Gần 60 năm học và làm theo lời dạy của
Người, Bệnh viện Bạch Mai trở thành một địa chỉ tin cậy của người bệnh. Giờ
đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân đến khám và hàng
trăm trong số đó phải nhập viện do tình trạng bệnh tật cần chữa trị kịp thời.
Mặc dù dưới áp lực của sự quá tải và công việc nặng nề nhưng nhiệt huyết và tâm
đức của thầy thuốc nơi đây vẫn luôn tỏa sáng, không quản ngày đêm tận tình bên
giường bệnh, chăm sóc chữa trị cho bệnh nhân. Cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp
và tấm lòng yêu thương người bệnh của những thầy thuốc, không ít bệnh nhân,
người nhà của họ đã bày tỏ lòng biết ơn đến các y, bác sỹ của Bệnh viện bằng
những vần thơ, những bức thư với lời lẽ mộc mạc chân tình hết sức xúc động.
Bệnh viện xem đó như những món quà quý giá động viên, khích lệ tinh thần cho
tập thể và các y, bác sĩ, nhân viên trong Bệnh viện.
Cụ thể hóa các chuẩn mực đạo đức
Một trong những
nội dung học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là “Nói phải đi đôi với
làm”. Nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ từ nhận thức sang hành động, Ban Chỉ đạo của
Đảng bộ Bệnh viện Bạch Mai đã bám sát sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp ủy cấp
trên, lãnh đạo việc xây dựng các tiêu chí để cụ thể hóa nội dung các chuẩn mực
đạo đức về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công, Vô tư. Trong đó, quy định về tiêu
chí Cần: 100% cán bộ lãnh đạo chủ
chốt phải có kế hoạch công tác cụ thể, thực hiện nghiêm chỉnh chức trách, nhiệm
vụ của mình, thường xuyên rút kinh nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp. Hằng tuần,
hằng tháng thực hiện giao ban lãnh đạo ở các cấp. Với đảng viên, cán bộ, viên
chức phải tự giác, sáng tạo trong chấp hành nhiệm vụ; thực hiện tốt nội quy,
quy chế của bệnh viện. Sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất khi Bệnh viện yêu
cầu. Tiêu chí về Kiệm: Xác định đúng
định mức chi tiêu nội bộ, kiểm tra công tác thanh quyết toán đúng chế độ. Kiểm
tra định mức sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, đi xe công, việc đưa đón cán
bộ lãnh đạo chủ chốt; Thực hiện nghiêm chỉnh Nghị định 43, tiến hành khoán,
quản tới các đơn vị và thường xuyên kiểm tra, giám sát. Tiêu chí Liêm chính: các chi bộ, các khoa, phòng
xây dựng nghị quyết, nhiệm vụ gắn với kiểm điểm định kỳ việc thực hiện phòng,
chống tham nhũng, lãng phí và hối lộ; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nói và
làm theo nghị quyết của Đảng; đề cao tự phê bình và phê bình, không
vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm... Về Chí công, vô tư tiêu chí này quy định: Thường xuyên chăm lo đào
tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên. Đánh giá, tuyển dụng, đề
bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật phải dân chủ, khách quan đúng quy trình.
Cán bộ, đảng viên giữ vững phẩm chất chính trị, luôn thực hiện đúng đường lối,
chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của Bệnh viện;
Thường xuyên phối hợp công tác giữa các đơn vị trong Bệnh viện.
Nhằm phục vụ
người bệnh tốt hơn, lãnh đạo bệnh viện còn mở lớp bồi dưỡng về “Quy tắc ứng xử
đạo đức công chức và văn hóa công sở” và mời giảng viên là người của Viện Quản
trị nhân lực Châu á đến trực tiếp truyền đạt. Thành phần được bồi dưỡng là toàn
thể cán bộ, viên chức, thời gian học trong 1 tuần. Năm 2010, mở lớp đầu tiên,
toàn bộ lãnh đạo Bệnh viện đi học. Các lớp sau đó dành cho cán bộ, đảng viên
tham gia. Quá trình có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ thực hiện của lãnh đạo
Bệnh viện. Nhờ đó, đã có sự chuyển biến khá tốt về phong cách, tinh thần, thái
độ phục vụ: đoàn kết nội bộ, sự cảm thông, chia sẻ những khó khăn, vất vả giữa
y bác sĩ và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tốt hơn. Thầy thuốc, các nhân viên
phục vụ mặc trang phục đúng quy định, đeo biển tên rõ ràng đã trở thành thói
quen nghề nghiệp, tạo thêm niềm tin, sự an tâm cho người bệnh.
Trong chỉ đạo
Đảng ủy yêu cầu mỗi cấp ủy viên, mỗi thành viên trong Ban Giám đốc đến lãnh đạo
các khoa, phòng phải gương mẫu trong mọi việc, từ việc nhỏ như ra khỏi phòng là
tắt điện, đến việc lớn thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Giám đốc Bệnh viện
cũng trực tiếp tham gia hiến máu nhân đạo, tham gia phong trào tình nguyện xanh,
làm sạch môi trường Bệnh viện. Đặc biệt, khi xảy ra dịch SARS, H5N1, H1N1 đồng
chí Giám đốc luôn là người trực tiếp xuống vùng dịch chỉ đạo.
Phong trào nâng
cao chất lượng khám chữa bệnh, nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh
gắn với cải cách thủ tục hành chính được cả Bệnh viện hưởng ứng. Trước đây 1
bệnh nhân từ lúc đăng ký đến khi được lĩnh thuốc phải qua 7 lần xếp hàng giờ
chỉ còn 3. Trước bệnh nhân xếp hàng nhiều giờ, nay Bệnh viện mở thêm nhiều cửa
đón tiếp (từ 16 lên 28), nên đã rút xuống mỗi lần không quá 15 phút. Nạn cò
mồi, trộm cắp trước cổng Bệnh viện nhờ chỉ đạo dẹp quyết liệt, nên đã giảm đáng
kể.
Bệnh viện Bạch
Mai cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước tạo thuận lợi cho người dân bằng cách
khám bệnh cả hai ngày nghỉ cuối tuần. Việc đi làm chủ nhật do các y, bác sĩ và
cán bộ, nhân viên tự nguyện đăng ký. 70% số thu trong ngày là dành cho những
người trực tiếp tham gia. Khoa khám bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện cũng triển
khai hoạt động tư vấn sức khỏe qua điện thoại. Người bệnh có thể gọi điện đến
để được chính các chuyên gia tư vấn hoặc nghe qua hộp thư trả lời tự động.
Qua (gọi điện, nhắn tin) hoặc qua mạng
in-tơ-nét, người bệnh có thể đặt trước lịch khám, chọn bác sĩ, chuyên gia,
chuyên khoa. Lượt khám được xếp theo thứ tự đăng ký trước sau. Nhờ đó, người
bệnh không phải mất công chờ đợi.
Trước đây, các
cửa hàng bán thuốc trong Bệnh viên của tư nhân độc quyền, họ lợi dụng bán với
giá cao bắt chẹn người bệnh, nay Đảng ủy chỉ đạo chuyên môn thu hồi lại nhà
thuốc và giao cho khoa Dược của Bệnh viện quản lý, bán thuốc theo giá quy định
của Bộ Y tế. Nhờ đó, chất lượng thuốc đảm bảo, giá cả được kiểm soát nên phục
vụ người bệnh tốt hơn, người nhà bệnh nhân yên tâm hơn.
Suy nghĩ và hành động: “Lương y như từ mẫu”
Bệnh viện Bạch
Mai là 1 trong 5 bệnh viện đầu tiên của Ngành Y tế cam kết thí điểm triển khai
“Quy tắc ứng xử nâng cao y đức trong bệnh viện”, trong đó có cam kết “cán bộ,
nhân viên y tế nói không với phong bì”. Đây là 1 trong những sự kiện y tế nổi
bật năm 2011. Tất cả cán bộ, đảng viên, công chức đều đồng tình hưởng ứng và tự
nguyện ký cam kết tại Hội nghị Cán bộ, công chức toàn Bệnh viện.
Là một trong
những cơ sở y tế đầu ngành, Bệnh viện Bạch Mai coi trọng nâng cao chất lượng
khám, chữa bệnh trên cơ sở phát triển kỹ thuật chuyên sâu mũi nhọn cứu chữa
những bệnh hiểm nghèo như đẩy mạnh mổ tim mở (là một trong những cơ sở lớn mổ
tim mở của ngành y tế); đẩy mạnh phát triển gien trị liệu, dùng tế bào gốc để
điều trị bệnh sụn vành; dùng tế bào gốc của mô mỡ để điều trị thoái hóa khớp
gối nặng; triển khai ghép tủy để điều trị bệnh ung thư máu...
Không ít những
ca bệnh hiểm nghèo đã được các “lương y như từ mẫu” ở Bệnh viện Bạch Mai cứu
chữa. Đó là trường hợp cháu Hoàng Văn Hường, 13 tuổi, dân tộc Thái, ở bản Có,
xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái). Trên đường đi học, cháu đã bị
một tai nạn nghiêm trọng. Tình trạng bệnh nhân đã vượt quá khả năng điều trị
của y tế tuyến cơ sở, cần phải chuyển lên tuyến trên. Nhưng do mất máu quá
nhiều, cháu Hường rất yếu, không còn đủ sức để chuyển về Hà Nội. Bệnh nhân có
chỉ định truyền máu, nhưng dự trữ máu của bệnh viện địa phương lại không còn.
Trong khi những người thân của cháu lại không chịu cho máu vì sợ... nhỡ Hường
chết “con ma” sẽ về bắt luôn người cho máu! Mất con này thì đẻ con khác, chứ
mình mà chết thì không được... Đây là một hủ tục đến giờ vẫn còn tồn tại trong
đồng bào Thái ở Nghĩa Lộ. Không cầm lòng nhìn người bệnh ra đi một cách đáng
tiếc và mong ước để xóa đi những quan niệm lạc hậu của người dân, bác sỹ Nguyễn
Thanh Hồi, Khoa Hô hấp của Bệnh viện Bạch Mai được luân phiên lên công tác ở
Yên Bái theo Đề án 1816 đã tình nguyện hiến cho Hường 01 đơn vị máu của chính
mình. Dòng máu của bác sỹ Hồi đã tiếp cho Hường đủ sức chuyển về Bệnh viện Bạch
Mai. Sau thời gian được điều trị nút mạch bằng X.Quang, Hường đã hoàn toàn bình
phục, rồi khỏe lại và trở về trong niềm hân hoan, sung sướng, biết ơn của gia
đình, bè bạn, thầy cô. Họ biết đến các bác sĩ “1816 Bệnh viện Bạch Mai” bác sỹ
không chỉ điều trị giỏi, mà còn hiến những giọt máu của chính mình, hỗ trợ tiền
đi đường để cứu sống người bệnh. Và từ nay, chắc hẳn những người dân địa phương
không còn ngại ngần khi cho máu cứu sống người bệnh bởi họ đã được thức tỉnh
trước nghĩa cử cao đẹp của người bác sỹ 1816! Đặc biệt, những đồng nghiệp của
Bệnh viện đa khoa Khu vực I Nghĩa Lộ thực sự cảm phục tấm gương xả thân vì
người bệnh của các bác sỹ luân phiên Bệnh viện Bạch Mai. Các đồng nghiệp chia
sẻ: “ngoài học hỏi được kiến thức chuyên môn, chúng tôi đã học được từ các bác
sĩ luân phiên của Bệnh viện Bạch Mai tác phong làm việc tích cực, khoa học và
tinh thần cống hiến hết mình cho người bệnh, cho sự nghiệp của những người
chiến sĩ áo trắng”! Chính vì vậy mà sau gần 1 năm triển khai Đề án 1816 đã có
11 tỉnh yêu cầu, đón nhận các thầy thuốc luân phiên của Bệnh viện Bạch Mai: Yên
Bái, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam
Định, Bắc Giang, Hoà Bình. Đây không chỉ là sự công nhận một chủ trương đúng
của Bộ Y tế và còn là sự ghi nhận của các đồng nghiệp địa phương với các bác sĩ
luân phiên của tuyến Trung ương.
Trường hợp cứu
bé Hoàng Thị Mận cũng khá đặc biệt. Cháu chào đời khi chưa đầy 28 tuần thai
(bình thường 38 đến 42 tuần thai) với cân nặng 650 gram. Mẹ của bé là chị Hoàng
Thị Nguyệt (Nghi Lộc, Nghệ An) đã tử vong do bị shock nhiễm khuẩn huyết nặng.
Bé được nhập viện Bạch Mai trong tình trạng rốn vừa cắt, toàn thân chưa được vệ
sinh, vẫn còn nguyên những vết máu tươi của dịch ối và dây rốn, toàn thân tím
tái do thiếu oxy; SP02 không đo được, không có phản xạ sơ sinh và trương lực
cơ, không khóc, không tự thở. Dấu hiệu sinh tồn duy nhất tại thời điểm nhập
viện là nhịp tim rời rạc (50-60 lần/phút), sau 3 tháng được cứu chữa, điều trị,
chăm sóc tận tình của các y, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, trọng lượng bé Hoàng Thị
Mận đã đạt 3.100 gram, các chỉ số đánh giá sự phát triển trong giới hạn bình
thường và được trở về nhà trong niềm hành phúc của gia đình. Đúng thời gian đó
Nghệ An, Hà Tĩnh hứng chịu trận lụt lịch sử, gia đình bé hết sức khó khăn, bệnh
viện kết hợp với các nhà hảo tâm đã miễn tất cả viện phí cho bé. Công đoàn Bệnh
viện còn có quà cho bé khi ra viện. Thành công này đã trở thành 1 trong 10 sự
kiện nhân ái của Ngành Y tế Việt Nam năm 2010.
Không hiếm
trường hợp bệnh nhân mắc bệnh hiểu nghèo, hoàn cảnh khó khăn được các khoa,
phòng của Bệnh viện vận động ủng hộ để hỗ trợ tiền điều trị như giúp tiền cho
bệnh nhân chạy thận nhân tạo ở Trung tâm Hô hấp. Khoa Nhi có cháu bé bị tim bẩm
sinh, hẹp khít van động mạch phổi cần được phẫu thuật mới sống. Do hoàn cảnh khó
khăn không có tiền mổ, gia đinh phải xin cho cháu về. Các bác sỹ cùng nhân viên
trong khoa đã đi kêu gọi giúp đỡ nên gia đình đã có tiền mổ cho cháu.
Đặc biệt vào
tháng 11 năm 2012, một bệnh nhân là chuyên gia người Nhật của Dự án Jaica, nhập
viện do bị phình tách động mạch chủ. Bệnh này ở Nhật có tới 70-75% bệnh nhân bị
tử vong. Bệnh viện Bạch Mai cho hội chẩn khẩn cấp và đưa ra phác đồ điều trị
kịp thời nên đã cứu sống được người bệnh. Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, đại diện
Jaica và vợ con của bệnh nhân đã bay từ Nhật sang để cảm ơn. Con trai bệnh nhân
xúc động nói: “Tôi yêu Việt Nam,
cảm ơn các bác sĩ Việt Nam,
mong có ngày tôi được trở lại Việt Nam”. Thực tế này khẳng định: Với
các thiết bị hiện đại, các thầy thuốc giỏi của Việt Nam có đủ khả năng chữa bệnh hiểm
nghèo cho cả người nước ngoài. Đó là niềm tự hào của Việt Nam.
Bệnh viện Bạch
Mai còn thường xuyên đưa các bác sĩ do Lãnh đạo Bệnh viện làm trưởng đoàn về
thăm, tặng quà và khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho những hộ nghèo đồng bào dân
tộc thiểu số ở những vùng còn khó khăn. Ví như giữa năm 2012 đến xã Cán Chu
Phìn cách trung tâm tỉnh lỵ Hà Giang. Đây là xã nghèo bậc nhất của Hà Giang.
Những chuyến đi như thế, các đoàn thường mang theo cả trang thiết bị hiện đại
phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị cho nhân dân như máy siêu ấm, bảng đo
thị lực, thuốc. Nhờ đó, đã phát hiện được nhiều ca bệnh nguy hiểm như sơ gan,
ung thư, u tuyến tụy, đục nhân mắt bẩm sinh và phát hiện các bệnh thường gặp về
hệ tiêu hóa, cơ, xương, khớp, da liễu… để kịp thời tư vấn cho người dân và
hướng dẫn các bác sĩ tại cơ sở tiếp tục xử lý. Đây là một trong những hoạt động
thiết thực mang ý nghĩa nhân văn hướng về cơ sở, hướng về đồng bào dân tộc
thiểu số nghèo vùng cao biên giới, giúp đồng bào được tiếp cận với trang thiết
bị hiện đại và những thầy thuốc chuyên khoa đầu ngành của Bệnh viện tuyến Trung
ương ngay tại địa bàn họ sinh sống. Đồng thời qua đó, giúp người thầy thuốc
tuyến Trung ương hiểu và chia sẻ những khó khăn vất vả của đồng nghiệp ở tuyến
cơ sở, chia sẻ, giúp đỡ những bệnh nhân nghèo với trái tim nhân hậu “lương y
như từ mẫu”.
Đảng bộ Bệnh viện Bạch Mai 23 năm liên tục đạt danh
hiệu trong sạch, vững mạnh. Đó không chỉ là sự đánh giá, ngợi khen mà là sự
khẳng định về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đối với sự phát triển của Bệnh viện,
với quá trình bồi dưỡng, nâng cao y đức của người thầy thuốc “lương y như từ
mẫu”. Xuân về, Tết đến, ấy là những ngày sum họp bên gia đình, người thân, thăm
thú bạn bè. Vậy mà không ít bệnh nhân đang điều trị do hoàn cảnh và tình trạng
bệnh tật họ không được hưởng niềm vui đó, phải ở lại đón Tết trong Bệnh viện.
Nhưng họ không cô đơn, với Bệnh viện Bạch Mai, các thầy thuốc vẫn luôn bên
người bệnh sẻ chia, động viên, chăm sóc chu đáo, tận tình trong những ngày
Xuân, mong họ vơi bớt lo âu, tin ở một năm mới vui hơn và khỏe hơn.
Như Lê