Nét mới trong xây dựng đội ngũ cán bộ vùng Tây Bắc
Sắc đào Tây Bắc mùa xuân.

Đổi mới đánh giá và quản lý cán bộ

Tỉnh Sơn La, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vận dụng các quy định của Trung ương, cụ thể hoá thành các quy định, hướng dẫn kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá tổ chức đảng, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức hằng năm gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng. Hệ thống tiêu chí đánh giá cụ thể hóa từ chức năng, nhiệm vụ được giao; kết quả thực tế đạt được so với chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra trong năm và trong nhiệm kỳ.

Đối với cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý, thực hiện quy trình đánh giá gồm 9 bước. Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý ngoài việc đánh giá theo quy định, có thêm kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong năm; mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý. Tỉnh ủy Sơn La đã xây dựng dự thảo Quy định về trách nhiệm và xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đối với cán bộ không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đánh giá theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ, tinh thần trách nhiệm trong công tác; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần và thái độ phục vụ nhân dân.

Tại Lào Cai, để có cơ sở đánh giá cán bộ sát, đúng với tiêu chuẩn chức danh cán bộ, Tỉnh ủy Lào Cai ban hành hệ thống các văn bản quy định về tiêu chuẩn cán bộ, như: Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý cấp trưởng, phó các phòng, ban, chi cục và tương đương trở xuống trực thuộc sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; Quy định tiêu chuẩn chức trách, nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, Tỉnh ủy Lào Cai có Đề án số 53-ĐA/TU ngày 28-7-2015 về thí điểm đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khối đảng, mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể theo chất lượng, hiệu quả công việc. Trong khối nhà nước, UBND tỉnh Lào Cai ban hành quy định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ở Hòa Bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo sửa đổi, bổ sung quyết định về phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ; xây dựng mới quy chế đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, thôi giữ chức vụ, từ chức, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Xây dựng Đề án vị trí việc làm khối các cơ quan đảng, đoàn thể của tỉnh. Đặc biệt, lãnh đạo thực việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng quy định. Năm 2015, tỉnh Hòa Bình xây dựng, cụ thể hóa tiêu chí, thẩm quyền, trách nhiệm đánh giá phân loại các tổ chức, cá nhân, do đó kết quả đánh giá chính xác hơn.

Tạo bước đột phá trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Tỉnh Sơn La thực hiện quyết liệt giải pháp tạo nguồn, quy hoạch cán bộ. Thực hiện Đề án “Đào tạo cán bộ tỉnh Sơn La giai đoạn 2014-2020”, trong nhiệm kỳ qua đã có 165.219 lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ… Điều động, luân chuyển 882 lượt cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện điều động, luân chuyển và tăng cường cán bộ cho cấp xã, trong đó có 29 cán bộ tỉnh, 76 cán bộ huyện về xã, 57 cán bộ xã được điều động từ xã này sang xã khác hoặc từ xã lên huyện.

Ở Lào Cai, các cấp ủy đảng thực hiện tốt việc xây dựng, rà soát quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy hoạch gắn với đào tạo, luân chuyển và quản lý cán bộ. Thực hiện 2 đề án, cán bộ, công chức nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cơ bản được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo chức danh. Nhiệm kỳ qua đã có gần 53 nghìn lượt cán bộ trong hệ thống chính trị được đào tạo, bồi dưỡng về các lĩnh vực. Đặc biệt, trong 2 năm 2014-2015 tỉnh phối hợp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh mở 4 lớp đào tạo cho 362 cán bộ nguồn của tỉnh với chương trình riêng, gắn lý luận với thực tiễn, phù hợp với điều kiện thực tế của Lào Cai.

Tỉnh Hòa Bình thực hiện nghiêm túc việc xây dựng, rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ bảo đảm yêu cầu. Trên cơ sở cụ thể hóa hệ thống các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh ban hành nhiều văn bản kết luận, chỉ đạo về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Kết quả, trong nhiệm kỳ qua đã đào tạo chuyên môn 1.600 người, lý luận chính trị 1.220, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng chục nghìn lượt cán bộ, công chức. Thực hiện đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Đào tạo cán bộ nguồn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 đến năm 2025”, tỉnh thực hiện bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới có hệ thống cho đội ngũ cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.

Tạo nguồn, bố trí, sử dụng cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số

Tỉnh Lào Cai, trong 5 năm qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 58.455 lượt nữ cán bộ, công chức, viên chức, chiếm 56,9% tổng số cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng. Tỷ lệ cán bộ nữ được quy hoạch trong 5 năm qua là 6.158 người, đạt 30,3% tổng số cán bộ được quy hoạch. Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp của tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đều tăng so với nhiệm kỳ trước (cơ sở 20,9%, huyện, thành phố 21,2%, tỉnh 15,7%). Đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 18 ngày 15-11- 2011 về “Quy hoạch, đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ chuyên môn và kỹ thuật tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011-2015”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 13-12-2013 “Về việc tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lào Cai”; UBND tỉnh có Quyết định số 27/2014/QĐ-UBND ngày 11-8-2014 “Quy định về ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước, ủy ban mặt trận Tổ quốc, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2014-2016”. Thực hiện ưu tiên tuyển dụng, nâng ngạch, chính sách thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số: Ưu tiên tuyển dụng nếu kết quả các môn thi đạt số điểm 50/100; miễn thi ngoại ngữ khi dự thi nâng ngạch các cơ quan hành chính, sự nghiệp đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; được hưởng mức hỗ trợ đào tạo cao hơn so với cán bộ, công chức, viên chức người Kinh. Vì vậy, từ năm 2011 đến nay đã thu hút được 10 thạc sĩ, 1 tiến sĩ là người dân tộc thiểu số về tỉnh công tác. Tuyển dụng sau đào tạo 2.837 sinh viên người dân tộc thiểu số. Đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số hiện đạt 26,4% trong tổng số đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Tỉnh Hòa Bình do có nhiều giải pháp nên tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ở 14 đảng bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2015-2020 là 14,8%, Tỉnh ủy 9,3%; người dân tộc thiểu số ở 14 đảng bộ trực thuộc 61,5%, cấp ủy tỉnh 70,4%. Tỉnh Sơn La quan tâm chỉ đạo việc tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số ngay từ đầu nhiệm kỳ. Quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ đạt 39,5%, so với nhiệm kỳ trước tăng 25,6%; dân tộc thiểu số 52,7%; tuổi dưới 40 chiếm 47,3%, tăng 28,1% so với nhiệm kỳ trước. Quy hoạch cấp ủy cấp huyện, nữ chiếm 24,1%, dân tộc thiểu số 49,2%, dưới 35 tuổi 25,3%. Quy hoạch của các sở, ban, ngành, nữ chiếm 30,5%, dân tộc thiểu số 29,8%, dưới 40 tuổi 28,9%. Quy hoạch cấp ủy cấp xã, nữ 19,8%, dân tộc thiểu số 88,8%, dưới 35 tuổi 54,7%.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Một là, các cấp ủy đảng xác định trách nhiệm, bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ. Đổi mới công tác cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ. Thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ.

Hai là, phương pháp đánh giá cán bộ phải toàn diện cả đức và tài, lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo chính. Cần xây dựng tiêu chí định lượng trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ chung chung, cảm tính, chủ quan, lẫn lộn giữa điều kiện với tiêu chuẩn, coi bằng cấp, học vị cao hơn phẩm chất, năng lực.

Ba là, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của tổ chức. Quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, đặc biệt là cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Kết hợp nhiều hình thức, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật tri thức mới.

Bốn là, đổi mới trong bố trí, sử dụng cán bộ, đúng người, đúng việc, đúng sở trường, đúng lúc nhằm phát huy hết tài năng, tinh thần hăng hái, nhiệt tình. Công khai bố trí, sử dụng cán bộ, không coi đây là công việc bí mật và chỉ lấy ý kiến của một vài người trong phạm vi hẹp làm quyết định của tập thể. Cấp ủy, tổ chức đảng cần phải lắng nghe ý kiến của đảng viên, quần chúng trong cơ quan, đơn vị và của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cán bộ sinh sống.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất