Đại hội II Đảng Cộng sản Việt Nam- Mốc son đánh dấu sự trưởng thành của Đảng

Chặng đường 83 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam đã qua mười một kỳ đại hội. Mỗi đại hội là một mốc son quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ngay từ khi ra đời năm 1930, với đường lối đúng đắn“Làm tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”, Đảng ta đã tổ chức, lãnh đạo, cổ vũ nhân dân đấu tranh sôi nổi, rộng rãi khắp cả nước. Trải qua ba cao trào cách mạng (1930-1931), (1936-1939), đặc biệt là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng trong giai đoạn (1939-1945), đưa nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, nhiệm vụ dân chủ làm từng bước phục vụ nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đáp ứng yêu bức thiết của lịch sử và nguyện vọng của quần chúng nhân dân muốn thoát khỏi “đêm trường nô lệ”. Khi thời cơ đến, Đảng cùng toàn thể dân tộc Việt Nam vùng dậy chớp thời “cơ ngàn năm có một”, làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam châu Á.

Nhân dân ta được hưởng không khí độc lập, tự do chưa được bao lâu. Ngày 23-9-1945, được sự hà hơi tiếp sức của quân Anh, Pháp nổ súng gây hấn ở Nam Bộ, chính thức xâm lược nước ta lần thứ hai. Cả dân tộc đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, chung sức đồng lòng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Lớp lớp thanh niên lên đường “đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” tiếp tục cầm súng đứng lên đánh giặc, bảo vệ nền tự do, độc lập mà nhân dân ta vừa giành được.

Qua hơn 5 năm chiến đấu kiên cường dũng cảm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta liên tiếp giành được những thắng lợi không nhỏ. Thế và lực của dân tộc ta sau chiến thắng Việt Bắc Thu – Đông năm 1947, Biên giới Thu Đông 1950… đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và dựa vào sức mình là chính dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu. Trước yêu cầu bức thiết cuộc kháng chiến giai đoạn mới, đòi hỏi Đảng ta phải giải quyết kịp thời những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách đặt ra, tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam tiến lên phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Đáp ứng yêu cầu bức thiết của cuộc cách mạng giai đoạn mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19 tháng 2 năm 1951. Đây là đại hội của Đảng lần đầu tiên được tổ chức trong nước, tại Thủ đô kháng chiến sau 16 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam từ Đại hội lần thứ nhất tại Ma Cao – Trung Quốc năm 1935. Đại hội đã thông qua các báo cáo quan trọng: Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Báo cáo chính trị “Bàn về cách mạng Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh. Báo cáo bổ sung Điều lệ Đảng: Quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai và lấy tên là Đảng lao động Việt Nam. Nội dung của các báo cáo đã đề cập đến những vấn cốt tử của cách mạng Việt Nam giai đoạn mới, đặc biệt Đảng ta kịp thời bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân - một trong những chủ trương được thực tiễn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kiểm nghiệm là hoàn thành đúng đắn, sáng tạo, thể hiện bước trưởng thành của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Đây là một trong những dấu ấn quan trọng nhất quyết định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta (1946 – 1954).

Báo cáo chính trị “Bàn về cách mạng Việt Nam” của đồng chí Trường Chinh đã phân tích rõ tính chất của xã hội Việt Nam sau cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp là “một xã hội phức tạp và phát triển không đều, có tính chất dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến, hiện chứa nhiều mâu thuẫn: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược; mâu thuẫn giữa số đông nhân dân với địa chủ phong kiến; mâu thuẫn giữa lao động với tư bản trong nước. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc xâm lược là chính. Nó đang diễn ra dưới hình thức quyết liệt là chiến tranh”1.

Đối tượng chính gây ra tính chất phức tạp và phát triển không đều của xã hội Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược và tay sai. Vì vậy, Đảng ta xác định “kẻ thù chính của cách mạng Việt Nam là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, vì đó là lực lượng chính đang đẩy xã hội Việt Nam lùi lại. Kẻ thù cụ thể trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đế quốc Pháp, vì chúng đang trực tiếp xâm lược Việt Nam hòng đặt lại ách xưa. Kẻ thù nguy hiểm của cách mạng Việt Nam lúc này là đế quốc Mỹ, vì đế quốc Mỹ thúc đẩy giúp đỡ thực dân Pháp đánh Việt Nam, lại đang ra sức lừa phỉnh cám dỗ nhân dân Việt Nam, chuẩn bị nhảy thẳng vào Việt Nam. Kẻ thù phụ của cách mạng Việt Nam nói chung là thế lực phong kiến, lúc này là phong kiến phản động và cụ thể là các hạng bù nhìn làm chó săn cho đế quốc”2.

Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam: “Cần san phẳng tất cả cái gì ngăn cản bước tiến của xã hội Việt Nam, giải quyết mâu thuẫn giữa chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam và những lực lượng phản động, khiến cho chế độ ấy phát triển mạnh mẽ và thuận chiều tiến lên chủ nghĩa xã hội3. Muốn làm được điều đó, cách mạng Việt Nam phải “Đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược, làm cho Việt Nam hoàn toàn thống nhất và độc lập (dân tộc). Xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, làm cho người cày có ruộng, phát triển chế độ dân chủ nhân dân (dân chủ). Gây cơ sở cho chủ nghĩa xã hội”3.

Báo cáo chính trị đồng thời xác định lực lượng cách mạng thực hiện nhiệm vụ trên là giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, rồi đến giai cấp tư sản dân tộc. Ngoài ra là những cá nhân thân sĩ, địa chủ yêu nước và tiến bộ hiện đứng vào hàng ngũ nhân dân. Những giai cấp đó hợp thành cụm từ “nhân dân”, mà công nông là nền tảng. Động lực của cách mạng Việt Nam là nhân dân, chủ yếu là công nông. Giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân. Cuộc cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa do nhân dân làm động lực và giai cấp công nhân lãnh đạo.

Từ sự phân tích cụ thể tính chất xã hội, xác định đúng kẻ thù, nhiệm vụ và lực lượng của cách mạng Việt Nam, Đại hội đi đến kết luận và chỉ rõ tính chất của cuộc cách mạng mà nhân dân ta đang tiến hành là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Có nghĩa, cuộc cách mạng đó là do nhân dân Việt Nam tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm giải quyết hai nhiệm vụ: Phản đế và phản phong kiến, giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Đây là cuộc cách mạng cũng giống như các cuộc cách mạng dân chủ tư sản đã từng diễn ra trên thế giới (cách mạng Mỹ 1776, Pháp 1789...).  Nhưng cuộc cách mạng mà nhân dân Việt Nam tiến hành không phải là cuộc cách mạng dân chủ tư sản lối cũ, cũng không phải là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà “Đặc điểm của cuộc cách mạng này là làm tròn nhiệm vụ dân chủ tư sản và tiến triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, không cần phải qua một cuộc nổ bùng cách mạng, một cuộc nội chiến, và thiết lập nhân dân dân chủ chuyên chính dưới hình thức cộng hào dân chủ nhân dân, chứ không thiết lập công nông chuyên chính hình thức xôviết công nông binh”4.

Lần đầu tiên Đảng đưa ra khái niệm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân thay cho khái niệm “tư sản dân quyền” mà Cương lĩnh đầu tiên và Luận cương chính trị tháng 10-1930 xác định. Xét về bản chất không có gì khác nhau, đều là cuộc cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho dân cày.

 Song khái niệm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân bao hàm nội dung phong phú hơn, phản ánh rõ hơn tính chất, nội dung, lực lượng và mục đích của cuộc cách mạng mà nhân dân ta tiến hành, từ đó giúp mọi người Việt Nam (không phân biệt địa vị, giai cấp, tôn giáo…) hiểu đúng và tích cực góp phần sức và lực của mình, tham gia tích cực thúc đẩy cuộc kháng chiến chống Pháp nhanh chóng giành thắng lợi. Sự thay đổi này không chỉ đơn thuần là thay đổi câu chữ mà còn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp quần chúng nhân dân nắm vững vấn đề cơ bản của cách mạng, đoàn kết quyết tâm chung sức đồng lòng kháng chiến trong một mặt trận dân tộc thống nhất trên cơ sở liên minh công nông, đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến thắng lợi, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Báo cáo cũng chỉ ba giai đoạn tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là:

1. Giai đoạn tiêu diệt đế quốc xâm lược, giải phóng dân tộc, củng cố nhà nước dân chủ nhân dân.

2. Giai đoạn xoá bỏ những di tích phong kiến và nửa phong kiến, triệt để thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, hoàn chỉnh chế độ dân chủ nhân dân.

3. Giai đoạn làm xong nhiệm vụ dân chủ nhân dân, gây đầy đủ điều kiện để tiến lên CNXH5

Ba giai đoạn cách mạng không thể cùng làm một lúc. Vì không đủ sức, không đủ điều kiện. Phải làm từng việc một, xem việc nào cần thiết thì làm trước, tập trung mọi lực lượng vào mà làm, không nên phân tán lực lượng. Song ba giai đoạn cách mạng trên không có bức tường thành ngăn cách, kết thúc giai đoạn cách mạng này đồng thời cũng mở ra giai đoạn cách mạng mới.

Đây chính là bước phát triển mới, sự cụ thể hoá, phát triển mục tiêu phương hướng cách mạng của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Vì, cách mạng nước ta giai đoạn này được tiến hành trong những điều kiện lịch sử mới, khi mà chủ nghĩa xã hội đã trở thành một hệ thống trên thế giới sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại – thời đại quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Hơn nữa, cuộc cách mạng này phù hợp với đặc điểm tình hình của một nước nông nghiệp với nền kinh tế lạc hậu, kém phát triển như Việt Nam đồng thời thể hiện kết quả quá trình vận động, phát triển tư duy cách mạng của Đảng từ khi ra đời đến nay.

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ba giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng ta rất quan tâm, tập trung vào việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ cách mạng Việt Nam: Đánh đế quốc giành độc lập cho dân tộc và đánh phong kiến chia lại ruộng đất cho dân cày. Hai nhiệm vụ này được Đảng ta xác định có mối quan hệ biện chứng, tác động thúc đẩy lẫn nhau giữa nguyên tắc chiến lược và chỉ đạo chiến lược.

Về nguyên tắc: Tiếp tục thực hiện đường lối chiến lược của cách mạng trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng chỉ đạo đánh đế quốc và đánh phong kiến phải tiến hành đồng thời gắn bó chặt chẽ với nhau để giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày. Đây là nguyên tắc chiến lược “bất di bất dịch” không thay đổi trong suốt quá trình tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đánh đế quốc xâm lược thì đồng thời phải đánh đổ thế lực phong kiến phản động, vì đây là tay sai, chỗ dựa của đế quốc. Trái lại, muốn đánh đổ thế lực phong kiến phản động phải đánh đổ đế quốc xâm lược, vì đế quốc tăng cường sức mạnh cho lũ bán nước. Không thể tách rời hai nhiệm vụ này. Vì, nếu tách ra sẽ đưa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến chỗ thất bại.

Về chỉ đạo chiến lược: Đảng ta chỉ rõ, đánh đế quốc và phong kiến không nhất loạt ngang nhau. Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, đánh phong kiến làm từng bước có chương trình, kế hoạch nhằm phục vụ cho nhiệm vụ đánh đế quốc, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc bao gồm cả nhiệm vụ phản đế và phản phong. “Nhiệm vụ dân tộc và dân chủ có mối quan hệ khăng khiết với nhau. Song lúc này, phải tập trung mọi lực lượng để kháng chiến, đặng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đó là trọng tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ dân chủ cũng phải làm, nhưng chỉ có thể làm trong phạm vi không có hại mà có lợi cho việc tập trung lực lượng, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc”6.

Thực tiễn đã chứng minh: Đặt nhiệm vụ tập trung đánh đế quốc, tay sai, giải phóng dân tộc lên hàng đầu; đánh phong kiến làm từng bước phục vụ nhiệm vụ đánh đế quốc, tay sai là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo. Vì, kết quả này đã được khẳng định và đem lại kết quả to lớn của cách mạng Việt Nam trong chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược thời kỳ cách mạng (1939-1945), giành chính quyền về ta nhân dân trong cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 “long trời lở đất”. Và hai nhiệm vụ chiến lược này tiếp tục được Đảng ta kế thừa, bổ sung, phát triển lên tầm cao mới trong Đại hội lần thứ II của Đảng – nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954).

Dưới ánh sáng của Đại hội lần thứ II và các nghị quyết Trung ương tiếp theo, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành giải quyết các nhiệm vụ kinh tế, tài chính, đẩy mạnh sản xuất; đẩy mạnh đấu tranh vùng sau lưng địch tiến lên kịp với đà phát triển chung của cuộc kháng chiến. Đảng coi công tác chỉnh đảng, chỉnh quân là công tác trung tâm, có ý nghĩa trực tiếp để tăng cường sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với kháng chiến. Vì vậy, lực lượng của ta được củng cố về mọi mặt và liên tiếp mở những chiến dịch tiến công vào phòng tuyến địch ở chiến trường rừng núi, cả vùng trung du và đồng bằng nhằm phá âm mưu đẩy mạnh chiến tranh của Pháp-Mỹ, phá kế hoạch củng cố trung du và đồng bằng của địch, mở rộng khu du kích của ta, giữ vững thế chủ động chiến lược tiến công mà ta đã giành được.

Cùng với những thắng lợi to lớn trên chiến trường trong các chiến dịch (Chiến dịch Trung du, Đường số 8, Hoà Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… Đảng ta chỉ đạo: Tiêu diệt chế độ sở hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của bọn đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến sở hữu ruộng đất của địa chủ Việt Nam và ngoại kiều, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân, phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công, ruộng của đế quốc và Việt gian cho dân nghèo. Tạo thêm sức mạnh và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Giữa lúc cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân (1953-1954) bắt đầu được triển khai, Hội nghị lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp vào trung tuần 11-1953 và Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất cuả Đảng quyết định phát động quần chúng triệt để giảm tô và tiến hành cải cách ruộng đất, thực hiện khẩu hiệu: “Người cày có ruộng” trong kháng chiến; thông qua Cương lĩnh ruộng đất của Đảng. Kết quả sau một năm thực hiện nghị quyết, chúng ta đã thực hiện 5 đợt giảm tô và đợt 1 cải cách ruộng đất ở một số xã ở vùng tự do, triệt để giảm tô và chia ruộng đất cho dân cày… đã động viên tinh thần của nhân dân hậu phương, khơi dậy luồng sinh khí mới trong nhân dân lao động, cổ vũ họ hăng hái lao động sản xuất, đóng góp vượt mức sức người, sức của cho kháng chiến, đồng thời cổ vũ tinh thần của những người lính đang trực tiếp cầm súng trên chiến trường yên tâm tư tưởng, thêm nghị lực, sẵn sàng đem tinh thần và sức lực đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường cả nước trong chiến dịch Đông-Xuân mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký vào Hiệp định Giơvevơ, tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và các nước Đông Dương. Thắng lợi này đã đưa cách mạng Việt Nam bước sang trang mới, miền Bắc hoàn toàn giải phóng – chỗ dựa vật chất và tinh thần vững chắc để nhân dân ta tiếp tục cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước hơn hai thập niên gian khổ đến năm 1975 mới hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, đưa cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đại hội lần thứ II có ý nghĩa rất quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam và quyết định trực tiếp đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ Đại hội lần thứ II đến Đại hội lần thứ XI của Đảng là khoảng thời gian 60 năm. Sáu mươi năm ấy, “ý Đảng lòng dân đã thành một khối”, sức mạnh “vô địch” của dân tộc Việt Nam đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đồng thời khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Việt Nam trong cộng đồng thế giới. Đại hội lần thứ XI của Đảng tiếp tục khẳng định chân lý: Đảng ta, nhân dân ta sẽ mãi mãi đi theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác đã chọn: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” quyết tâm chung sức đồng lòng thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phạm Xuân Hữu Phạm Thị Nhung
Trường sĩ quan Lục quân  2


1 Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2001. tr.73. 2, 3 Sđd, tr. 75. 4 Sđd, tr.83. 5 Sđd, tr.88. 6 Sđd, tr.90.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất