Cuốn "Sửa đổi lối làm việc" - Những nội dung lớn về xây dựng Đảng

Bối cảnh ra đời cuốn sách

 

Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục hoàn thiện cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” không phải một văn phòng sang trọng với đầy đủ tiện nghi mà trên một ngọn đồi trong cánh rừng già thưa vắng, có tên là đồi Khau Tý thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên - nơi Bác dừng chân ngày 20-5-1947, đó là một thời điểm đặc biệt của cách mạng…

Cuốn sách được hoàn thiện vào cuối năm 1947, nghĩa là Đảng ta mới thực sự nắm quyền được 2 năm. Và, sau 2 nắm cầm quyền, Đảng đã lãnh đạo chính quyền đưa cách mạng Việt Nam vượt qua khỏi tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Vừa củng cổ, phát triển Đảng, xây dựng chính quyền non trẻ, phát triển lực lượng cách mạng, vừa phải đẩy lùi giặc dốt, giặc đói, loại bỏ một số kẻ thù, phát động kháng chiến khi giặc Pháp quay trở lại; đưa cơ quan đầu não kháng chiến về Chiến khu Việt Bắc lãnh đạo toàn dân tộc kháng chiến chống Pháp. Cũng chỉ 2 năm đó, Bác Hồ đã phát hiện một số căn bệnh của Đảng cầm quyền mà nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây tổn hại lớn cho Đảng. Cũng thời điểm đó, nhân dân cả nước đang tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, ở một giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất, phải đập tan cuộc tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp với hơn 12.000 quân, đủ các binh chủng tinh nhuệ với âm mưu tiêu diệt đầu não của cách mạng, phá tan nhà nước non trẻ. Trong cam go, lãnh tụ Hồ Chí Minh vẫn ngồi viết tác phẩm bằng trách nhiệm cao nhất trước toàn Đảng, toàn dân. Người chỉ đạo việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, nâng cao uy tín và đạo đức của Đảng trước nhân dân; đề cao và khẳng định sự gắn bó máu thịt giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Người chỉ rõ: “Trong lúc dân tộc đang ở ngã tư đường, chết hay sống, mất hay còn, mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải đem tất cả tinh thần và lực lượng ra để đưa toàn dân quay về một hướng, nhằm vào một mục đích đánh đuổi thực dân Pháp, làm cho đất nước thống nhất và độc lập. Vì vậy mỗi đồng chí và toàn cả đoàn thể phải: Sáng suốt, khôn khéo, cẩn thận, kiên quyết,  siêng năng, nhất trí. Trong lúc này, tư tưởng và hành động của mỗi đồng chí rất có quan hệ đến toàn quốc. Nếu một người sơ suất, một việc sơ suất là có thể hỏng việc to, sai một ly đi một dặm. Vì vậy chúng ta phải cương quyết sửa chữa khuyết điểm” (Thư gửi các đồng chí Bắc bộ - 1947).

Nội dung lớn trong “Sửa đổi lối làm việc”

Cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” chỉ khoảng 100 trang khổ 13cm x 19cm do Bác Hồ viết và hoàn thiện tại Đồi Khau Tý cuối năm 1947, ký tên X.Y.Z và Nhà xuất bản Sự thật in và phát hành toàn quốc đầu năm 1948. Cuốn sách nêu 6 nội dung lớn, là 6 vấn đề hệ trọng. Có vấn đề lâu dài, có vấn đề là trước mắt, có vấn đề là căn bệnh trầm kha. Sáu vấn đề đó là: Phê bình và sửa chữa; mấy điều kinh nghiệm; tư cách và đạo đức cách mạng; vấn đề cán bộ; cách lãnh đạo và chống thói ba hoa... Từ chủ đề chính là xây dựng chỉnh đốn Đảng, cuốn sách đã đề cập những vấn đề cấp bách:

Thứ nhất, Bác dạy phải nhận thức và thực hiện có hiệu quả một nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng là phê bình và tự phê bình. Phải khắc phục cho được tình trạng hữu khuynh, né tránh cũng như thiếu xây dựng trong phê bình, thiếu trung thực trong tự phê bình. Ngay trong phê bình, Bác cũng chỉ ra phương thức tổ chức, hình thức tổ chức làm sao để hiệu quả nhất. Ngay trong phê bình thì cách tiến hành phê bình phải xác định rõ mục đích của phê bình, phê bình rồi thì phải thực hiện việc phê bình đó, trong phê bình chống thói trù dập, bệnh hẹp hòi, địa phương chủ nghĩa, phê bình là động lực cho sự phát triển, chứ tuyệt nhiên phê bình không phải để hạ thấp lẫn nhau. Phê bình phải đi liền với tự phê bình. Tự phê bình phải ráo riết và lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật để tự phê bình.

Thứ hai, Bác chỉ rõ, đảng viên cán bộ phải nhận thức đúng đắn vai trò của lý luận và đổi mới việc giáo dục lý luận cho cán bộ, đảng viên; phải khắc phục cho được bệnh coi thường lý luận, lý luận suông, sách vở, giáo điều, phải học tập lý luận chính trị một cách thiết thực, tránh hình thức, qua lọa, đại khái…

Thứ ba, Người đề cao vai trò của đạo đức cách mạng và việc tư dưỡng đạo đức của cán bộ, đảng viên, khắc phục cho được các bệnh tham ô, lãng phí. Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính theo Bác không có gì khó. Tóm tắt lại có 5 điều răn: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm. Nhân - là người, đã là người thì phải hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào, chịu khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, không tham giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền; Nghĩa - là sự ngay thẳng, không làm việc gì giấu Đảng, giấu dân. Trí - là đầu óc trong sạch, sáng suốt, biết xem người, biết xem việc, biết tránh những điều có hại cho Đảng, biết cất nhắc người tốt, đề phòng người gian. Dũng - người có trí dũng, có gan làm việc, có gan sửa chữa khuyết điểm, nếu cần có gan hy sinh cả tính mạng cho Đảng, cho Tổ quốc. Liêm, là người không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham người tâng bốc mình, quang minh, chính đại. Người đảng viên cộng sản chỉ có một thứ là ham học, ham làm, ham tiến bộ.

Thứ tư, Bác chỉ ra những vấn đề thuộc về vai trò quyết định của đội ngũ cán bộ và phải đổi mới cách đánh giá bồi dưỡng và sử dụng cán bộ. Sử dụng cán bộ là sử dụng người có tài, có đức, có cách phẩm chấn cần, kiệm, liêm, chính. Những người như vậy phải được bồi dưỡng và sử dụng.

Thứ năm, vấn đề cách lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng ra quyết định đúng và kịp thời, tổ chức thực hiện đúng, khéo, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đúng đắn.

Thứ sáu, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục. Tầm quan trọng và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục mang tính thuyết phục, nhất là phải đổi mới cách nói và viết của cán bộ, đảng viên, phải khắc phục thói ba hoa, sáo rỗng, nói không đi đôi với làm.

HỮU MINH

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất