Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến với lý luận bắt đầu từ những nhu cầu thực tiễn. Nhờ năng lực tư duy khoa học, độc lập, sáng tạo của Người, lý luận Mác - Lênin được thẩm thấu vào thực tiễn biến thành phương pháp cách mạng. Người trình bày các vấn đề của lý luận một cách linh hoạt, uyển chuyển, tự nhiên, bởi Người nắm lý luận ở bản chất và phương pháp để soi sáng thực tiễn chứ không câu nệ, gò bó bởi những khái niệm, phạm trù một cách hình thức. Người bám sát, phân tích thực tiễn với sự am hiểu sâu sắc lý luận, nhờ đó đưa lý luận vào thực tiễn, thực tiễn vào lý luận trong một trình độ cao của sự sáng tạo. Người viết: “Lý luận rất cần thiết, nhưng nếu cách học tập không đúng thì sẽ không có kết quả. Do đó, trong lúc học tập lý luận chúng ta cần nhấn mạnh: lý luận phải liên hệ với thực tế… Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Một trong các phương pháp mà Người sử dụng trong tác phẩm là phương pháp phân tích thực tiễn - phương pháp phân tích các sự kiện, hiện tượng cụ thể để rút ra cái chung nhất, bản chất nhất của xu hướng vận động và phát triển của thực tiễn. Bằng việc phân tích thực tiễn đất nước và những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã bước đầu định ra phương hướng chính trị và tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam, góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận Mác - Lênin.
Thứ nhất, phân tích thực tiễn thế giới và Việt Nam để xác định tính chất và nhiệm vụ cách mạng.
Trước những biến đổi hết sức phức tạp của lịch sử thế giới, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, phân tích và nêu lên một số cuộc cách mạng tiêu biểu cho ba loại hình tư bản cách mạng, dân tộc cách mạng và giai cấp cách mạng. Nắm vững quan điểm đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy sự phát triển của xã hội có giai cấp, Nguyễn Ái Quốc đã tìm hiểu cội nguồn của những cuộc cách mạng đó từ những mâu thuẫn kinh tế, xã hội, nêu bật sự đối kháng giai cấp và mục tiêu cách mạng phải giải quyết. Người chỉ rõ: “Địa chủ hết sức ngăn trở tư bản mới, tư bản mới hết sức phá địa chủ, hai bên xung đột nhau làm thành ra tư bản cách mệnh”; “bọn cường quyền này bắt dân tộc kia làm nô lệ… Đến khi dân nô lệ ấy chịu không nổi nữa, tỉnh ngộ lên, đoàn kết lại, biết rằng thà chết được tự do hơn sống làm nô lệ, đồng tâm hiệp lực đánh đuổi tụi áp bức mình đi; ấy là dân tộc cách mệnh” và “Công nông không chịu nổi, đoàn kết nhau đánh đuổi tư bản đi… ấy là giai cấp cách mệnh”.
Dưới ngòi bút sắc sảo, ngôn từ giản dị, dễ hiểu Nguyễn Ái Quốc đã phân tích lịch sử các nước Mỹ, Pháp, đối chiếu thực tiễn các nước này với cuộc sống của các giai cấp, dân tộc thuộc các màu da khác nhau, Người khẳng định: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Như vậy, điều quan tâm là bản chất của cuộc cách mạng phải thực sự đem lại sự giải phóng cho quần chúng bị áp bức. Không chấp nhận một cuộc cách mạng mà chỉ có những khẩu hiệu giả dối, còn trên thực tế là sự thay thế một phương thức bóc lột này bằng một phương thức bóc lột khác, tiếp tục đẩy con người vào tình cảnh tha hóa, đau khổ. Người viết: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Có thể nói, đây chính là mô hình nhà nước mà Nguyễn Ái Quốc chủ trương xây dựng sau khi nước nhà giành được độc lập. Đúng vào lúc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi thì Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động tại Pa-ri, Người đã tìm thấy ở cuộc cách mạng này khả năng giải phóng dân tộc mình. Người viết: “Cách mạng Tháng Mười như tiếng sét đã đánh thức nhân dân châu Á tỉnh giấc mê hàng thế kỷ nay. Cách mạng Tháng Mười đã mở ra trước mắt họ thời đại cách mạng chống đế quốc, thời đại giải phóng dân tộc”. Xét về bản chất, Cách mạng Tháng Mười vượt xa và khác hẳn các cuộc cách mạng xã hội từng diễn ra trước đó. Vì, “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”. Từ sự phân tích thực tiễn Việt Nam tới giữa thế kỷ XIX, là xã hội thuộc địa nửa phong kiến và có nhiều mâu thuẫn đan xen nhau, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, tiến tới giải phóng xã hội và giải phóng con người: “Như An Nam đuổi Pháp... để giành lấy quyền tự do, bình đẳng của dân nước mình, ấy là dân tộc cách mệnh”. Đây là kết luận được rút ra từ phương pháp phân tích thực tiễn rất khoa học các sự kiện lịch sử, sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế và từ những bài học thực tiễn của phong trào yêu nước Việt Nam, phong trào cách mạng thế giới.
Thứ hai, phân tích thái độ chính trị và khả năng cách mạng của các giai cấp để xác định lực lượng và phương pháp cách mạng.
Quán triệt quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Nguyễn Ái Quốc đã nêu lên vai trò của nhân dân trong quá trình cách mạng. Theo Người “cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”, vì vậy phải làm cho dân giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo quần chúng vùng lên “đánh đuổi tụi áp bức mình đi”. Người phê phán hành động ám sát cá nhân và những khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa chỉ “xúi dân bạo động mà không biết cách tổ chức”. Trên cơ sở phân tích thái độ giai cấp đối với cách mạng giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã làm rõ sức mạnh to lớn của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và khối liên minh công - nông. Trong đó, nông dân đóng vai trò rất quan trọng “Pa-ri Công xã vì tổ chức không khéo và vì không liên lạc với dân cày, đến nỗi thất bại” và cách mạng năm 1905 của Nga thất bại cũng là do chưa biết liên lạc với dân cày, “thợ thuyền với dân cày không nhất trí. Khi thợ thuyền nổi lên thì dân cày chưa theo ngay”. Chỉ khi hai giai cấp được thống nhất về chiến lược và chiến thuật như đã từng diễn ra ở Nga năm 1917, cách mạng mới có thể thành công. Người khẳng định “công nông là người chủ cách mệnh”, “là gốc cách mệnh” vì “công nông bị áp bức nặng hơn”, “công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết”, “công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới” còn “học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ cũng bị tư bản áp bức, song không cực khổ bằng công nông; 3 hạng ấy chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông thôi”. Người kết luận “dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”. Như vậy, lực lượng của cách mạng là toàn dân tộc đoàn kết trong một mặt trận chung thống nhất để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân lao động. Cách mạng muốn thành công cần phải biết cách làm, phải có phương pháp. Theo Nguyễn Ái Quốc, chính là phương pháp vận động quần chúng, phương pháp tổ chức đấu tranh, cách thức xây dựng các tổ chức quần chúng... Muốn tập hợp lực lượng của toàn dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thì không thể không tổ chức và phát huy vai trò của các tổ chức Công hội, Dân cày, Hợp tác xã... Bởi lẽ, nếu không tập hợp, huy động được nguồn sức mạnh vô địch của quần chúng thì đội tiên phong của cách mạng sẽ không thể lãnh đạo cách mạng đến thành công.
Thứ ba, phân tích yêu cầu thực tiễn để xác định vai trò lãnh đạo cách mạng và lý luận cách mạng tiền phong.
Dẫn luận điểm của V.I.Lê-nin trong tác phẩm “Làm gì” làm lời đề tựa cho Đường cách mệnh, Nguyễn Ái Quốc cho rằng, không có lý luận cách mệnh, thì không có cách mệnh vận động... Chỉ có lý luận cách mệnh tiền phong, đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiền phong. Như vậy, cách mạng không thể giành được thắng lợi nếu không được tổ chức và không có một lý luận cách mạng dẫn đường. Người chỉ rõ, những cuộc bạo động của nông dân ở miền Trung năm 1908, của tổ chức Tâm Tâm Xã giữa thập niên 20 bị thất bại đều do thiếu tổ chức và không có lý luận soi đường. Do đó, Nguyễn Ái Quốc khẳng định “muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê-nin”.
Nghiên cứu kinh nghiệm của phong trào yêu nước Việt Nam, phong trào của các dân tộc và giai cấp vô sản trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc kết luận, cách mạng cần phải có tổ chức vững bền mới giành được thắng lợi và sức cách mạng phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mạng. Đảng có vai trò to lớn và quyết định đối với sự nghiệp cách mạng. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Vai trò lãnh đạo, tiên phong của Đảng đòi hỏi Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt, chủ nghĩa ấy phải được thấm nhuần trong từng đảng viên. Chủ nghĩa tức là ý thức hệ, là tư tưởng và tinh thần, là tình cảm, niềm tin cách mạng, bảo đảm cho Đảng có sự thống nhất về nhận thức và hành động. Không có chủ nghĩa, Đảng không thể có phương hướng hành động, không thành tổ chức tự giác và kỷ luật, giống như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Ở Việt Nam, cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bên cạnh luồng tư tưởng mác-xít mới được truyền bá còn nhiều trào lưu tư tưởng phức tạp khác, đủ mọi màu sắc của chủ nghĩa dân tộc tư sản và tiểu tư sản... Nhờ có đầu óc phê phán cùng với sự phân tích thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc đã nghiên cứu các chủ nghĩa, học thuyết, kiểm nghiệm nó qua thực tiễn cách mạng, “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là Chủ nghĩa Lê-nin”. Đó là vấn đề cốt yếu của lý luận cách mạng và cũng là nội dung lý luận cốt yếu của tác phẩm.
Thứ tư, phân tích thực tiễn để thấy rõ mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
Nguyễn Ái Quốc không nhìn nhận cách mạng Việt Nam một cách biệt lập mà đặt nó trong thể thống nhất biện chứng với cách mạng thế giới. Nhờ việc phân tích sâu sắc thực tiễn của các dân tộc thuộc địa, nhận thấy vai trò, vị trí chiến lược của các thuộc địa đối với các nước chính quốc, Người cho rằng: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do”. Nhận định trên của Nguyễn Ái Quốc không phải một cách võ đoán mà có căn cứ khoa học, có cả sự trăn trở, một sự hiểu biết sâu sắc đất nước, con người, lịch sử của nhân dân các nước thuộc địa. Thông qua việc trình bày lịch sử, phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa Đệ nhất quốc tế, Đệ nhị quốc tế với Đệ tam quốc tế thực hiện khẩu hiệu “Vô sản giai cấp và các dân tộc bị áp bức trên thế giới liên hợp lại!”, Đường cách mệnh chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, vấn đề đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Nguyễn Ái Quốc nâng tầm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng quan điểm chủ nghĩa yêu nước chân chính không thể tách rời chủ nghĩa quốc tế vô sản và khẳng định: “Chúng ta cách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa”. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc cũng xác định, muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã, là tự thân vận động, dựa vào sức mạnh bên trong của dân tộc chứ không trông chờ vào bên ngoài. Với phong cách và bản lĩnh sáng tạo, Nguyễn Ái Quốc đã làm cho lý luận được hiểu một cách thực tiễn, dù lý luận mang hình thức những luận đề đã khái quát hóa và trừu tượng hóa khoa học, nhưng cội nguồn, sức sống và những nội dung của nó vẫn ở trong thực tiễn, được thực tiễn sản sinh chứ không phải là sản phẩm thuần túy, tư biện, chủ quan, hình thức và thoát ly thực tiễn. Năng lực thực tiễn hóa lý luận của Nguyễn Ái Quốc không chỉ là vận dụng, thực hành lý luận trong thực tiễn mà trước hết là nhận thức lý luận một cách thực tiễn, tác động vào thực tiễn. Với phương pháp phân tích cụ thể những tình hình cụ thể, Đường cách mệnh đã có sức thuyết phục, giáo dục mạnh mẽ, hướng dẫn, lôi cuốn nhân dân Việt Nam lựa chọn con đường giải phóng dân tộc đúng đắn.
TS. TRẦN THỊ PHÚC AN