Với tinh thần đổi mới: tư duy đột phá, sáng tạo, tầm nhìn chiến lược, lâu dài, hành động quyết liệt, hiệu quả, Ngành Tổ chức xây dựng Đảng đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn lâu dài trong toàn Đảng. Nhân dịp xuân Đinh Dậu 2017, Tạp chí Xây dựng Đảng trân trọng giới thiệu ý kiến phát biểu của các đồng chí Lê Vĩnh Tân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (ảnh bên).
Tinh giản biên chế là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Ngày 17-4-2015, Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10-12-2015 về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết. Tinh giản biên chế gắn với đổi mới tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp tình hình mới.
Đến 25-11-2016, đã có 39 lượt bộ, ngành và 121 lượt địa phương đề nghị thẩm tra đối tượng tinh giản biên chế giai đoạn 2015-2017 với tổng số 18.839 người. Trong đó, các cơ quan đảng, đoàn thể 789 người; cơ quan hành chính 2.342; đơn vị sự nghiệp công lập 12.041; cán bộ, công chức cấp xã 3.553; doanh nghiệp nhà nước 114. Kết quả trên góp phần nâng cao chất lượng và trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đưa ra khỏi bộ máy những người không đủ tiêu chuẩn. Đồng thời, tuyển chọn được những người có trình độ chuyên môn cao hơn phù hợp với yêu cầu và vị trí công việc.
Từ cuối năm 2016 Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định giao biên chế năm 2017 cho các ngành, địa phương trên cơ sở giảm 1,5% so với năm trước. Đồng thời, Bộ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 1-9-2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; rà soát, thẩm định dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng một việc chỉ giao cho một đầu mối thực hiện, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, thu gọn đầu mối các đơn vị trực thuộc.
Tuy vậy, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt, ngại va chạm, né tránh nên việc xây dựng đề án, kế hoạch tinh giản biên chế thực hiện chậm. Một số địa phương chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế đến năm 2021, chưa xác định rõ được những người trong diện phải tinh giản. Một số bộ, ngành, địa phương chỉ tập trung tinh giản biên chế mà không chú trọng cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức theo vị trí việc làm. Nhiều đơn vị chưa thực hiện đúng về trình tự, thủ tục và đối tượng tinh giản biên chế theo quy định. Tính đến ngày 25-11-2016, Bộ Nội vụ đã yêu cầu giải trình, không thống nhất hoặc không thẩm tra đối với 4.314 trường hợp. Đa số các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm việc báo cáo số liệu tinh giản biên chế.
Bộ Nội vụ xác định việc thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế đến năm 2021 hết sức khó khăn. Để thực hiện có hiệu quả việc tinh giản biên chế, điểm mấu chốt là phải tiến hành đồng bộ với các hoạt động cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức, cải cách mạnh khu vực dịch vụ công và đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp công. Đồng thời với đẩy mạnh quán triệt và tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị và Quyết định 2218/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm sau:
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quá trình thực hiện. Thống nhất nhận thức, hành động trong các cơ quan, tổ chức và đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Bảo đảm nguyên tắc Bộ Chính trị quy định quản lý thống nhất biên chế của cả hệ thống chính trị.
2. Tinh giản biên chế phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, đi đôi với cải cách tiền lương và đổi mới tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Tỷ lệ tinh giản biên chế được xác định theo từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với thực tế chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bảo đảm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.
3. Tập trung rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Tập trung rà soát chức năng, nhiệm vụ các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì. Chuyển một số nhiệm vụ của cơ quan nhà nước không cần thiết trực tiếp thực hiện hoặc thực hiện không có hiệu quả sang các tổ chức ngoài nhà nước đảm nhận. Rà soát, sắp xếp kiện toàn mô hình tổ chức của bộ và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực; xóa bỏ các tổ chức trung gian. Hợp nhất các vụ, tổng cục, cục, chi cục, không để cấp phòng trong các đơn vị tham mưu thuộc các cơ quan trung ương.
4. Các bộ, ngành tập trung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Các địa phương rà soát, sắp xếp lại: các đơn vị sự nghiệp công lập; các trường, lớp bảo đảm bố trí đủ sĩ số học sinh trên lớp theo các cấp học, bậc học; các đơn vị sự nghiệp y tế theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đúng quy định.
5. Đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, phân cấp mạnh hơn nữa, giao quyền tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình. Từ đó, tiến tới tự chủ chi thường xuyên và tự chủ hoàn toàn, hoạt động như doanh nghiệp. Việc phân cấp thẩm quyền quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải được thực hiện theo điều kiện, quy trình, thủ tục rõ ràng và gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không tư nhân hóa. Chính phủ cần chuyển các loại phí thành giá để các đơn vị tự hạch toán, nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước xoá bao cấp. Cụ thể, sẽ chuyển sang cơ chế Nhà nước đặt hàng mua dịch vụ công, phục vụ những vùng khó khăn, hỗ trợ cho người thụ hưởng dịch vụ công.
6. Xác định tinh giản biên chế là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi đơn vị, quyết liệt xây dựng các giải pháp phù hợp với điều kiện từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm đến năm 2021 tinh giản tối thiểu 10% so với tổng biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao năm 2015.
Người đứng đầu bộ, ngành, chủ tịch UBND tỉnh và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng nguyên tắc, trình tự, đối tượng tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 01/2015/TTLT-BNV-BTC. Gắn kỷ cương, kỷ luật hành chính với thực hiện tinh giản biên chế, áp dụng các biện pháp xử lý đối với việc thực hiện không nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước về tinh giản biên chế.
Lê Vĩnh Tân
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương
Bộ trưởng Bộ Nội vụ