Về nhận thức và thực hiện nhiệm vụ thanh tra

Trong bất kỳ hoạt động lãnh đạo, quản lý nào, để thực hiện những mục tiêu đề ra thì nhất thiết phải tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra. Không có thanh tra, kiểm tra thì không có hoạt động lãnh đạo và quản lý.

1- Mục đích của thanh tra, kiểm tra

Thanh tra và kiểm tra đều có mục đích cơ bản giống nhau, để phát hiện những nhân tố tích cực, những sáng kiến của địa phương, đơn vị khi thực thi các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời phát hiện, phòng ngừa những vi phạm, góp phần thúc đẩy và hoàn thành nhiệm vụ trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Thanh tra, kiểm tra còn có tầm quan trọng đặc biệt, nhờ nó mà Đảng và Nhà nước sát thực tiễn cuộc sống, qua đó kiểm chứng những quyết định đã ban hành đúng sai thế nào, thực hiện ra sao để có cơ sở xem xét lại những chỉ thị, nghị quyết đã ban hành. Nói cách khác, thanh tra, kiểm tra giúp cho cả cơ quan hoạch định chính sách lẫn người thực thi chính sách tránh được sai lầm trong thực tiễn. Rõ ràng, thanh tra, kiểm tra không phải là những người mang sẵn một đôi giày mẫu vào thực tế để xem ở đâu có bàn chân vừa giày thì khen thưởng, ở đâu chân to hay nhỏ hơn giày mẫu thì cắt gọt cho vừa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ nếu cơ quan hoặc người đi thanh tra, kiểm tra theo cách như vậy thì họ chỉ làm vừa lòng cấp trên, chịu trách nhiệm trước cấp trên một cách thụ động, máy móc, không biết chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước thực tiễn và không giúp ích gì cho cấp trên.

Ở nước ta, theo quy định hiện hành, thanh tra và kiểm tra có chỗ khác nhau, trước hết là khác nhau về bộ máy tổ chức và quy định chức năng, nhiệm vụ. Ủy ban kiểm tra các cấp do cấp uỷ đảng cùng cấp bầu ra. Kiểm tra, giám sát “là những chức năng lãnh đạo của Đảng” (Điều 30 Điều lệ Đảng). Ủy ban kiểm tra các cấp có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Ủy ban kiểm tra làm việc theo chế độ tập thể dưới sự lãnh đạo của cấp ủy cùng cấp và sự chỉ đạo, kiểm tra của uỷ ban kiểm tra cấp trên.

Tổ chức thanh tra thuộc cơ quan hành pháp, là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, vì thế gọi là Thanh tra Chính phủ, là cơ quan giúp Chính phủ thanh tra trong lĩnh vực thực thi quyền hành pháp và thanh tra hoạt động của các cơ quan và công chức hành chính nhà nước. Thanh tra có hệ thống tổ chức theo hệ thống hành chính bốn cấp, có chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Nội dung kiểm tra, giám sát của Đảng rộng hơn rất nhiều so với công tác thanh tra của Chính phủ vì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. ủy ban kiểm tra của Đảng tuy không có chức năng kiểm tra hoạt động của Chính phủ và cơ quan hành chính các cấp nhưng lại có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của tất cả đảng viên và tổ chức đảng theo quy định của Điều lệ Đảng. Ban Cán sự đảng Chính phủ, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Văn phòng Chính phủ cũng nằm trong sự kiểm tra, giám sát của ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tương tự, cán bộ, đảng viên và Ban Cán sự đảng của Thanh tra Chính phủ cũng chịu sự kiểm tra, giám sát theo phân cấp của hệ thống tổ chức đảng. Cần nắm vững điều này như là nguyên tắc cơ bản trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

2- Nhiệm vụ của thanh tra

Về vấn đề này, V.I.Lê-nin chỉ rõ cần làm rõ những nhiệm vụ của cơ quan thanh tra, phải nâng cao nhận thức và thực hiện những nhiệm vụ đó. Trước tiên phải cải tiến bộ máy nhà nước nói chung và bộ máy thanh tra của Chính phủ nói riêng. Người cho rằng, tuy là một việc khó, nhưng cực kỳ cấp bách khi thực hiện đường lối đổi mới. Người thừa nhận trong những năm sau Cách mạng Tháng Mười, khi bắt tay vào thực hiện chính sách kinh tế mới, thực chất là đổi mới để xây dựng CNXH, nhà nước Xô-viết, bộ máy thanh tra nhà nước vẫn chỉ “là tàn dư của thời trước, và rất hiếm được sửa đổi một cách ít nhiều đáng kể. Bộ máy ấy chỉ mới được tô điểm sơ qua bên ngoài; ngoài ra, nó vẫn là điển hình thật sự của bộ máy nhà nước cũ ở ta”(1).

Người cho rằng để thực hiện chính sách kinh tế mới (NEP) có hiệu quả thì phải cấp bách cải tổ công tác thanh tra của Nhà nước, đổi mới ngay Bộ Thanh tra dân ủy công nông. Phải giáo dục họ bỏ hẳn tính quan liêu, bệnh kiểu cách rởm, làm cho họ biết thảo luận và lắng nghe. “Chúng ta mong rằng Bộ dân ủy thanh tra công nông mới của chúng ta sẽ gạt ra xa cái tính mà người Pháp gọi là pruderie, mà chúng ta có thể gọi là kiểu cách rởm, hay phô trương; và nó rất hợp với khẩu vị của tất cả bọn quan liêu trong cả những cơ quan xô-viết lẫn những cơ quan đảng ta. Xin nói thêm, ở ta, bọn quan liêu ấy đang tồn tại không những trong các cơ quan xô-viết mà cả trong các cơ quan đảng nữa”(2). Người phê bình những người làm công tác thanh tra vì quan liêu nên không mấy thích thú, thậm chí không còn biết tự trọng để thảo luận và lắng nghe. Năm 1921, trong một bức thư ngắn với tiêu đề “Về những nhiệm vụ của Ban thanh tra công nông, về việc nhận thức và chấp hành những nhiệm vụ đó”gửi cho I.V.Xta-lin - người đang phụ trách Bộ dân ủy thanh tra công nông, Người chỉ dẫn cụ thể:

Một là, “sửa chữa một cách chính xác và kịp thời, đó là nhiệm vụ chính của Ban thanh tra công nông”(3). Theo Người, thanh tra “không chỉ có nhiệm vụ, thậm chí cũng không phải nhiệm vụ chủ yếu “tóm bắt” và “vạch mặt(4) mà đúng hơn là có nhiệm vụ biết giúp cho những cơ quan, tổ chức và cá nhân cán bộ, công chức nơi được thanh tra biết sửa chữa và sửa chữa kịp thời những sai lầm khuyết điểm nếu có. Muốn giúp người ta sửa chữa thì trước tiên người đi thanh tra phải là những người tốt, trung thực, đồng thời phải là người biết nghiên cứu, có hiểu biết công việc của cơ quan, đơn vị được thanh tra. Nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, gắn hiểu biết những quy định của pháp luật với tinh thần vận dụng sáng tạo của quần chúng, biết đối thoại và lắng nghe, lấy kết quả, thành tựu của phong trào cách mạng làm thước đo. Theo Người, chỉ có như vậy thanh tra mới làm được nhiệm vụ giúp nơi được kiểm tra “sửa chữa chính xác và kịp thời”, “muốn biết sửa chữa, trước hết phải nghiên cứu và hiểu biết... phải kịp thời tiến hành những thay đổi thực tiễn cần thiết, phải thực hiện những thay đổi đó một cách thực tế”(5). Như vậy nhiệm vụ chính của thanh tra là giúp sửa chữa, là tiến hành thay đổi theo hướng đúng đắn, tiến bộ một cách thực tế chứ không chỉ là “tóm bắt” tình hình một cách chủ quan, phiến diện để “ vạch mặt”. Để làm tròn nhiệm vụ khó khăn nhưng hữu ích ấy thì chính bản thân Bộ Thanh tra công nông có nhiệm vụ là phải đào tạo được cho mình “một nhóm những người lãnh đạo có kinh nghiệm và có tài năng, có thể đặt được vấn đề (khi mà các vấn đề được đặt ra một cách chính xác và đúng đắn, thì ngay việc đặt ra những vấn đề đó cũng quyết định sự thắng lợi của việc kiểm soát và cũng đem lại khả năng sửa chữa) - hướng dẫn được việc kiểm soát và việc thanh tra - kiểm nghiệm được sửa chữa...”(6).

Hai là, Bộ Thanh tra dân ủy công nông phải biết tổ chức chế độ báo cáo phản ánh được trung thực tình hình thực tế. “Phải hiểu và nghiên cứu kỹ công tác đó; nó phải biết tiến hành kiểm tra trong một thời gian ngắn... xem chế độ báo cáo đã được tổ chức chưa, có làm được đúng đắn không, có những khuyết điểm gì, làm thế nào để sửa chữa những khuyết điểm đó...”(7). Lãnh đạo cơ quan thanh tra phải biết ở đâu đã báo cáo trung thực và ở đâu còn tùy tiện, luộm thuộm và giả dối. Đó là một việc chủ yếu của công tác thanh tra. “Nhưng chính về vấn đề chủ yếu này, Ban thanh tra công nông không thể chỉ đưa ra trong bản báo cáo của mình luận điểm là: “chế độ báo cáo kém, không có chế độ báo cáo”. Vậy các đồng chí trong Ban thanh tra công nông đã làm gì để sửa chữa việc tổ chức chế độ báo cáo?... Ban thanh tra công nông có làm tròn nhiệm vụ và bổn phận của mình không? Nó có hiểu rõ nhiệm vụ của nó không? Đó là vấn đề chủ yếu. Và đối với vấn đề này, người ta đã buộc phải trả lời rằng: không”(8).

Người chỉ rõ: “Trong Ban thanh tra công nông cần lựa chọn lấy vài ba cán bộ tuyệt đối trung thực, tinh tường và có nhiều kinh nghiệm, ít ra là 2 hay 3 người (chắc chắn là sẽ tìm được thôi) và bảo họ vạch ra một kế hoạch công tác hợp lý của việc kiểm tra, để ít ra là bắt đầu tiến hành chế độ báo cáo. Tốt hơn là nên làm ít thôi, nhưng làm cho đến nơi, đến chốn”(9). Phải chăng chỉ dẫn ấy rất cần đối với công tác thanh tra của ta hiện nay?

3- Thái độ của thanh tra

V.I.Lê-nin cho rằng Bộ dân ủy thanh tra công nông phải rèn cho mình thói quen luôn biết thảo luận, lắng nghe và biết suy nghĩ chín chắn trước khi hành động. Người nói, chỉ có thế chúng ta mới làm cho “Bộ dân ủy thanh tra công nông, công cụ để cải tiến của bộ máy của ta, thành một cơ quan thực sự gương mẫu. Muốn cho bộ dân ủy đó có thể đạt được trình độ mong muốn phải giữ vững quy tắc: chỉ hành động khi đã suy nghĩ chín chắn. Muốn thế, cái gì thật sự là ưu tú trong chế độ xã hội của chúng ta phải được đem sử dụng một cách hết sức thận trọng, có suy nghĩ với một sự am hiểu cặn kẽ...”(10).

Trong thảo luận và lắng nghe, suy nghĩ thì trước tiên là phải biết kết hợp giữa thanh tra của Chính phủ với kiểm tra của Đảng. Người cho rằng, sự kết hợp đó “sẽ ghi thêm được nhiều thành tích oanh liệt của “những viên thanh tra” và “những viên kiểm tra” sau này của chúng ta...”(11). Người phê bình cả Bộ Chính trị không chú ý thảo luận nghiêm túc trên quan điểm của Đảng về lợi ích thực tế của sự kết hợp giữa công tác thanh tra của Chính phủ và kiểm tra của Đảng. Một câu hỏi không phải là không có câu trả lời rõ ràng chính xác từ thực tiễn mà Lê-nin đã nêu ra cho những đảng cộng sản cầm quyền rằng: “Phải chăng sự kết hợp linh hoạt của yếu tố chính quyền với yếu tố đảng lại không phải là một nguồn sức mạnh phi thường trong chính sách của chúng ta?”(12). Thiết nghĩ, những chỉ dẫn nói trên của V.I.Lê-nin còn nguyên giá trị và tựa như Người đang nói về một vấn đề cụ thể nhưng quan trọng và cấp bách là công tác thanh tra, kiểm tra của Đảng và Nhà nước ta hiện nay vậy.

4- Chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về công tác thanh tra

Năm 1960, Bác nói chuyện trực tiếp với Hội nghị cán bộ thanh tra. Người dặn Ban thanh tra cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu đang nổi lên cần khắc phục. Cụ thể khi đó và cả hiện nay là thanh tra chống lãng phí, tham ô. Theo Bác, thanh tra tìm ra sai lầm, khuyết điểm không chỉ nhằm để báo cáo cấp trên mà quan trọng là phải bàn bạc, thảo luận giúp đỡ cho địa phương, cơ sở sửa chữa, khắc phục. Đây là chỉ dẫn quan trọng của Người hoàn toàn trùng với chỉ dẫn của V.I.Lê-nin. Bác viết như sau: “Phát hiện ra những việc lãng phí, tham ô, chẳng những cần báo cáo với Trung ương và Chính phủ giải quyết mà còn phải giúp cho cấp lãnh đạo địa phương tìm ra những biện pháp để tích cực chống lãng phí, tham ô”(13).

Tìm trong di sản tư tưởng của các nhà kinh điển cho ta nhận thức rằng, mục đích cơ bản của thanh tra là xây dựng, là giúp đỡ, là làm cho cấp lãnh đạo địa phương biết khắc phục sai lầm, khuyết điểm để đưa phong trào cách mạng ở địa phương tiếp tục tiến lên chứ không phải là “ tóm bắt” và “ vạch mặt”, là vội vàng đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng gây hoang mang trong dân chúng ở địa phương. Điều quan trọng chúng ta cần rút ra là: không chỉ học tập tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh mà còn học tập cả tác phong làm việc thận trọng, sâu sát, cân nhắc trước khi phát ngôn của Bác. Giống như mọi văn bản chính trị, pháp luật, kết luận của cơ quan thanh tra cần thể hiện lời dạy của Bác: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng... Khi viết, khi nói phải luôn luôn làm thế nào... cho quần chúng đều hiểu, đều tin, đều quyết tâm theo lời kêu gọi của mình... Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Trước khi nói, phải nghĩ cho chín... Sau khi viết rồi, phải xem đi, xem lại ba, bốn lần. Nếu là một tài liệu quan trọng, phải xem đi xem lại chín mười lần”(14). Thiết nghĩ, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh là học để làm người, làm việc, làm cán bộ từ trong những công việc cụ thể hằng ngày như thế.

-----------------------

(1) V.I.Lê-nin, toàn tập, NXB Tiến bộ, M.1978, t.45, tr.435. (2) Sđd, t.45, tr.451. (3) Sđd, t.44, tr.157. (4) Sđd, tr.157. (5) Sđd. t.44, tr.157. (6) Sđd, tr.157. (7) Sđd, tr.158. (8) Sđd, tr.159-160. (9) Sđd, tr.163-164. (10) Sđd, t.45, tr. 444. (11) Sđd, t.45, tr.452. (12) Sđd, tr.452. (13) Hồ Chí Minh, toàn tập, NXB Sự Thật, H.1996, t.10, tr.81. (14) Sđd, t.5, tr.306.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất