Tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ở Kiên Giang
Đồng chí Lâm Hoàng Sa, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân thường kỳ, ngày 15-3-2013.

Ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tích cực, chủ động cụ thể hóa, xây dựng thành Chương trình hành động số 19 của Tỉnh ủy, chỉ đạo các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc xây dựng chương trình hành động thực hiện cho phù hợp ở cấp mình, kịp thời chỉ đạo các ban đảng của Tỉnh ủy hướng dẫn các nội dung có liên quan làm cơ sở cho các tổ chức đảng thực hiện được thuận lợi. Đồng thời, mở các hội nghị triển khai, quán triệt nghiêm túc tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), có 99,46% đảng viên tham gia học tập, nhờ đó các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên nắm được yêu cầu, nội dung, cách làm trong quá trình tự phê bình và phê bình. Kinh nghiệm cho thấy việc làm tốt bước triển khai, quán triệt ban đầu có ý nghĩa quan trọng đến kết quả của quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết.

Công tác chuẩn bị tự phê bình và phê bình được chỉ đạo chặt chẽ, ban thường vụ các cấp ủy đều thành lập bộ phận thường trực và tổ giúp việc, gồm các đồng chí có năng lực, kinh nghiệm và trách nhiệm trong công tác xây dựng đảng. Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp bảo đảm theo quy trình, quy định của Trung ương, đã có 85 tổ chức và 26 cá nhân gửi bản góp ý cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy; có 766 tổ chức và 480 ý kiến cá nhân đóng góp cho ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc. Nhìn chung các ý kiến là thẳng thắn, có ý thức và trách nhiệm xây dựng Đảng, tập trung vào 3 nội dung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Việc tổng hợp các ý kiến bảo đảm khách quan, trung thực. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, ban thường vụ cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị đã tiếp thu nghiêm túc, đưa vào bản tự phê bình của cá nhân và tập thể. Đồng thời qua các ý kiến đóng góp đã lựa chọn ra những vấn đề  bức xúc, được dư luận quan tâm, xây dựng báo cáo giải trình làm rõ, tạo sự đồng thuận trong Đảng bộ và nhân dân. Thực tiễn cho thấy công tác chuẩn bị tích cực, chu đáo có ý nghĩa quyết định đến quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình.

Quá trình thực hiện tự phê bình và phê bình được các cấp ủy chỉ đạo chặt chẽ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã gợi ý kiểm điểm đối với 38 tập thể và 09 cán bộ thuộc diện quản lý; ban thường vụ các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc gợi ý kiểm điểm cho 252 tập thể và 185 cá nhân; các chi, đảng ủy cơ sở gợi ý kiểm điểm cho 110 tập thể và 170 cá nhân, đồng thời phân công các tổ công tác giúp Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, tham dự tự phê bình ở các cơ quan, đơn vị. Kiểm điểm tập thể trước, sau đó từng cá nhân liên hệ gắn với chức trách, nhiệm vụ được giao, bổ sung vào bản tự phê bình. Sau kết quả tự phê bình và phê bình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, nêu được 17 biểu hiện yếu kém, hạn chế cụ thể, sát với tình hình thực tế của Đảng bộ tỉnh, thông báo đến các tổ chức đảng trực thuộc làm cơ sở để liên hệ, kiểm điểm cho sâu sắc. Nổi lên của tự phê bình và phê bình lần này là thực hiện nghiêm túc, dân chủ, tích cực tham gia nhiều ý kiến đóng góp đối với tập thể và cá nhân, tập trung phân tích đi sâu, làm rõ những khuyết điểm, hạn chế. Qua Hội nghị tự phê bình và phê bình đã tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung hoàn chỉnh bản tự phê bình của cá nhân và tập thể, làm cơ sở đề ra các biện pháp khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một số nơi chưa quán triệt sâu sắc, nhận thức chưa đầy đủ tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nên trong tổ chức thực hiện còn lúng túng, chậm so với kế hoạch. Việc tổ chức lấy ý kiến còn dàn trải, các ý kiến góp ý còn nêu nhiều ưu điểm, nể nang, ngại đụng chạm, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, thủ trưởng cơ quan, đơn vị. Chất lượng kiểm điểm có mặt còn hạn chế, nhất là một số vấn đề yếu kém, bức xúc ở một số địa phương, đơn vị chưa được làm rõ, chưa gắn với khuyết điểm của tập thể lãnh đạo với vai trò, trách nhiệm của cá nhân phụ trách, việc xây dựng kế hoạch khắc phục, sửa chữa sau tự phê bình còn chung chung và chậm.

Từ kết quả trên, để phát huy ưu điểm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, không ngừng nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình của Đảng bộ, cần thực hiện một số nội dung sau:

Trước hết, cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn nữa tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), từ đó không ngừng nâng cao nhận thức, xây dựng ý thức tự giác, quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện của các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, xem tự phê bình và phê bình là nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh; là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, vũ khí sắc bén, là quy luật phát triển của Đảng bộ.

Hai là, nghiên cứu bổ sung hoàn chỉnh quy chế tự phê bình và phê bình. Hướng dẫn rõ nội dung, quy trình, phương pháp tiến hành, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, vai trò gương mẫu của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, để đưa công tác tự phê bình và phê bình của Đảng bộ ngày càng đi vào nề nếp.

Ba là, các cấp ủy đảng cần chỉ đạo chặt chẽ quá trình chuẩn bị trước, trong và sau tự phê bình. Coi trọng công tác triển khai, quán triệt, tăng cường kiểm tra việc chuẩn bị chu đáo. Chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan phối hợp kiểm tra, thanh tra, kết luận, làm rõ những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên có sai phạm, khuyết điểm. Sau tự phê bình và phê bình cần coi trọng việc khắc phục sửa chữa những khuyết điểm, hạn chế, để nâng lên chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên là vấn đề có ý nghĩa quyết định đến công tác xây dựng đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất