Đối thoại với giám đốc trẻ

Nguyễn Lân Dũng (NLD): Hà thân mến, tôi đã dạy học 60 năm rồi nên cuộc trò chuyện hôm nay coi như tâm sự giữa một thầy giáo già với đại điện của thế hệ trẻ nhé!

Cao Phương Hà (CPH): Em rất vui được trao đổi với Thầy, người em đã theo dõi trên TV từ khi còn rất nhỏ. Em cũng không còn trẻ lắm đâu ạ. Sau khi học trường Ams em đã đi du học ở Anh, ở Mỹ, rồi tới Bắc Kinh được hai năm sau đó mới về nước nhận nhiệm vụ này.

NLD: Những ngày làm thạc sĩ ở Đại học Ha-vớt Hà có nắm được bàn tay của bức tượng của ông ấy không?

CPH: Thầy biết Trường này đấy, tượng cao lắm nên em chỉ vuốt được mũi giầy của ông ấy thôi Thầy ạ.

NLD: Tôi đã nghe nói nhiều về Tổ chức Quốc tế EF nhưng thực tình chưa hiểu rõ lắm, nhất là sứ mệnh của EF ở Việt Nam

CPH: Vâng , thưa Thầy EF là Tổ chức giáo dục quốc tế hoạt động trong lĩnh vực đào tạo ngôn ngữ, du lịch kết hợp giáo dục, trao đổi văn hoá cũng như nhiều chương trình học thuật khác. Hiện EF có văn phòng đại diện trên 50 quốc gia và 44 điểm trường trên toàn thế giới. Được thành lập từ năm 1965, tới nay EF đã đưa hàng triệu học viên trên toàn cầu tham gia vào các chuyến đi học tập ngôn ngữ, trải nghiệm văn hóa và các chương trình khác. Năm 2015 đã có tới 950 000 người trưởng thành làm bài kiểm tra tiếng Anh với EF. Tất cả các giáo viên của EF đều có bằng cấp và chuyên môn cao, có nhiệt huyết và nhiều kinh nghiệm. Họ đem đến lớp học sự tương tác cao dựa trên hội thoại và dựa trên những tình huống thực tế gắn với những chủ đề quen thuộc hàng ngày. Quy mô lớp học chỉ hạn chế trong phạm vi 12-17 học viên. Các giáo viên tận dụng việc để học viên sử dụng iPad và những tiết học đa phương tiện (multimedia). Học viên tham gia thảo luận, tham gia các trò chơi và tương tác với các chuyên gia ngôn ngữ của các trường Đại học danh tiếng. EF có các trường ngôn ngữ dạy 7 thứ tiếng: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nhật, và tiếng Trung. Ngoài ra EF còn có hệ thống các trường  trung học nội trú, EF Academy là ngôi trường nội trú hàng đầu thế giới với quan điểm giáo dục toàn cầu, giúp thay đổi cuộc đời của các em theo nhiều cách. EF cho phép các em không chỉ thấy được sự đa dạng về văn hoá mà còn chuẩn bị cho những trải nghiệm quốc tế trong thế kỷ 21. Song song với các khóa học ngôn ngữ và trường nội trú, EF còn được biết tới với các khoá Dự bị Đại học cho các em từ 16 tuổi trở lên, giúp các em có đủ những kỹ năng cần thiết đẻ chuyển tiếp Đại học tại Anh, Mỹ, Úc, Singapore và Đức…

NLD: Vậy học viên nhỏ nhất và cao tuổi nhất là bao nhiêu?

CPH: Có những lớp ở nước ngoài mà con theo học cùng bố, mẹ. Học sinh nhỏ nhất là một cháu bé 3 tuổi, còn già nhất là hai vợ chồng người Nhật ở tuổi trên dưới 75(!).

NLD: EF có mấy cơ sở tại Việt Nam?

CPH: Hiện có hai Thầy ạ. Cơ sở Hà Nội tại Toà nhà Pacific Place (83B Lý Thường Kiệt) còn cơ sở ở TP Hồ Chí Minh tại Toà nhà Saigon Pavillon (53-55 bà Huyện Thanh Quan). Chúng em còn có mối quan hệ chặt chẽ với Bô và các Sở Giáo dục & Đào tạo. EF hàng năm chạy các chương trình hỗ trợ và bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh trên toàn cầu. Ngoài ra chúng em thường xuyên đưa học viên đi tham gia các lớp học ngắn hạn hoặc dài hạn.

NLD: EF đánh giá trình độ của các học viên Việt Nam so với thế giới ra sao?

CPH: EF hằng năm nghiên cứu và khảo sát trình độ tiếng Anh của các quốc gia trên thế giới. Các cuộc khảo sát cho thấy Việt Nam ở mức 29-31 trong số 72 quốc gia. Điểm số EF-EPI cao nhất là thuộc về các nước Hà Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Phần Lan, Na Uy, Xinh-ga-po, Luc-xăm-bua. Thấp nhất là I-rắc, Li-bi, Lào, Căm-pu-chia, và Ả Rập Xê Út.

NLD: Hà có biết ai sáng lập ra EF không, là người nước nào vậy?

CPH: Thưa Thầy, đó là chàng sinh viên Thuỵ Điển tên là Bertil Hult. Lúc đầu anh ta thấy nói tiếng Anh khó quá, nhưng vào năm 1960 sau khi tìm được việc làm ở London (Anh) thì Bertil thật bất ngờ vì đã tiến bộ rất nhanh chỉ sau vài tháng. Burtil cũng nhận định ở Anh các trường đều đóng cửa vào dịp hè, nếu đưa học sinh sang học thêm tiếng Anh vào thời gian này thì quá tốt. Vậy là Công ty EF Education First được ra đời vào năm 1965, một công ty xây dựng trên kinh nghiệm học tập, chiêm nghiệm văn hoá và thiết thực kết nối. EF dần dần trở thành tổ chức giáo dục toàn cầu hùng mạnh như hôm nay, với 500 trường học và văn phòng đại diện và 40 000 cán bộ, nhân viên, giáo viên phục vụ tại 16 Công ty con của EF tại 50 quốc gia trên thế giới.

NLD: Được đào tạo đầy đủ tại các nước có nền văn hoá tiên tiến, sao Hà không ở lại làm việc tại Anh hay Mỹ giống như rất nhiều các bạn trẻ khác?

CPH: Đúng là ai cũng muốn sống ở nơi có điều kiện sống và làm việc tốt. Em đã có điều kiện thuận lợi để làm việc ở Mỹ nhưng nhân duyên đã đưa em về làm việc tại Bắc Kinh, châu Á. Sau Bắc Kinh, em có nghĩ tới làm việc tại Singapore. Lương bổng, điều kiện làm việc ở đó quả thật là rất tốt, nhưng em thấy không phù hợp. Ở Xinh-ga-pocái gì cũng quá quy củ, cái gì cũng sẵn hết cả rồi, cứ thẳng băng mà đi, không phải nghĩ ngợi, tìm kiếm cái gì cả. Em còn trẻ, em luôn muốn phải tìm kiếm cái mới, phải bức xúc, phải bứt phá thì mới thú vị. Thế là em trở lại làm việc tại Việt Nam.

NLD: Hà có lý giải được chuyện hầu hết các bạn trẻ không trở về nước phục vụ nếu không bắt buộc phải về vì nhận học bổng của Nhà nước?

CPH: Em thấy câu Bác Hồ nói Độc lập, Tự do, Hạnh phúc thật đúng. Cả trong vĩ mô lẫn vi mô. Ai cũng muốn được tự do phát triển tài năng, tự do cống hiến. Ai cũng muốn có đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ, viên mãn. Điều kiện lương bổng ở nhà quá thấp so với các nước khác, điều đó quá rõ rồi. Nhưng đời sống tinh thần mới là chuyện em muốn nói. Hầu như ai nấy đều thiếu tin tưởng ở người khác. Bố mẹ không tin con cái, cảnh sát không tin dân chúng, nhà nước không tin các doanh nghiệp… Thế là sinh ra tình trạng áp đặt, răn đe, luôn tìm cách trừng phạt. Từ đó mà nhà nước đặt ra hết luật lớn đến luật nhỏ. Càng nhiều luật càng dễ lách. Con người không thấy được tự do phát triển, cuộc sống không thấy hạnh phúc. Em quan niệm hạnh phúc thiên về phạm trù tinh thần hơn là phạm trù vật chất. Bọn trẻ, nhất là bọn càng thông minh càng muốn được tự do phát triển, tự do tranh luận để đạt tới chân lý. Em thấy điều ấy rất khó có được ở nước ta hiện nay.

NLD: Tôi nghe nói Harvard có ba điều hướng dẫn mọi sinh viên, em có nhớ không?

CPH: Em nhớ  Thầy ạ. Một là, phải rất tự tin. Hai là phải rất hoà đồng. Và ba là phải suy nghĩ tích cực. Em thấy các bạn trẻ ở nước ta hình như chưa có được cả ba điều này. Không tự tin vào chính mình thì làm sao có đủ nghị lực để vươn lên. Không hoà đồng thì làm sao biết được nhận xét của người khác, làm sao biết được nỗi khổ của người khác. Không suy nghĩ tích cực thì sẽ sa ngay vào những suy nghĩ tiêu cực. Nhiều sinh viên ra trường phải làm nghề khác thấy ngay chán nản, bi quan. Nếu suy nghĩ tích cực sẽ thấy mình lại có cơ hội mới để thử sức và dùng chuyên môn được học để phát triển thêm trong nghề mới. Khó khăn thường chỉ bắt nạt được những ai yếu hèn thôi thầy ạ.

NLD: Tôi còn nghe nói em tuyên bố : Tôi không đọc báo. Đúng vậy không?

CPH: Đúng ra là em chỉ đọc lướt qua báo chí thôi. Trong cơn lốc thông tin như hiện nay phải lựa chọn thôi Thầy ạ. Em nghĩ đời sống cũng như cây cỏ, như dòng sông. Có inputoutput. Phải chọn đưa cái gì đáng tin cậy vào não bộ của mình. Em rất yêu bản thân. Em không muốn đưa thông tin một cách vô thức vào người. Nó tạo ra định kiến một cách vô lý vì chỉ lệ thuộc vào người khác. Tất nhiên cái gì em cũng đọc qua để ra ngoài còn có thể nghe thêm bình luận của bạn bè và phát biểu quan điểm của mình. Em dành nhiều thời gian hơn để đọc sách, nhất là các sách về Triết học và Tôn giáo. Đó là những thứ em ít được học ở nhà trường. Nhưng nó lại là nền tảng để hiểu thêm về con người, về xã hội.

NLD: Em hiểu thế nào là yêu bản thân mình?

CPH: Em nghĩ đơn giản thôi Thầy. Con người, em tin là có hai phần: phần hồn và phần xác. Với phần xác muốn khoẻ mạnh phải ăn những thứ sạch và giầu dinh dưỡng. Cũng như vậy, với phần hồn phải tự chăm sóc, tự bồi dưỡng những ước mơ, những lý tưởng tốt đẹp và đừng để rơi vào vòng xoáy nghiệt ngã của dư luận. Có yêu bản thân mới có thể khoẻ mạnh, mới kiên định được về lối sống của mình, mới dám thăng hoa với mọi ước vọng, tất nhiên trong khuôn khổ đạo đức. Em thường nghĩ: Đừng mong thay đổi được môi trường mình đang sống mà hãy phấn đấu để thay đổi được tâm tính của mình sao cho ngày một hướng thiện. Người Trung Quốc có câu: “Thái độ quyết định kết quả”. Em nghĩ kết quả không tự đến, phải chăm sóc bản thân và dám vượt qua mọi thử thách.

 

NLD: Là Tổng Giám đốc một đơn vị không nhỏ, em nghĩ thế nào về trách nhiệm người lãnh đạo?

CPH: Em nghĩ người lãnh đạo tốt phải là người biết hòa hợp và lắng nghe nhiều chiều. Em thường nêu vấn đề để cả đơn vị trao đổi, nhiều ý kiến rất khác nhau, cùng nhau thảo luận để tìm ra giải pháp nào thoả đáng nhất. Em nghĩ những người lãnh đạo càng cao càng cần có khả năng hòa hợp, lắng nghe và suy nghĩ độc lập, tích cực. Có như vậy người lãnh đạo mới có khả năng phải phát huy dân chủ trong đơn vị. Bác Hồ còn nói phải làm đầy tớ cho quần chúng cơ mà.

NLD: Rất cảm ơn em, Tôi hơn em trên 30 tuổi mà hôm nay tôi học được từ em rất nhiều. Chúc em luôn khoẻ mạnh và ngày càng thành công trong việc phát huy tác dụng của EF trong giới trẻ nước ta.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất