Công tác tổ chức xây dựng đảng qua các năm Dậu

Năm Quý Dậu 1933: Thời gian này, thực dân Pháp tiếp tục khủng bố trắng, đàn áp, bắn giết, bỏ tù, tra tấn dã man những người cộng sản và nhân dân nổi dậy, nhất là ở các tỉnh Trung kỳ. Công tác tổ chức của Đảng tập trung vào bảo tồn lực lượng cách mạng, bảo vệ Đảng, khôi phục hệ thống tổ chức; đào tạo, huấn luyện cán bộ; tiếp tục phát triển đảng viên và các đoàn thể quần chúng như nông hội, công hội, thanh niên; đấu tranh chống sự khủng bố của địch.

Năm Ất Dậu 1945: Ngày 12-3-1945, Thường vụ Trung ương ra bản chỉ thị lịch sử: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị là cương lĩnh tổ chức và hành động nhằm gấp rút chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tiến tới Tổng khởi nghĩa. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân đã được tổ chức ở Tân Trào (Tuyên Quang), thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh và lệnh Tổng khởi nghĩa. Với sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc chí Nam đã đồng loạt nổi dậy tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa oanh liệt, giải phóng toàn bộ đất nước. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thắng lợi của đường lối độc lập, tự chủ, đầy sáng tạo của Đảng về cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là thành tựu to lớn về công tác tổ chức của Đảng. Từ 200 đảng viên khi mới thành lập, đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tuy chỉ có 5.000 đảng viên nhưng với đường lối chính trị đúng đắn và nghệ thuật chỉ đạo, tổ chức tài tình, lại được hàng chục triệu đồng bào nhiệt tình ủng hộ, Đảng đã lãnh đạo tiến hành thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân.

Năm Đinh Dậu 1957: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, cả nước tập trung khôi phục kinh tế và ổn định đời sống sau 9 năm chiến tranh ác liệt; tiếp tục thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất, quyết tâm sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Nhờ đó, tình hình nông thôn dần đi vào ổn định, Đảng tiếp tục có những bước phát triển lớn mạnh. Để giúp Trung ương tăng cường lãnh đạo công tác tổ chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đồng chí Lê Đức Thọ sau khi ở miền Nam ra đã được bổ sung vào Bộ Chính trị và được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, theo Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 6-3-1957.

Năm Kỷ Dậu 1969: Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968 của quân và dân miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Pa-ri. Đồng chí Lê Đức Thọ được Trung ương Đảng phân công trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh ngoại giao với Mỹ tại hội nghị này. Ngày 2-9-1969, một sự kiện đau thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân ta: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và lãnh đạo Đảng ta qua đời. Mỗi cán bộ làm công tác tổ chức của Đảng tiếp tục khắc ghi lời dạy của Người trong Di chúc: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Cũng trong năm này, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc tổ chức đại hội đại biểu đảng bộ cấp tỉnh ở một số tỉnh chưa tổ chức đại hội. Triển khai tốt việc xây dựng và quản lý hồ sơ cán bộ. Tăng cường rèn luyện và nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng của đảng viên. Tiếp tục động viên quần chúng tham gia xây dựng Đảng, trong đó chú trọng lấy ý kiến quần chúng trong việc phát triển đảng viên.

Năm Tân Dậu 1981: Trong năm này, cả nước ta đẩy mạnh sản xuất, ổn định và bảo đảm đời sống nhân dân; tăng cường quốc phòng, an ninh, sẵn sàng chiến đấu chống xâm lược và bảo vệ Tổ quốc. Trong xây dựng Đảng, công tác bảo vệ Đảng được coi trọng, nhất là tinh thần nâng cao cảnh giác cách mạng, tăng cường phát hiện, đào thải những phần tử xấu và kẻ địch ẩn nấp trong nội bộ. Tiếp tục quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về chủ trương, phương hướng xây dựng huyện và kiện toàn cấp huyện. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ và chi bộ cơ sở trong thực hiện Chỉ thị số 100-CT/TW ngày 13-1-1981 của Ban Bí thư về “cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”. Thực hiện tốt công tác phát thẻ đảng viên gắn với củng cố cơ sở đảng. Hướng dẫn tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở và cấp huyện theo Chỉ thị số 113 ngày 14-7-1981 của Ban Bí thư về việc tiến hành đại hội đảng bộ các cấp và cử đại biểu đi dự Đại hội V của Đảng.

Năm Quý Dậu 1993: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VII) về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng, công tác tổ chức xây dựng đảng đã có những chuyển biến quan trọng cả trong nhận thức và hành động. Trong đó, công tác xây dựng đảng được toàn Đảng coi là then chốt, đổi mới và chỉnh đốn Đảng tiếp tục đi vào chiều sâu. Hệ thống tổ chức đảng từ Trung ương tới cơ sở được chấn chỉnh. Các quy định của Ban Bí thư về một số điểm trong Điều lệ Đảng, về thành lập đảng đoàn ở các cơ quan dân cử, về các loại hình cơ sở đảng, về phân cấp quản lý cán bộ… được thực hiện có hiệu quả. Từng bước đổi mới quy trình đánh giá, tuyển chọn, bố trí cán bộ, bảo đảm dân chủ trong công tác cán bộ. Công tác bảo vệ Đảng được coi trọng nhằm khắc phục những bất cập về tổ chức từ chiến tranh để lại và ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mới. Ngày 12-6-1993, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 70-QĐ/TW về việc thành lập Ban Bảo vệ chính trị nội bộ trực thuộc Trung ương và các ban bảo vệ chính trị nội bộ trực thuộc cấp ủy địa phương; chú trọng xây dựng tổ chức và hoạt động bảo vệ chính trị nội bộ ở các địa phương trọng điểm.

Năm Ất Dậu 2005: Đây là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội X của Đảng. Trong năm, Ban Tổ chức Trung ương đã nghiên cứu, xây dựng và trình Ban Bí thư ký ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước và trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tham mưu cho Ban Bí thư sơ kết và chỉ đạo các cấp ủy địa phương sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX). Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tập trung chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện việc tăng cường, bổ sung, luân chuyển cán bộ về cơ sở.

Công tác đảng viên tiếp tục được coi trọng và thực hiện tương đối toàn diện trên cả 3 mặt: quản lý, bồi dưỡng nâng cao chất lượng và phát triển đảng viên. Nghiên cứu, trình Ban Bí thư ban hành Quy định về việc đảng viên thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình; ban hành một số hướng dẫn về công tác kết nạp đảng viên là người có đạo, người Hoa, người có quan hệ hôn nhân với người nước ngoài… Tiến hành sơ kết và chuẩn bị tổng kết việc xét đổi, phát thẻ đảng viên theo Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 17-10-2003 của Ban Bí thư. Đến tháng 11-2005, Ban Tổ chức Trung ương đã tích hợp được 2.725.720 phiếu đảng viên trong tổng số 3.023.336 đảng viên trong toàn Đảng vào hệ thống cơ sở dữ liệu đảng viên.

Tập trung hướng dẫn, theo dõi sát tình hình chuẩn bị và tổ chức đại hội ở các nơi làm điểm cũng như khi triển khai ra diện rộng, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, rút kinh nghiệm trong chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở. Phân công cán bộ, chuyên viên trực tiếp dự theo dõi đại hội ở các địa phương, thường xuyên cập nhật tiến độ, tổng hợp tình hình, báo cáo kết quả lên Ban Bí thư. Việc tổ chức tốt đại hội đảng bộ cấp cơ sở đã góp phần xây dựng, củng cố TCCSĐ và hệ thống chính trị, là tiền đề quan trọng tổ chức thành công đại hội đại biểu đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.



Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất