nòng cốt là Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người tàn tật, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Người mù tích cực hưởng ứng và có đóng góp thiết thực vào những hoạt động nhân đạo, từ thiện với nhiều hình thức để kịp thời ủng hộ, chia sẻ, giúp đỡ những người thiệt thòi và gặp khó khăn trong cuộc sống, cứu trợ giúp đỡ đồng bào cũng như một số bạn bè quốc tế gặp thiên tai, bão lụt... Trong đó, nổi bật là hoạt động nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đến nay, tất cả Mẹ còn sống được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. “Lá lành đùm lá rách” đã trở thành kim chỉ nam hành động của hai cuộc vận động, giúp đem đến cho nhân dân cả nước những ngày tươi vui, ấm no hơn.

Tạo sự chuyển biến quan trọng trong xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư

Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ và nhân dân, trong xây dựng đạo đức và lối sống, gắn với việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, tạo được môi trường văn hoá lành mạnh ở cộng đồng dân cư; từng bước xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân các vùng, miền đất nước. Nhân dân đã đóng góp rất lớn để tạo ra cơ sở vật chất và điều kiện mới phục vụ cho cuộc sống. Cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm được nâng cấp, nhiều khu dân cư đã có phòng đọc sách, có đội văn nghệ, thể thao, có hệ thống truyền thanh, phương tiện nghe nhìn đến từng hộ gia đình... Đặc biệt, việc xây dựng nhà văn hoá đã trở thành phong trào rộng khắp. Nhiều tỉnh làm sớm và làm được nhiều nhà văn hoá ở khu dân cư. Phú Thọ có gần 80% khu dân cư có nhà văn hoá, nguồn kinh phí này chủ yếu huy động từ nhân dân. Tỉnh Lâm Đồng năm 1996 có 4 câu lạc bộ, đến nay có 441 câu lạc bộ Gia đình văn hoá với trên 20.000 thành viên. Thái Bình có 1.164 khu dân cư tự bàn bạc, xây dựng được nhà văn hoá thôn… Đời sống văn hoá ở cộng đồng dân cư chuyển biến tốt, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của những người có uy tín, các chức sắc tôn giáo và nhất là sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục - thể thao, dân số, bảo vệ môi trường... có nhiều tiến bộ. Nhiều chương trình được xã hội hóa, huy động công sức của cộng đồng như tăng tỷ lệ trẻ em đến trường đúng độ tuổi, giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học hoặc thất học; thường xuyên trợ giúp học sinh nghèo; động viên, khen thưởng học sinh giỏi với gần 60.000 khu dân cư có quỹ khuyến học, nhiều tổ chức thành viên có quỹ học bổng... Thực hiện chương trình “Toàn dân bảo vệ môi trường”, các mô hình được triển khai và nhân rộng như “Khu dân cư tự quản môi trường”, “Ngày chủ nhật xanh, sạch, đẹp”, “Khu dân cư thực hiện hài hoà xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường”…

Để làm tốt việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia phòng ngừa, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục, cải tạo người phạm tội” tại gia đình và cộng đồng, trong quá trình thực hiện, nhiều mô hình, điển hình đã được áp dụng và nhân rộng có hiệu quả như mô hình “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Khu dân cư không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Gia đình, dòng họ không có người phạm tội, mắc tệ nạn xã hội”, câu lạc bộ, nhóm nòng cốt. Củng cố, duy trì 650.980 tổ an ninh nhân dân, tổ dân phòng; 125.000 tổ hoà giải với gần 500 nghìn hòa giải viên, đã tham gia hoà giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn ở khu dân cư; phát hiện, tố giác tội phạm và cảm hoá, giáo dục hàng ngàn người lầm lỗi hoàn lương, hòa nhập cộng đồng, hạn chế phát sinh tội phạm...

Góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở

Thông qua nhiều hình thức hoạt động, MTTQVN các cấp và các tổ chức thành viên đã phát huy tốt vai trò động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Mặt trận các cấp từng bước nâng cao chất lượng hoạt động giám sát, thanh tra nhân dân, lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh chủ chốt của chính quyền cấp xã và trưởng thôn, cũng như phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng và Nhà nước, nhất là trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Hai cuộc vận động đã thúc đẩy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền cơ sở, sự gương mẫu của đảng viên. Các sinh hoạt tập thể của nhân dân được phát triển, nội dung sinh hoạt chi bộ thiết thực, sinh hoạt của Ban công tác mặt trận và các tổ chức thành viên phong phú, hiệu quả. Công tác giám sát cán bộ, đảng viên được nhiều địa phương thực hiện tốt, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, chính quyền, mặt trận với nhân dân.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào 18-11 hằng năm là dịp để cho các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân được trực tiếp trao đổi, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, nét đẹp truyền thống văn hoá… Ngày hội này đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của nhân dân đã giúp hai cuộc vận động đạt hiệu quả thiết thực, toàn diện. Hiện nay, MTTQVN đã lồng ghép nội dung hai cuộc vận động thành Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đang hứa hẹn nhiều kết quả tích cực, chắc chắn niềm vui sẽ càng rạng rỡ hơn trên mỗi khuôn mặt người dân khắp mọi miền đất nước.

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất