Thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, vai trò, thế mạnh của phụ nữ càng được phát huy

Hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã đạt được những thành tựu quan trọng. Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về giới, bình đẳng giới, về phụ nữ và công tác phụ nữ được nâng lên rõ rệt, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực lao động sản xuất, kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học, xã hội.

Các cấp hội phụ nữ đã nghiêm túc tổ chức quán triệt và triển khai Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị, hơn 14,2 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến về Nghị quyết, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Qua nghiên cứu, học tập đã tạo bước chuyển biến tích cực, công tác phụ vận tiếp tục đạt nhiều kết quả, hội liên hiệp phụ nữ các cấp đã tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trình độ, năng lực, vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ nữ chuyển biến về chất lượng và số lượng; có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và tinh thần trách nhiệm, luôn vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên 300 nghìn lượt cán bộ hội được tham gia các loại hình đào tạo, góp phần quan trọng vào kết quả đạt tiêu chuẩn chức danh về trình độ chuyên môn với 100% chủ tịch, trên 98% phó chủ tịch hội cấp tỉnh, 81% cán bộ chủ chốt cấp huyện có trình độ đại học trở lên, tăng 23%, 62% chủ tịch hội cấp xã có trình độ trung cấp chuyên môn, tăng 37%.

Các hoạt động xây dựng người phụ nữ Việt Nam “có sức khỏe, tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu” được cụ thể hóa trong các tiêu chí của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, 4 phẩm chất đạo đức Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang đã được lựa chọn, tuyên truyền tới cán bộ, hội viên để chị em phụ nữ học tập, rèn luyện.

Các cấp hội đã tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức hội”. Tính liên hiệp của tổ chức hội cũng từng bước được mở rộng. Tổ chức hội cơ sở được kiện toàn thống nhất theo mô hình ban chấp hành hội cơ sở - chi hội - tổ phụ nữ, trong đó chú trọng tới phát triển hội viên theo hộ gia đình, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo tham gia sinh hoạt Hội.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã hỗ trợ thành lập Hội Nữ trí thức Việt Nam, thí điểm thành lập tổ chức hội trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và phát triển các mô hình tập hợp nữ công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất. Hai năm 2011-2012 đã có 57 hội viên Hội nữ trí thức bảo vệ thành công luận án tiến sỹ, khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm vượt khó vươn lên, khẳng định vị thế phụ nữ Việt Nam trong khoa học công nghệ. Mới đây, Tập thể cán bộ nữ Trung tâm sinh học thực nghiệm thuộc Viện ứng dụng công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ và phó giáo sư, tiến sĩ Bạch Khánh Hòa, Viện Huyết học và truyền máu Trung ương vừa được trao tặng Giải thưởng Cô-va Lép- xcai-a năm 2012, tiếp tục tôn vinh, cổ vũ, khuyến khích nhiều hơn những tài năng, sức sáng tạo, sự đóng góp tích cực của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

                                  

     Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ và đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước với các tác giả nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2012.          

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc được xem là mục tiêu hướng tới của phần lớn các chương trình, hoạt động hội. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” cùng với các đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề tạo việc làm, giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt đã góp phần giúp các gia đình tăng thu nhập, giảm nghèo, nâng cao kiến thức, kỹ năng của phụ nữ. Nhiều mô hình thu hút các nhóm phụ nữ tham gia như mô hình câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, gia đình không có tệ nạn xã hội, nhóm tín dụng tiết kiệm, Trung tâm hỗ trợ kết hôn, Ngôi nhà bình yên...

Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện phản biện xã hội từ góc độ giới đối với nhiều dự thảo luật; chủ động lựa chọn và tổ chức nhiều đợt giám sát chuyên đề, qua đó phát hiện 6.221 vụ vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em và kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết được 5.557 vụ; xây dựng 17 trung tâm hỗ trợ kết hôn, 4 trung tâm hỗ trợ phụ nữ bị bạo lực, tư vấn pháp luật cho hàng nghìn lượt phụ nữ...

Nhờ chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết 11 cùng với đổi mới phương thức hoạt động, Hội LHPN Việt Nam đã thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, thiết thực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; nâng cao vị thế, phát huy tiềm năng, thế mạnh của phụ nữ góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội và bình đẳng giới, xây dựng và phát triển tổ chức hội vững mạnh.

Công tác phụ nữ là vấn đề lớn, quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị tiếp tục tạo mọi điều kiện để phụ nữ được phấn đấu, lao động và làm việc để cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội, cho đất nước. Các thế hệ phụ nữ Việt Nam luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực thi đua phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vươn lên đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tích cực tham gia toàn diện vào mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Hồng Hạnh

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất